Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Từ bài học khủng hoảng nhiên liệu, Pháp tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo

Đăng ngày:

Pháp đã thoát được một mùa đông khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Ukraina và biến đổi khí hậu gây thiếu nước nghiêm trọng. Thế nhưng, thực tế này lại phản ánh sự thiếu chuẩn bị, trì trệ của Nhà nước Pháp trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong khi lại thiếu đầu tư vào điện hạt nhân.

Khu điện gió tại Saint-Nazaire, phía tây Pháp, ngày 22/09/2022.
Khu điện gió tại Saint-Nazaire, phía tây Pháp, ngày 22/09/2022. AP - Stephane Mahe
Quảng cáo

Nguy cơ “cắt điện luân phiên” do thiếu điện đã không xảy ra như chính phủ lo ngại. Lý do đầu tiên, được đài truyền hình TF1 ngày 10/02/2023 nhận định, liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu. Năm 2022 có “mùa đông ấm nhất chưa từng ghi nhận trên lãnh thổ Pháp kể từ khi ghi chép số liệu khí hậu năm 1900”. Do đó, nhu cầu sưởi ấm đã giảm 1% trong ba tháng cuối năm 2022 so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai là sau lời kêu gọi của chính phủ, người dân Pháp “tình nguyện chọn” tiết kiệm năng lượng bằng những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, như tắt điện, ổ cắm khi không dùng, giảm lò sưởi 1°C (xuống còn 19°C)… nhằm giảm 10% lượng tiêu thụ năng lượng trên cả nước. Một mặt là để chống biến đổi khí hậu nhưng mục tiêu trước mắt là để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, sau khi Pháp và các nước phương Tây trừng phạt Matxcơva xâm chiếm Ukraina và phải tìm các nguồn cung ứng năng lượng thay thế, dù với giá đắt. Lý do thứ ba là người dân “bị buộc chọn” tiết kiệm vì giá năng lượng tăng vọt, trung bình thêm 97 euro/megawat giờ trong năm 2022.

Nguyên nhân khủng hoảng năng lượng

Tại sao Pháp lại bị khủng hoảng năng lượng và làm thế nào để vượt qua ? Trả lời đài RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia về chính sách năng lượng của Pháp và châu Âu tại Viện Jacques Delors (Paris), giải thích:

Về điện, Pháp đã gặp rất nhiều khó khăn, một phần do các đợt hạn hán mùa hè 2022 nên đã không trữ được nguồn nước cần thiết. Cùng lúc đó, nhiều nhà máy điện hạt nhân lại dừng hoạt động để bảo trì nên thiếu nguồn điện. Pháp đã phải nhập khẩu điện từ một số nước láng giềng châu Âu ngay từ mùa hè 2022 để có thể vượt qua được mùa đông.

Về khí đốt, Pháp đã chuyển sang nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ. Pháp trở thành khách hàng lớn nhất về khí hóa lỏng của Hoa Kỳ nhờ vào việc Pháp có nhiều công trình hạ tầng cho phép khí hóa trở lại và cung cấp vào các đường ống dẫn khí của Pháp”.

Dù nằm trong số những nước Liên Âu không quá bị phụ thuộc vào năng lượng Nga (24% than, 17% dầu lửa, 25% khí đốt năm 2019) nhưng Pháp cũng chịu sức ép về giá tăng vọt. Chính phủ đã phải “khống chế giá” (bouclier tarifaire) năng lượng. Thực ra, chính sách này đã được triển khai từ năm 2021 thời hậu Covid-19, triển hạn trong năm 2022 và được kéo dài đến 30/06/2023 cho cả điện và khí đốt. Giá khí đốt và điện tăng 15% lần lượt từ ngày 01/01 và 01/02. Dù cao hơn so với mức tăng 4% năm 2022 nhưng đối tượng thụ hưởng của biện pháp này được mở rộng, từ giờ áp dụng “cho tất các hộ gia đình, khu chung cư, nhà xã hội, các doanh nghiệp nhỏ và các địa phương nhỏ”, theo trang Service Public. Nếu không có biện pháp “khống chế” giá, hóa đơn sẽ tăng gấp 8 đến 10 lần ngay lập tức.

