Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp: Độc giả nhí thành “thượng đế” tại Hội chợ sách báo trẻ Montreuil

Đăng ngày:

Trẻ em và những độc giả sách báo trẻ trở thành thượng đế trong sáu ngày Hội chợ sách báo trẻ Montreuil (từ 30/11 đến 05/12/2022). Hội chợ thường niên là điểm hẹn của 450 nhà xuất bản, trong đó có nhiều nhà xuất bản nhỏ. Khoảng 280 tác giả đến giao lưu với công chúng nhí và kí tặng sách.

Sách thiếu nhi được trưng bày tại Hội chợ sách báo trẻ Montreuil, Pháp, từ 30/11-05/12/2022.
Sách thiếu nhi được trưng bày tại Hội chợ sách báo trẻ Montreuil, Pháp, từ 30/11-05/12/2022. © RFI / Thu Hằng
Quảng cáo

Các nhà xuất bản như dựng cả hiệu sách trên hai tầng triển lãm. Độc giả có thể ngắm nghía, lật từng trang sách, thậm chí thoải mái đọc nếu không muốn mua. Rất nhiều nhà sách vẫn giữ truyền thống dán những mẩu giấy nhỏ nêu cảm nhận của nhân viên nhà sách đã đọc tác phẩm đó.

Khuyến khích tạo thói quen đọc cho trẻ ngay từ nhỏ

Tại những gian hàng dành cho độc giả nhỏ tuổi nhất, từ 0-3 tuổi, nhiều con thú bông, nhân vật trong những tác phẩm nổi tiếng, được đặt xen kẽ những chồng sách hoặc dựa vào kệ sách. Sách dành cho độ tuổi này luôn được cải thiện, không chỉ bắt mắt về hình thức, hình vẽ ngộ nghĩnh, mà giờ còn có thêm thú bông nhỏ gắn kèm hoặc có nhạc, tiếng nói để các bé có thể chạm vào được, cảm nhận được. Đây là đối tượng độc giả vô cùng quan trọng, theo nhận định của chuyên gia đa ngôn ngữ Virginie Kremp, nhà xuất bản Migrilude, khi trả lời RFI Tiếng Việt tại hội chợ :

« Đúng, đối với tôi, việc thu hút sự chú ý của trẻ, thậm chí là trước cả khi bé chào đời, khi còn trong bụng mẹ, là rất quan trọng bằng cách đọc to những câu chuyện để bé quen dần với tiếng mẹ đẻ. Và việc đọc truyện cho bé ngay khi mới sinh, để cho các bé cầm sách, và bố mẹ ở bên cạnh để đọc cho trẻ cũng rất hữu ích cho việc phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và óc phê phán của trẻ.

Chúng ta càng đưa ra nhiều loại sách, những câu chuyện về thế giới và diễn giải thế giới theo cách khác nhau, thì càng đánh thức được tinh thần và phát triển ý tưởng riêng cho trẻ về vạn vật. Chúng ta vẫn muốn có những cá nhân tự do, có nhận thức, suy nghĩ về thế giới xung quanh mình. Vì vậy, đối với trẻ em, sách thức tỉnh những khái niệm đó ngay từ đầu. Kể những câu chuyện cho bé là điều rất quan trọng bởi vì chúng ta đều là người kể chuyện, tất cả chúng ta đều được tạo nên từ những câu chuyện, từ những huyền thoại… Thực ra, không phải tôi nói điều đó mà là triết gia nổi tiếng Paul Ricoeur.

Kể chuyện cho bé là giúp bé xây dựng, sắp xếp trong đầu hoặc trong cuộc sống đầy biến động sau này, làm thế nào liên kết giữa việc sinh ra trên cõi đời và cuộc sống xung quanh chúng ta, đặc biệt là mang lại ý nghĩa cho cuộc sống đó. Đó là việc rất quan trọng ».  

Chuyên gia đa ngôn ngữ Virginie Kremp, nhà xuất bản Migrilude, tham gia Hội chợ sách báo trẻ Montreuil 2022.
Chuyên gia đa ngôn ngữ Virginie Kremp, nhà xuất bản Migrilude, tham gia Hội chợ sách báo trẻ Montreuil 2022. © RFI / Thu Hằng

Cuộc sống đó, thế giới đó, bạn mong muốn như thế nào ? Thế giới đã hoàn tất hay vẫn cần sáng tạo ? Khùng khùng hay thi vị ? Lộn xộn hay gọn gàng ? Trầm tư hay hư ảo ? Đó là những câu hỏi gói trong chủ đề chính « Désirs de mondes » (tạm dịch : Những ham muốn thế giới) của hội chợ sách báo trẻ Montreuil lần thứ 38.

