Vào nội dung chính
PHÁP - ASTERIX

Truyện tranh mới Astérix : Liều thuốc tiên hái ra tiền

Được phát hành từ cuối tháng 10/2021, chuyến phiêu lưu mới của anh hùng xứ Gaule mang tựa đề ''Astérix et le Griffon'' (tạm dịch Astérix và con linh vật). Đây là tập thứ 39 trong bộ truyện tranh cực kỳ ăn khách của Pháp, nhưng lại là tập truyện đầu tiên được xuất bản sau khi đồng tác giả Albert Uderzo qua đời hồi tháng 03/2020.

Ảnh minh họa : Tác giả vẽ minh họa Albert Uderzo của tập truyện những cuộc phiêu lưu của Astérix và Obelix tại Hội chợ Sách Frankfurt, Đức, lần thứ 57, ngày 23/10/2005.
Ảnh minh họa : Tác giả vẽ minh họa Albert Uderzo của tập truyện những cuộc phiêu lưu của Astérix và Obelix tại Hội chợ Sách Frankfurt, Đức, lần thứ 57, ngày 23/10/2005. AP - JOERG SARBACH
Quảng cáo

Đằng sau tập truyện tranh mới của nhà xuất bản Albert René, hai tác giả Jean-Yves Ferri (kịch bản) và Didier Conrad (minh họa) một lần nữa đã thành công trong việc tái tạo thế giới của đôi bạn Astérix và Obélix với giọng điệu dí dỏm khôi hài mà vẫn có chiều sâu. Từ cách dùng ngụ ngôn hay ẩn dụ, dựng cốt truyện với nhiều cách đọc, lối chơi chữ bóng bẩy trong cách đặt tên các nhân vật, hai tác giả Ferri và Conrad đều rất trung thành với phong cách sáng tác của hai bậc thầy là René Goscinny (1926-1977) và Albert Uderzo (1927-2020).

Khi Astérix không thể trông cậy vào thần dược

Cặp bài trùng René Goscinny (kịch bản) và Albert Uderzo (minh họa) đã khai sinh nhân vật anh hùng Gô loa Astérix vào năm 1959. Trong vòng nhiều năm liền, họ đã làm việc chung với nhau, để hoàn thành một trong những bộ truyện tranh nổi tiếng nhất của Pháp, không kém gì nhân vật phóng viên Tintin của họa sĩ Hergé người Bỉ. Tính tổng cộng, trong vòng hơn 6 thập niên, đã có hơn 365 triệu cuốn được bán trên toàn cầu, nâng Astérix lên hàng bộ truyện tranh Pháp ăn nhất thế giới.

Về nội dung, ''Astérix et le Griffon'' (Astérix và con linh vật) kể lại câu chuyện của hoàng đế César phái binh đoàn La Mã sang Trung Á để săn bắt một con ''Griffon'', một loài thú thần thoại có cánh, nửa sư tử nửa đại bàng. Theo sự hướng dẫn của nhà địa lý Terrainconnus, đoàn quân La Mã đột nhập vào lãnh thổ của bộ tộc người du mục Sarmate, trên đường họ cũng gặp các chiến binh Amazon.

Trước đà thẳng tiến của đội quân La Mã, pháp sư Sarmate CékanKondine yêu cầu sự giúp đỡ của các anh hùng xứ Gaule. Linh thú Griffon là vật tổ của người Sarmate, một biểu tượng linh thiêng lâu đời, phù hộ cho bộ tộc du mục chuyên sống trên lưng ngựa, tự do rong ruổi tận chân trời, giữa các vùng thảo nguyên mênh mông bát ngát. Ở đây hai tác giả Ferri và Conrad đã cài vào trong truyện một vài yếu tố táo bạo, anh hùng Astérix buộc phải dùng mưu kế và tài trí để giúp người du mục đánh bại quân La Mã. Thuốc tiên của pháp sư Panoramix giúp cho Astérix có sức mạnh kỳ diệu vô song, lại hoàn toàn không hiệu nghiệm khi được uống vào trên các vùng đất đóng băng.

Truyện Astérix được tung ra thị trường như blockbuster

Cứ hai năm một lần, nhà xuất bản Albert René lại cho ra mắt một tập truyện mới. Lần này, truyện ''Astérix et le Griffon'' được in ở mức 5 triệu bản, trong đó có 2 triệu bản bằng tiếng Pháp và 3 triệu bản phát hành trong 16 ngôn ngữ khác, chưa kể đến các phiên bản sang trọng deluxe (13 ngàn cuốn) và tuyển tập artbook (1.050 quyển) với giá cao hơn gấp 10 lần so với một tập truyện tranh thông thường.

