Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Liên hoan ''Jazz à La Villette'' : Nhiều nghệ sĩ Mỹ trở lại Paris

Được chính thức thành lập cách đây 20 năm, ''Jazz à La Villette'' là một trong những liên hoan nhạc jazz quan trọng nhất tại Pháp. Với hơn 50.000 lượt khán giả trong 10 ngày, liên hoan Jazz tại La Villette hấp dẫn lôi cuốn trong mắt giới yêu nhạc, không kém gì hai lễ hội mùa hè ở miền nam nước Pháp là Marciac và Nice Jazz Festival. Năm nay, liên hoan La Villette ở Paris thu hút trở lại đông đảo nghệ sĩ nhạc jazz đến từ Hoa Kỳ.

Áp-phích Liên hoan nhạc Jazz « Jazz à La Villette 2022 », tại Paris, Pháp. (Ảnh chụp màn hình)
Áp-phích Liên hoan nhạc Jazz « Jazz à La Villette 2022 », tại Paris, Pháp. (Ảnh chụp màn hình) © lavillette.com
Quảng cáo

Sau 2 năm hoàn toàn vắng mặt do tác động của đại dịch Covid-19 (hầu hết các sân khấu lớn đều đóng cửa, các liên hoan ngoài trời cũng được thu gọn lại) năm nay, giới nghệ sĩ nhạc jazz của Mỹ, nhất là giới trẻ lại hiện diện một cách hùng hậu nhân dịp sinh nhật lần thứ 20 của liên hoan Jazz à La Villette, từ đây cho tới ngày 11/09. Theo trưởng ban tổ chức và cũng là giám đốc nghệ thuật Frank Piquard, sau 2 năm không được lưu diễn nước ngoài trong khuôn khổ các liên hoan quốc tế, giới nghệ sĩ Mỹ lại càng háo hức do La Villette ở Paris cũng như Marciac và Nice tại Pháp, thành phố Montreux ở Thụy Sĩ là những chặng dừng mà các nhạc sĩ Mỹ không muốn bỏ qua.

Liên hoan jazz phản ánh sự đa dạng của các trường phái Mỹ

Tiền thân của liên hoan jazz tại Paris là chương trình biểu diễn mùa hè ''Halle That Jazz'' có từ năm 1986 của trung tâm văn hóa ''Grande Halle de la Villette''. Đến năm 2002, chương trình này đổi tên thành ''Jazz à La Villette'' mở rộng các buổi hòa nhạc sang nhiều sân khấu lớn ở Paris quận 19 như nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris hay Cabaret Sauvage, các sân khấu nhỏ hơn như Trabendo, Dynamo de Pantin và Atelier du Plateau. Trong vòng nhiều thập niên liền, liên hoan này thường tập hợp các tên tuổi lớn trong làng nhạc jazz, đồng thời đó cũng là bệ phóng dành cho các tài năng mới.

Khi lên chương trình biểu diễn, ban tổ chức liên hoan đã muốn phản ánh càng nhiều càng tốt tính phong phú đa dạng của nền nhạc jazz nói chung. Trong số những nghệ sĩ Mỹ được mời sang Paris biểu diễn lần này, có khá nhiều gương mặt đại diện cho nhiều trường phái khác nhau đến từ New Orleans, New York, Chicago, Los Angeles … Có thể nói rất nhiều địa danh, thành phố lớn trên nước Mỹ được gắn liền với các giai đoạn phát triển của nhạc jazz từ hơn một thế kỷ nay.

Giới nghệ sĩ trẻ thời nay đại diện cho các trào lưu mới giúp cho nền nhạc jazz của Mỹ trở nên cực kỳ sôi động về mặt sáng tạo. Những tài năng mới này lấy cảm hứng sáng tác hay phóng tác từ rất nhiều luồng nhạc khác như soul, funk, hip-hop, âm thanh ''thành thị'' (urban) và đôi khi họ không sợ khuynh đảo cấu trúc, ngữ vựng cũng như các nền tảng cơ bản nhất của nhạc jazz. Nếu như 2 liên hoan Marciac và Nice đã triệu mời 2 đại thụ của làng nhạc jazz là bậc thầy George Benson và ông hoàng nhạc jazz hỗn hợp Herbie Hancock để bảo đảm việc thu hút khán giả, thì ngược lại Jazz à La Villette lại ''chơi liều'' khi đặt niềm tin vào tuổi trẻ, chủ yếu mời khá nhiều tài năng mới cho chương trình liên hoan năm nay.

Bệ phóng dành cho các tài năng mới

Trong số các gương mặt mới, có ban nhạc ''Tank and the Bangas''. Xuất thân từ thành phố New Orleans, nhóm này tạo ra một phong cách biểu diễn trẻ trung nhưng không kém phần dí dỏm hài hước kết hợp bộ gõ Caribê, nhịp điệu châu Phi với phong cách soul hòa quyện với các màn biểu diễn hip-hop. Nhóm CimaFunk hòa quyện nhạc jazz, rap cùng với các nhịp điệu Cuba, trong khi ban song ca Knower (tay trống Louis Cole và giọng ca Geneviève Artadi) lại chuyên kết hợp jazz với nhạc funk-pop điện tử. Lối biến tấu của họ trong cách dùng bộ kèn và bộ gõ vẫn là jazz La Tinh.

