Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Thế Vận Hội Paris 2024 : Lo ngại về thử nghiệm công nghệ giám sát thông minh

Đăng ngày:

Quốc Hội lưỡng viện Pháp ngày 11 và 12/04/2023 đã chính thức thông qua dự luật cho phép chính phủ, nhân Thế Vận Hội 2024, thử nghiệm công nghệ trí thông minh nhân tạo để khai thác, phân tích theo thời gian thực các hình ảnh quay từ camera giám sát để xác định các chuyển động, hành vi bất bình thường bị nghi là có thể gây ra tình huống nguy hiểm đối với an ninh công cộng.

Logo Pháp đăng cai Olympic 2024 được trình chiếu bằng ánh sáng lên Khải Hoàn Môn, Paris, Pháp, ngày 09/02/2016.
Logo Pháp đăng cai Olympic 2024 được trình chiếu bằng ánh sáng lên Khải Hoàn Môn, Paris, Pháp, ngày 09/02/2016. AFP
Quảng cáo

Tuy nhiên, biện pháp sử dụng công nghệ camera giám sát thông minh, tự động hóa để bảo vệ an ninh theo đề xuất của chính phủ Pháp, cho dù không sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt, vẫn bị phe cánh tả, giới bảo vệ các quyền tự do và nhân quyền, và cả các nghị sĩ châu Âu phản đối mạnh mẽ, do lo ngại Pháp đi chệch hướng, vi phạm đời sống riêng tư của người dân, làm gia tăng nạn trấn áp các hoạt động nơi công cộng …

Điểm mới so với camera giám sát thông thường ?

Nhưng trước hết, công nghệ camera giám sát thông minh, tự động hóa là gì mà lại làm dấy lên nhiều tranh cãi và lo ngại như vậy ? Trên đài RFI Pháp ngữ, ông LouisDutheillet de Lamothe, tổng thư ký CNIL, Ủy ban Quốc gia về Tin học và Tự do, ngày 24/01/2023 giải thích : 

« Có sự khác biệt về bản chất giữa loại camera bảo vệ mà chúng ta đã biết, tức là loại camera mà chúng ta thấy trên đường phố, trong các tòa nhà mà hình ảnh được truyền đến một màn hình, rồi cần có người trực sau màn hình để theo dõi theo thời gian thực, với loại camera có độ thông minh tăng cường : có một thuật toán, một cỗ máy tự động phân tích hình ảnh và tìm cách phát hiện ra một số điều gì đó, tùy thuộc vào các thông số mà người ta có thể phát hiện ra một vụ tấn công, một vụ tai nạn, những chuyển động của đám đông, một kiểu hành xử vi phạm pháp luật …

Khi họ có được những phân tích như vậy, họ có thể triển khai 10.000 hay 100.000 caméra mà không cần có nhân lực ngồi trước màn hình để theo dõi các hình ảnh quay được. Với thuật toán được cài đặt, sẽ có tiếng bip được phát ra để báo là điều họ tìm kiếm đã xảy ra. (…) Camera thông minh thực sự là để xác định xem có người nào đó bị ngã, có sự di chuyển của đám đông, liệu có quá quá đông người, hay có các cuộc tấn công xảy ra hay không, nhưng loại camera này không được trang bị chức năng nhận diện khuôn mặt (…)

Nhận diện khuôn mặt không được đưa vào dự luật. Ủy ban Quốc gia về Tin học và Tự do đã nhấn mạnh rằng để việc thử nghiệm caméra giám sát thông minh có sự cân bằng, không nên đưa khả năng nhận dạng khuôn mặt vào ».

Theo dự luật được Nghị Viện Pháp thông qua, việc thử nghiệm công nghệ camera giám sát thông minh, tự động hóa dự kiến sẽ được triển khai vào thời gian diễn ra các lễ hội, sự kiện thể thao, văn hóa lớn, đặc biệt là Giải vô địch bóng bầu dục thế giới tại Pháp (08/09-28/10/2023), Olympic và Paralympic Paris 2024. Việc thử nghiệm sau đó sẽ tiếp diễn đến tận cuối tháng 03/2025, tức là 6 tháng sau khi kết thúc Olympic và Paralympic. Tổng thư ký CNIL, Ủy ban Quốc gia về Tin học và Tự do giải thích thêm :

« Từ hơn một năm nay, CNIL đã nghiên cứu về chủ đề camera thông minh này, gồm các công nghệ đang phát triển rất nhanh và cũng đã có rất nhiều câu hỏi cũng được các nhà chuyên môn đặt ra cho chúng tôi. Vào mùa hè năm 2022, CNIL đã công bố quan điểm về việc sử dụng camera thông minh để bảo đảm an ninh. CNIL nói rằng cần phải có luật và yêu cầu không sử dụng loại camera này ở khắp mọi nơi, cũng như không phải để xác định mọi loại hình tội phạm, tức là không lắp đặt chúng ở mọi nơi trong thành phố để xác định tất cả các vi phạm có thể xảy ra.

