Vào nội dung chính
VĂN HÓA - DU LỊCH

Giới trẻ dùng mạng xã hội để tìm điểm đến du lịch

Bạn có biết trên các mạng xã hội, các nội dung, hình ảnh hay video có kèm theo hashtag ''du lịch'' (#travel) thu hút hàng chục tỷ lượt xem? Nếu như giờ đây, Facebook được xem như dành cho người ''có tuổi'' (do mạng này đã ra đời cách đây gần 2 thập niên), thì thanh niên thời nay thường tìm cảm hứng du ngoạn thông qua các mạng như TikTok, Snapchat, Instagram và gần đây hơn nữa là Discord, Twitch và Yubo.

Mạng TikTok đã hoàn chỉnh một số công cụ tăng cường hiển thị quảng cáo, đề cao các hình ảnh chia sẻ, tăng tương tác giữa những người sử dụng.
Mạng TikTok đã hoàn chỉnh một số công cụ tăng cường hiển thị quảng cáo, đề cao các hình ảnh chia sẻ, tăng tương tác giữa những người sử dụng. AP - Kiichiro Sato
Quảng cáo

Theo một cuộc khảo sát gần đây được nguyệt san chuyên đề Géo Voyage trích dẫn, cứ trên 10 bạn trẻ ở độ tuổi 18-25, có đến 6 người thường xuyên tham khảo các mạng xã hội trước khi chọn điểm đến du lịch trong các kỳ nghỉ sắp tới. Mạng xã hội cũng ảnh hưởng khá mạnh đến thành phần du khách ở độ tuổi 26-40, vì 45% người tại các nước Âu - Mỹ cũng thích xem các mạng xã hội, để rồi từ đó chọn ra các điểm đi chơi.

Nhìn chung, theo tạp chí Géo Voyage, khoảng 1/3 du khách ở mọi lứa tuổi, thường dùng các mạng xã hội để tìm cảm hứng cho các kỳ nghỉ ngắn ngày cũng như các chuyến đi chơi xa. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng là những cảm nhận riêng về điểm đến du lịch thường ít khi được ghi trong sách hướng dẫn, cũng như những kinh nghiệm được các nhóm có cùng sở thích, chia sẻ trao đổi trên mạng xã hội.

Mạng xã hội giúp các điểm tham quan thu hút thêm khách

Vào thời đại phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, hầu như tất cả các nội dung liên quan đến phong cách làm đẹp cuộc sống (#lifestyle) đều trở nên cực thịnh : du lịch cùng với ẩm thực luôn đi đầu, kế theo sau là các bí quyết sắc đẹp cũng như gìn giữ sức khỏe. Các trào lưu thịnh hành này vẫn trên đà gia tăng và tiếp tục ảnh hưởng đến thành phần khách du lịch quốc tế ở hai độ tuổi 18-25 và 26-40 trong những năm gần đây.

Hiện tượng này không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm. Theo khảo sát gần đây, chỉ riêng trên ứng dụng TikTok, các nội dung có gắn hashtag "#du lịch" thu hút gần 75 tỷ lượt xem. Trên mạng Instagram, hiện có tới khoảng 624 triệu bài đăng với từ khóa ''du lịch''. Còn trên mạng Facebook theo trang thông tin L'Écho Touristique của Pháp, các chuyên trang như ''Paris Je t'aime'', hoặc ''Géo France'' tạo ra hàng chục triệu lượt tương tác liên quan đến các điểm tham quan thú vị nhất.

Chính cũng nhờ vào các bức ảnh chụp đăng trên Instagram mà cộng đồng mạng đã ngẫu nhiên bình chọn New York làm thành phố ''ăn ảnh'' nhất trên thế giới trong năm vừa qua. Trên bảng xếp hạng, Paris đứng hạng 3, Melbourne hạng 8, Roma hạng 9, Vienna hạng 16, Praha hạng 17. Các thành phố châu Á đầu tiên lọt vào danh sách này là Seoul hạng 6 và Kyoto hạng 13.

Thay vì phải chi khá nhiều tiền vào các đợt tiếp thị thông qua các kênh truyền thông, một số quốc gia trên thế giới đang khai thác triệt để các mạng xã hội để dễ nhắm trúng các đối tượng mà các sở du lịch muốn vươn tới. Về điểm này, các điểm đến như Bồ Đào Nha, Hy Lạp Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là Slovenia, được mệnh danh là ''Thụy Sĩ của vùng Balkans'', đã rất năng động. Các nước này đã áp dụng các chiến dịch thông tin quảng cáo đặc biệt trên mạng TikTok, thành công trong việc thu hút được thêm nhiều du khách trẻ tuổi đến từ khắp châu Âu. Vào mùa hè năm 2021, mạng TikTok đã hoàn chỉnh một số công cụ nhằm tăng cường hiển thị quảng cáo. Nhờ vậy, số lượt xem đã tăng gấp bội trên ứng dụng này.

