Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Nhà nhiếp ảnh Pháp Patrick Demarchelier qua đời ở tuổi 78

Nổi tiếng từ giữa thập niên 1970 như một trong những nhiếp ảnh gia tài ba nhất của làng thời trang quốc tế, Patrick Demarchelier trong vòng hơn 40 năm sự nghiệp đã thực hiện hàng ngàn bức ảnh chân dung của các nhân vật nổi tiếng, các ngôi sao lẫy lừng trong làng thời trang, ca nhạc hay điện ảnh. Nhà nhiếp ảnh người Pháp đã qua đời trong tuần qua tại tư gia, hưởng thọ 78 tuổi.

Nhiếp ảnh gia Pháp Patrick Demarchelier tham gia cuộc triển lãm đặc biệt "Patrick Demarchelier" tại nhà bán đấu giá Christie's tại New York (Hoa Kỳ) ngày 09/09/2015.
Nhiếp ảnh gia Pháp Patrick Demarchelier tham gia cuộc triển lãm đặc biệt "Patrick Demarchelier" tại nhà bán đấu giá Christie's tại New York (Hoa Kỳ) ngày 09/09/2015. © Getty Images via AFP - Ben Gabbe
Quảng cáo

Gia đình ông đã chính thức loan báo thông tin này trên tài khoản Instagram của chính nhà nhiếp ảnh. Ông Patrick Demarchelier từ trần hôm 31/03, để lại vợ là người mẫu Thụy Điển Mia Skoog và ba đứa con trai : hai anh em sinh đôi Gustaf và Arthur (sinh năm 1984), còn Victor con trai út (sinh năm 1987) là thành viên duy nhất trong gia đình đã nối nghiệp cha khi chọn ngành nhiếp ảnh thời trang. Tên tuổi của Patrick Demarchelier (1943-2022) được gắn liền với Vogue (phiên bản của Mỹ) và Harper's Bazaar do sinh thời, ông chủ yếu làm việc cho hai tạp chí thời trang cực kỳ nổi tiếng này. Trong hơn 4 thập niên sự nghiệp, ông cũng đã hợp tác với hầu hết các hiệu thời trang hàng đầu, kể cả Chanel, Armani và nhất là Dior.

Đỉnh cao sự nghiệp : Thời trang Dior trong mắt Demarchelier 

Cách đây vài năm, nhà xuất bản Flammarion đã tập hợp lại các bức ảnh chụp thành một bộ sưu tập để đăng sách ''Thời trang hạng sang Dior trong mắt Demarchelier (Dior Couture by Patrick Demarchelier). Từ các mẫu thiết kế ngoạn mục nhất của Christian Dior cho tới những người thừa kế sau đó như Yves Saint Laurent, Marc Bohan hay John Galliano, nhà nhiếp ảnh Pháp chỉ chụp những kiểu áo độc nhất vô nhị : mỗi kiểu tựa như một bức tranh nghệ thuật hay một tác phẩm điêu khắc thực sự độc đáo. Từ Bến Thượng Hải đến quảng trường Times Square, từ đại sảnh nhà hát Opéra Garnier cho tới khuôn viên Bảo tàng Rodin hay vườn cam của lâu đài Versailles, Patrick Demarchelier đã lồng những kiểu áo thời trang này vào những khung cảnh lộng lẫy. Các người mẫu được chọn để giới thiệu trang phục cũng là những phụ nữ thuộc vào hàng mỹ miều nhất trên thế giới : Charlize Theron hay Gisele Bündchen. 

Sinh trưởng tại thành phố Le Havre (Normandie), Patrick Demarchelier bắt đầu đeo đuổi ngành nhiếp ảnh từ năm 17 tuổi. Trong thời gian đầu, ông kiếm sống nhờ nghề chụp ảnh cưới. Đến năm 20 tuổi (1973), ông chuyển về thủ đô để kiếm việc, nuôi mộng trở thành một nhiếp ảnh gia thời trang. Tại Paris, ông học nghề khi làm phụ tá cho nhà nhiếp ảnh kiêm họa sĩ người Thụy Sĩ Hans Feurer, chủ yếu làm việc trong ngành quảng cáo. Khi trở thành một nghệ sĩ độc lập, Patrick Demarchelier thực hiện những bức ảnh đầu tiên cho các tạp chí thời trang của Pháp là "Elle'' và ''Marie Claire". 

