Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Chiến tranh cường độ cao : Pháp có đủ sức chống chọi lâu dài ?

Đăng ngày:

Cuộc xung đột tại Ukraina khiến giới quân sự Pháp lo lắng khi chợt nhận ra những thiếu hụt nghiêm trọng trong nhiều mặt. Một báo cáo gần đây còn đưa ra một kết luận cay đắng : Nếu một cuộc đại chiến nổ ra, quân đội Pháp « có nguy cơ thất thủ » chỉ sau vài ngày.

Chiến đấu cơ Rafale của không quân Pháp.
Chiến đấu cơ Rafale của không quân Pháp. © RFI/Olivier Fourt
Quảng cáo

Pháp đã gởi đến Ukraina những loại vũ khí gì trong khi bản thân quân đội Pháp cũng đang vất vả trang bị cho chính binh sĩ của mình ? Theo điều tra của đài phát thanh France Inter, câu hỏi này thật khó trả lời. Không như nhiều nước châu Âu khác hay Hoa Kỳ, đã quyết định công bố chính thức các loại vũ khí cung cấp cho Ukraina, Pháp lại xếp những danh mục này vào diện « bí mật quốc phòng ».

Chiến tranh cường độ cao : Pháp chỉ cầm cự được vài ngày ?

Tuy nhiên, qua các phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ, người ta biết rằng Pháp đã gởi cho Ukraina 18 khẩu pháo Caesar, lấy từ kho dự trữ hạn hẹp vốn chỉ có 76 chiếc. Trước đó, Paris còn cung cấp cho Kiev nhiều loại tên lửa chống tăng và xe bọc thép được giao hồi mùa hè 2022, cũng như là nhiều loại trang thiết bị khác như mũ, áo chống đạn… Tất cả những trang thiết bị này đều được trích ra từ kho dự trữ của Pháp.

Bên cạnh số vũ khí viện trợ cho Ukraina, còn phải tính đến những trang thiết bị quân sự được sử dụng trong những chiến dịch bên ngoài lãnh thổ như tại châu Phi chẳng hạn. Điều này có thể khiến quân đội Pháp phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhiều loại vũ khí, đạn dược, để huấn luyện binh sĩ.

Trong phiên điều trần ngày 13/07/2022 trước Ủy ban Quốc Phòng tại Quốc Hội, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Thierry Burkhard thẳng thắn mô tả hiện trạng các binh chủng như sau : « Khả năng trở thành một lực lượng viễn chinh không làm cho chúng ta có đủ năng lực để tiến hành một cuộc chiến cường độ cao. Việc thay đổi quy mô và hồi phục lại những năng lực mà chúng ta đã làm lu mờ là những thách thức lớn. »

Vì đâu nên nỗi ?

Mọi sự bắt nguồn từ một quyết định « lịch sử » được nhiều đời chính phủ Pháp liên tục thực hiện từ 30 năm qua. Một chính sách có thể được tóm gọn trong một công thức do cựu thủ tướng Pháp Laurent Fabius đưa ra hồi năm 1990. Pháp đang « chạm đến những món lợi của hòa bình » theo như giải thích của nhà nghiên cứu Elie Tenenbaum, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về An ninh, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, trên đài France Inter: 

« Từ những năm 1990, người ta nhận thấy là bộ máy quân sự của chúng ta, kế thừa từ thời Chiến Tranh Lạnh không còn phù hợp với một môi trường hòa bình. Bóng ma của một cuộc chiến lớn với một đại cường dường như đã được xua tan. Do vậy, một số thay đổi đã được khởi động năm 1991. Chẳng hạn như từ 1350 xe tăng chiến đấu trong bộ binh vào năm 1991, nay chúng ta chỉ còn 220 và mục tiêu cho năm 2030 là 200 chiếc. Tương tự như vậy, số chiến đấu cơ đã giảm mạnh từ 700 chiếc trong năm 1991 xuống còn chưa tới 250 chiếc máy bay. »

Không những kho vũ khí của Pháp bị suy sụp mà quân số cũng giảm mất 30% trong vòng ba thập niên. Báo Pháp L’Opinion ngày 06/10/2022 dẫn các tuyên bố của bộ tham mưu quân đội Pháp khẳng định, với khả năng triển khai binh sĩ hiện nay, quân đội Pháp chỉ có thể phòng thủ được trên một chiến tuyến dài khoảng 83 km. Ước tính này chỉ mới liên quan đến bộ binh.

