Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Ngành xuất bản Pháp bội thu nhân 50 năm tủ sách bỏ túi Folio

Tại Pháp, cứ trên ba quyển sách được bán ra là có một cuốn dưới dạng bỏ túi. Năm 2022 đánh dấu đúng 50 năm ngày thành lập tủ sách bỏ túi Folio. Trong khi quyển sách khổ nhỏ bìa mềm đầu tiên trong tủ sách ''Livre de Poche'' đã được phát hành vào năm 1953, tức cách đây gần đúng 70 năm. Cả hai đều ăn mừng trong một bối cảnh thuận lợi. Doanh thu thị trường sách bỏ túi đã tăng 29% trong năm 2021, so với năm trước.

Ảnh minh họa: Cuộc triển lãm về Sách Bỏ Túi tại Paris vào tháng Ba năm 2003.
Ảnh minh họa: Cuộc triển lãm về Sách Bỏ Túi tại Paris vào tháng Ba năm 2003. AFP / JEAN-PIERRE MULLER
Quảng cáo

Trên thị trường Pháp, hiện có hơn cả chục tủ sách bỏ túi khác nhau, hầu như nhà xuất bản nào cũng đều khai thác thêm các ấn bản của mình dưới dạng sách khổ nhỏ : 10 trên 18 centimét. Ngoài hiệu ''Livre de Poche'' (nhà xuất bản Hachette) và ''Folio'' (nhà xuất bản Gallimard), còn có các tủ sách khác đều xoay quanh khái niệm này : hai tủ sách ''10/18'' và ''Pocket'' (thuộc nhà xuất bản Editis) đều ra đời vào năm 1962, ngoài ra còn có "Pavillon Poche" của nhà xuất bản Robert Laffont.

Theo khảo sát thị trường gần đây của công ty GfK Market Intelligence Books, từ lần phát hành những quyển đầu tiên (1953) cho tới bây giờ, loại sách bỏ túi Livre de Poche đã bán được hơn một tỷ bản tại Pháp. Riêng trong năm 2021, doanh thu thị trường sách bỏ túi đã đạt mức kỷ lục 635 triệu euro. Sách khổ nhỏ không còn chỉ dành riêng cho tiểu thuyết hay truyện đọc mà còn được khai thác hầu như trong tất cả các thể loại : kiến thức phổ thông, hướng dẫn thực hành, khoa học thường thức, lịch sử địa lý, ẩm thực du lịch… Tuy nhiên trong thời gian đầu, sách bỏ túi đã được phát hành chủ yếu nhằm phổ biến rộng rãi các tác phẩm văn học cũng như dòng tiểu thuyết giải trí. 

Tủ sách bỏ túi : Vạn sự khởi đầu nan

Trong một thời gian dài, người ta nghĩ rằng sách bỏ túi chỉ thích hợp với giới học sinh sinh viên, hay thành phần độc giả không có nhiều phương tiện tài chính, nên chỉ mua các loại sách với giá mềm. Thực tế không đơn giản như vậy, sách bỏ túi nhanh chóng trở nên phổ biến trong mọi thành phần xã hội, để rồi đi vào nếp sống hàng ngày từ lúc nào không hay.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu trong khó khăn trắc trở. Quyển sách bỏ túi đầu tiên được xuất bản tại Pháp cách đây gần đúng 70 năm (1953) lại gây ra nhiều tranh cãi phản đối. Mặc dù các tập sách bìa mềm có thể gấp lại làm đôi, đã có từ thế kỷ XVII tại Pháp nhưng vào thời xưa, đó chủ yếu là những nội dung bị cấm đoán, kiểm duyệt (sách khiêu dâm, tuyên ngôn chính trị, tác phẩm trào phúng...) tập giấy thường được in khổ nhỏ để dễ chuyền tay nhau và nhất là để giấu gọn dễ dàng trong túi áo. Ngày nhà xuất bản Hachette cho ra đời tủ sách ''Livre de Poche'' diễn ra trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Đó là điểm khởi đầu cho một bước đột phá quan trọng, thay đổi sâu rộng cục diện của ngành xuất bản vài thập niên sau.