Do đó, dự luật đã được đệ trình quy định rằng camera thông minh chỉ có thể được thử nghiệm đối với một sự kiện có nguy cơ xảy ra tấn công, hoặc ngay cơ mất an ninh nghiêm trọng, trong thời gian diễn ra sự kiện và trong khuôn khổ sự kiện đó, không phải để xác định xem có ai đó vứt một mẩu giấy xuống đất hay không, mà là để xác định những điều có thể giúp phòng ngừa chẳng hạn như một vụ khủng bố, một hoạt động của đám đông có nguy cơ biến thành thảm họa.

Những điều được thảo luận tại Nghị Viện là về việc thử nghiệm, tức là trước Thế Vận Hội Olympic, loại thuật toán của camera tăng cường thông minh này sẽ được thử nghiệm trong một số sự kiện, sau đó là đánh giá (..) và sau Thế Vận Hội thì cũng sẽ phải tổng kết để xem việc sử dụng camera như vậy có hữu ích hay không, và cuối cùng là đánh giá tổng thể xem liệu nó có mang lại điều gì không, bởi vì CNIL đã nhấn mạnh không thể có chuyện bổ sung các thuật toán vào camera bảo vệ nếu chẳng may người ta nhận ra rằng việc dùng camera cũng chẳng có ích lợi gì nhiều trong việc bảo đảm an ninh ở các sự kiện ».

Olympic 2024 chỉ là cái cớ ?

Về phía giới bảo vệ các quyền tự do, nhiều chuyên gia cho rằng không đơn thuần là « sự thử nghiệm » như chính phủ nói, mà họ lo ngại đây sẽ là một bước tiến, tạo đà để chính quyền Pháp hướng tới phổ thông hóa hóa biện pháp giám sát người dân trong những bối cảnh khác. Vẫn trên đài RFI Pháp ngữ, luật gia Noémie Levain của Quadrature du Net, tổ chức bảo vệ và phát triển các quyền và tự do trên mạng internet tại Pháp, ngày 23/12/2022 giải thích : 

« Từ nhiều năm nay, tổ chức Quadrature du Net đã tìm hiểu về những phần mềm này, những phần mềm vốn dĩ đã tồn tại. Chúng tôi muốn phản bác lại điều mà họ gọi là « thử nghiệm », bởi thực ra là cách nay không ít năm, nhiều thành phố tại Pháp đã cho phép sử dụng những phần mềm mà chúng tôi gọi là camera giám sát có cài đặt các thuật toán, hay là camera giám sát tự động hóa. Các camera này cho phép nhà chức trách đưa ra quyết định sau khi phát hiện các sự kiện hoặc hành vi bị quy là đáng ngờ hoặc bất thường (…)

Chúng tôi thấy như vậy là đã có những khó khăn và mối nguy hiểm đằng sau hệ thống này, bởi vì ai sẽ là người tự cho mình quyền xem điều gì là bất thường hoặc đáng ngờ, trong các ví dụ mà chúng tôi có, chẳng hạn ai đó đứng yên, ai đó chạy hay nằm xuống, hay khi có nhiều người tụ tập lại thành nhóm. Quả thực là có rất nhiều lý do chính trị đằng sau những lựa chọn kỹ thuật này. Chính vì thế, đối với chúng tôi, đây là những phát biểu gây nhiều nhiều vấn đề. Đó là sự mở rộng quy mô giám sát và kiểm soát hành vi (…)

Chúng tôi đã tìm hiểu và thấy có khoảng 50 thành phố ở Pháp đang sử dụng loại caméra này, nhưng chúng tôi nghĩ rằng còn có nhiều hơn nữa, đặc biệt là Marseille, Nice, Toulouse, Vannes. Chúng tôi cũng đã có những hành động pháp lý chống lại loại thiết bị này. Cần thấy là đằng sau cái cớ Olympic, trên thực tế, các công ty, nhà sản xuất và chính quyền nhiều thành phố đã mong muốn hợp pháp hóa các thiết bị này, bởi vì hiện giờ chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể.

Và chính phủ đang tận dụng dịp Thế Vận Hội, lấy cớ là có các mối đe dọa tấn công, để làm điều đó. Đúng là sẽ có đông người, đúng là bối cảnh sẽ hơi đặc biệt, nhưng quả thực là từ nhiều năm nay họ đã tính đến việc đưa loại thiết bị này vào chương trình nghị sự chính trị. Vì thế chúng tôi phản đối. Chúng tôi đã tìm hiểu về điều đó từ lâu rồi và dĩ nhiên là chúng tôi phản đối, bởi vì nó thực sự là việc mở rộng quy mô triển khai và cũng nguy hiểm như việc nhận dạng khuôn mặt, vì nó liên quan đến việc phân tích các cử động của cơ thể, mà việc phân loại các chuyển động cơ thể này thì lại do cảnh sát và các nhà lập trình quyết định ».