Năm 22 tuổi, ông lấy quyết định quan trọng khi đến lập nghiệp ở New York (1975). Tài năng của ông thu hút sự chú ý của Alexander Liberman, giám đốc nghệ thuật của nhà xuất bản Condé Nast Editions. Ông được tuyển về làm việc cho tạp chí thời trang Vogue (phiên bản phát hành tại Mỹ). Những hợp đồng đầu tiên của ông là các thương hiệu như Calvin Klein, Versace và sau đó nữa là Chanel và Dior. Theo lời kể của Patrick Demarchelier, đối với bất kể nhà nhiếp ảnh nào mới vào nghề, làm việc cho Vogue (của Mỹ) được xem như là giấc mơ của một đời người. Nhưng không phải vì thế mà ông trở nên tự kiêu, hay ''ngủ quên trên vòng nguyệt quế'', Patrick Demarchelier lại càng làm việc cật lực. Ông là một trong những người đầu tiên góp phần tạo ra hiện tượng Kate Moss. Nhưng bên cạnh đó, hầu như tất cả những người mẫu ''siêu hạng'' đều đã từng xuất hiện trước ống kính của ông : Naomi Campbell, Cindy Crawford, Christie Brinkley, Christy Turlington...

Nhà nhiếp ảnh chụp hình riêng cho Công nương Diana 

Patrick Demarchelier trau dồi tài nghệ của mình qua sở trường chụp ảnh chân dung và nhất là đề cao nét đơn giản, trong sáng. Đơn giản mà thanh lịch, trong sáng nên thuần khiết, phong cách của Patrick Demarchelier gần gũi với bạn đồng nghiệp người Mỹ là Richard Avedon (1923-2004), trong khi các tên tuổi khác của làng nhiếp ảnh thời trang như nhiếp ảnh gia người Úc gốc Đức Helmut Newton (1920-2004) hay Guy Bourdin người Pháp (1928-1991) lại cầu kỳ phức tạp hơn trong cách dàn dựng, kể cả đề tài lẫn bố cục. Qua nhiếp ảnh, Helmut Newton hay Guy Bourdin đều muốn thể hiện nhãn quan của mình, trong khi Patrick Demarchelier chỉ muốn người nhìn tập trung vào nhân vật trong ảnh, chứ không nhất thiết phải nghĩ tới tác giả của bức ảnh chụp là ai.

Trong hàng ngàn bức chân dung mà ông đã thực hiện, bộ ảnh nổi tiếng nhất có lẽ là những bức ảnh của Công nương Diana. Vào đầu những năm 1990, Lady Di đã muốn thay đổi hình ảnh của mình, từ trang phục cho tới phong cách. Vào lúc ấy bà Liz Tilberis, điều hành tạp chí thời trang British Vogue (phiên bản phát hành tại Anh) đã triệu mời Patrick Demarchelier thực hiện loạt ảnh chân dung để làm trang bìa của tạp chí. Trong serie này, có một bức ảnh trắng đen được cho là đẹp một cách hoàn hảo.

Một Công nương Diana lộng lẫy tuyệt vời, ánh sáng tự nhiên khoác lên nhân vật một lớp hào quang sáng ngời : Diana mỉm cười một cách rất hồn nhiên, trên đầu đội vương miện, mặc áo trắng hở vai nhưng lại ngồi trên sàn nhà, vòng tay khoanh ngang đầu gối. Vào thời điểm ấy, không ai có thể nghĩ rằng chân dung của một trong những nhân vật quan trọng hàng đầu của hoàng gia Anh lại có thể được chụp như thế. Bức ảnh của Diana Spencer theo cách nhìn của Patrick Demarchelier trở thành một biểu tượng mới, một cách rất nhẹ nhàng nhưng lại khuynh đảo các khuôn thước hiện thời, và nhất là đã làm được điều mà nhiều người chưa dám nghĩ tới. 