Cũng trong ba thập niên này, ngân sách quốc phòng của Pháp giảm hơn gấp hai lần từ mức 4% của GDP (trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh) xuống còn có 1,5% dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy (2007 – 2012). Hệ quả là ngày nay Pháp thiếu đạn dược tại nhiều trại huấn luyện. Các binh sĩ không thể bắn đạn thật nhiều như họ muốn. Nếu xung đột xảy ra, đây rõ ràng là một nguy cơ lớn, theo như chỉ trích của nghị sĩ đảng Những Người Cộng Hòa (LR) Jean-Louis Thieriot trong một báo cáo công bố hồi tháng 2/2022:

« Rõ ràng là chúng ta không có đủ khả năng cầm cự lâu dài. Trong trường hợp tốt nhất, chúng tôi có thể nói sau một vài tuần, là chúng ta sẽ gặp khó khăn. Và điều cần phải lưu ý là khoảng thời gian giữa đặt và nhận trang thiết bị sẽ là dài, thậm chí là rất lâu, đặc biệt là trong thời chiến. Hiện nay, một quả đạn cối 155 ly giữa đơn đặt hàng và giao hàng phải mất một năm, một tên lửa là ba năm và một chiến đấu cơ Rafale thì cần đến bốn năm. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang gặp vấn đề chung là vừa phải có đủ kho dự trữ cho ngay từ đầu một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, vừa phải có khả năng tái lập kho dự trữ để có thể cầm cự lâu dài. »

Pháp và quân đội « bonsai »

Ngoài vấn đề lập kho dự trữ, Pháp còn phải đối mặt với tình trạng chậm trễ trong công nghệ. Trong khi Pháp cũng như nhiều nước châu Âu khác, theo xu hướng chung, giảm mạnh chi tiêu quốc phòng, thì nhiều cường quốc khác như Trung Quốc, Nga hay Mỹ tiếp tục gia tăng đầu tư. Sự chênh lệch về công nghệ có thể thấy rất rõ khi so sánh giữa hai loại vũ khí, dàn phóng rốc-kết LRU của Pháp, có tầm bắn 90 km, trong khi tên lửa Himars của Mỹ có thể nhắm đến các mục tiêu ở xa 300 km.

Cựu nghị sĩ François Cornut-Gentille trên đài France Inter còn lấy làm tiếc rằng Pháp đã bỏ lỡ bước ngoặt phát triển công nghệ drone. Ông nói : « Người ta cứ nói là phải chế tạo drone, nhưng trên thực tế chúng không được cả quân đội Pháp lẫn các nhà công nghiệp quan tâm đến. Họ cứ nghĩ chúng đơn giản chỉ là những món đồ chơi, trong khi thiết bị này đang làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của chiến trường. »

Về mặt chính thức, Pháp có một mô hình quân đội « đầy đủ » so với các nước láng giềng, nghĩa là có đủ tất cả các kiểu khí tài phục vụ cho ba binh chủng không quân, hải quân và bộ binh. Nhưng điều nghịch lý là, để bảo đảm cho việc phòng thủ, Pháp vẫn lệ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ từ nước ngoài, do mỗi thứ Pháp chỉ có một ít. Ông François Cornut-Gentille, giải thích tiếp :

« Đối với những chiến dịch quân sự tại châu Phi, như Barkhane chẳng hạn, tôi đã từng lập một báo cáo để chỉ ra rằng tự chủ chiến lược trong thực tế là không thể. Để vận chuyển thiết bị tại châu Phi, chúng ta lệ thuộc hoàn toàn vào các hãng của Nga và Ukraina. Khi đó, tôi đã nghĩ rằng điều này sẽ đặt ra nhiều vấn đề về sự độc lập, cũng như là sự bảo mật nữa. Chúng ta đã thấy vai trò quan trọng của hậu cần tại Ukraina rồi đấy. Nếu hậu cần không vận hành tốt thì quân đội cũng không tiến xa hơn được. Ở đây, chúng ta có những kẽ hở lớn về điều này. »

Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 đã là một cú sốc mạnh. Trước mối đe dọa từ Nga, từ năm 2017, chính phủ tổng thống Macron đã đề ra đạo luật kế hoạch hóa quân sự cho 2017, dự trù các mức tăng quốc phòng ban đầu là 1,7 tỷ euro mỗi năm cho giai đoạn 2017-2022, rồi 3 tỷ euro mỗi năm cho đến năm 2025, để cuối cùng đạt mức 50 tỷ euro cho quốc phòng, tức khoảng 2% của GDP, như yêu cầu của NATO và Mỹ từ nhiều năm qua. 

