Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Holis, start-up Pháp tiên phong về ‘‘xếp hạng sinh thái’’

Đăng ngày:

‘‘Miệng ăn núi lở’’, câu ngạn ngữ lâu đời đang ứng với thế giới đương đại. Băng tan chảy khiến núi non sụt lở: mà nguyên nhân là khí thải hâm nóng Trái đất do hoạt động của con người. Khoảng 1/4 - 1/5 lượng khí thải là do ‘‘miệng ăn’’. Núi lở, băng tan, nước biển dâng, khô hạn, lũ lụt, bão tố gia tăng…do khí thải, nhưng kinh tế đương đại còn tàn phá các hệ sinh thái, khiến Trái đất bị hâm nóng nhanh hơn, cùng nhiều hậu quả khác. Hành tinh Xanh ngày càng khó sống.

 Ảnh tư liệu năm 2021: Một nhóm nhà hoạt động môi trường ở Pháp kêu gọi chú ý đến liên hệ giữa ăn thịt bò và phá rừng.
Ảnh tư liệu năm 2021: Một nhóm nhà hoạt động môi trường ở Pháp kêu gọi chú ý đến liên hệ giữa ăn thịt bò và phá rừng. © ảnh chụp màn hình Twitter.
Quảng cáo

Để hãm lại xu thế huỷ diệt này, ‘‘chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh’’ (ecological transition) ngày càng được thừa nhận là điều bắt buộc. Chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh có nghĩa là phải dần từ bỏ các sản phẩm gây hại cho môi trường và chuyển sang làm những gì có lợi. Nhưng làm thế nào để từ bỏ nhanh chóng, và làm đúng hướng ?

Kinh tế Xanh: Thiếu La Bàn thật, thừa La Bàn rổm

‘‘Xếp hạng tác động môi trường’’ của sản phẩm (affichage environnemental) hay ''xếp hạng sinh thái'' ngày càng được coi như chiếc La Bàn hay ‘‘Kim Chỉ Nam’’, để một mặt giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm, mặt khác giúp nhà kinh doanh điều chỉnh hướng đi.

Kể từ khi xu thế chuyển sang kinh tế Xanh chính thức được ghi nhận mười năm trở lại đây, chiếc La Bàn ‘‘xếp hạng tác động môi trường’’ sản phẩm ngày càng được coi là cần thiết, giúp sản phẩm thân thiện với môi trường có thêm khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng chính trong tình hình đó, xuất hiện khá phổ biến việc xếp hạng tùy tiện, giả mạo. Tình trạng này thường được gọi chung là ‘‘Greenwashing” (những tuyên bố về tác động môi trường thiếu cơ sở, hay giả danh vì môi trường).

Một nhóm tranh đấu chống Greenwashing (giả danh vì môi trường) trước trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Bruxelles, ngày 26/05/2021.
Một nhóm tranh đấu chống Greenwashing (giả danh vì môi trường) trước trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Bruxelles, ngày 26/05/2021. © AFP

 

Hệ quả là thiếu La Bàn thật, thừa La Bàn giả, người tiêu dùng mất phương hướng, nhà sản xuất, nhà kinh doanh có thiện chí bị thua thiệt đủ đường. Một nghiên cứu của Ủy Ban Châu Âu từ năm 2020 cho biết : 53,3% quảng cáo về tác động môi trường sản phẩm ở Liên Âu ‘‘được phát hiện là mơ hồ, gây hiểu lầm hoặc vô căn cứ’’  (‘‘40% là không có căn cứ’’) (1). Thiếu vắng các quy định pháp luật chặt chẽ là nguyên nhân chủ yếu. 

Nước Pháp đi tìm ‘‘La Bàn’’

Cuộc chuyển hướng sang nền kinh tế Xanh rất cần đến các La Bàn đáng tin cậy. Vậy ai đáng mặt để phó thác việc chế tạo?  Chế tạo La Bàn đáng tin cậy, trước hết trong lĩnh vực thực phẩm, là mục tiêu của chính phủ Pháp, với chủ trương xác lập một ‘‘Xếp hạng tác động môi trường’’ (‘‘Eco Score’’) chuẩn mực, sát thực. Từ khoảng hai năm nay, Cơ quan đặc trách về Chuyển đổi sinh thái Pháp (ADEME) đã cho thí điểm hai logo ‘‘xếp hạng tác động môi trường’’ (gồm ‘‘Eco-score’’ và ‘‘Planet-score’’), với mục tiêu áp dụng toàn quốc kể từ năm tới 2024 (2).