Theo một khảo sát được CNL - Trung tâm Sách Quốc Gia Pháp và Viện Ipsos công bố tháng 03/2022, khoảng 84% thanh niên Pháp thích đọc sách, khoảng 81% trong độ tuổi từ 7 đến 25 đọc sách để giải trí với mức trung bình là 5,4 quyển/năm. Con số này khá là cao, nhưng nếu tách môi trường học đường, tỉ lệ trên giảm dưới ngưỡng 80%. Do đó, theo bà Virginie Kremp, gia đình và cha mẹ đóng vai trò rất lớn trong việc tạo thói quen cho trẻ đọc sách.

« Chúng ta chỉ có cách là khích lệ các bé đọc. Trẻ em lớn lên bằng cách bắt chước cha mẹ và những gì xảy ra xung quanh chúng. Nếu trẻ có cha mẹ siêng đọc thì các bé cũng trở thành những người đọc sách. Còn trong những gia đình không có sách hoặc không có ai đọc sách, thì cũng sẽ không có con cái chăm đọc sách. Trường học cũng có thể tạo thói quen đọc sách, nhưng đó vẫn là trường hợp đặc biệt. Vì thế, ý tưởng là giáo dục việc đọc sách và đọc những câu chuyện càng sớm càng tốt cho các bé. Đây là phương pháp phổ thông, nhưng cũng là một niềm vui kết nối giữa âm thanh, ngôn ngữ.

Tôi xuất bản nhiều sách bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để thúc đẩy tiếng mẹ đẻ, chứ không chỉ là những ngôn ngữ có nhiều người sử dụng. Chúng ta đang ở Pháp, nơi mà theo tôi, không chỉ có tiếng Pháp, mà còn có đủ kiểu tiếng mẹ đẻ khác nhau, thường được nói trong gia đình. Những ngôn ngữ đó cần được lưu giữ và duy trì. Các gia đình nên tiếp tục nói ngôn ngữ của họ. Việc có nhiều sách cho trẻ em và có nhiều hình ảnh trong đó giúp kết nối với những gì nghe được, như âm thanh, từ ngữ. Khi con người bắt đầu học đọc, học viết thì họ cũng bắt đầu mày mò tìm hiểu và hình ảnh là một công cụ hỗ trợ cho trí tưởng tượng tuyệt vời ».

Sở thích của độc giả trẻ Pháp cũng tùy theo độ tuổi. Theo thăm dò của CNL - Trung tâm Sách Quốc gia và Viện Ipsos, độc giả từ 7-19 tuổi thường đọc các thể loại truyện tranh : BD, manga, comics. Độ tuổi từ 20-25 thường đọc tiểu thuyết và truyện tranh. Trong giai đoạn phong tỏa chống dịch Covid-19, lượng độc giả tăng nhiều hơn để « giết thời gian » và cũng đọc sách điện tử nhiều hơn.

Hội chợ, nơi giao lưu, gặp gỡ tác giả

Đối với độc giả, hội chợ sách luôn là dịp đặc biệt để tiếp xúc, gặp gỡ các tác giả. Cho nên các nhà xuất bản không thể bỏ qua hoạt động này với những chương trình giao lưu, kí tặng dầy đặc. Với họ, hội chợ là dịp để giới thiệu sách mới hoặc quảng bá cho nhà xuất bản :

« Đúng thế. Nước Pháp vẫn đại diện cho một ngoại lệ văn hóa thực sự trên thế giới. Tôi đã sống ở nhiều nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và tôi thấy là Hội chợ này rất đặc biệt vì cho phép giới thiệu những tác phẩm mới, cho độc giả nhí thấy công việc sáng tạo và giúp kết nối họ với những nghệ sĩ, tác giả thường không được gặp ở hiệu sách. Đây là dịp cho công chúng đến khám phá thế giới đó, một thế giới rất đa dạng và phong phú. Đây cũng là cơ hội cho các nhà xuất bản quảng bá tác phẩm mới của họ và trao đổi. Tất cả thông qua trao đổi, qua đam mê của những con người gặp được đam mê của những người khác. Cho nên, hội chợ như vậy tồn tại là điều rất quan trọng và cần tiếp tục tồn tại ».