Chỉ có điều, như quan sát của nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp Elie Tenenbaum, trong nhiều năm liền, ngân sách cho quốc phòng thấp đến mức mà bây giờ khoản tăng này chỉ đủ để lấp các lỗ hổng, hơn là đầu tư cho những trang thiết bị mới:

« Có một mục tiêu sửa chữa những khoản không chi tiêu nếu tôi có thể nói là đã có trong suốt những năm qua. Quý vị đã có các loại phương tiện cơ động của quân đội mà tuổi đời trung bình là hơn 40 năm, nhưng quân đội đã đẩy lùi quá trình hiện đại hóa và dần dần chúng ta đã hoãn điều được gọi là "khối u ngân sách", vốn dĩ mỗi năm một phình to. Kết quả đương nhiên là giờ phải lấp khối u và sửa chữa chúng ».

Quân đội Pháp thiếu chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn

Những năm gần đây, Pháp bắt đầu có nhiều chương trình đổi mới, hiện đại hóa quân đội, như chương trình Scorpion cho bộ binh, đầu tư thế hệ tầu ngầm hạt nhân mới và thay nhiều chiến đấu cơ Mirage 2000 bằng các chiếc Rafale tân tiến. Nhưng những chương trình đổi mới này vẫn còn khá khiêm tốn, không cung cấp thêm được nhiều thứ mới cho kho vũ khí.

Theo nghị sĩ đảng Những Người Cộng Hòa (LR) Jean-Louis Thiériot, tình trạng này cho thấy nước Pháp thiếu chuẩn bị và có lẽ khó tự vệ trong một cuộc xung đột có cường độ cao. Và điều này đã được khẳng định qua hai bài tập mô phỏng các cuộc xung đột trên thế giới được tiến hành hồi năm 2021.

Bài tập thứ nhất có tên gọi là Warfighter, được tổ chức cùng với Mỹ và Anh, liên quan đến bộ binh. Bài tập thứ hai là Polaris 21, bao gồm Hải – Không quân. Jean-Louis Thiériot khẳng định những đợt thao dợt liên quân này đã làm lộ rõ những hạn chế của quân đội Pháp:

« Warfighter đã cho thấy là trong một tuần đối đầu cường độ cao, chúng ta có nguy cơ bị tổn thất từ 800 – 1000 người do bị chết hay bị thương. Đạn dược trong kho gần như bằng 0. Như vậy có nghĩa là qua cuộc tập trận này, người ta nhận thấy, do thiếu đạn dược và số thiết bị hư hại, sư đoàn Pháp sau một tuần hoạt động rất tốt đã rơi vào tình trạng không thể khai thác sự đột phá của mình. Về phần bài tập Polaris, chúng ta có 3 hay 4 chiếc tầu bị đánh chìm, bởi vì một khi đã bắn hết đạn, con tầu trên biển chỉ còn là chiếc vỏ không, cạn đạn dược, vô hình chung trở thành một đích ngắm ».

Biên bản tường thuật về cuộc tập trận Polaris của Ủy ban Quốc phòng các lực lượng quân đội ngày 16/02/2022, còn cho thấy tình trạng thảm hại tương tự đối với không quân. Nếu mô phỏng theo các cuộc không chiến lớn như cuộc chiến Kippur giữa Ả Rập – Israel (1973) hay cuộc xung đột Falkland giữa Achentina và Anh Quốc (1982), « điều hiển nhiên là đội tiêm kích của Pháp có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn trong vòng 5 ngày. »

Trong bức tranh ảm đạm này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất nhiều và nhanh hơn nữa. Chỉ có điều, giữa lời nói và hành động luôn có một khoảng cách lớn. Làm thế nào thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng để lấp những lỗ hổng cho quân đội, đó còn là một bài toán đau đầu khác cho chính phủ Pháp !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.