Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Vụ tấn công Makiivka : Nga cải cách quân đội không đến nơi đến chốn ?

Đăng ngày:

Ngày 11/01/2023, Matxcơva thông báo bổ nhiệm tướng Valeri Guerassimov, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, làm chỉ huy chiến trường Ukraina, thay ông Serguei Sourovikine, được bổ nhiệm vào vị trí này hồi tháng 11/2022. Sự thay đổi này diễn ra sau vố đau « trời giáng » mà quân đội Nga hứng phải vào đêm giao thừa 2022 : Ukraina dùng tên lửa Himars phá tan một điểm tập trung quân ở Makiivka, khiến ít nhất 89 lính Nga thiệt mạng, theo như xác nhận từ Matxcơva.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, ở giữa, cùng với Giám đốc điều hành Kurganmashzavod Pyotr Tyukov, bên trái Medvedev, thăm Kurganmashzavod, nơi sản xuất loạt xe chiến đấu bộ binh BMP, ở Kurgan, Nga, ngày 11/11/2022.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, ở giữa, cùng với Giám đốc điều hành Kurganmashzavod Pyotr Tyukov, bên trái Medvedev, thăm Kurganmashzavod, nơi sản xuất loạt xe chiến đấu bộ binh BMP, ở Kurgan, Nga, ngày 11/11/2022. AP - Ekaterina Shtukina
Quảng cáo

Nếu như con số thương vong vẫn đang gây tranh cãi, do Kiev và các blogger Nga đưa ra con số đến khoảng 400 người chết, thì tất cả – từ phe ủng hộ chiến tranh ở Nga cho đến các nhà quan sát độc lập – đều có chung một nhận xét : Đây là một trong những đòn đánh chết người nhất mà Ukraina giáng vào quân đội Nga kể từ đầu cuộc chiến đến nay.

Quân đội Nga và ba sai lầm sơ đẳng

Sự việc quan trọng đến mức bộ Quốc Phòng Nga phải chính thức thừa nhận con số thương vong, trong khi chính quyền Nga thường xuyên giảm thiểu, thậm chí phủ nhận hoàn toàn mọi thiệt hại của quân đội Nga. Bộ tham mưu Nga cũng phải phản ứng nhanh do tấn thảm kịch này đã làm dậy sóng các trang mạng xã hội, nhất là những kẻ diều hâu nhất của giới blooger Nga đã nhân cơ hội này gia tăng chỉ trích bộ chỉ huy quân đội Nga.

Theo giải thích của tướng Dominique Trinquand, cựu trưởng đoàn phái bộ quân sự Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốcn trên kênh truyền hình France 5, vụ pháo kích của Ukraina cho thấy rõ tính chất nghiệp dư đến khó hiểu của quân đội Nga, khi chỉ ra ba sai lầm sơ đẳng mà ông cho là lỗi chỉ huy.

« Sai lầm thứ nhất là đã tập trung ngần ấy binh sĩ trong cùng một trại, cách chiến tuyến chỉ có 2 km. Khi quý vị ở vùng chiến sự, việc phân tán lực lượng là điều cần thiết. Sai lầm thứ hai là dùng điện thoại di động. Những tân binh này vẫn tưởng như còn trong đời sống dân sự, rằng họ có thể dùng điện thoại di động. Việc làm này đã tạo ra một cái mốc. Vào thời điểm quý vị tạo ra mốc cắm, thì người ta có thể xác định quý vị đang ở một địa điểm cụ thể nào. Và phía Ukraina đã tỏ ra rất hiệu quả, có khả năng dựa vào những dữ liệu địa lý để có thể phóng đi bốn tên lửa trong vòng hai phút và tiêu diệt. Lỗi thứ ba có thể xảy ra chính là để đạn dược trong tòa nhà, nghĩa là đạn dược và người lẫn lộn trong cùng một chỗ. »

Mười tháng gây chiến, cùng với những thất bại liên tiếp, cảnh tan hoang của tòa nhà đóng quân tạm bợ và số binh sĩ thiệt mạng cao chỉ trong một đòn đánh thật là thảm khốc. Cảnh tượng này còn gây ấn tượng hơn khi nó tương phản hoàn toàn với hình ảnh một đội quân Nga ngày đầu cuộc chiến : Một đội quân hùng mạnh 100 ngàn quân, dưới sự yểm trợ của 4.000 chiếc xe tăng ào ào tấn công Ukraina. Giới chuyên gia Pháp khi ấy bình luận, quân đội Nga đã « lột xác » sau 15 năm cải cách và hiện đại hóa.

