Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Bảo tàng Pháp đề cao vai trò của phụ nữ trong nghệ thuật

Bạn có biết có bao nhiêu nữ tác giả trong bộ sưu tập hội họa của bảo tàng Louvre? Từ thời Phục Hưng cho tới nay, chỉ có 39 bức tranh là do nữ giới sáng tác, tức 0,5%. Về mặt điêu khắc, số nữ nghệ sĩ được đếm trên đầu ngón tay.

Trong bảo tàng thu hút đông khách nhất thế giới, Louvre, Paris, chỉ có 700 tác phẩm được ghi chú là do các nữ nghệ sĩ tạo ra. Ảnh chụp lối vào Louvre, ngày 26/07/2020.
Trong bảo tàng thu hút đông khách nhất thế giới, Louvre, Paris, chỉ có 700 tác phẩm được ghi chú là do các nữ nghệ sĩ tạo ra. Ảnh chụp lối vào Louvre, ngày 26/07/2020. © RFI-Chine
Quảng cáo

Tại bảo tàng Orsay, trong số hơn 4.500 nghệ sĩ đương đại, chỉ có khoảng 300 là phụ nữ, tức chưa tới 7%. Điều đó không có nghĩa là phụ nữ kém sáng tạo, mà chủ yếu cũng vì tài năng của phái nữ ít được quảng bá trong lịch sử nghệ thuật. 

Trong vòng nhiều thế kỷ, các học viện hàn lâm, các định chế văn hóa cũng như các trường mỹ thuật không chịu đào tạo các nữ sinh, thậm chí duy trì việc chỉ đón nhận nam sinh cho tới nửa đầu thế kỷ XX. Theo nhà sử học Simona Bartolena, tác giả quyển tiểu luận "Nữ nghệ sĩ : Từ thời Phục Hưng đến thế kỷ 21" do nhà xuất bản Gallimard phát hành, trong một thời gian dài các trường mỹ thuật có truyền thống cấm nữ giới lui tới, nhân danh luân lý và đạo đức. 

Mỹ thuật Pháp chỉ nhận nữ sinh từ cuối thế kỷ XIX

Cho dù có năng khiếu nghệ thuật (hội họa, khắc gỗ, dệt thêu, tạc tượng ....), phụ nữ thời trước vẫn bị cấm phác họa, mô tả hay sao chép cơ thể của đàn ông khỏa thân, trong khi đó lại là một trong những tiêu chí nghệ thuật cao quý nhất thừa hưởng từ thời văn minh Hy La cổ đại. Những đóng góp nghệ thuật của nữ giới luôn bị đánh giá thấp, nếu không nói là bị coi thường ..... Phụ nữ nào có tài, may mắn lắm chỉ được quyền vẽ chân dung, tĩnh vật, nội thất. Vẽ tranh phong cảnh thiên nhiên thì chỉ có thảo mộc, hồ nước hay thủy cảnh. Vai trò của phụ nữ thường chỉ được xếp vào hàng tay nghề thủ công hay thợ giỏi trang trí.  

Trong bộ sưu tập của Viện bảo tàng Louvre, trong số hàng chục ngàn tác phẩm nghệ thuật không bị khuyết danh, chỉ có một số nhỏ khoảng hơn 700 tác phẩm được ghi chú là do bàn tay phụ nữ tạo ra. Thế nhưng, ngay cả các tác phẩm này cũng chỉ là các bức phác họa hay các tác phẩm "khổ nhỏ", hầu hết các tác phẩm có khổ lớn, các bức tranh quý hiếm đều là của nam giới. Sự chênh lệch này cũng đủ cho thấy toàn bộ vấn đề. 

Tại Pháp, Trường Mỹ thuật Quốc gia đã mở cửa tiếp đón nữ sinh kể từ năm 1897 trở đi. Đa số các nữ họa sĩ bắt đầu nổi danh vào thời bấy giờ đều thuộc vào trường phái ấn tượng, họ đã tham gia sau đó vào hầu hết các trường phái cận đại và đương đại quan trọng nhất thế kỷ XX. Dù vậy, trong các bộ sưu tập nghệ thuật của Trung tâm văn hóa Pompidou chỉ có khoảng 20% tác phẩm là của phụ nữ. Kể từ đầu những năm 2010 trở đi, gió bắt đầu xoay chiều, ban giám đốc các viện bảo tàng lớn tại Pháp ý thức được rằng : họ có nhiệm vụ dành một vị trí xứng đáng hơn cho các nữ nghệ sĩ (và xa hơn nữa là các thiểu số có sự đóng góp vào dòng chính) hầu công nhận vai trò của phái nữ trong làng nghệ thuật trên thế giới, hiểu theo nghĩa rộng nhất.

