Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Đến thăm « bạn » ở Nga, Tập Cận Bình thách thức Hoa Kỳ

Đăng ngày:

Từ ngày 20-22/03/2023, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Nga cấp Nhà nước. Đây là dịp để Bắc Kinh, với một nền ngoại giao năng động, « thông minh », khẳng định vị thế trong các hồ sơ quốc tế như một « cường quốc có trách nhiệm » và đây cũng là một bài trắc nghiệm cho vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 21/03/2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, điện Kremlin, Matxcơva, Nga, ngày 21/03/2023. AP - Mikhail Tereshchenko
Quảng cáo

Thông điệp Tập Cận Bình gởi đến Biden

Cuộc gặp Tập Cận Bình và Vladimir Putin diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraina đã bước vào năm thứ hai, Matxcơva gặp khó khăn trên chiến trường, và nhất là Mỹ cùng các đồng minh gia tăng chi viện quân sự cho Kiev. Tuy nhiên, theo Alexander Korolev, chuyên gia Quan hệ Quốc tế trường đại học New South Wales (UNSW) tại Úc, một trong số các động lực chính thúc đẩy Tập Cận Bình đến thăm Nga là do mối quan hệ Mỹ - Trung mỗi lúc một xấu đi.

« Chuyến đi này của ông Tập Cận Bình diễn ra ngay sau cuộc họp AUKUS giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Úc. Và cuộc họp này đã củng cố AUKUS thành một liên minh quân sự và ngày càng có xu hướng chống Trung Quốc. Do vậy, người ta nhận thấy, liên minh AUKUS về cơ bản là để kềm hãm Trung Quốc và đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. » (ACB News ngày 20/03/2023)

Khi khẳng định một mối quan hệ « đặc biệt » với Matxcơva, ông Tập Cận Bình muốn bắn đi một thông điệp cho Washington rằng mối quan hệ Nga – Trung tuy chưa phải là quan hệ đồng minh, nhưng chí ít đó cũng là điều có thể xảy ra. Alexander Korolev giải thích tiếp :

« Thông qua hợp tác kỹ thuật quân sự chặt chẽ và qua chuyến thăm này ở vào một thời điểm quan trọng, tôi nghĩ rằng Tập Cận Bình đang gởi đi một tín hiệu : "Hãy xem, nếu quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu, thì tôi cũng không đơn độc. Tôi còn có một người bạn quan trọng và Nga là một đối tác quyền lực lớn duy nhất của Trung Quốc". Ở đây, có một kiểu vị trí dự phòng cho Trung Quốc trong kịch bản đó. Do vậy, điều này cũng giải thích vì sao Bắc Kinh vẫn luôn thân thiện với Nga bất chấp cuộc chiến xâm lược Ukraina. »

Chống Mỹ và NATO : Chiếc cầu chiến lược nối Nga và Trung Quốc

Thái độ thân thiện đó đã được bộ Ngoại Giao Trung Quốc giải thích rõ trong một thông cáo, theo đó, chuyến công du Matxcơva của ông Tập Cận Bình trải rộng trên ba chiều : « Hữu nghị, Hợp tác, Hòa bình ». Nhật báo Pháp Le Monde lưu ý, thứ tự ba từ khóa là quan trọng. Hòa bình cho Ukraina đứng sau cả mối quan hệ song phương Nga – Trung.

Tầm quan trọng của mối bang giao đó còn được ông Tập nhấn mạnh qua lời đề tựa trong một bài diễn đàn đăng ngày 20/3 trên một tờ báo Nga : « Tiến lên phía trước để mở ra một chương mới cho tình hữu nghị, sự hợp tác và phát triển chung của hai nước Nga – Trung ». Tuy luôn khẳng định « vị thế khách quan và không thiên vị », ông Tập Cận Bình xem cuộc chiến giữa Nga và Ukraina như là « một cuộc khủng hoảng Ukraina », một hình thức giải tội cho Nga, theo như nhận xét của nhật báo Pháp.

