Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Xung đột ở Gaza trắc nghiệm chiến lược "cân bằng" của Trung Quốc ở Trung Đông

Đăng ngày:

Từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc bền bỉ xây dựng một chính sách ngoại giao được cho là « cân bằng, trung lập » ở Trung Đông, nghĩa là « bạn với tất cả, không là kẻ thù của một ai ». Trong bối cảnh xung đột dữ dội giữa Israel và phe Hamas, trước các áp lực từ phương Tây và nhiều nước cũng như từ người dân trong khu vực, liệu Bắc Kinh có thể tiếp tục duy trì thế cân bằng ngoại giao này hay không ?

Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. POOL/AFP
Quảng cáo

Đối với nhiều chuyên gia Âu – Mỹ, cuộc chiến giữa Israel và phe Hamas trên dải Gaza là một bài trắc nghiệm ngoại giao lớn đầu tiên và nghiêm khắc nhất cho chiến lược Trung Đông của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trên thực tế, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đã tăng nhanh kể từ khi sáng kiến Vành đai và Con đường được hình thành cách nay 10 năm, mà đỉnh điểm là sự kiện Iran và Ả Rập Xê Út, hai cường quốc đối thủ trong khu vực, đã nối lại bang giao hồi tháng 3/2023 dưới sự trung gian hòa giải của Bắc Kinh.

Thái độ cẩn trọng luôn đứng ngoài mọi tranh chấp về địa chính trị của khu vực là một lợi thế, cho phép Bắc Kinh duy trì một mối quan hệ cân bằng và thân thiện với tất cả các cường quốc trong vùng. Một cách tiếp cận mà nhà nghiên cứu địa chính trị vùng Nam – Trung Á, Didier Chaudet, trong cuộc trả lời RFI Tiếng Việt ngày 26/10/2023, đánh giá là « khá thực dụng ».

Didier Chaudet : « Đây là một cách tiếp cận cực kỳ thực dụng. Trung Quốc có các mối quan hệ với Israel, và ngay cả với Palestine cũng như là với tất cả các nước Ả Rập lân cận, kể cả một nước như Syria, quốc gia đang gặp nhiều khó khăn lớn với Israel, bởi vì đây còn là địa bàn giao đấu gián tiếp giữa Iran và Israel. Và tất nhiên, Iran cũng là một trong số các quốc gia mà Trung Quốc có bang giao. Vì vậy, việc có nhu cầu duy trì thế cân bằng giữa các tác nhân trong khu vực là điều tất yếu. »

Xung đột ở Gaza: Quan hệ Trung Quốc–Israel bị sứt mẻ ?

Nhưng xung đột Israel – Hamas đang làm sống lại những rạn nứt cũ trong khu vực, dường như đặt Trung Quốc trong thế khó xử. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau gần hai tuần im lặng, mới có phát biểu chính thức, kêu gọi ngừng bắn và cho rằng việc thành lập « nhà nước Palestine » độc lập thông qua giải pháp « hai nhà nước » là « lối thoát cơ bản » cho xung đột.

Ông Tập không lên án Hamas, và cũng không gọi nhóm vũ trang này của người Palestine là một « tổ chức khủng bố ». Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thậm chí không nêu tên Hamas mà chỉ lên án « mọi hành vi bạo lực và tấn công nhắm vào thường dân ». Ngoại trưởng Vương Nghị chỉ trích Israel « đi quá khả năng tự vệ » và kêu gọi chấm dứt « trừng phạt tập thể đối với người dân trên dải Gaza ».

Quan điểm này của Trung Quốc về vụ tấn công kinh hoàng ngày 07/10 đã khiến giới chức và truyền thông Israel phản ứng gay gắt. Bộ Ngoại Giao Israel bày tỏ thất vọng « sâu sắc ». Ông Didier Chaudet lưu ý, cho đến lúc này, Israel gần như là một đối tác chiến lược quan trọng cho Bắc Kinh, là nguồn cung cấp công nghệ tiên tiến thiết yếu cho sự phát triển mạnh mẽ về quân sự của Trung Quốc từ hơn ba thập niên qua.

Didier Chaudet : « Điều nghịch lý ở đây là chính Mỹ và phương Tây đã tạo thuận lợi cho Israel và Trung Quốc xích lại gần nhờ vào các biện pháp trừng phạt, đặc biệt đối với tất cả những gì có liên quan đến vũ khí quân sự, đã giáng vào Trung Quốc sau biến cố Thiên An Môn. Bởi vì trên thực tế, Israel đã tận dụng khe hở này để trở thành cửa ngõ giúp Trung Quốc tiếp cận các loại vũ khí của phương Tây mà Bắc Kinh không thể tìm được ở nơi khác. Cho đến hiện nay, Israel vẫn là một đối tác hấp dẫn cho Trung Quốc trên phương diện vũ khí. Những tiến bộ to lớn trên phương diện quân sự, khí tài quân sự mà Trung Quốc đã có thể thực hiện được vào cuối những năm 1990, đầu thập niên 2000 là nhờ vào mối quan hệ Trung Quốc – Israel. »

Một số nhà quan sát cho rằng những tuyên bố trên của Bắc Kinh phản ảnh có một sự thay đổi giọng điệu, dần trượt theo hướng ủng hộ người Palestine và chỉ trích nhiều hơn Israel, mà ví dụ điển hình là vào ngày 25/10, Bắc Kinh đã dùng quyền phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc nhằm bác bỏ một đề xuất nghị quyết của Mỹ, kêu gọi hưu chiến nhân đạo. Bắc Kinh viện dẫn văn bản này đã không kêu gọi Israel dỡ bỏ tình trạng bao vây toàn diện dải Gaza.