Le Monde ngày 21/03 trích dẫn học giả Mỹ Jules Boykoff, tác giả cuốn sách « Power Games : A Political History of the Olympics » (NXB Verso, 2016) « Trò chơi quyền lực : Lịch sử chính trị của Thế Vận Hội », theo đó « từ năm 2001, tất cả các Thế Vận Hội đều được dùng làm cớ để triển khai các công nghệ an ninh mới ». Chẳng hạn, vào năm 2012, Olympic Luân Đôn đã kéo theo việc triển khai diện rộng các camera giám sát ở mọi đường phố của thủ đô nước Anh. Cũng được sử dụng « thử nghiệm » trong Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 tại Nga, công nghệ nhận diện gương mặt cho tới nay vẫn còn được sử dụng để giám sát toàn thể người dân Matxcơva.

Huy chương vàng cho Pháp về công nghệ giám sát ở Liên Âu ?

Tổ chức nhân quyền Amnesty International, trên trang web hôm 24/01, lo ngại là việc công chúng nghĩ rằng, hay biết rằng họ bị theo dõi, giám sát có thể sẽ khiến họ « thay đổi các hành vi và tự kiểm duyệt ». « Hệ quả răn đe » kiểu này của biện pháp giám sát nơi công cộng như vậy kéo theo nguy cơ « vi phạm các quyền tự do ngôn luận và tụ họp ôn hòa ». 

Mặc dù công nghệ giám sát tự động hóa không sử dụng phần mềm nhận diện gương mặt, nhưng luật gia Noémie Levain của Quadrature du Net vẫn xem đây là một công nghệ không kém phần nguy hiểm:

« Về cơ bản, đó là việc phân tích các dữ liệu liên quan đến hành vi và cơ thể của chúng ta, tức là camera giám sát bằng thuật toán hay nhận diện xã hội thì cũng giống nhau cả thôi : phần mềm nhận diện gương mặt mang lại dữ liệu về danh tính dân sự còn công nghệ giám sát bằng thuật toán thì sẽ phân loại mọi người thành bình thường hoặc bất thường, rồi báo động cho cảnh sát. Và cảnh sát sẽ có thể hành động, người bị nhắm tới sẽ bị bắt giữ và trấn áp, đằng sau đó là sự xác định danh tính. Vào một thời điểm nào đó, hành động và quyền hạn làm điều đó sẽ được trao cho nhà nước và cảnh sát ».

Vì vậy, đối với chúng tôi, nhận diện gương mặt chỉ là ở cấp độ cá nhân, còn công nghệ camera giám sát thì liên quan đến các nhóm người, ở không gian công cộng và liên quan đến mối liên hệ của mọi người với đường phố. Đó lại là công nghệ phân tích, phân loại các thuộc tính của cơ thể con người, chính vì thế đối với chúng tôi nó cũng nguy hiểm không kém công nghệ nhận diện gương mặt. Hơn nữa, theo luật định, các dữ liệu sinh trắc  phải được bảo mật như đối với dữ liệu về nhận diện gương mặt và giám sát kỹ thuật số ».

Trang mạng Contre Point ngày 10/03 cho biết 38 tổ chức của Liên Âu và quốc tế đã gửi một bức thư chung tới các dân biểu Pháp để thuyết phục Hạ Viện Pháp bác dự luật của chính phủ Macron. Theo các tổ chức này, nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên việc giám sát sinh trắc được hợp pháp hóa tại châu Âu, mang lại cho Pháp danh hiệu "vô địch châu Âu về giám sát". Theo Le Monde ngày 17/03, để tránh « tạo ra một tiền lệ chưa từng có về giám sát tại Liên Hiệp Châu Âu », khoảng 40 nghị sĩ châu Âu trong cùng ngày cũng đã viết thư cho các đồng nghiệp Pháp đề nghị họ bác bỏ biện pháp, bởi hiệu quả về bảo đảm an ninh thì còn chưa chắc chắn, nhưng lại mang lại nhiều nguy cơ khác về các quyền tự do của công dân.

Nhìn rộng ra thế giới, các nghị sĩ châu Âu cũng lưu ý rằng việc « một quốc gia dân chủ như Pháp » khích lệ kiểu phần mềm giám sát tự động hóa này sẽ giống như giơ « thẻ trắng » cổ vũ « các chế độ trấn áp trên toàn thế giới làm điều tương tự với người dân » của chính các nước này.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.