Nổi bật không kém là bộ đôi DOMi & JD Beck, 2 nhạc sĩ Pháp và Mỹ còn rất trẻ chuyên biểu diễn nhạc ''jazz groove''. Trong 2 thành viên này, có DOMi sinh trưởng tại Metz (miền đông nước Pháp), cô học đàn từ năm lên 3 và đến tuổi trưởng thành, cô nhận được học bổng sang Mỹ du học. Sau khi tốt nghiệp trường âm nhạc cao đẳng Berklee tại Boston vào năm 21 tuổi, DOMi nhân một kỳ biểu diễn chuyên nghiệp đã làm quen rồi kết bạn với JD Beck một tay trống người Mỹ 17 tuổi đến từ Texas.

Do phong cách chơi nhạc của họ rất hợp với nhau, cho nên hai nghệ sĩ này bắt đầu tải các màn biểu diễn live của nhóm lên các mạng xã hội. Tài nghệ sáng tác và chơi đàn của bộ đôi này thu hút sự chú ý của giới chuyên nghiệp. Trong đó có ông hoàng nhạc jazz fusion Herbie Hancock đã nhận lời ghi âm cùng với 2 ''thần đồng'' này cho album đầu tay của nhóm vừa được phát hành. Nhờ sự hợp tác này, DOMi & JD Beck trở thành hiện tượng của làng nhạc jazz hiện thời và có rất nhiều triển vọng trở thành một trong những tên tuổi lớn trong thời gian tới.

Jazz à La Villette : Nhịp cầu nối liền hai thế hệ

Về phần mình, nhạc sĩ Angel Bat Dawid, đại diện cho trường phái Chicago nổi tiếng nhờ tài chơi cùng lúc hay xen kẽ nhiều nhạc cụ trong lãnh vực ''free jazz'', với nhiều tầng lớp âm thanh hòa quyện thôi miên như thể dung hòa nhạc jazz với new age, thừa hưởng từ những năm 1960. Những nhạc sĩ trẻ này không chỉ biểu diễn solo trên sân khấu, mà còn nhận lời chơi chung với các bậc đàn anh qua các màn song tấu. Liên hoan Jazz à La Villette lần này càng muốn tạo thêm các mối liên kết gắn chặt các thế hệ nhạc sĩ với nhau.

Điển hình là nhóm CimaFunk sẽ đối thoại trực tiếp trên sân khấu với tay kèn Fred Wesley (79 tuổi), ông từng là thành viên sáng lập ban nhạc huyền thoại J.B Horns, chuyên biểu diễn kèn đồng cùng với Bố già nhạc funk James Brown. Ngoài ra, còn có ban nhạc ''Scary Pockets'', một nhóm chuyên biểu diễn nhạc jazz kết hợp với soul vintage, nhóm này tập hợp nhiều thế hệ nghệ sĩ trên cùng một sân khấu với nhau, trong đó có tay đàn trứ danh John Scofield (71 tuổi), từng tham gia vao ban nhạc của huyền thoại Miles Davis, nhạc sĩ Larry Goldings ngoài 50 tuổi chơi đàn organ và 2 nghệ sĩ trẻ mới 30 tuổi là Louis Cole và MonoNeon, chơi trống và đàn bass.

Liên hoan Jazz à La Villette còn có những chương trình biểu diễn đặc biệt để tôn vinh danh các tài năng quá cố. Trong những năm trước, nghệ sĩ José James đã tưởng niệm bậc đàn anh là ca sĩ kiêm tác giả Bill Withers (Ain't no sunshine / Lean on me). Còn nữ ca sĩ Pháp Jeanne Added đã dành nguyên một buổi biểu diễn cho các bản nhạc bất tử của Prince (Purple Rain, Nothing compares 2U). Năm nay, đến lượt Marvin Gaye được vinh danh trong khuôn khổ Liên hoan Jazz à La Vilette. Vào năm 1971, Marvin Gaye thực hiện cú đột phá ngoạn mục khi cho phát hành tập nhạc ''What's going on'' : đấu tranh đòi quyền công dân cho người da đen, văn hóa hippie cũng như các sáng tác phản chiến, nạn nghèo đói và ma túy trong xã hội Mỹ …

Marvin Gaye đề cập đến nhiều chủ đề nhạy cảm, nhưng nhờ vào lối diễn đạt tinh tế, tài nghệ của ông được nâng thêm một bậc, trở thành một nghệ sĩ thực thụ chứ không còn là một ca sĩ chuyên hát nhạc tình. Toàn bộ các bài hát của album huyền thoại này sẽ sống lại trên sân khấu nhờ vào ban nhạc ''Nu Civilisation Orchestra'' dựa theo mô hình của nhóm ''Tomorrow's Warriors'', một trường dạy nhạc jazz tại Luân Đôn mở rộng cho mọi đối tượng, dùng âm nhạc để tạo thêm điều kiện cho giới trẻ kém may mắn, hội nhập vào xã hội. Dự án này đáp ứng cùng lúc nhiều nhu cầu, tựa như một câu trả lời thỏa đáng cho tựa đề dưới dạng câu hỏi ''What's going on'' (Chuyện gì đang xảy ra) của Marvin Gaye : nghệ thuật càng có nhiều ý nghĩa khi được dùng để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.