Ngoài ra, chính phủ hỗ trợ cho những gia đình khó khăn nhất : Khoảng 12 triệu gia đình, chiếm khoảng 40% hộ khó khăn nhất, đã nhận được ngân phiếu năng lượng trị giá 100 hoặc 200 euro vào tháng 12/2022 ; các hộ gia đình có thu nhập thấp và sưởi bằng dầu mazut hoặc chủ yếu bằng củi cũng nhận được một ngân phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ mang tính chất tạm thời, thậm chí gây một số tác dụng phụ, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vinh :

“Pháp triển khai biện pháp “khống chế giá” tránh để khí đốt và điện tăng giá. Biện pháp này đã giúp Pháp duy trì lạm phát ở một trong những ngưỡng thấp nhất châu Âu. Đây là việc tốt. Nhưng tiếc là biện pháp “khống chế giá” này cũng nhằm tài trợ cho các loại năng lượng hóa thạch, như khí đốt và xăng dầu ở trạm xăng.

Cuối cùng, Pháp đã duy trì mức tiêu thụ gần với mức tiêu thụ cho tới nay. Nhưng khối lượng tiêu thụ đó lại tác động xấu đến các mục tiêu về khí hậu của Pháp. Cho nên từ giờ Pháp phải nghĩ đến việc tạo bước ngoặt mới, tập trung tốt hơn đến các biện pháp được triển khai và để những người khó khăn nhất cũng được đồng hành”.

Xóa tiếng “học trò kém nhất” trong EU về năng lượng tái tạo

Chiến tranh tại Ukraina làm lộ những hạn chế về chủ quyền năng lượng của châu Âu. Tình trạng biến đổi khí hậu cho thấy Pháp, cũng như nhiều nước trong châu lục, đã không kịp thời thích ứng với các loại hình năng lượng tái tạo. Tại sao Pháp lại chậm hơn so với nhiều nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là điện gió ngoài khơi ? Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vinh phân tích :

“Pháp là nước duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu không đạt các mục tiêu đề ra về triển khai các loại năng lượng tái tạo đến năm 2020, trong khi cả Ba Lan và Hungary (hai nước sử dụng điện than trước đây) cũng đạt được mục tiêu của họ. Pháp đã không thành công trong việc nhanh chóng triển khai các loại năng lượng tái tạo. Do đó gần đây, Pháp đã thông qua một dự thảo luật cho phép tăng tốc thực hiện kế hoạch này.

Chúng ta biết là hiện giờ tại Pháp, người ta dựa rất nhiều vào các nhà máy điện hạt nhân đã có. Việc này phần nào cản trở đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Từ giờ phải suy nghĩ cách kết hợp cả hai nguồn năng lượng tái tạo và hạt nhân, làm thế nào để cả hai nguồn năng lượng này có thể tồn tại song song một cách thông minh. Mục tiêu của Pháp là xem xét những cách làm tốt ở châu Âu để tạo thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo trên lãnh thổ”.

Theo mục tiêu được Liên Hiệp Châu Âu ấn định, năng lượng tái tạo phải chiếm 23% hỗn hợp năng lượng vào năm 2020. Pháp là nước duy nhất không hoàn thành chỉ tiêu này. Để bù lại thời gian đã lỡ, trong bài diễn văn về chính sách năng lượng đọc tại Belfort ngày 10/02/2022, tổng thống Emmanuel Macron đề ra mục tiêu đến năm 2050, Pháp tăng gấp 10 lần năng suất điện mặt trời để vượt mức 100 gigawatt (GW), triển khai 50 khu vực điện gió ngoài khơi để đạt mức 40 GW và tăng gấp đôi sản lượng điện gió trong đất liền để đạt mức 40 GW.

