Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Pháp : Liên hoan truyện tranh Angoulême lần thứ 50

Sau một thời gian bị xáo trộn do dịch Covid, chương trình năm trước từng bị lùi lại vài tháng, Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême năm 2023 sẽ diễn ra đúng theo kế hoạch từ ngày 26/01 đến 29/01. Có thể xem đây là một món quà sinh nhật: chương trình sinh hoạt liên hoan Angoulême không còn bị giới hạn, nhân phiên bản lần thứ 50.

Ảnh tư liệu: Khách tham quan tại khu vực Manga City của Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême, Pháp, ngày 19/03/2022.
Ảnh tư liệu: Khách tham quan tại khu vực Manga City của Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême, Pháp, ngày 19/03/2022. AFP - YOHAN BONNET
Quảng cáo

Được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 01/1974, liên hoan Angoulême ban đầu giống như một hội chợ sách, các gian triển lãm diễn ra ở cùng một nơi. Họa sĩ kỳ cựu người Ý Hugo Pratt, tác giả của bộ truyện về nhà thám hiểm đồng thời là thuyền trưởng ''Corto Maltese'', đã vẽ tấm áp phích đầu tiên cho liên hoan Angoulême, nằm cách thủ đô Paris 450 cây số về phía Tây Nam. Với thời gian, hội chợ truyện tranh tại thành phố Angoulême đã trở thành một liên hoan có tầm vóc quốc tế, với khoảng 1.500 khách mời và hơn 200.000 lượt người tham dự hàng năm. 

Từ hội chợ sách thành liên hoan lớn

Bên cạnh các gian hàng sách ban đầu, chuyên trưng bày các tựa truyện tranh truyền thống, nơi các họa sĩ cũng như tác giả trứ danh tha hồ mà ký tặng sách cho độc giả và giới hâm mộ, Angoulême giờ đây có hàng loạt sinh hoạt thú vị mang tính lễ hội, kể cả các buổi triển lãm kèm theo các buổi hội thảo chuyên đề, giao lưu giữa tác giả với công chúng, các họa sĩ biểu diễn vẽ minh họa trực tiếp, các xưởng vẽ dành cho trẻ em, các buổi masterclass qua đó tác giả truyền đạt kinh nghiệm của họ trong cách dựng truyện cũng như soạn kịch bản…

Do thu hút đông đảo nhiều người hâm mộ tụ họp về cùng một nơi, cho nên cứ mỗi năm vào cuối tháng Giêng, thành phố Angoulême thường ngày khá yên bình, tĩnh lặng lại trở nên náo nhiệt sôi động, khi số người tham dự liên hoan cao gấp bốn lần số cư dân sống ở trung tâm thành phố.

Trong thời gian đầu, trường phái châu Âu, hay nói đúng hơn là truyện tranh của Pháp và Bỉ, ngự trị trong nhiều thập niên liền. Kể từ năm 2008, sự thành công của bộ phim ''Iron Man'' (Người sắt) chẳng những mở ra vũ trụ điện ảnh rộng lớn của Marvel, mà còn đánh dấu sự trỗi dậy của tủ truyện siêu anh hùng (comics) trong ngành xuất bản truyện tranh. Thập niên 2010 cũng đánh dấu sức bật của manga Nhật Bản. Theo số liệu gần đây nhất của Viện nghiên cứu GfK, trên thị trường Pháp, đã có khoảng 85 triệu quyển truyện tranh được bán trong năm 2022, trên kệ sách cứ trên hai quyển là có một cuốn truyện tranh của Nhật dịch sang tiếng Pháp, tương đương với 48 triệu quyển manga được bán trên thị trường Pháp chỉ trong năm qua. 

Pháp : Sức bật của dòng truyện tranh Nhật Bản 

Điều đó giải thích vì sao liên hoan Angoulême 2023 càng dành một chỗ đứng quan trọng cho manga của Nhật nói riêng, truyện tranh của châu Á nói chung. Một trong những ngôi sao sáng năm nay là họa sĩ người Nhật Ryoichi Ikegami. Năm nay 78 tuổi, ông được xem như là bậc thầy của dòng truyện tranh ''seinen'', chủ yếu dành cho độc giả trưởng thành phái nam, qua những chủ đề xã hội đen và các băng đảng tội phạm. Tài năng của ông từng tỏa sáng trong loạt truyện ''Sanctuary'' (Thánh Địa) hoặc ''Crying Freeman'' (Nước mắt sát thủ). Các tác phẩm này đều thành công khi được chuyển thể thành phim hoạt hình hay phim truyện trên màn ảnh lớn. 

Liên hoan Angoulême cũng chào đón họa sĩ Junji Itō, một trong những họa sĩ manga kinh dị nổi tiếng Nhật Bản, qua những loạt truyện tiêu biểu như Uzumaki (Xoắn ốc), Gyo hay Tomi. Bên cạnh hai vị khách mời này, Angoulême còn tổ chức một cuộc triển lãm lớn dành cho tác phẩm của họa sĩ Hajime Isayama. Bộ truyện ''Attack on Titan'', tựa nguyên tác là ''Tiến kích Cự nhân'' từng được phóng tác thành phim với tựa đề ''Đại chiến người không lồ'' lấy cảm hứng từ thời Trung Cổ, phối hợp hành động võ thuật với thế giới viễn tưởng kỳ ảo. Nhờ kết hợp tài tình các yếu tố này, tác giả Hajime Isayama lập kỷ lục ngoạn mục : hơn 110 triệu quyển truyện đã được bán chỉ trong hơn một thập niên (2010-2022).