TikTok và Facebook dẫn đầu về mặt quảng bá du lịch

Dù muốn hay không, khi lướt màn hình để xem các nội dung, người tiêu dùng sẽ bắt gặp khá nhiều hình thức quảng cáo, làm bộc phát ham muốn tiêu dùng, giúp cho kích cầu du lịch thêm hiệu quả. Trong cách hiển thị, mạng TikTok đề cao các hình ảnh chia sẻ, tăng thêm tương tác giữa những người sử dụng. Hình thức chia sẻ giữa các cá nhân, theo kiểu ''rỉ tai nhau'' coi vậy mà lại hiệu quả hơn nhiều các đợt quảng cáo rầm rộ đại chúng nhưng chưa chắc nhắm đúng đối tượng thanh niên ở độ tuổi 18-25.

Về phía Facebook, mạng xã hội này hiện vẫn có hơn 450 triệu người sử dụng hàng ngày. Giới trẻ ở Pháp (ở độ tuổi 18-25) thường chê Facebook là mạng dành cho thành phần có tuổi, do Facebook được thành lập vào năm 2004, trong khi Twitch ra đời vào năm 2015 và ban đầu chủ yếu nhắm vào giới ''gamer'', chuyên trao đổi với nhau về các trò chơi video điện tử mà họ yêu thích. Tuy không được giới thanh niên dưới 25 tuổi coi trọng, nhưng hiện giờ, Facebook vẫn chưa hẳn là hết thời : Cứ trên 10 người sử dụng, là có đến 9 (89%) thuộc lứa tuổi 26-40.

Trong số này, có khoảng 45% người sử dụng Facebook  đăng tải những hình ảnh, video ngắn hay những dòng cảm nghĩ tức thời (status) liên quan đến du lịch. Do số lượng bài đăng trên mạng này về danh lam thắng cảnh cũng như các món ăn đặc sản nhiều không kể xiết, Facebook vẫn được xem là mạng xã hội có nhiều tác động tích cực nhất đối với hai ngành ẩm thực và du lịch.

Đó là những ưu điểm của các mạng xã hội, đặc biệt là các ứng dụng có cài sẵn phần tin nhắn, giúp cho các nhân viên phục vụ trong các ngành giải trí hay lưu trú, có thể nhanh chóng cập nhật và phản hồi thông tin theo yêu cầu của người sử dụng. Hình thức tương tác này qua tin nhắn tạo thêm điều kiện thuận lợi cho khách hàng trẻ tuổi trong việc lựa chọn dễ dàng hơn các điểm tham quan.

Những điểm bất cập về ảnh du lịch trên mạng

Tuy nhiên, theo tạp chí Géo Voyage, bên cạnh những ưu thế nói trên, vẫn còn một số điều bất cập mà khách du lịch cần nên lưu ý. Trên các mạng xã hội, do đó là ''không gian ảo'', nên có khá nhiều video hay ảnh chụp du lịch lại thiếu thực tế, hoặc chỉ phản ánh một góc chứ không giúp cho du khách có một cái nhìn toàn diện về điểm đến. Không những thế, đa số các bức ảnh đăng trên Instagram hay Facebook có thêm nhiều filter, giúp cho ảnh chụp thêm nhiều màu sắc lộng lẫy. Độ chỉnh sửa càng cao, ảnh chụp càng xa rời thực tế.

Chẳng hạn như các bức ảnh chụp ánh nắng chiều tà trên những cánh đồng lúa bao la ở vùng Camargue ở miền Nam nước Pháp. Khi sắp đến hoàng hôn, ánh nắng xế chiều có những màu hổ phách tuyệt đẹp vào mùa hạ. Thế nhưng, nếu không có chuẩn bị, khách chụp hình khó mà ở lại được lâu, nhất là khi trời bớt nóng, hàng ngàn mẫu ruộng vùng Camargue lại có nhiều muỗi vằn, một vấn đề y tế tồn tại từ nhiều năm qua ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch trong vùng.

Trên đảo Porquerolles, có những vịnh nước trong suốt, nho nhỏ giống như những hồ tắm thiên nhiên, du khách đôi khi phải chịu khó đi bộ, leo trèo đốc đá. Thế nhưng, khi đến tận nơi, vịnh nước trong lại chật cứng du khách do bị quá tải. Trên Instagram, vịnh nước xanh ẩn mình dưới chân núi chẳng khác gì thiên đường hạ giới, nhưng trong thực tế lại là một hồ tắm đông nghẹt người bơi. Còn ở khu vực Andorra gần dãy núi Pyrénées, có nhiều nguồn suối nước nóng xung quanh ngôi làng Ax les Thermes, phong cảnh tại chỗ rất nên thơ hữu tình, nhưng khách du lịch trước khi đến cần nên biết  là các mạch nước nóng ở đây thường rất nặng mùi lưu huỳnh, điều mà không có bức ảnh chụp nào trên Instagram nhắc tới.

Trong việc tận dụng khai thác công nghệ mới để quảng bá các điểm đến, rõ ràng là các mạng xã hội đã giúp cho ngành du lịch thu hút được thêm nhiều khách hàng. Thế nhưng, nếu chỉ đơn thuần dựa vào mạng xã hội để chọn các điểm tham quan, hay để chuẩn bị cho các kỳ đi chơi xa thì e rằng vẫn chưa đủ. Khách trẻ tuổi cần phải tìm thêm nhiều nguồn thông tin khác hầu phân biệt thực và ảo, để rồi từ đó lựa chọn đúng đắn một điểm đến sao cho gần sát nhất với sở thích của riêng mình.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.