Vạn sự khởi đầu nan, nhưng trước gian nan trí đừng có nản. Trong thời gian đầu, việc khai sinh một tủ sách bỏ túi là nhờ công lao của ông Henri Filipacchi (thân phụ của Daniel Filipacchi, người điều hành tạp chí và chương trình ''Salut les Copains'' dành cho các thần tượng nhạc trẻ Pháp những năm 1960). Ông Henri Filipacchi ngoài việc thành lập Thư viện toàn tập gồm các bộ sách La Pléiade dành cho các văn hào nổi tiếng, còn đã gợi hứng từ mô hình Pocket Books năm 1939 của Mỹ (nhà xuất bản Simon & Schuster) để cho ra đời tủ sách bỏ túi ''Livre de Poche'' đầu tiên của Pháp.

Đề xuất của ông Henri Filipacchi đã được nhiều văn sĩ hưởng ứng. Các tác giả nổi tiếng như Marcel Pagnol, Jacques Prévert hay Jean Giono đều cho rằng sách bỏ túi là một trong những công cụ hữu hiệu nhất nhằm phổ biến rộng rãi các văn bản, đưa các tác phẩm văn học đến gần nhiều tầng lớp độc giả. Công chúng đã hưởng ứng các tác giả này vì nhiều tác phẩm của họ kể cả ''Le château de ma mère'' (Lâu đài của mẹ tôi) của Pagnol hay ''L'Homme qui plantait les arbres'' (Người trồng rừng) của Giono sau đó vẫn được nhiều thế hệ đọc qua sách bỏ túi, 

Sách bỏ túi : Nội dung có giá trị với giá thật mềm

Thế nhưng, cũng có nhiều tiếng nói phản đối kịch liệt sách bỏ túi. Trong số các nhà văn nổi tiếng thời bấy giờ có Henri Michaux và Julien Gracq là chống đối mạnh mẽ nhất cho rằng việc in sách bỏ túi là bước đầu đẫn đến một nền văn hóa bị "hạ thấp'', trí thức xuống cấp. Julien Gracq, tác giả của ''Le Rivage des Syrtes'' lúc còn sống sẽ không bao giờ chấp nhận để cho tác phẩm của ông được in thành dưới dạng khổ nhỏ. Trong mắt ông, sách truyện là tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sản phẩm tiêu dùng.

Người binh, kẻ chống : Henri Filipacchi nhờ biết nhìn xa trông rộng vẫn thuyết phục được nhiều nhà xuất bản quan trọng thời bấy giờ là Albin Michel, Calmann-Levy, Grasset, Gallimard, cùng hợp tác để in các tựa sách bỏ túi đầu tiên, trong đó có "Les Clefs du royaume'' của Archibald Joseph Cronin và ''Vol de nuit'' (Chuyến bay đêm) của Antoine de Saint-Exupéry. Mỗi quyển được bán với giá 2 quan Pháp, tương đương với giá vé đi tàu điện ngầm thời những năm 1950.

Với thời gian, mọi thứ giờ đây đã thay đổi. Sách bỏ túi ăn khách trước hết là nhờ giá mềm (thường rẻ hơn gấp hai hay gấp ba lần so với sách khổ lớn) cộng thêm nội dung có giá trị. Việc phát hành một tác phẩm thành sách bỏ túi có nghĩa là quyển sách có nhiều khả năng trở nên phổ biến, nếu dễ tiếp cận thì càng nhanh đến tận tay giới bạn đọc. Dĩ nhiên là không phải sách bỏ túi nào cũng hay, đôi khi sách cũng được phát hành theo trào lưu, trở thành hiện tượng nhất thời nhưng sau đó lại bị đào thải, không trụ lại được bao lâu. Đổi lại, một số sách được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường học, hoặc qua phim ảnh và các hình thức phóng tác khác lại trở thành những tựa sách bỏ túi trường thọ "sống lâu''.