Ông Vương Văn, giáo sư Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Cửu, đại học Nhân dân Trung Hoa, trên trang mạng The Diplomat ngày 21/3, phản đối việc truyền thông phương Tây cho rằng Bắc Kinh đã « chọn phe » nhân chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình. Tác giả nhấn mạnh rằng ngoài mối quan hệ hữu hảo Nga – Trung, giữa Bắc Kinh và Kiev vẫn có một « mối quan hệ đối tác chiến lược và giao lưu hữu nghị lâu dài ».

Trung Quốc và Nga là những cường quốc toàn cầu, và do vậy, hai nước có những mối quan hệ « đặc biệt ». Trung Quốc « thông cảm » và « thấu hiểu » mối lo an ninh của Nga khi NATO không ngừng mở rộng sang phía Đông và có ý định triển khai quân, tên lửa tại Ukraina. Do vậy, theo ông Vương, chìa khóa cho nền hòa bình của Ukraina không nằm trong tay của Trung Quốc mà là từ phía Hoa Kỳ và NATO.

Lợi ích và lập trường chung về địa chính trị chính là động lực chính cho mối quan hệ chiến lược Nga – Trung. Cả hai đại cường đều cảm nhận đang bị Hoa Kỳ cùng các đồng minh ra tay kềm chế, theo như phân tích từ Wang Yiwei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu về châu Âu, trường đại học Nhân dân Trung Hoa với hãng tin Mỹ AP:

« Trung Quốc phải gần gũi với Nga nhiều hơn là vì cả hai phía đều cảm thấy các mối đe dọa chiến lược từ Mỹ và sau này là NATO hay hệ thống liên minh và việc ngăn chặn hay tách rời công nghệ cao (…) Do vậy, mối quan hệ Trung Quốc – Nga hiện nay là bình đẳng. Cả hai bên đều đề cao nguyên tắc độc lập và tự chủ, không hẳn là đồng minh. Bằng không, cả hai bên đều có thể bị bất kỳ bên nào lợi dụng và như vậy sẽ xảy ra đối đầu nhiều hơn và thậm chí là Thế chiến thứ Ba với Mỹ, hệ thống đồng minh ».

Cấp vũ khí cho Nga : Chiến lược mập mờ của Bắc Kinh

Nhưng mối quan hệ « bằng hữu thân thiết » này cũng phải phù hợp với ba tiêu chí của ông Tập Cận Bình : « Không liên minh, Không đối đầu, và Không nhắm đến bên thứ ba nào ». Theo các chuyên gia Trung Quốc về Nga được Le Monde trích dẫn, tiêu chí thứ ba, tuy ít được phương Tây để ý đến, nhưng là để nhắc khéo rằng « Trung Quốc sẽ không giao vũ khí cho người bạn thân láng giềng ».

Cây bút xã luận David Ignatius, trên tờ báo Mỹ Washington Post, lại không có cùng cách nhìn. Khi đến thăm Nga và đóng vai trò kiến tạo hòa bình, ông Tập có thể khẳng định tốt hơn vị thế của mình để thực hiện các giải pháp khác khắc nghiệt hơn nếu như Ukraina từ chối một lệnh hưu chiến. Tập Cận Bình có thể cung cấp đạn dược cho Nga với lập luận rằng ông ấy chỉ đang san bằng sân chơi. Lãnh đạo Trung Quốc có thể vận động các nước phương Nam, như Ấn Độ, Nam Phi và Brazil gây áp lực buộc Ukraina chấm dứt giao tranh.

Còn theo Nikkei Asia, thái độ mập mờ của Trung Quốc trong việc cung cấp vũ khí cho Nga là còn để mặc cả với Hoa Kỳ: Bắc Kinh sẽ hợp tác để tìm cách thoát khỏi ngõ cụt trong hồ sơ Ukraina, đổi lại Washington có những nhượng bộ về lệnh cấm xuất khẩu chip bán dẫn đối với Trung Quốc. Đây chính là một trong các yếu tố của ván cờ Munich giữa ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc Vương Nghị hồi trung tuần tháng 2/2023, bên lề hội nghị an ninh Munich, Đức.