Qua việc mời ba tên tuổi lớn của ngành manga, liên hoan Angoulême muốn nhấn mạnh đến sức hút ''đại trà'' của truyện manga Nhật Bản, cũng như các blockbuster của Mỹ trong điện ảnh, có tác dụng đầu tàu kéo doanh thu của toàn ngành xuất bản truyện tranh đi lên. Những tác giả manga trứ danh này sẽ tham gia các buổi giao lưu với độc giả Pháp. Đây là thế hệ bạn đọc đầu tiên ở Pháp từng lớn lên vào những năm 1980 với phim hoạt hình của Nhật Bản và giờ đây, tầng lớp trung niên này truyền nối niềm đam mê của họ đến các thế hệ sau.

Về phía các độc giả truyện tranh Tây Âu, họ có thể khám phá nhiều cuộc triển lãm khác, được tổ chức kèm theo thuyết trình, chiếu phim tài liệu, giới thiệu các bản thảo qua ảnh chụp hay video minh họa, nhằm tạo cơ hội cho người tham dự tìm hiểu thêm về thế giới ''hội họa'' của một tác giả. Gương mặt được tôn vinh năm nay là họa sĩ Pháp Philippe Druillet, từng được Angoulême trao tặng giải thưởng cao quý nhất vào năm 1988. Nổi tiếng là một tác giả đa tài, ngoài truyện tranh, ông còn tham gia vào việc vẽ hoạt cảnh cho hai ngành điện ảnh và kịch nghệ. Ông vẽ minh họa bìa sách hay đĩa nhạc, clip video, cũng như phim hoạt hình. 

Trên lãnh vực truyền hình, Druillet tham gia vào khâu thiết kế nhiều bộ phim lịch sử cổ trang. Còn trong ngành trò chơi video điện tử, ông tham gia vào việc dựng cốt truyện game qua công nghệ đồ họa. Có lẽ cũng vì Druillet tham gia vào rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau, cho nên cuộc triển lãm dành cho tác giả này tại Viện bảo tàng truyện tranh Angoulême mang tựa đề ''Les 6 voyages de Philippe Druillet'' (Sáu hành trình của Philippe Druillet). Một cách đặc biệt, triển lãm được khai mạc ngày 26/01 nhân liên hoan lần thứ 50 và sẽ kéo dài cho đến ngày 12/03/2023. 

2022 : ''Thế giới bất tận'' đạt kỷ lục với nửa triệu quyển 

Bên cạnh tên tuổi lớn này, Angoulême còn đề cao các tài năng phái nữ, công nhận vai trò sáng tạo của các nữ tác giả trong làng truyện tranh. Đó là trường hợp của nữ tác giả người Côte d'Ivoire Marguerite Abouet, chuyên soạn kịch bản cho loạt truyện ''Aya de Yopougon '' (minh họa với các bảng vẽ của Clément Oubrerie). Đây là một cách để thu hút sự chú ý của công chúng về phía các nhà biên kịch. Trong năm 2022, Angoulême từng đề cao tác phẩm ''Les enfants pâles'' (tạm dịch Những đứa con xanh xao) của nữ tác giả Loo Hui Phang, người Pháp gốc Hoa, sinh ra ở Lào. 

Nếu như năm trước, Angoulême từng trao giải thưởng lớn (Grand Prix) cho nữ tác giả người Canada Julie Doucet, nổi tiếng nhờ phong cách táo bạo, thì năm nay, giới chuyên ngành sẽ bỏ phiếu bình chọn một trong ba ứng cử viên sáng giá hàng đầu. Trong ba tác giả này, có nghệ sĩ người Pháp Catherine Meurisse, hoạ sĩ người Mỹ Alison Bechdel và cuối cùng là nhà sáng tạo người Pháp gốc Syria Riad Sattouf. 

Chương trình sinh hoạt liên hoan Angoulême thường niên vốn đã dày đặc, nhân kỳ sinh nhật lần thứ 50 lại càng dồi dào phong phú. Món quà sinh nhật đối với ban tổ chức năm nay (Sonia Déchamps, Fausto Fasulo và Julien Misserey) là một bối cảnh kinh tế hết sức thuận lợi. Theo khảo sát gần đây nhất của Viện GfK, quyển sách bán chạy nhất tại Pháp trong năm vừa qua chính là bộ truyện tranh ''Le monde sans fin'' (Thế giới bất tận) của hai tác giả Jean Marc Jancovici và Christophe Blain, do nhà xuất bản Dargaud phát hành. 

Tập truyện này nói về cuộc khủng hoảng toàn cầu do biến đổi khí hậu, đã bán được gần 520.000 quyển tại Pháp. Điều đó cho thấy là truyện tranh không còn đơn thuần dành cho trẻ em, nội dung không chỉ để giải trí, mà còn có thể đề cập đến nhiều vấn đề nghiêm túc. Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême, với trọng tâm làm nổi bật sự đa dạng (qua nhiều thể loại và trường phái), càng tin tưởng lạc quan vào một ngày mai tươi sáng. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.