Tựa như các hãng phim lớn của Hollywood khi cho ra mắt phim blockbuster với kinh phí cao, kế hoạch trình làng truyện Astérix được tính toán kỹ lưỡng. Tất cả các điểm bán hàng trên toàn cầu đồng loạt cho ra mắt tập truyện vào cùng một ngày. Để tránh bị rò rỉ thông tin, tác phẩm bị sao chép lậu, truyện tranh không được gửi sớm cho giới truyền thông báo chí. Nước Pháp vẫn là thị trường đầu tiên thu hút nhiều độc giả tìm mua bộ truyện tranh này, kế theo sau là các nước Đức, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha. Tập đoàn Hachette nắm giữ quyền khai thác các tập truyện do Albert René xuất bản từ năm 2008. Từ đó trở đi, mỗi album được phát hành thường đạt số bán kỷ lục từ 5 đến 7 triệu bản, đây cũng là món quà mà các gia đình thường đặt dưới chân cây thông, nhân mùa Giáng Sinh về.

Cho dù Goscinny và Uderzo, hai đồng tác giả khai sinh nhân vật Astérix, nay đều đã qua đời, nhưng chưa bao giờ anh hùng xứ Gaule lại thành công đến như vậy. Có rất nhiều dự án phóng tác đang chờ được phát hành từ đây cho đến năm tới. Chẳng hạn như chú chó con Idefix đã được chuyển thể thành phim hoạt hình nhiều tập trên đài truyền hình Pháp France Télévisions. Phiên bản điện ảnh thứ năm ''Chuyến phiêu lưu của Astérix trong Đế quốc Trung Hoa'' với các diễn viên Marion Cotillard, Guillaume Canet, Gilles Lellouche hay Vincent Cassel trong các vai chính. Ban đầu dự trù quay ở Trung Quốc, bộ phim rốt cuộc đã được thực hiện tại Pháp và Maroc. Bộ phim truyện với ngân sách hơn 60 triệu euro, sẽ được cho ra mắt khán gải vào cuối năm tới.

Bốn dự án hợp tác lớn về Astérix trong thời gian tới

Bên cạnh đó, nền tảng trực tuyến Netflix và nhà xuất bản Albert René đã ký hợp đồng cộng tác để chuyển thể tập truyện tranh "Le Combat des Chefs" (Trận đấu của các thủ lĩnh) thành phim hoạt hình nhiều tập. Dự án này được lên kế hoạch cho cuối năm 2022 đầu năm 2023, và được giao cho Alain Chabat. Đạo diễn người Pháp đã từng quay vào năm 2002 bộ phim "Astérix : Mission Cléopâtre" và lập kỷ lục doanh thu phòng vé với hơn 14 triệu lượt khán giả tại Pháp trong 4 tháng. Về phần các dòng sản phẩm khác, tập đoàn Hachette đã ký thỏa thuận sản xuất trò chơi với hãng Playmobil và thiết kế game video điện tử với công ty Microids.

Về phía Công viên giải trí Astérix, đây là chi nhánh quan trọng của tập đoàn 'Compagnie des Alpes. Nếu như thời kỳ phong tỏa do đại dịch Covid-19 đã khiến cho tất cả các công viên giải trí cuộc phải đóng cửa trong nhiều tháng, thì kể từ khi được mở lại Công viên Astérix đã có phần bội thu đặc biệt là vào mùa thu năm nay, cho dù chưa thể tìm lại mức doanh thu kỷ lục của năm 2019, với hơn 2,3 triệu lượt khách tham quan (tính từ đầu tháng 10/2018 cho tới cuối tháng 09/2019).

Có lẽ cũng vì thế mà ban giám đốc điều hành Parc Astérix tỏ ra lạc quan về tương lai, vì cũng như những kỳ trước, công viên giải trí Astérix vẫn thường thu hút được thêm nhiều khách viếng thăm do tác động dây chuyền của thời điểm phát hành các tập truyện tranh kể lại các chuyến phiêu lưu của anh hùng Gô loa và những người bạn đồng hành.

Hai tác giả Goscinny và Uderzo vào năm 1970 đã từng vẽ thống đốc La Mã Gracchus Garovirus cất giấu một khối vàng khổng lồ vào trong kho lưu trữ, như thể đó là tài khoản tại một ngân hàng lớn ở Thụy Sĩ. Nếu còn sống, có lẽ bản thân cả hai tác giả này cũng không thể ngờ rằng nhân vật Astérix chính là công thức thần dược, là liều thuốc tiên biến anh hùng xứ Gaule thành một thương hiệu hái ra tiền. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.