Vào nội dung chính
PHÁP - TRUYỆN TRANH

100 năm ngày sinh của Jacques Martin, tác giả bộ truyện tranh Alix

Trong làng truyện tranh Pháp, có hai nhân vật rất nổi tiếng. Trước hết là anh hùng Gaulois Astérix, nhờ thần dược mà đánh bại vạn quân La Mã. Kế đến có các chuyến phiêu lưu của Alix, từ một cậu bé nô lệ xứ Gaule khi lớn lên lại trở thành anh hùng La Mã. Nhân vật này ra đời dưới ngòi bút chì của ông Jacques Martin. Một cuộc triển lãm lớn đang được tổ chức tại Périgueux nhân dịp 100 năm ngày sinh của họa sĩ Pháp.

Affiche triển lãm " Destination Vesuna" ở Périgeux, Pháp.
Affiche triển lãm " Destination Vesuna" ở Périgeux, Pháp. © Ville de Périgeux
Quảng cáo

Mang tựa đề ''Alix - Destination Vesunna'', cuộc triển lãm diễn ra từ đầu tháng 07/2011 đến cuối tháng 11/2011, phác họa lại cuộc hành trình tưởng tượng của nhân vật Alix đến Vesunna. Đây là tên gọi thời xưa của Périgueux (thành phố của thủy thần Vesunna), nay là thủ phủ của vùng Dordogne. Theo bà Élisabeth Penisson, giám đốc Viện bảo tàng Vesunna chuyên về khảo cổ học thời Gaulois-La Mã, thông qua hàng trăm tác phẩm đủ loại, cuộc triển lãm bắt nhịp cầu giữa thế giới truyện tranh và ngành khảo cổ học thời cổ đại.

Triển lãm dựa theo các di tích lịch sử La Mã

Tại các vùng Tây Nam nước Pháp, vẫn còn nhiều di tích lịch sử thời Đế chế La Mã, chẳng hạn như Đấu trường thành phố Nîmes, Nhà hát cổ đại Orange, Cầu dẫn nước Pont du Gard. Theo lời mời của trưởng ban tổ chức Marc Azéma, họa sĩ Marc Jailloux, tác giả của các tập truyện tranh ''Alix'' kể từ năm 2013 cho tới nay, đã gợi hứng từ di tích La Mã Tháp Vesunna (tiếng Pháp là Tour Vésone) để vẽ tranh bìa minh họa cho cuộc triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của tác giả Jacques Martin (1921-2010).

Dù muốn hay không, sự thành công vượt bực của bộ truyện tranh Astérix của hai tác giả Goscinny và Uderzo, với hơn 380 triệu bản được bán trên toàn thế giới, đã phần nào che khuất tài năng của Jacques Martin và bộ truyện tranh Alix. Tác phẩm này có vẻ như nhắm vào thành phần độc giả trưởng thành nhiều hơn là bạn đọc thiếu nhi. Nhân vật Alix tuy là hư cấu nhưng lại được lồng vào một bối cảnh gần sát với ''thực tế'', dựa theo nghiên cứu các tài liệu lịch sử, lối dựng cốt truyện gần với kịch bản điện ảnh và nội dung đôi khi kết thúc không có hậu, với cái chết của nhiều nhân vật chính trong truyện.

Cùng với một nhân vật khác là thanh niên Ai Cập Enak, anh hùng Alix bắt đầu cuộc hành trình phiêu lưu đi khắp mọi nẻo đường, xuyên qua lãnh thổ Đế chế La Mã. Một trong những nét độc đáo của bộ truyện Alix là cách cài đặt những chi tiết rất thực tế vào trong truyện. Trái với anh hùng Astérix (Uderzo và Goscinny) với nhiều yếu tố huyền ảo thần thoại, Jacques Martin lại muốn đưa người đọc ngược dòng thời gian, trở về với thế giới của Cổ thành La Mã, ở thượng tầng là đền đài vương giả của hoàng đế César, còn phía dưới là cuộc sống lầm than của thành phần dân đen, của những tên nô lệ. Do tình huống đẩy đưa, Alix trở thành ''anh hùng'' khi đứng về phía của những kẻ thấp cổ bé miệng.