Bẩy tháng sau, dự thảo luật liên quan đến thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo đã được Hội đồng Bộ trưởng thông qua và đệ trình lên Quốc Hội ngày 26/09/2022. Sau khi được Hạ Viện và Thượng Viện Pháp lần lượt thông qua vào cuối tháng 01 và đầu tháng 02/2023, dự thảo luật được Hội Đồng Bảo Hiến nghiên cứu từ ngày 09/02. Nếu được chấp thuận, chính phủ đã hứa sẽ nhanh chóng ban hành luật. Tương lai năng lượng tại Pháp sẽ thay đổi như thế nào ? Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Vinh giải thích :

“Dự luật này cho phép tăng tốc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo bằng cách lập kế hoạch năng lượng tái tạo, đơn giản hóa thủ tục, huy động quỹ đất đã được cải tạo để triển khai các loại năng lượng tái tạo. Nhìn chung, người ta đang gửi một tín hiệu chính trị khá mạnh mẽ đến các nhà đầu tư, những người quảng bá các dự án năng lượng tái tạo hoặc tới chính quyền địa phương để tăng tốc quá trình triển khai năng lượng tái tạo, nhất là nhìn vào những gì diễn ra ở khoảng 15 nước thành viên Liên Âu. Sau khi chiến tranh xảy ra ở Ukraina, những nước này đã thông báo nâng cao mục tiêu về triển khai năng lượng tái tạo của họ. Trong khi Pháp còn chưa làm. Có lẽ điều đó đã giúp mở đường cho Pháp nâng cao những mục tiêu, từng được tổng thống Emmanuel Macron thông báo hồi đầu tháng 02/2022”.

Dự thảo luật, cũng như các mục tiêu đề ra cho đến năm 2050 liên quan đến thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, được 7/10 người dân Pháp ủng hộ. Kết quả nghiên cứu của công ty Odoxa Backbone Consulting và được báo Le Figaro đăng ngày 06/01/2023 cho thấy 52% người được thăm dò ý kiến ủng hộ ưu tiên phát triển các loại năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, 47% ủng hộ ưu tiên phát triển điện hạt nhân. Điện gió và điện mặt trời được thanh niên trẻ dưới 35 tuổi ủng hộ mạnh mẽ nhất (64%). Còn đối với những người phản đối điện gió, lý do chính là do ô nhiễm tiếng ồn và phá vỡ cảnh quan. Đa số không muốn có một tua bin điện gió ngay sát nhà.

Điện hạt nhân lại được người trên 60 tuổi ủng hộ mạnh mẽ nhất (khoảng 60%). Hơn 10 năm sau tai nạn nguyên tử Fukushima ở Nhật Bản vì bị động đất và sóng thần, hình ảnh điện hạt nhân đã được cải thiện rõ nét ở Pháp, tăng 26% trong ba năm gần đây và đang được 51% người dân Pháp coi là “năng lượng sạch”

Năng lượng hạt nhân đang được hồi sinh tại Pháp. Nhà nước đang hướng đến việc bỏ quy định điện hạt nhân chỉ được chiếm 50% các nguồn năng lượng tại Pháp. Nếu được thông qua, đây là một quyết định mang tính biểu tượng vì ngưỡng 50% từng là trọng tâm của luật “vì tăng trưởng xanh” được ban hành năm 2015, dưới thời tổng thống Xã Hội François Hollande, thay vì chiếm đến 2/3 tỷ trọng trước đó.

Điện hạt nhân đã bị nhiều đời chính phủ “thiếu đầu tư”, theo chỉ trích của thủ tướng Elizabeth Borne hôm 02/03, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo, được cho là bù phần điện hạt nhân bị giảm, cũng lại không được chú trọng phát triển

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.