Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Harper's Bazaar : Phiên bản tiếng Pháp ra mắt độc giả

Dày hơn 300 trang và nặng đến 700 gram : ''đứa con'' tinh thần gần đây nhất của tập đoàn truyền thông Pháp Vivendi vừa ra mắt độc giả hôm 23/02/2023 vừa qua. Ấn phẩm này chính là phiên bản tiếng Pháp của nguyệt san Harper's Bazaar, tạp chí thời trang có uy tín lâu đời của Mỹ, được phát hành lần đầu tiên vào năm 1867 tại thành phố Manhattan, New York.

Ảnh minh họa: Ebonee Davis tại lễ kỷ niệm 150 năm nguyệt san Harper's Bazaar, New York, Hoa Kỳ, ngày 09/09/2022.
Ảnh minh họa: Ebonee Davis tại lễ kỷ niệm 150 năm nguyệt san Harper's Bazaar, New York, Hoa Kỳ, ngày 09/09/2022. Getty Images via AFP - THEO WARGO
Quảng cáo

Hơn 150 năm sau ngày ra đời, Harper's Bazaar đến nay đã phát triển ra khắp thế giới. Tạp chí có uy tín hàng đầu của Mỹ hiện có tới 36 ấn bản phát hành bằng 15 thứ tiếng (kể cả tiếng Việt) tại gần 100 quốc gia. Tuy nhiên, theo tuần báo Capital, công chúng Pháp lại không biết nhiều về tạp chí Harper's Bazaar của Mỹ. Có lẽ cũng vì trên thị trường Pháp hiện thời, đã có khá nhiều tạp chí khai thác cùng chuyên đề thời trang như Elle, Vogue France, Marie Claire, Femina, Glamour, Cosmopolitan… đa số đều được phát hành dưới dạng tuần báo hoặc nguyệt san.

Báo tiếng Pháp ra đời khi ngành thời trang bội thu

Tuy là một trong những tạp chí thời trang có uy tín từ khá lâu, nhưng mãi đến nay Harper's Bazaar mới cho ra mắt độc giả một phiên bản tiếng Pháp. Nhà xuất bản Prisma Média (thuộc tập đoàn Vivendi) nổi tiếng với hơn 20 tựa tạp chí  khác nhau, trong đó có 4 tuần báo dành cho bạn đọc phái nữ là Femme Actuelle, Prima, Simone, Oh My Mag… nay muốn khai thác lãnh vực thời trang hạng sang và sản phẩm cao cấp. Cho dù đang có lạm phát cao, kinh tế trên đà phục hồi thời hậu Covid, tình hình vẫn còn bấp bênh do chiến tranh Ukraina, nhưng doanh thu ngành xa xỉ phẩm vẫn tăng mạnh, thêm khoảng 15% trong năm vừa qua. Riêng lợi nhuận trong năm 2022 của tập đoàn xa xỉ phẩm  LVMH của Pháp đạt tới 14 tỷ euro, một mức kỷ lục.

Viễn cảnh khá thuận lợi ấy có thể giải thích vì sao nhà xuất bản Prisma Media tung phiên bản tiếng Pháp của Harper's Bazaar, hầu cạnh tranh trực tiếp với các tạp chí khác là Vogue France (thuộc tập đoàn Condé Nast) cũng như tuần báo Elle (thuộc liên doanh CMI), mở ra cuộc chạy đua giành lấy thị phần, đặc biệt là trong phân khúc chuyên về thế giới thời trang cũng như thị trường sản phẩm cao cấp, bao gồm cả phụ kiện đa ngành lẫn hình thức kinh doanh các cửa hàng phù du thời thượng (pop up store).

Ở vị trí lãnh đạo, Prisma Media đã hội tụ hai trưởng ban biên tập : ông Matthias Gurtler chuyên về mặt tìm kiếm các đối tác đầu tư quảng cáo, còn ông Olivier Lalanne từng làm việc cho hai tạp chí thời trang GQ và Vogue France đảm trách về mặt nội dung cũng như điều hành đội ngũ biên tập. Thay vì đơn thuần dịch các bài viết sẵn có của bản gốc tiếng Anh, Harper's Bazaar tiếng Pháp có hẳn một nhóm biên tập, soạn những nội dung phản ánh tư tưởng sáng tạo trong làng thời trang cũng như ngành chăm sóc sắc đẹp, sức bật của các thương hiệu kể cả ẩm thực hay mỹ phẩm. Mục tiêu đầu tiên là mỗi ấn phẩm sẽ được nhóm biên tập tiếng Pháp, soạn thảo và thiết kế từ đầu đến cuối, nhằm phản ánh vai trò của thời trang (hiểu theo nghĩa rộng nhất) trên toàn thế giới với góc độ cảm nhận cũng như nhãn quan từ nước Pháp. Tạp chí này được bán với giá 4,90 euro mỗi số in, có thể rẻ hơn khi đặt mua dài hạn trên mạng PrismaShop.

Nếu như thời trang chiếm một vị trí quan trọng trong phần nội dung của tạp chí, ban biên tập của Harper's Bazaar tiếng Pháp còn mở rộng nhiều trang báo sang lãnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong số tạp chí đầu tiên được cho ra mắt bạn đọc tiếng Pháp, có một bài phỏng vấn dài về tình hình tại Iran trong mắt nữ diễn viên Golshifteh Farahani, hiện đang sống lưu vong tại Pháp. Bộ môn văn học cũng được đề cao với những bài viết riêng cho tạp chí của các nhà văn nữ Emma Becker hay Catherine Millet. Nghệ thuật điện ảnh cũng nổi bật với phần phỏng vấn đạo diễn Pháp Florian Zeller, sau khi giúp Anthony Hopkins đoạt Oscar diễn xuất nhờ bộ phim ''The Father'' (Người cha) nay nhà làm phim trở lại với phần kế tiếp là ''The Son'' (Đứa con) với nam tài tử Hugh Jackman trong vai chính.