Thời kỳ hợp tác với Hergé, tác giả truyện Tintin

Sinh trưởng tại thành phố Strasbourg, miền Đông nước Pháp (Alscace nay thuộc vùng Grand Est), tác giả Jacques Martin ngoài Alix (ra đời vào năm 1948) còn nổi tiếng nhờ bộ truyện tranh phóng viên Lefranc (năm 1952). Ông bắt đầu làm việc cho tạp chí "Journal de Tintin" sau thời Đệ nhị Thế chiến, trở thành đồng nghiệp của hai danh họa Hergé (Georges Remi) tác giả khai sinh nhân vật phóng viên ''Tintin'' và Edgar P. Jacobs, cha đẻ của bộ truyện tranh "Blake và Mortimer". Cả hai họa sĩ này đều lớn hơn Jacques Martin khoảng 10 tuổi và là đồng chủ bút của tuần báo "Journal de Tintin" chuyên về truyện tranh. Cùng với Hergé và Jacobs, ngòi bút của Jacques Martin sau đó trở nên tiêu biểu cho trường phái Bruxelles, lối vẽ truyện tranh thường có những đường viền sắc sảo rõ nét.

Khi tạo ra nhân vật Alix vào năm 1948, Jacques Martin đã gặt hái thành công nhanh chóng, bộ truyện này đã có hàng chục tập khác nhau, được bán hơn 12 triệu bản và được dịch sang 15 thứ tiếng. Ông cố gắng cho ra mắt mỗi năm một tập truyện của anh hùng Alix và một tập truyện của phóng viên Lefranc. Sau ngày ông qua đời, nhân vật Alix sẽ tiếp tục được khai thác qua nhiều ngòi bút khác, trong đó có các họa sĩ như Marc Jailloux hay là Giogio Alkbertini.

Theo đề nghị của đàn anh, Jacques Martin từng hợp tác với danh họa Hergé để thực hiện các album kể lại các chuyến phiêu lưu của phóng viên Tintin. Sự hợp tác này kéo dài trong gần 20 năm, từ 1953 đến 1972. Một cách chính thức, Jacques Martin từng tham gia soạn kịch bản và vẽ tranh cho các tập truyện "Vụ án Tournesol", "Tintin ở Tây Tạng", "Đồ nữ trang của bà Castafiore" hay là "Chuyến bay 714 đến Sydney" …...

Truyện tranh Alix : 12 triệu bản bằng 15 thứ tiếng

Tuy thành công với bộ truyện tranh Alix, cũng có đôi lần Jacques Martin trở thành trọng tâm của các vụ tranh cãi, liên quan tới những ẩn ý về quan hệ đồng tính giữa hai nhân vật Alix và Enak, một số truyện cũng có vẽ phụ nữ hở ngực khỏa thân, khiến ông bị chê là vẽ truyện cho người lớn chứ không phải cho con nít. Một số truyện của ông như ''La Griffe Noire'' hay là "Les Légions perdues" từng bị cấm phát hành một thời gian với lý do kích động thù hận và xúi giục bạo động. Điều đó đã khiến cho tác giả Goscinny (Astérix) bực mình lên tiếng phản đối kiểm duyệt và buộc Bộ Văn hoá phải can thiệp, giúp cho hai tập truyện này được cơ hội ra mắt độc giả.

Tác giả Jacques Martin đã khai sinh Alix trong thời hậu chiến, nên trong nhân vật luôn hàm chứa khát vọng hướng thiện của một tác giả, muốn đứng về phía đòi công lý cho những kẻ yếu. Thời hậu chiến cũng là thời tái thiết châu Âu, không dễ tìm ra tài liệu có sẵn như thời nay với công nghệ internet. Trong thời gian đầu, họa sĩ đã có một số sơ sót khi muốn mô tả lại một cách thực tế mô hình xã hội thời đế chế La Mã. Họa sĩ Jacques Martin đã dựa vào những lời chỉ trích ấy để rồi nhờ đến các nhà khảo cổ học để hoàn thiện bản vẽ, cũng như những chi tiết trong kịch bản của mình. Điều đó giúp cho ông gầy dựng uy tín của mình và từ đó mà tạo được một lượng độc giả hâm mộ trung thành.

Khi qua đời tại Thụy Sĩ vào năm 2010, họa sĩ Jacques Martin đã để lại một di sản khá đồ sộ gồm hàng trăm tựa truyện, trong đó có gần 40 truyện tranh dành riêng cho nhân vật Alix. Bên cạnh đó, còn có các nhân vật khác như Jhen (1978) và Loïs (2000), tiếp tục được nhà xuất bản thường xuyên khai thác qua việc hợp tác với nhiều tài năng mới của làng truyện tranh quốc tế. Sau thành phố Périgueux, Thư viện thành phố Strasbourg, nguyên quán của Jacques Martin, cũng lên kế hoạch kỷ niệm vào mùa thu này, đúng 100 năm ngày sinh của một trong những tác giả tài ba nhất của làng nghệ thuật thứ 9 của Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.