Tại Triển lãm Vivatech Paris (từ 14 đến 17/06/2023), được coi là triển lãm công nghệ nổi tiếng hàng đầu châu Âu, chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc với đại diện của một công ty khởi nghiệp Pháp chuyên về lĩnh vực này, đó là Holis.

Quán quân giải ‘‘Audi Talents’

Start-up Holis (3) - do hai kỹ sư môi trường, chuyên gia phát triển bền vững Martin Besnier và Paul Grédigui, thành lập năm 2022 - được coi là một trong 40 start-up hứa hẹn nhất của ‘‘Station F’’ (quận 13 Paris) - ‘‘lồng ấp’’ lớn nhất của nước Pháp đối với các doanh nhân trẻ tài năng.

Tại VivaTech, Holis được trao tặng giải quán quân của cuộc thi ‘‘Audi talents’’ của công ty Audi - chuyên về xe hơi hạng sang - thuộc tập đoàn sản xuất xe hơi Đức số một thế giới Wolkswagen. Holis đã vượt qua 50 dự án tham gia cuộc thi, để trở thành quán quân của mùa giải đầu tiên của ‘‘Audi talents’’ dành cho lĩnh vực công nghệ.

Phương pháp ‘‘Phân tích Vòng đời Sản phẩm’’  

Sản phẩm chính của Holis là một nền tảng kỹ thuật số giúp doanh nghiệp ‘‘phân tích các tác động môi trường của sản phẩm, cắt giảm tác hại môi trường và thông tin về tác động môi trường của sản phẩm đến công chúng’’. Trả lời RFI Việt ngữ, anh Martin Besnier, đồng sáng lập - chủ tịch start-up Holis, trước hết giới thiệu về ‘‘Phân tích Vòng đời Sản phẩm’’ (Analyse du cycle de vie / Life Cycle Analysis), hiện được coi là phương pháp luận nền tảng của ‘‘xếp hạng tác động môi trường’’ (‘‘Eco Score’’) của chính phủ :

 “Phân tích vòng đời sản phẩm là một phương pháp luận về môi trường đã tồn tại từ khoảng 30 năm nay. Hiện nay, phương pháp luận này đang ở giai đoạn cực kỳ quan trọng, vì được đưa vào các quy định luật pháp. Mục tiêu là để doanh nghiệp có thể cho ra đời những sản phẩm có trách nhiệm hơn. Cụ thể là phương pháp luận này sẽ yêu cầu các công ty lượng hóa các tác động về môi trường của toàn bộ chuỗi cung ứng : từ nguyên liệu thô đến giai đoạn cuối vòng đời của sản phẩm. Do đó có thể tính toán được cái gọi là ‘‘xếp hạng tác động môi trường’’ (‘‘Eco Score’’). Xếp hạng tác động môi trường này sẽ được thông tin đến người tiêu dùng. Các thương hiệu sẽ phải công bố chỉ số này để người tiêu dùng được biết. Và do đó ngược lại họ cũng sẽ phải yêu cầu các nhà cung cấp (nguyên liệu, thiết bị…. ) của mình nỗ lực rất nhiều để cải thiện chỉ số nói trên. ‘‘Xếp hạng tác động môi trường’’ như vậy sẽ tác động đến toàn bộ ‘‘chuỗi giá trị’’. Các ngành dệt may, thực phẩm, xây dựng đã bắt đầu làm chuyện này, và sẽ còn có thêm những ngành nghề khác’’.

Cách làm dễ, ai cũng có thể tham gia

Start-up trẻ Holis có thể mang lại những đóng góp gì mới cho phương pháp ‘‘Phân tích Vòng đời Sản phẩm’’ truyền thống này ? Phổ cập việc đánh giá tác động môi trường của sản phẩm là điều làm nên thế mạnh của start-up này, như chia sẻ của nhà đồng sáng lập Martin Besnier:

 ‘‘Holis là một giải pháp giúp đẩy nhanh tiếp cận này bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo, và các thao tác được cải thiện để dễ sử dụng hơn, để cho bất kỳ ai, cho dù là công nhân trong nhà máy, nhà thiết kế, kỹ sư hay cả những người làm về hậu cần, đều có thể tham gia bổ sung thông tin về tác động môi trường, cho phép thúc đẩy việc tính ‘‘xếp hạng tác động môi trường’’, đúng theo các quy định pháp luật. Hiện tại chúng tôi đã có được khoảng vài chục khách hàng, bao gồm nhiều công ty rất lớn, và cả những doanh nghiệp nhỏ hơn. Và chúng tôi khá tự hào khi có thể nói rằng, trung bình các sản phẩm của họ đã giảm được 20% tác động về môi trường. Điều này cũng cho phép doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hợp đạo lý hơn, cho đông đảo người mua hơn’’.

