Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Hergé : 40 năm ngày giỗ của tác giả bộ truyện Tintin

Vào ngày 03/03/1983, họa sĩ Georges Remi qua đời tại Bỉ, hưởng thọ 75 tuổi. Ông nổi tiếng trên toàn thế giới với nghệ danh Hergé, tác giả của bộ truyện Tintin. Bốn thập niên sau ngày ông từ trần, các nhân vật hình thành dưới ngòi bút của Hergé vẫn mê hoặc hàng triệu độc giả ở mọi lứa tuổi. 24 tác phẩm kể lại ''Các cuộc phiêu lưu của Tintin'', nay thuộc vào hàng kinh điển trong làng truyện tranh quốc tế.

Họa sĩ truyện tranh Georges Remi, hay còn gọi là "Hergé" ngày 07/12/1972.
Họa sĩ truyện tranh Georges Remi, hay còn gọi là "Hergé" ngày 07/12/1972. STF / AFP
Quảng cáo

Sinh thời, bản thân họa sĩ Hergé là một người chừng mực khiêm tốn. Ông ngưỡng mộ các nghệ sĩ đương thời là Joan Miró hay Paul Klee, nhưng có lẽ vì ông không được đào tạo bài bản qua trường lớp, không tốt nghiệp trường Mỹ Thuật, cho nên Hergé không bao giờ trưng bày các bức tranh của mình. Ông chọn nghề vẽ truyện tranh để thể hiện tài năng, sau đó lối vẽ tròn vành ''rõ nét'' của Hergé (nghệ danh này lấy từ tên thật của tác giả rồi đảo ngược hai chữ đầu) lại trở thành một trường phái hẳn hoi trong làng truyện tranh châu Âu.

Truyện Tintin : 250 triệu bản trên toàn thế giới

Nếu còn sống, có lẽ họa sĩ Hergé cũng không thể ngờ rằng bộ truyện ''Tintin và những chuyến phiêu lưu kỳ thú'' của mình lại thành công đến như vậy. 24 quyển truyện phóng viên Tintin đã được dịch sang hơn 100 thứ tiếng (kể cả ngôn ngữ và phương ngữ) và tính đến nay đã bán được hơn 250 triệu bản trên toàn thế giới, chưa kể đến hàng loạt bản phóng tác thành phim truyện dành cho màn ảnh lớn, phim hoạt hình nhiều tập hoặc chuyện kể trên đài phát thanh.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giỗ của họa sĩ Hergé, kênh truyền hình Pháp France 3 đã đưa khách hâm mộ phóng viên Tintin đến xem cuộc triển lãm tương tác mang tựa đề ''Les Secrets du Moulinsart'' (Bí mật của lâu đài Moulinsart). Cảnh quang của lâu đài ''hư cấu'' này dựa theo một lâu đài tráng lệ có thật ở vùng thung lũng sông Loire, mang tên là Château de Cheverny.

Được xây dựng từ thế kỷ XVI, lâu đài Cheverny là nơi cư trú của dòng họ Huraults. Mãi đến cuối năm 1922, đầu năm 1923, tức cách đây vừa đúng một thế kỷ, gia đình Huraults mới mở cửa lâu đài để tiếp đón khách tham quan. Được bao bọc bằng một khu rừng rộng cả ngàn hécta, lâu đài Cheverny có một khuôn viên rộng lớn với hồ thiên nga, sân cỏ và nhất là vườn hoa, vào mỗi mùa xuân lợp đầy thảm hoa tulip.

Lối kiến trúc Cheverny có nhiều đường nét cổ điển, được tô diểm thêm với những pho tượng bán thân theo phong cách thời Phục hưng. Đi vào bên trong, lâu đài Cheverny từ thư viện, phòng khách cho đến phòng binh khí (trưng bày huy hiệu hiệp sĩ, gươm kiếm, áo giáp, lá chắn…) có một lối thiết kế tinh tế tài tình, nội thất Cheverny thuộc vào hàng sang trọng quý phái nhất trong số các lâu đài ở vùng thung lũng sông Loire.