Độc giả đủ mọi lứa tuổi có thể tham gia những buổi đọc sách chung « Pause littéraire » hay « Lectures partagées ». Trẻ em có thể học cách đọc sách diễn cảm « nhấn nhá », đặc biệt là học lắng nghe người khác, hoặc tham gia những buổi nói chuyện, hoạt động vui chơi theo chủ đề.

Nhiều không gian được thiết kế để cả gia đình có thể nghỉ ngơi và cùng đọc sách. Hội chợ như một hiệu sách lớn, một thư viện lớn mà bất kỳ chỗ trống nào cũng có thể thành nơi nằm, ngồi đọc sách. Có lẽ với tinh thần đó, hội chợ luôn thu hút thêm nhiều khách tham quan mới: hơn 180.000 khách đã đến hội chợ trong sáu ngày.

Sách mở ra thế giới mới

Ngoài các nhà xuất bản Pháp, rất nhiều nhà xuất bản nước ngoài, thuộc khối Pháp ngữ, cũng tham gia hội chợ. Một phái đoàn các nhà xuất bản Việt Nam cũng được mời tham dự để gặp gỡ và tìm kiếm đối tác. Đối với bà Virginie Kremp, đây là cơ hội tốt để có thể gặp đối tác nước ngoài, mở rộng hoạt động.

« Tôi rất muốn có những đối tác nước ngoài và có nhà trung gian ở các nước khác vì tôi xuất bản sách bằng nhiều ngôn ngữ. Hiện giờ tôi thường phải tìm các đối tác ngôn ngữ ở Pháp, tôi làm sách với những cộng đồng ngôn ngữ. Nhưng thực sự là tôi muốn có những nhà trung gian ở nước ngoài để làm sách.

Một ngôn ngữ luôn đi kèm với một nền văn hóa. Điều đó không tách rời được. Ví dụ, tôi xuất bản cuốn sách này, có tên là France au bout des baguettes (tạm dịch : Nước Pháp trên những đầu mẩu bánh mì). Đây là một quyển song ngữ Pháp-Trung, cho thấy cái nhìn của một thiếu nữ Trung Quốc sống ở Pháp và cô ấy so sánh với Trung Quốc. Đó là điều chúng ta thường làm khi chúng ta sống giữa hai nền văn hóa, nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, chuyển từ văn hóa này sang văn hóa khác. Thế nên, họ vẫn thường nói : « Ờ, họ làm thế này, họ làm thế kia ».

Tôi rất thích phát triển mô hình đó với những quốc tịch khác, hợp tác với các nhà xuất bản nước đó. Tôi sẵn sàng làm như vậy. Quan điểm của tôi là cởi mở với người khác về thế giới và ngôn ngữ. Phải nói là tại hội chợ này, chủ yếu là sách Pháp ngữ. Vì là một nhà xuất bản rất tò mò, tôi muốn hợp tác với các nhà xuất bản nước ngoài ».

Ngoài các hội chợ sách, nơi tạo cảm hứng đọc cho độc giả trẻ, Trung tâm Sách Quốc gia Pháp muốn lan tỏa văn hóa đọc sách tới công chúng, thông qua ba hướng chính : Gia tăng các cuộc giao lưu giữa tác giả với những kiểu công chúng khác nhau ; đưa việc đọc sách báo vào trọng tâm đời sống người dân Pháp sống ở những vùng xa xôi nhất ; chia sẻ niềm vui đọc sách thông qua việc đọc to và những sự kiện mang sách ra khỏi giá.

Không dừng ở đó, từ  ngày 05/12/2022, Trung tâm Sách Quốc gia Pháp, phối hợp với trang make.org, tổ chức một cuộc tham khảo ý kiến công dân : « Làm thế nào để phát triển thú vui đọc sách của mọi người Pháp ? ». Mọi ý kiến, gợi ý đều được trân trọng và sẽ được công bố vào tháng 03/2023. Đây sẽ là nền tảng cho Trung tâm Sách Quốc Gia Pháp lập chương trình hành động cho phép hiểu hơn được mong muốn của mọi công dân.

Logo Hội chợ sách báo trẻ Montreuil 2022.
Logo Hội chợ sách báo trẻ Montreuil 2022. © SLPJ

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.