Lịch sử Harper's Bazaar hơn 150 năm tuổi

Ra mắt độc giả Mỹ lần đầu tiên vào cuối năm 1867, tên gọi của Harper’s Bazar được đặt theo tên tạp chí Der Bazar của Đức. Tạp chí này phản ánh sự biến chuyển của xã hội Mỹ thông qua các trào lưu thịnh hành, từ thời này qua thời nọ. Chẳng hạn như họa sĩ người gốc Nga Erté (cũng như họa sĩ Hergé, nghệ danh lấy hai chữ đầu của Romain de Tirtoff) khi vẽ tranh bìa cho tạp chí đã gợi hứng từ các trào lưu nghệ thuật như trường phái trang trí Art Déco hay lập thể Cubisme, các tác phẩm của ông sau đó đã gợi hứng cho nhà tạo mốt Philip Treacy tạo hình thiết kế cho một chiếc mũ thời trang trong bộ sưu tập năm 2008 của Alexander McQueen.

Một cách tương tự nhà nhiếp ảnh người Mỹ gốc Nga Alexey Brodovitch, ngoài việc sáng tạo logo hầu tạo nên sự sang trọng và tinh tế của Harper's Bazaar, còn mời nhiều khá nhiều họa sĩ thuộc trường phái Siêu Thực hợp tác với tờ báo, một trong những gương mặt nổi tiếng nhất thời bấy giờ nhận lời vẽ tranh minh họa cho tạp chí này chính là gương mặt ''huyền thoại'' của làng hội họa quốc tế Salvador Dalí.

Theo tuần báo Pháp Capital, từ lâu Harper's Bazaar đã có truyền thống hợp tác với những nghệ sĩ tiên phong, chủ yếu cũng vì họ thường có tầm nhìn xa và có đủ khả năng để tạo ra dấu ấn quan trọng trong các lãnh vực nghệ thuật. Chẳng hạn như trong số những tài năng trẻ tuổi khởi đầu sự nghiệp của mình qua việc vẽ minh họa cho tạp chí Harper's Bazaar, có họa sĩ Andy Warhol, trước khi ông trở thành một trong những bậc thầy của phong trào Pop Art.

Sáng tạo nhưng vẫn duy trì truyền thống của bản gốc

Trước khi có phiên bản tiếng Pháp, bản gốc tiếng Anh của Harper's Bazaar cũng đã từng giới thiệu với công chúng Mỹ nhiều nhà văn Pháp quan trọng. Trong số các tác giả từng thường xuyên viết bài cho tòa soạn ở New York, có thể nhắc đến các ngòi bút của Colette, Françoise Sagan, Simone de Beauvoir hay André Malraux… Phiên bản tiếng Pháp của Harper's Bazaar giờ đây duy trì truyền thống này bằng cách mời nhiều nhà văn và giới phê bình góp sức làm giàu nội dung các bài viết.

Do có hơn 150 tuổi đời, Harper's Bazaar đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nội dung và hình ảnh của thể loại tạp chí thời trang. Vào giữa những năm 1930, khi báo chí còn chuyên dùng ảnh chụp đen trắng, Harper's Bazaar bản gốc là tạp chí đầu tiên sử dụng kỹ thuật Kodachrom (phát minh vào năm 1935) để thực hiện các buổi chụp ảnh màu ở ngoài trời, thay vì đơn thuần thực hiện ở trong studio. Kỹ thuật này đề cao các bức ảnh chụp nhiều màu, làn da trắng ngà của các người mẫu nhờ vậy mà càng mịn màng, tươi sáng hơn dưới ánh nắng tự nhiên ban ngày.

Một sáng kiến quan trọng khác giúp biến đổi ngành xuất bản tạp chí thời trang là ý tưởng của bà Glenda Bailey, tổng biên tập Harper's Bazaar. Ra đời vào năm 2001, bí quyết gọi là ''Dual Cover'' cho tới nay vẫn còn được áp dụng. Đó là tuy cho cùng một số báo, nhưng trang bìa của Harper's Bazaar lại có hai kiểu thiết kế khác nhau. Phiên bản dành cho bạn đọc đặt báo dài hạn, có hình bìa mang tính nghệ thuật hơn. Trong khi hình bìa của tạp chí dành cho phiên bản đại chúng, bày bán ở các quầy báo lại mang nhiều tính thương mại.

Trung thành với truyền thống này, số đầu tiên của Harper's Bazaar tiếng Pháp đã triệu mời nhà nhiếp ảnh người Mỹ gốc Ý Mario Sorrenti. Ông đã thực hiện 4 trang bìa khác nhau cho cùng một số báo. Khi xếp 4 bức ảnh chụp này bên cạnh nhau, khán giả tinh ý sẽ nhận thấy Mario Sorrenti sử dụng nhiều phông nền với ba màu khác nhau. Xếp theo thứ tự đó là các màu : xanh, trắng, đỏ, tựa như màu cờ của nước Pháp, khi lần đầu tiên tạp chí thời trang Harper's Bazaar xuất hiện ngay tại kinh đô thiết kế thời thượng, giữa chốn tạo mốt hạng sang. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.