Dẫu sao thì giới chuyên gia phương Tây đều nhận xét việc Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau sẽ là một thách thức lớn cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Sự liên kết của hai đại cường này sẽ tạo thành một năng lực lớn hơn rất nhiều, làm đối trọng với các mục tiêu của Mỹ tại Ukraina và nhiều nơi khác.

Trong ngắn hạn, đề xuất 12 điểm để giải quyết cuộc xung đột Ukraina bằng con đường chính trị sẽ đi ngược với các mục tiêu của Mỹ trừng phạt Nga vì cuộc chiến xâm lược Ukraina. Bản kế hoạch này của Bắc Kinh không những cản trở Kiev thu hồi lãnh thổ, mà còn giúp Nga khóa chặt kiểm soát những vùng đất bị chiếm đóng. Và việc Trung Quốc thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ kinh tế thương mại với Nga sẽ giúp cho chế độ Putin tiếp tục trụ vững lâu dài trong cuộc chiến này.

Sai lầm chiến lược của Mỹ

Tờ Politico của Mỹ cho rằng chuyến thăm Matxcơva của ông Tập thử thách quyết tâm của Mỹ và các nước đồng minh trong việc tiếp tục tài trợ cuộc kháng chiến chống Nga của Ukraina. Và Trung Quốc cũng sẽ hài lòng khi thấy Mỹ đang trút cạn kho vũ khí đạn dược của chính mình và như vậy sẽ lơ là với cuộc chiến thế kỷ với Trung Quốc tại châu Á.

Trở lại với bài viết của ông Vương Văn trên tờ The Diplomat. Nhà nghiên cứu Trung Quốc này kịch liệt phản đối truyền thông phương Tây « bôi nhọ » quan hệ bền chặt Nga – Trung, một mối quan hệ bình thường như với bao nước khác. Chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình là còn nhằm thúc đẩy hòa bình, đồng thời tố cáo Mỹ và các đồng minh viện trợ vũ khí làm gia tăng căng thẳng.

Chỉ có điều, như phê phán từ nhà bình luận David Ignatius, cuộc gặp Vladimir Putin – Tập Cận Bình đã làm nổi rõ sai lầm về chiến lược của Mỹ, khi phân định thế giới thành hai khối Đông – Tây. Sự trỗi dậy của ông Tập Cận Bình trong vai trò lãnh đạo một khối duy nhất Á-Âu đang đặt Hoa Kỳ trong thế lưỡng nan. Từ một thế hệ qua, chia rẽ Trung Quốc với Nga luôn là một mục tiêu cốt lõi của Mỹ trên phương diện đối ngoại. Đây cũng là lý do vì sao tổng thống Mỹ Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger trước đây đã có chuyến thăm lịch sử Bắc Kinh, gặp Mao Trạch Đông để sưởi ấm quan hệ.

Chính quyền Biden giờ lại muốn thử nghiệm mặt trái của chiến lược do Kissinger chủ xướng, sưởi ấm quan hệ với Nga để đối đầu với thách thức Trung Quốc. Nhưng rủi thay chiến lược đã thất bại và ván cờ poker bị đảo chiều. Trung Quốc của Tập Cận Bình giờ là đỉnh của tam giác Nga – Mỹ - Trung, chơi trò chia rẽ Mỹ - Nga cay đắng khi trợ giúp ông Putin mà vẫn giữ được khoảng cách an toàn, tránh các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Chiến lược này cũng đã được ông Tập Cận Bình áp dụng thành công với Iran – kẻ thù truyền kiếp của Mỹ - để hóa giải căng thẳng quan hệ giữa Teheran và Riyad gần đây.

Nhiều nhà quan sát ở Pháp cảnh báo : Nếu kế hoạch hòa bình cho Ukraina, hiện đang bị Hoa Kỳ tố cáo mạnh mẽ, được Trung Quốc một lần nữa áp dụng thành công, đây sẽ là một cơn sóng thần ngoại giao đối với Mỹ trên trường quốc tế !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.