Bức chân dung trắng đen này trở nên nổi tiếng đến nỗi công nương Diana sẽ tuyển dụng ông như một nhà nhiếp ảnh để chụp hình riêng cho mình. Patrick Demarchelier đương nhiên trở thành nhiếp ảnh gia đầu tiên của Hoàng gia Anh không phải là người Anh. Sự hợp tác giữa công nương Diana và Patrick Demarchelier cho ra đời nhiều bức ảnh nổi tiếng khác khi được đăng làm trang bìa các tạp chí Vogue (phiên bản Anh) hay Harper's Bazaar của Mỹ. 

Vụ tai tiếng tình dục bị phơi bày trước ánh sáng 

Sau nhiều thập niên thành công, Patrick Demarchelier được chọn để thực hiện bộ ảnh chụp cho quyển lịch Pirelli năm 2005. Ông cũng hợp tác với các ngôi sao điện ảnh như Nicole Kidman, Keira Knightley, Julianne Moore… cũng như các thần tượng ca nhạc khi ông chụp chân dung để làm bìa album cho Céline Dion, Madonna, Janet Jackson hay Elton John…

Đổi lại, Patrick Demarchelier ít có cơ hội hợp tác với Meryl Streep. Điều đó đã tạo cơ hội cho các nhà viết kịch bản của phim ''The Devil wears Prada'' (Yêu nữ thích hàng hiệu) nhiều lần kể tên ông trong các đoạn đối thoại của Meryl Streep. Trong phim này, Meryl hóa thân thành một ''bà chằn'', một hung thần làng thời trang theo kiểu Anna Wintour (nhân vật có thật), điều khiển toà soạn của một tờ báo thời trang (giống hệt như Vogue) với bàn tay sắt. 

Theo báo Daily Telegraph, cùng với đồng nghiệp Gilles Bensimon, Patrick Demarchelier cho tới năm 2018 là nhiếp ảnh gia có mức tiền lương cao nhất trên thế giới. Trị giá các hợp đồng ít khi nào được tiết lộ, nhưng mỗi lần các tạp chí mời ông hợp tác trên các dự án lớn, ngân phiếu thù lao không thể thiếu sáu con số không. 

Thế nhưng thế giới thời trang hào nhoáng ấy lại ghét những vụ tai tiếng ầm ĩ, dễ tác hại đến doanh thu béo bở, các hợp đồng quảng cáo kếch sù. Vào năm 2018, Patrick Demarchelier bị cuốn vào một vụ bê bối tình dục, buộc ông phải xa lánh thế giới thời trang. Báo Mỹ The Boston Globe đã loan tải vào tháng 02/2018 một bài phóng sự điều tra, trong đó có ghi lại lời chứng của 7 phụ nữ, kể cả một trong những phụ tá đầu tiên của nhà nhiếp ảnh người Pháp. Patrick Demarchelier đã hoàn toàn phủ nhận điều này. Từ tháng 02/2018 cho tới khi ông qua đời vào cuối tháng 03/2022, tuy không hề có một thủ tục pháp lý nào để buộc tội hay truy tố ông, nhưng nhà xuất bản Condé Nast (sở hữu các tạp chí Vogue và Glamour) đã chấm dứt các hợp đồng cũng như các mối quan hệ hợp tác với ông. 

Liên đoàn ngành thời trang hạng sang Haute Couture và ngành thiết kế y phục của Pháp đã đánh giá rằng làng nghệ thuật quốc tế vừa đánh mất một gương mặt lớn, nhờ vào biệt tài chụp ảnh chân dung mà giúp cho ngành thời trang càng thêm tỏa sáng, thì bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng vụ tai tiếng không có gì là quá đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp của Patrick Demarchelier, những ''bí mật'' do The Boston Globe vén màn đã làm lu mờ nguyên cả một vầng hào quang. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.