Cân bằng lại phần nào một thực tế bị chênh lệch

Dù muốn hay không, các định chế văn hóa tại Pháp trước năm 1897 đã chấp nhận "định kiến" có phần trọng nam khinh nữ ấy. Vì thế cho nên, giới hoạt động văn hóa hầu như trong tất cả các khâu nghiên cứu, lưu trữ, khảo cổ, sưu tầm, biên tập, sử học, triển lãm tìm cách thay đổi tư duy, tháo gỡ tất cả những "thói quen" lâu ngày đã thành nếp. Trong nỗ lực đánh giá lại vai trò của nữ giới trong các lãnh vực sáng tạo, các ban điều hành bảo tàng và cơ sở văn hóa đã giúp hình thành những sự kiện lớn. Trong đó có triển lãm tại bảo tàng Grand Palais toàn bộ các bức chân dung cổ điển của danh họa Élisabeth Vigée Le Brun (thế kỷ XVIII) cũng như bộ sưu tập nghệ thuật đương đại của Niki de Saint Phalle. 

Sau đó đến phiên Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Palais de Tokyo trưng bày tác phẩm của Sonia Delaunay, Carol Rama hay là Paula Modersohn-Becker. Về phần mình, bảo tàng Jacquemart André lần đầu tiên tổ chức triển lãm để giới thiệu nữ danh họa người Mỹ Mary Cassatt (thế kỷ XIX) tiên phong trong trường phái ấn tượng, cùng thời với Degas và Toulouse Lautrec. Bảo tàng Orsay thì lại vinh danh bà Berthe Morisot (thế kỷ XIX) có tài nghệ vẽ tranh không kém gì người anh rể là danh họa Édouard Manet và bà quen thân với nhóm hoạ sĩ ấn tượng trứ danh nhất thời bấy giờ là Monet, Degas hay là Renoir.

Bảo tàng Orangerie, theo đề xuất của bà Cécile Debray đã trưng bày các tác phẩm của Paula Rego, gương mặt phụ nữ duy nhất xuất thân từ trường mỹ thuật Luân Đôn, cùng thời với Francis Bacon, Lucian Freud hay là David Hockney ... Tuy năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà chưa bao giờ có tác phẩm được trưng bày trong khuôn khổ một cuộc triển lãm lớn tại Tate Gallery như các bạn "đồng nghiệp" cùng thế hệ. 

Một trong những cột mốc quan trọng là cuộc triển lãm "Elles" gồm toàn là các nữ nghệ sĩ vào năm 2009 tại Trung tâm Pompidou, theo đề xướng của cô Camille Morineau, trưởng ban tổ chức các sự kiện.  Cuộc triển lãm này đã thu bút hơn 2 triệu rưỡi khách tham quan, cho dù hơn một nửa các nhà sáng tác đều là những gương mặt ít được công chúng biết đến. Thành công của triển lãm cho thấy giá trị của tác phẩm nằm trong tư duy sáng tạo hơn là trị giá của bức tranh treo ở phòng trưng bày.

Mạng Aware khôi phục lại vai trò các nữ nghệ sĩ 

Vào năm 2014, cô Camille Morineau thành lập hiệp hội Aware, có nghĩa là "Nhận thức". Aware là chữ viết tắt của "Archives of Women Artists, Research and Exhibitions" (Dữ kiện lưu trữ về các nữ nghệ sĩ, nghiên cứu và trưng bày tác phẩm). Hiệp hội này có hẳn một mạng lưu trữ và trang web thông tin chuyên hợp tác với các viện bảo tàng lớn, gần đây nhất là bảo tàng đương đại Orsay với mục đích giới thiệu rộng rãi các nữ nghệ sĩ của mọi thời, càng nhiều càng tốt.

Từ tháng 05/2021 cho tới cuối năm nay, mạng thông tin sẽ lần lượt đăng chân dung và tiểu sử của các nữ nghệ sĩ. Tổng cộng, 40 nhân vật sẽ lần lượt được giới thiệu, mỗi nhân vật vào một ngày thứ Bảy, trong đó có Eva Gonzalès, Louise Abbéma hoặc Janet Scudder. Theo ông Emmanuel Coquery, phó ban lưu trữ các bộ sưu tập của Orsay, nhóm nghiên cứu đã phải nỗ lực tìm kiến mọi thông tin về các nữ nghệ sĩ này trong văn khố quốc gia, vì cho tới giờ vẫn chưa có nhiều chuyên gia dày công tìm hiểu về các nghệ sĩ này trong mọi lãnh vực kể cả hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh ..... Một trong những trường hợp tiêu biểu là danh họa kiêm nhà điêu khắc Rosa Bonheur (1822-1899) tiên phong chẳng những về mặt nghệ thuật mà còn ở trong lối sống ...

Ban đầu được dành cho giới sinh viên hay các nhà nghiên cứu chuyên môn, trang web của Aware muốn các thông điệp truyền tải của mình không trở nên khô khan trong nỗ lực cân bằng lại phần nào một thực tế quá bị chênh lệch. Mạng thông tin này đã cho ra mắt một loạt phim hoạt hình và tháng này đánh dấu ngày ra mắt các khán giả thiếu nhi mùa phim thứ hai, sinh động dễ hiểu nhắm vào các em mẫu giáo hay là học sinh cấp một với mục đích vừa học vừa chơi. Một cách để giảng dạy về sự đóng góp đáng kể của phái nữ trong các lãnh vực nghệ thuật và nhấn mạnh điều mà cho tới giờ vẫn còn là một điểm bất cập trong tủ sách giáo khoa ở các nước Âu Mỹ : sáng tạo là ưu điểm của con người (cá nhân) chứ không thuộc riêng về màu da hay giới tính.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.