Nga cải cách quân đội không đến nơi đến chốn ?

Với những thất bại quân sự liên tiếp gần đây, tổng thống Nga Vladimir Putin chợt nhận ra rằng công cuộc cải cách quân đội mà ông tiến hành từ năm 2008, và từ sau chiến dịch quân sự ở Gruzia đã hoàn toàn không mang lại kết quả, theo như nhận định từ nhà nghiên cứu về Nga, Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trên đài truyền hình France 5:

« Tôi nghĩ là tổng thống Nga đã mong đợi điều tốt hơn từ quân đội, từ cơ cấu, bộ chỉ huy, từ những loại vũ khí ma thuật nổi tiếng mà ông Putin đã cho phô bày hồi tháng 3/2018, như các loại vũ khí siêu thanh, xe tăng Armata đời mới nhất… Những thứ vũ khí được ông nhiều lần nhắc đến cuối cùng rồi không thể sản xuất hàng loạt. Thay vào đó là Nga đang nâng cấp những đời xe tăng cũ thời Xô Viết như các chiếc T-62 và T-72. Vì vậy, vẫn còn có nhiều vấn đề mà phần lớn liên quan đến tham nhũng. Người dân Nga giờ phát hiện ra rằng sức mạnh của quân đội Nga có những giới hạn. »

Hơn nữa, những yếu kém của ban chỉ huy là cố hữu trong quân đội Nga. Tướng Dominique Trinquand lưu ý quân đội Nga vốn dĩ đã có rất ít sĩ quan cấp dưới, vậy mà nhiều người trong số họ đã tử trận ngay trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến. Về điểm này, giảng viên Anna Colin Lebedev, trường đại học Paris Nanterres, chuyên gia về Ukraina và Nga hậu Xô Viết, trên đài phát thanh France Culture, khi nói về tình trạng bạo lực, nạn « ma cũ ăn hiếp ma mới » trong quân đội Nga, đánh giá đây còn là một trong số các thất bại trong công cuộc cải cách quân đội Nga:

« Quả thật đã có một sự thay đổi về nạn bạo lực và cách thức tổ chức các đội quân. Một trong số các ý định cải cách do vị bộ trưởng Quốc Phòng tiền nhiệm của ông Serguei Choigu, là muốn thành lập một hàng ngũ hạ sĩ quan. Việc bãi bỏ bộ phận này vào cuối thời kỳ Xô Viết đã dẫn đến tình trạng giữa lớp sĩ quan và các tân binh, không có người nào để ra lệnh cụ thể cho các đội quân trên địa bàn. Hơn nữa, tình trạng bạo lực giữa các tân binh còn là một cách thức quản lý trật tự trong nội bộ các lực lượng, nguồn nhân lực, và kiểm soát các đội quân. Tình trạng này không những được dung thứ, mà còn được khuyến khích ở một hình thức nào đó. »

Đây cũng chính là điểm tạo nên sự khác biệt giữa quân đội Ukraina, được cho là « yếu thế » hơn và quân đội Nga, vốn dĩ có một nguồn ngân sách đứng hàng thứ tư trên thế giới, theo như đánh giá của tướng Dominique Trinquand :

« Năm 2014, quân đội Ukraina đã được cải cách. Vị tổng tham mưu trẻ tuổi đã cho thay toàn bộ những người đứng đầu các bộ tham mưu. Ông ấy đã có được một bộ tham mưu hết sức mới. Khi tôi đến Ukraina trong những năm 2000, quân đội nước này lúc đó còn mang nặng hình thức Xô Viết. Sau năm 2014, mọi thứ đã được thay đổi. Họ có nhiều người trẻ tuổi, có khả năng thay đổi cách thức tác chiến khi học hỏi từ Mỹ, Canada, Anh, thông qua sự hiện diện đông đảo của nhiều sĩ quan kết nối, nhiều chương trình hợp tác khắp nơi. Sự thay đổi này, có từ năm 2014, giờ đang cho kết quả trên phương diện năng lực phản ứng ở cả cấp thấp nhất, trong khi phía Nga hầu như phải đợi quyết định đến từ điện Kremlin. Ở đây, có một sự cứng nhắc và do vậy khó thể phản ứng. »

« Công nghệ quân sự Nga chỉ là một huyền thoại » ?

