Vào nội dung chính
UNESCO - BÁNH MÌ PHÁP

Bánh mì baguette của Pháp được xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO

Khoảng 16 triệu bánh mì baguette ra lò ở Pháp mỗi ngày. Bánh mì đũa baguette trở thành một bản sắc trong văn hóa ẩm thực của Pháp. Hôm 30/11/2022, UNESCO đã xếp bánh baguette vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại. Cơ quan của Liên Hiệp Quốc tôn vinh các truyền thống thủ công của nghề làm bánh mì hơn là bản thân chiếc bánh mì dài, trong bối cảnh các hiệu bánh mì ở vùng nông thôn đang dần biến mất và những đe dọa từ công nghiệp hóa và khủng hoảng kinh tế.

Bánh mì baguette tại một cửa hàng ở Versailles, phía tây Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 29/11/2022.
Bánh mì baguette tại một cửa hàng ở Versailles, phía tây Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 29/11/2022. AP - Michel Euler
Quảng cáo

Theo UNESCO, việc đưa bánh mì vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại cho phép vinh danh kỹ nghệ của các thợ làm bánh thủ công ở Pháp – một nghệ thuật sống kiểu Pháp, hãng tin AFP trích dẫn. Ăn bánh mì giống như một « nghi thức » hàng ngày ở Pháp.

« Bánh mì baguette không phải là một bức tranh trong bảo tàng cũng không phải một bức tượng hay công trình kiến trúc nào cả », như nhận định của nhà bình luận ẩm thực Emmanuel Rubin, đồng sáng lập sách hướng dẫn ẩm thực Fooding. Trả lời RFI Tiếng Việt, ông Rubin cho rằng xếp loại của UNESCO là một biểu tượng lớn mà nền ẩm thực đang cần, nhất là đối với một loại bánh mì được ví như một huyền thoại của Pháp. 

« Mỗi quốc gia có một loại thực phẩm cơ bản. Ở châu Á thì mọi người nói đến cơm, còn ở Pháp, thì từ thời Gaulois, thời Trung Cổ, loại thực phẩm cơ bản xuất hiện trên các bàn ăn đó là bánh mì. Trong nhiều thế kỷ qua ở Pháp, chúng tôi đã ăn bánh mì, thường là những loại bánh mì campagne, tròn và to và phải dùng dao cắt. Đến đầu thế kỷ 20, bánh mì baguette xuất hiện, có hình dài. Vỏ giòn hơn và ít ruột hơn, dễ dàng dùng tay bẻ và không cần dao. Từ đó, bánh mì có mặt ở khắp các bàn ăn trong các gia đình Pháp. Hình ảnh người Pháp cắp bánh mì dài dưới nách, trở thành biểu tượng của người Pháp, được loan truyền khắp thế giới, vì lúc đó người ta quen với bánh mì có hình tròn hơn. Thêm vào đó là kỹ nghệ làm bánh, từ bột mì đến men, thời gian lên men và cách nướng, khiến bánh giòn và có hương vị riêng ». 

Tại Pháp, các cuộc thi làm bánh mì baguette được tổ chức hàng năm. Với cùng một loại nguyên liệu nhưng mỗi thợ làm bánh lại tạo ra một hương vị riêng. Nhà bình luận ẩm thực Emmanuel Rubin cho rằng việc bánh mì baguette được UNESCO ghi vào danh sách di sản danh giá của mình, dù chỉ mang tính biểu tượng nhưng có thể cứu lấy nghề làm bánh mì đang dần mai một ở Pháp :  

« Càng ngày càng ít người muốn trở thành thợ bánh mì. Nghề này ít cuốn hút hơn. Nếu ít thợ bánh mì thì những bí quyết làm bánh cũng ít đi. Sản phẩm này có nguy cơ bị biến mất. Xếp hạng di sản của UNESCO có thể cho phép vinh danh nghề này cũng như động viên các thợ thủ công, đặc biệt là những người trẻ theo nghề. Như vậy nghề làm bánh thủ công sẽ được duy trì cũng như hương vị của chiếc bánh vậy. » 

Theo AFP, vào năm 1970, Pháp có khoảng 55 000 hiệu bánh thủ công, nhưng hiện nay chỉ còn 35 000 cửa hàng. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi năm, 400 hiệu bánh bị đóng cửa từ khoảng 50 năm qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.