Tốc độ cực nhanh - chi phí giảm mạnh

Bên cạnh việc dễ thao tác, tốc độ xử lý thông tin nhanh hơn gấp bội và chi phí giảm rất mạnh là hai thành công chính khác của Holis :

‘‘Cho đến gần đây, các công cụ trong lĩnh vực này khá là khó sử dụng. Chúng tôi đã cải thiện các công cụ để có thể cho ra kết quả chỉ trong vài phút, thậm chí trong vài giây, vì chúng tôi có thể tích hợp trực tiếp các công cụ nội bộ của các công ty. Những khảo sát về ‘‘Phân tích vòng đời sản phẩm’’ kiểu này cho đến bây giờ chỉ có thể được thực hiện bởi các chuyên gia. Các chuyên gia thường đưa ra những cái giá rất cao, có thể lên tới 100.000 € cho một sản phẩm. Đây là cái giá quá lớn đối với bất kỳ công ty nào, và đôi khi phải rất lâu mới có được kết quả khảo sát, có khi phải đến một năm. Điều đó có nghĩa là chỉ có kết quả khi sản phẩm đã được đưa ra thị trường, vì vậy không có khả năng cải tiến sản phẩm trước đó. 

Với Holis, chúng tôi cung cấp dịch vụ qua hình thức đăng ký sử dụng. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí, vì hóa đơn được tính theo nhóm, chứ không phải theo từng người tham gia. Sau đó, một nhóm có thể làm hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm sản phẩm mỗi năm. Hiện tại, chi phí đã giảm xuống ít nhất là 5 lần, và thậm chí đến 100 lần. Càng nhiều phân tích được thực hiện trên ‘‘nền tảng’’ của Holis, thì chi phí sẽ càng giảm. Chúng ta thực sự có hiện tượng tiết kiệm tăng theo quy mô của dịch vụ này, nhờ vào việc tích hợp các tri thức riêng của một công ty, và nếu ta muốn thì có thể của cả một ngành công nghiệp''.

Liêu Âu tuyên chiến với ‘‘Greenwashing’’

‘‘Xếp hạng tác động môi trường’’ hoàn toàn không phải là lĩnh vực mới, nhưng là lĩnh vực đang trong giai đoạn đột biến. Liên Hiệp Châu Âu có ‘‘Ecolabel’’, nhãn mác sinh thái chính thức toàn khối với đa số các lĩnh vực ngay từ năm 1992. Các hàng hóa dán nhãn ‘‘Ecolabel’’ được xác nhận tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường quốc tế ISO14024. Riêng với nông nghiệp, Liên Âu có nhãn mác Eurofeuille, tương đương với nhãn “AB” (Agriculture Biologique – Nông nghiệp Bền vững) uy tín của Pháp.

Tuy nhiên, ở châu Âu cũng như Pháp hiện tại không có hệ thống xếp hạng tác động môi trường chính thức chung cho mọi sản phẩm và mọi dịch vụ. Hay nói cách khác, chỉ cho điểm 10 (hoặc điểm tốt) với các sản phẩm thân thiện môi trường bậc nhất, chứ không cho các điểm thấp hơn, phản ánh mức độ tác động môi trường trên thực tế, rất đa dạng của đủ loại sản phẩm - từ thấp đến cao.

Hai logo xếp hạng sinh thái “Eco-Score” và ‘‘Planet-Score’’ với thực phẩm đang áp dụng thí điểm tại Pháp. Trong lúc Eco-Score quy tất cả về một xếp hạng chung, ‘‘Planet-Score’’ còn chia thêm một số tiêu chí khác: về thuốc trừ sâu, về đa dạng sinh học, về tác động khí hậu, điều kiện sống của gia súc-gia cầm.
Hai logo xếp hạng sinh thái “Eco-Score” và ‘‘Planet-Score’’ với thực phẩm đang áp dụng thí điểm tại Pháp. Trong lúc Eco-Score quy tất cả về một xếp hạng chung, ‘‘Planet-Score’’ còn chia thêm một số tiêu chí khác: về thuốc trừ sâu, về đa dạng sinh học, về tác động khí hậu, điều kiện sống của gia súc-gia cầm. © ảnh chụp màn hình

 

Trong khi đó, công cuộc ‘‘chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh’’ rộng lớn và triệt để đòi hỏi các sản phẩm phải được xếp hạng. Hướng đến một hệ thống xếp hạng phổ quát, được kiểm soát nghiêm ngặt, để chống tình trạng hỗn loạn chuẩn mực, là mục tiêu của dự thảo chỉ thị ‘‘Green Claims Directive’’ của Ủy Ban Châu Âu, vừa được thông qua hồi tháng 3/2023. Ngày 11/05, Nghị Viện Châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ việc ra quy định mới về vấn đề này (với 544 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 17 phiếu trắng). Quyết định mở đường cho các đàm phán với các quốc gia thành viên Liên Âu để hoàn thiện luật chống Greenwashinng ‘‘Green Claims Directive’’ (4).