Tuy nhiên, theo ông Didier Chaudet, nhà nghiên cứu về Nam – Trung Á, hiện là nhà tư vấn độc lập, hoạt động ở Hồng Kông, lập trường này của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột Israel – Hamas không thực sự gây ngạc nhiên. Từ trong quá khứ, với những diễn ngôn chống chủ nghĩa đế quốc, Trung Quốc luôn tìm cách thể hiện là quốc gia đi đầu của thế giới thứ ba, nhóm các nước phi liên kết, và là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất chính nghĩa của người Palestine.

Trung Quốc không chính thức coi Hezbollah hay Hamas như là những nhóm khủng bố. Bắc Kinh, dù có mối quan hệ chặt chẽ với Israel, nhưng vẫn liên tục lên án Tel Aviv vi phạm luật quốc tế, kêu gọi giải pháp « hai nhà nước ». Tuy nhiên, sự ủng hộ đó của Trung Quốc vẫn chỉ mang tính chất khoa trương, không gây ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại đang phát triển giữa hai nước.

Didier Chaudet : « Đối với Trung Quốc, khi chúng ta lắng nghe quan điểm ngoại giao gần đây, có thể thấy khá rõ là họ không ưu tiên nhắm vào Hamas mà đang nhấn mạnh đến cuộc xung đột Israel – Palestine như đúng bản chất của nó : Một cuộc xung đột không có giải pháp. Nghĩa là người Palestine thực sự không có một Nhà nước, không có khả năng có nền hòa bình, vẫn còn nhiều vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, vẫn còn nhiều khu định cư, rằng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã không được tôn trọng ».

Xung đột ở Gaza: Bắc Kinh nâng cao uy tín

Nhưng xung đột Gaza bùng nổ đang mang lại nhiều lợi ích lớn hơn cho Trung Quốc vượt ra ngoài cả vấn đề Israel–Palestine. Khủng hoảng nổ ra, nhiều nước trong khu vực và nhiều nơi khác đã gia tăng chỉ trích chính sách « nhất bên trọng, nhất bên khinh » của phương Tây trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế khi đối chiếu những áp lực của phương Tây trong cuộc chiến tranh Nga–Ukraina.

Đối với Bắc Kinh, đây là một cơ hội tốt để khẳng định hơn nữa sự khác biệt và nâng cao uy tín của mình tại nhiều nước thuộc khối phương Nam toàn cầu vốn dĩ dành nhiều thiện cảm cho lý lẽ của người Palestine, nhất là ở vùng Trung Đông, khi nhắc nhở phương Tây, hiện đang thống trị hệ thống quốc tế, là đã không tôn trọng các nghị quyết của chính mình, và chỉ trích Israel « đã đi quá xa » trong sự trả thù chống lại hành động khủng bố.

Didier Chaudet : « Đây thực sự là một phát biểu rất dễ nghe đối với nhiều người mà không hoàn toàn làm xáo trộn mối quan hệ giữa Trung Quốc và Israel về lâu dài, nhưng vẫn đồng thời ghi được điểm ở Trung Đông, kể cả trước người dân.

Bởi vì, ngay cả ở những nước khá gần gũi với Israel hay muốn hòa giải với Israel ở Trung Đông, chẳng hạn như những nước tham gia thỏa thuận Abraham, thì hiện nay, người dân ở những nước này đều có một điểm chung là họ đồng cảm với người dân ở Gaza, với những gì đang xảy ra tại chỗ, với nỗi khổ đau của người dân ở Gaza hơn là những gì đã xảy ra cho Israel.

Vì vậy, khi một cường quốc như Trung Quốc nhắc nhở rằng người dân Palestine đang chịu đau khổ và có quyền có một Nhà nước, quyền được sống trong hòa bình… thì rõ ràng Trung Quốc đang thể hiện rõ sự khác biệt so với Mỹ và thực hiện chúng một cách rất tích cực. Bởi vì, đối với Trung Quốc, đó là điều sẽ tồn tại lâu dài. »

… Hay thiếu ảnh hưởng chính trị ?

Sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ càng làm tăng thêm quan điểm của Trung Quốc rằng trật tự toàn cầu hiện nay do phương Tây lãnh đạo cần phải được định hình lại. Nhưng theo Camille Lons, chuyên gia về địa kinh tế và quan hệ Trung Quốc – Vùng Vịnh, trên trang mạng Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu, tuyên bố trên của Trung Quốc mà bà cho là « nhạt nhẽo », bộc lộ sự bất lực của nước này trước tình trạng leo thang xung đột. Các đề xuất hòa giải trước đây của Trung Quốc cho hồ sơ Israel–Palestine đã thật sự không thu hút chú ý.