Thành công của Livre de Poche (nhà xuất bản Hachette) từ năm 1953 mở đường cho nhiều tủ sách khác. Năm 1962, đến phiên Pocket và 10/18 được khai sinh. Rồi vào năm 1972, tức cách đây nửa thế kỷ, nhà xuất vản Gallimard đã tạo ra tủ sách "Folio", đi kèm với một hệ thống phân phối hùng hậu đưa ngành in ấn lên một nấc cao hơn nữa. Nhờ vào sức bật ấy mà Gallimard trở thành một trong những nhà xuất bản quan trọng nhất tại Pháp. Ra đời vào đầu năm 1972, Gallimard, trong vòng chưa đầy hai năm sau đã xuất bản hơn 500 tựa sách. Các tiểu thuyết đầu tiên được phát hành vào năm 1972 là ''La Condition Humaine'' (Thân phận con người) của Malraux, L'Étranger (Người xa lạ) của Camus hay ''Hiroshima Tình yêu của tôi'' của Marguerite Duras… 

Hoạt động của Gallimard đã phát triển nhiều và nhanh, đến nỗi tủ sách "Folio" hiện đem lại hơn một nửa doanh thu hàng năm cho nhà xuất bản này. Nửa thế kỷ sau ngày cho ra đời, Gallimard đã bán hơn 468 triệu bản, tức 50 quyển sách bỏ túi "Folio" mỗi phút. Ngoài một kho sách phong phú thừa hưởng từ nhiều thế hệ qua, Gallimard còn hợp tác với cả trăm nhà xuất bản lớn nhỏ khác để làm giàu thêm tủ sách Folio của mình.

Các nhà xuất bản sách bỏ túi hàng đầu ở Pháp

Tại Pháp, hiện giờ có 5 nhà xuất bản thống lĩnh thị trường sách bỏ túi. Hầu hết các tủ sách như Livre de Poche, Folio, Pocket, J'ai Lu, Points đều đã tạo thêm những nhánh riêng để khai thác nhiều thể loại như trinh thám, tuổi xanh, thi ca, phiêu lưu, khoa học viễn tưởng ... Bên cạnh đó, hầu như tất cả các nhà xuất bản lớn nhỏ giờ đây đều tập trung vào việc phát hành sách bỏ túi. Nhà xuất bản Acte Sud tung ra bộ sách "Babel''. Hai tủ sách chuyên đề lịch sử Perrin và Tallandier đều khai thác bộ sách "Tempus" hay "Texto". Nhà xuất bản Larousse tung ra "Les Petits Classiques'' hiểu theo nghĩa những tác phẩm kinh điển khổ nhỏ. Về phần mình, nhà xuất bản Éditions de Minuit thì có "Double". Còn Payot với ''La Petite Bibliothèque'' thông qua hình ảnh của một "Thư viện bỏ túi" lại chuyên xuất bản sách nghiên cứu triết học hay khoa học nhân văn, đăng tiểu luận về các tác giả như Sigmund Freud, Hannah Arendt hay Henri Bergson.

Các tủ sách chuyên môn, nổi tiếng là kén chọn độc giả giờ đây cũng dùng khổ nhỏ để thu hút thêm nhiều đối tượng trung thành. Tuy hoạt động với mô hình độc lập nhưng khi tính gộp lại, các tủ sách này bỗng trở thành một phần khá quan trọng, tương đương với hơn 31% doanh thu thị trường sách bỏ túi. Dù lớn hay bé, hầu như tất cả các nhà xuất bản khi tham gia vào cuộc đua, đều mơ ước lập thêm thành tích : ngoài việc khám phá các tác giả đầy triển vọng, họ còn hy vọng nắm giữ trong tay một số tác phẩm mà hàng năm vẫn được tái bản và ăn khách đều đặn từ năm nay qua năm nọ.

Đó là trường hợp của Nobel Văn học Albert Camus, tác phẩm ''L'Étranger'' (Người xa lạ) của ông lập kỷ lục với hơn 9 triệu quyển (Folio). Tiểu thuyết ''Le Grand Meaulnes'' (từng được dịch ở Việt Nam là Kẻ Lãng Du) của Alain Fournier đạt mức 5 triệu bản (Libretti). ''Nhật ký Anne Frank'' hay truyện ''Germinal'' của Zola (Livre de Poche) mỗi quyển bán hơn 4 triệu bản. Tiểu thuyết ''Et si c'était vrai'' (Nếu em không phải là một giấc mơ) của Marc Levy (tủ sách Pocket của Editis) cũng lên tới mức 3 triệu cuốn. Gọi là khổ nhỏ trong thuật ngữ ngành xuất bản, nhưng sách bỏ túi lại đem về nguồn doanh thu khổng lồ và luôn tạo hiện tượng lớn nhân các kỳ hội chợ sách được tổ chức hoành tráng, quy mô 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.