Thời thế tạo anh hùng. Chúng ta biết uy tín tăng vọt của start-up Holis, của hai kỹ sư trẻ Martin Besnier và Paul Grédigui gắn liền với chính giai đoạn phát triển đột biến đang diễn ra trong lĩnh vực ‘‘xếp hạng tác động môi trường’’ tại châu Âu. Start-up tuy mới một tuổi đời đã nhanh chóng nhận được sự công nhận tại Pháp, ở cấp độ châu Âu cũng như quốc tế (5).

Để chống ‘‘Greenwashing’’ phải triệt để minh bạch

Áp lực đẩy nhanh tiến trình chuyển sang kinh tế Xanh đã dẫn đến việc  châu Âu phải hướng đến tăng tốc phổ cập ‘‘xếp hạng tác động môi trường’’, trước hết là trong lĩnh vực thực phẩm. Xử lý cực nhanh - chi phí giảm mạnh - mở cửa cho các tác nhân dễ dàng tham gia đóng góp là những điểm tạo nên thế mạnh của Holis. Nhưng để chống được triệt để nạn gian lận ‘‘Greenwashing’’, các năng lực nói trên chưa đủ. Bản thân phương pháp ‘‘Phân tích Vòng đời Sản phẩm’’ cũng bị nhiều người chỉ trích là còn hạn chế, chưa cho phép phản ánh đủ các tác hại môi trường của sản phẩm, nếu không đủ cải thiện, cũng có thể bị chỉ trích là tiếp tay cho ‘‘Greenwashing’’ (6). Về vấn đề này anh Martin Besnier, đồng sáng lập Holis, chia sẻ thêm:

 ‘‘Công ty của tôi cùng với Paul có mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các công ty hướng sang kinh tế Xanh. Muốn tăng tốc tiến trình này, thì phải  tăng tốc theo hướng tốt, chứ không phải là để tạo ảo giác là ta đang tăng tốc, trong khi ngược lại trên thực tế, chúng ta hoàn toàn không đưa ra những lựa chọn đúng, hoặc những điều tốt ở cấp độ của công ty. Phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi của các công ty để hướng tới một điều gì đó tốt đẹp thực sự, bằng cách đưa ra các lựa chọn phù hợp, có tính chất thực sự khách quan, với các phương pháp khoa học. Chứ không phải tạo ra những ảo ảnh về tiến bộ, bằng cách đưa ra các kết quả chỉ mang lại ý nghĩa đánh bóng hình ảnh cho các công ty, nhưng hoàn toàn không phản ánh thực tế về các vấn đề môi trường mà các công ty phải đối mặt’’.

Anh Martin Bernier thuyết trình về nền tảng kỹ thuật số ''xếp hạng sinh thái'' của Holis tại Hội chợ VivaTech, Paris, ngày 17/06/2023.
Anh Martin Bernier thuyết trình về nền tảng kỹ thuật số ''xếp hạng sinh thái'' của Holis tại Hội chợ VivaTech, Paris, ngày 17/06/2023. © RFI / Trọng Thành

 

''Holis'' và chiếc La Bàn đích thực

Nông nghiệp bền vững chiếm tỉ trọng còn rất thấp (khoảng 10% ở Pháp), tương tự như các năng lượng tái tạo cách đây mươi năm. Nền nông nghiệp thâm canh sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hoá học của mô hình thống trị hiện nay, theo nhiều chuyên gia, đang gây tổn hại khó thể vãn hồi cho môi trường sinh thái. Để đẩy lùi các tác động gây tổn hại môi trường, để biến nông nghiệp từ lĩnh vực phát thải hàng đầu thành nơi hấp thu khí thải, đẩy lùi nạn đói, cần thay đổi triệt để (7).