Lâu đài Cheverny, bản thật của Moulinsart

Trong số các yếu tố quan trọng gầy dựng nên một bộ truyện huyền thoại, lâu đài Moulinsart gợi hứng từ lâu đài Cheverny lại chiếm một vị trí khá đặc biệt. Họa sĩ Hergé đã dùng cảnh quang bên ngoài của Château de Cheverny làm hình mẫu cho Moulinsart, lâu đài cổ kính trong truyện tranh Tintin, nơi thu hút hàng năm 400.000 người hâm mộ. Một số fan trung thành đến đây như thể họ đi hành hương tận chốn ''thánh địa''.

Theo kênh truyền hình France 3, họa sĩ Hergé đã vẽ lâu đài Moulinsart dựa theo các bức ảnh chụp từ xưa của Château de Cheverny. Qua các dự án bảo tồn trùng tu, Cheverny nay đã có nhiều đợt chỉnh sửa các bậc thềm và cầu thang mặt tiền. Nếu phía bên ngoài có vài nét thay đổi, thì ngược lại ở bên trong, các chủ nhân lâu đài đã hợp tác với Qũy di sản Hergé để tái tạo các hoạt cảnh, giống như trong truyện Tintin. Theo ông Renaud Boyer, trưởng ban điều hành khu vực triển lãm, lâu đài Cheverny ngày nay khiến cho nhiều khách tham quan thích thú bất ngờ vì dựng cảnh theo kích thước thật, trung thành với phiên bản hư cấu của Moulinsart, từng được vẽ trong bộ truyện tranh.

Cuộc triển lãm thường trực qua công nghệ hiện đại muốn tạo nơi khách tham quan cái cảm giác họ đang ngụp lặn trong thế giới của Tintin : bậc cầu thang nơi thuyền trưởng Haddock bị té nhào, phòng làm việc của chàng phóng viên có chỏm tóc vàng, phòng thí nghiệm của giáo sư Tournesol, đoạn đường hầm cất giấu những bí mật của lâu đài, quang cảnh phòng ăn, nơi các nhân vật chính trong bộ truyện thường xuyên gặp nhau.

Vẻ cảnh lâu đài y như thật dù chưa bao giờ đến

Lâu đài Moulinsart xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1942 trong quyển truyện ''Le secret de la Licorne'' (Bí mật của Kỳ lân). Cho dù tựa đề không nói rõ, nhưng những bạn đọc nào từng say mê bộ truyện tranh Tintin đều biết rằng con ''Kỳ lân'' ở đây là tên của một chiếc thuyền buồm bị chìm sâu đáy biển. Khi tìm được một kiểu mẫu thu nhỏ của chiếc thuyền, phóng viên Tintin bất ngờ bị lôi kéo vào một cuộc săn lùng kho báu. Bản đồ dẫn đến kho báu được chia ra thành ba mảnh, trong đó có một mảnh được cất giấu trong cột buồm thuyền Kỳ lân. Theo truyền thuyết, đây chính là kho tàng của hải tặc Rackham râu đỏ bị thất lạc từ nhiều thế kỷ qua. Với sự giúp đỡ của thuyền trưởng Haddock cũng như hai thám tử Dupond và Dupont, phóng viên Tintin lao vào cuộc truy tìm kho báu, nhưng buộc phải đối đầu với nhân vật gian xảo quỷ quyệt Ivan Ivanovitch Sakharine.

Mở đầu với ''Bí mật của Kỳ lân'' (Le secret de la Licorne), tuyến truyện thật ra liên kết một số yếu tố trong nhiều quyển truyện với nhau. Câu chuyện kết thúc với ''Kho báu của hải tặc Rackham râu đỏ'' (Le trésor de Rackham le rouge). Trong mắt các nhà phê bình, tập truyện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lối sáng tác của Hergé. Lâu đài Moulinsart tựa như một ''căn cứ'', nơi lui tới thường xuyên của phóng viên Tintin và bằng hữu.

Yếu tố này cũng đánh dấu một sự thay đổi quan trọng : từ vai trò của một nhà thám hiểm phiêu lưu (du mục) từ xứ này qua xứ nọ, với tuyến truyện Moulinsart, phóng viên Tintin sau đó lại giống nhiều hơn một thám tử điều tra (thường trú). Về phía họa sĩ Hergé, kỳ công của ông là dựng kịch bản sao cho lối kể chuyện thêm hấp dẫn, vẽ cảnh lâu đài trong truyện (Moulinsart) đẹp không thua gì cảnh thật (Cheverny) ở ngoài đời, cho dù ông chưa một lần đặt chân tới. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.