Đương nhiên, đòn đánh này của Ukraina đã làm bùng lên những tranh cãi gay gắt ở Nga. Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ (ISW) tiết lộ, nhiều tổ chức thân điện Kremlin và giới blogger quân sự Nga nhấn mạnh đến « năng lực của Ukraina khai thác những thao tác yếu kém trên phương diện an ninh của các chiến dịch quân sự tại các đường chiến tuyến ».

Sự việc làm lộ rõ thêm một lỗ hổng khác trong quân đội Nga, mà trước cuộc chiến từng được mô tả như là một trong số các quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Khi gây chiến với Ukraina, Nga lần lượt phơi bày những yếu kém, từ mặt hậu cần, tình báo thiếu hiệu quả, chỉ huy rời rạc, trang thiết bị cũ kỹ, cho đến thiếu phối hợp liên quân. Cái chết của một tướng Nga ngay từ đầu cuộc xung đột đã từng bị quy cho việc trang thiết bị viễn thông cồng kềnh trong chiến xa, cho phép Ukraina xác định được sự hiện diện của vị tướng lĩnh này.

Sự lơ là này của một bộ phận sĩ quan Nga lại càng thêm khó hiểu, khi mà quân đội Nga cũng đã từng mắc phải những sai lầm tương tự vào đầu cuộc chiến. Xu hướng đăng ảnh của họ trên các mạng xã hội hay dùng các ứng dụng như Tinder cho phép định vị đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về đà tiến quân của Nga.

Đòn đánh ở Makiivka đã cho thấy rõ một sự khác biệt đến ngạc nhiên về công nghệ của Nga. Chuyên gia về viễn thông tại Pháp Stephane Dubreuil, khi trả lời phỏng vấn AFP, khẳng định « công nghệ quân sự Nga chỉ là một huyền thoại ». Ngay từ đầu cuộc xung đột, phía Nga đã sử dụng các loại điện thoại mã hóa, nhưng thường xuyên gặp trục trặc bởi vì đó là đời điện thoại cũ của từ những năm 1980, 1990. Và chính việc sử dụng điện thoại dân sự đã cho phép Ukraina xác định vị trí của nhóm lính Nga trong khu vực. Chuyên gia Stephane Dubreuil giải thích :

« Khi quý vị có một chiếc điện thoại cầm tay, quý vị có một con chip của nhà khai thác mạng. Con chip nhà mạng này chứa đựng nhiều thông tin, trong đó có hai thông tin quan trọng : Nhà khai thác mạng và nước xuất xứ. Nếu tôi là người Nga và tôi đi vào Ukraina, rồi tôi bắt đầu liên lạc trên mạng viễn thông của Ukraina, nhà mạng sẽ biết ngay rằng con chip này là không phải ở đây, mà đến từ một nước khác. Do vậy, đây là khả năng thứ nhất. Điểm thứ hai, chính việc định vị cho phép biết được vị trí của một người nào đó, thậm chí cả việc họ đến từ nước nào, do có rất nhiều thông tin trên mạng. »

Từ những quan sát trên, tướng Dominique Trinquand trên kênh truyền hình France 5, đưa ra một kết luận : Quân đội Nga không được chuẩn bị để gây chiến !

« Xin lưu ý một điểm : Ngày 24/02/2022, tất cả những gì đang diễn ra hiện nay là không được dự trù tới. Quân đội lẽ ra không để đi gây chiến. Họ nghĩ rằng sẽ có việc lật đổ chính phủ Ukraina với một cuộc diễu binh mừng chiến thắng tại Kiev mà không vấp phải sự phản kháng nào.

Quân đội không hề được chuẩn bị cho chiến tranh. Họ được chuẩn bị cho những cuộc thao dượt quen thuộc, hay cho các cuộc diễu binh trên Quảng Trường Đỏ. Từ năm 2008, quân đội Nga chẳng được thay đổi ngoại trừ hàng ngũ cấp cao. Các lực lượng hạt nhân và công nghệ được thay đổi, nhưng bản thân quân đội thì không. Và do vậy, quân đội Nga không có khả năng gây chiến tranh. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.