Minh bạch thông tin về các tác động môi trường sẽ cho phép làm nổi bật ưu thế của nông nghiệp bền vững. ‘‘Holis’’, tên start-up của hai kỹ sư Martin Besnier và Paul Grédigui, trong nghĩa gốc của tiếng Hy Lạp thời cổ (Holos) cũng còn có nghĩa là ‘‘toàn thể’’. Minh bạch toàn thể, minh bạch vì lợi ích chung. Minh bạch bảo đảm cho người tiêu thụ có đủ điều kiện thực thi quyền quyết định, quyền lựa chọn một tương lai bền vững. Minh bạch là bí quyết giúp cho ra đời những La Bàn đích thực để nhân loại vượt qua cuộc hành trình vô vàn gian nan hướng đến nền kinh tế Xanh.

CHÚ THÍCH

1/ Theo Cổng thông tin về lĩnh vực luật pháp của Liên Âu EUR-Lex

2/ Dự án thí điểm với logo “Eco-Score” (của nhóm Yuca, Eco2 Initiative, Open Food Facts…) đơn giản hóa tối đa hình thức xếp hạng, chỉ khuôn về một chỉ số xếp hạng duy nhất (A, B, C, D, E). Dự án thí điểm với logo Planet-Score, bên cạnh điểm số chung, còn có các điểm số phụ về đa dạng sinh học, về thuốc trừ sâu, về tác động khí hậu, về sức khỏe động vật (nếu liên quan đến chăn nuôi). Cách xếp loại của Planet-score (của Viện ITAB - Viện nông nghiệp và thực phẩm bền vững) minh bạch với công chúng về các khía cạnh khác nhau của tác động môi trường, được đông đảo giới nông nghiệp bền vững hoan nghênh (bài “Mise en place d’un ''Eco-Score'': divergences entre... ”, Libération, 22/06/2023)

 3/ Dự án Holis là một trong 33 dự án đoạt giải Prix National PEPITE năm 2022 của bộ Đại Học, Khoa học và Cách Tân Pháp. 

4/ “Parliament backs new rules for sustainable, durable products and no greenwashing”, trang tin của Nghị Viện Châu Âu News European Parliament, 11/05/2023.

5/ UNESCO công nhận Holis là một trong 100 giải pháp hàng đầu về ‘‘phát triển bền vững’’ của thế giới (xếp hạng của IRCAI – International Research Centre on Artificial Intelligence) năm 2022, và là một trong 3 dự án nhận được giải đặc biệt từ Ban giám khảo.  

6/ “Xếp hạng tác động môi trường’’ (Eco Score) của Pháp, trong giai đoạn thí điểm, đang bị chỉ trích mạnh. Liên đoàn Nông nghiệp bền vững châu Âu (Ifoam Organics Europe) tháng 3/2023 đã khởi kiện lên một toà án ở Pháp, chống lại cơ quan phụ trách chuyển đổi sinh thái ADEME và nhóm các doanh nghiệp Pháp (trong đó có Yuca...) đang thí điểm áp dụng ‘‘xếp hạng tác động môi trường’’ Eco-score. Tương đồng về hình thức giữa hai logo, “Eco-score” (với ứng dụng Yuka) và “Eco score” (không dấu gạch ngang) (logo chính thức, nhưng chưa áp dụng) của ADEME bị chỉ trích là dễ gây nhầm lẫn giữa sản phẩm nông nghiệp bền vững với sản phẩm thông thường. Phương pháp “Phân tích Vòng đời Sản phẩm’’ cũng bị chỉ trích là chưa tính đủ tác hại của thuốc trừ sâu, trong lúc tác động tích cực của nông nghiệp bền vững chưa được ghi nhận (bài ''Eco-score : Pourquoi Yuka se retrouve visée par une action en justice de...,'' Challenges, 31/03/2023).

7/ Theo một số nghiên cứu khoa học mới đây, và cũng là điều bắt đầu được LHQ công nhận, nông nghiệp bền vững có thể nuôi đủ, nuôi tốt nhân loại, với điều kiện xã hội chấp nhận thay đổi cách tiêu thụ (giảm lãng phí, giảm tiêu thụ quá nhiều, đặc biệt trong việc giảm mạnh ăn thịt). Bởi, ngành chăn nuôi chiếm đến gần một nửa lượng ngũ cốc, và khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp châu Âu là dùng để chăn nuôi (bao gồm nơi chăn thả, cũng như đất trồng lương thực cho vật nuôi). Bài “L'agriculture biologique est-elle la seule... ?”, France 3, 30/06/2023). Ngược lại, nếu chỉ chuyển nông nghiệp thâm canh tàn phá môi trường thành nông nghiệp bền vững, nhưng không đổi cách tiêu thụ thì cũng không bảo đảm được mục tiêu này (bài “À grande échelle, l'agriculture 100 % bio augmenterait les émissions de CO2”, Novethic, 30/11/2019). 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.