Leo thang xung đột còn làm lộ rõ sự thiếu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trong khu vực. Khủng hoảng còn tái nhấn mạnh sự thống trị về địa chính trị của Mỹ ở Trung Đông khi cho điều hai hàng không mẫu hạm và một chiếc tầu ngầm đến Đông Địa Trung Hải cũng như khả năng điều 2.000 binh sĩ đến Israel. Tham gia với Mỹ, các nước Anh, Pháp, Đan Mạch và Đức cũng bố trí tầu chiến trong khu vực.

Nhận định này cũng được Thì Ân Hoằng, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại đại học Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh đồng chia sẻ khi trả lời hãng tin Mỹ AP. Chính sách Trung Đông của Bắc Kinh sẽ bị tê liệt vì chiến tranh ít nhất trong một thời gian. Ông cho rằng « Mỹ - quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Israel – có can dự ít nhiều vào cuộc chiến. Ai ở đó để lắng nghe Trung Quốc ? »

Trung Quốc cũng không mấy hứng thú giúp giảm leo thang căng thẳng. Nhà nghiên cứu Camille Lons nhắc lại, Bắc Kinh tỏ ra thờ ơ trước việc Mỹ, nhân chuyến thăm Washington của ngoại trưởng Vương Nghị, đã đề nghị Trung Quốc gây áp lực với Iran và nhiều nước Trung Đông khác để giảm bớt căng thẳng và ngăn chặn xung đột lan rộng. Bởi vì, từ quan điểm của Bắc Kinh, xung đột Israel – Palestine là một cuộc chiến do phương Tây tạo ra.

Mỹ: Yếu tố quyết định ảnh hưởng của Trung Quốc cho xung đột ?

Từ những góc nhìn này, nhà địa chính trị Didier Chaudet, trả lời RFI Tiếng Việt, không chắc chắn rằng Trung Quốc thật sự mong muốn làm trung gian hòa giải, trừ phi có sự can dự của Hoa Kỳ. Ông phân tích :

Didier Chaudet : « Quả thật, Trung Quốc là nước duy nhất có thể nói chuyện với cả Ả Rập Xê Út và Iran. Nhưng trong hồ sơ Israel–Palestine, về phía Israel, người ta không nhất thiết phải hiểu vì sao Israel muốn thảo luận về vấn đề này. Nếu như đến một lúc nào đó, người ta có thể rơi vào tình huống gần như chiến tranh khu vực, nếu như có nguy cơ chiến tranh, thì có lẽ chúng ta có thể thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ phối hợp cùng nhau để ngăn chặn chiến tranh, một cuộc chiến cục bộ.

Bởi vì, lúc ấy, cần có sự can dự của Hoa Kỳ. Vì nếu Mỹ vẫn tiếp tục nói rằng họ ủng hộ Israel dù có chuyện gì xảy ra, thì Trung Quốc đơn giản vẫn chưa thể làm được gì (…) Chỉ khi nào có nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ mà Hoa Kỳ không thể một mình nói chuyện với tất cả, thì khi ấy họ mới cầu viện đến Trung Quốc để cùng phối hợp nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở cấp độ khu vực, có nhiều rủi ro sẽ là một thảm họa cho tất cả mọi người, kể cả cho châu Âu. »

Trước khi kết thúc cuộc trao đổi với RFI Tiếng Việt, chuyên gia về Nam – Trung Á, Didier Chaudet cảnh báo thêm :

Didier Chaudet : « Đúng là ngoài những điều trên trong diễn ngôn ngoại giao của Trung Quốc, chúng ta không bao giờ quên rằng Trung Quốc có thể nói về chủ đề này hay chủ đề khác nhưng họ luôn nghĩ đến chủ đề chính của mình : Những căng thẳng với Mỹ, đó mới thật sự là cốt lõi của mọi việc. Chính vì thế tôi mới nói rằng cách thức duy nhất để Trung Quốc có ảnh hưởng đến cuộc xung đột này, theo tôi, là khi Hoa Kỳ đến tìm Trung Quốc để cầu viện sự trợ giúp của Bắc Kinh nhằm tránh xảy ra chiến tranh. »

Cuộc xung đột này sẽ tác động ra sao đối với chiến lược cân bằng của Trung Quốc tại khu vực hiện vẫn là chưa thể biết được. Bắc Kinh theo dõi sát những diễn biến trong khu vực trước hết vì những mối lo cho vấn đề an ninh năng lượng, vì Trung Đông là nguồn cung dầu hỏa lớn nhất cho ông khổng lồ châu Á. Nhưng có một điều chắc chắn, cuộc khủng hoảng này là món lộc trời ban, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Mỹ, cuộc chiến ở Gaza ít nhiều làm chuyển hướng sự chú ý của Mỹ ra khỏi vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà Bắc Kinh cho là vùng ảnh hưởng của mình.

RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Didier Chaudet, chuyên gia địa chính trị vùng Nam – Trung Á, nhà tư vấn độc lập, đã tham gia chương trình này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.