Vào nội dung chính
Ý - VĂN HÓA

Ý mở bảo tàng Caruso, vinh danh ''Giọng ca thế kỷ''

Tuy không hẹn, nhưng năm 2023 lại là năm của những giọng ca xuất sắc nhất làng nhạc cổ điển. Vào mùa hè năm nay, bộ Văn Hóa Hy Lạp khai trương Viện bảo tàng Maria Callas tại Athens, nhân 100 năm ngày sinh của diva người Hy Lạp. Trong khi nước Ý thành lập Bảo tàng quốc gia tại Napoli, nhân sinh nhật lần thứ 150 của danh ca tenor nổi tiếng Enrico Caruso, thường được giới phê bình mệnh danh là "Giọng ca thế kỷ".

(Ảnh minh họa) - Bộ trang phục của nghệ sĩ opera Enrico Caruso trong vở kịch "Rigoletto" của Nhà hát Opera Metropolitan là một trong nhiều hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Enrico Caruso ở Brooklyn, New York, ngày 09/04/2002.
(Ảnh minh họa) - Bộ trang phục của nghệ sĩ opera Enrico Caruso trong vở kịch "Rigoletto" của Nhà hát Opera Metropolitan là một trong nhiều hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Enrico Caruso ở Brooklyn, New York, ngày 09/04/2002. AFP - HENNY RAY ABRAMS
Quảng cáo

Theo bộ trưởng Văn Hóa Ý, Gennaro Sangiuliano, lúc còn sống Caruso là ngôi sao đầu tiên của Ý đã chinh phục thế giới bằng giọng ca thiên phú. Quả thật là Enrico Caruso trở thành giọng ca đầu tiên trong lịch sử âm nhạc thế giới đã thấu hiểu và tận dụng tiềm năng khổng lồ của ngành công nghiệp thu thanh. Do là người tiên phong trong lãnh vực ghi âm đĩa hát dành cho máy nghe nhạc (gramophone), Caruso trong mắt của nhiều nhà phê bình Tây phương cho tới giờ vẫn được xem là giọng ca opera hay nhất mọi thời đại.

Để đánh dấu tầm ảnh hưởng cũng như di sản âm nhạc của ông, Viện bảo tàng Caruso sẽ được khai trương tại Palazzo Reale (Cung điện Hoàng gia) ngay ở trung tâm phố cổ Napoli, nguyên quán của Enrico Caruso. Bảo tàng này chuẩn bị mở cửa đón lượt khách tham quan đầu tiên vào giữa tháng 07/2023. Chương trình dự trù kéo dài cho đến tháng 12 nhằm kỷ niệm 150 năm ngày sinh của danh ca tenor người Ý (1873-1921).

Sinh trưởng tại Ý nhưng thành danh tại Mỹ

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại Napoli, Caruso đã có một mối quan hệ phức tạp với quê hương của mình. Phải chăng ''bụt nhà không thiêng'' ? Thời mới bước chân vào nghề ở Ý, có lẽ cũng vì ông không được đào tạo bài bản qua trường lớp, cho nên Caruso đã vấp phải nhiều ý kiến phê bình chỉ trích, cho dù ông có một chất giọng cực kỳ cao rộng, khỏe khoắn, mà vẫn mượt trầm như nhung. Cũng từ đó, Caruso thề nguyện rằng ông sẽ không bao giờ hát ở Napoli. Ông giữ lời thề này cho đến khi ông qua đời năm 1921 tại nguyên quán, ở tuổi 48.

Caruso gầy dựng hầu như toàn bộ sự nghiệp của mình nhờ thành công ở nước ngoài, đặc biệt là trên sân khấu Metropolitan Opera tại Manhattan, New York. Sinh thời ông trở thành một giọng ca thần tượng ở Hoa Kỳ, mặc dù đã lớn lên tại Ý. Nửa thế kỷ trước khi có hiện tượng Maria Callas, nam danh ca Caruso đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục, thay đổi hẳn cục diện của làng nhạc cổ điển. Tuy chưa ngoài 25 tuổi, ông đã hát hơn 800 lần tại nhà hát Metropolitan Opera, bên cạnh đó, ông thu hàng loạt đĩa hát, để lại một di sản khá đồ sộ với gần 500 bản ghi âm, từ năm 1902 đến năm 1920.

Theo nhà phê bình Richard Martet, tác giả của quyển sách biên khảo ''Những diva và giọng ca vĩ đại nhất thế kỷ XX'' do nhà xuất bản Buchet/Chastel phát hành, ngoài tài năng thiên phú, Caruso còn là một người làm việc cần mẫn, tự học chăm chỉ. Do biết mình không được đào tạo ''chính quy'' cho nên ông càng phải trau dồi tài nghệ, rèn luyện kỹ năng. Điều này được thể hiện rõ ràng trên các bản ghi âm còn lưu lại. Không phải ngẫu nhiên mà đầu thế kỷ XX, đa số các tác giả opera, cũng như giới soạn nhạc cổ điển thời bấy giờ không muốn làm việc với bất cứ ai nào khác ... ngoài Caruso.

Còn theo nhận xét của nhà nghiên cứu âm nhạc người Ý, Laura Valente, đồng thời là quản đốc kho lưu trữ Viện bảo tàng quốc gia Caruso sắp được khai trương ở Napoli, sinh thời, Enrico Caruso hát với trọn tâm hồn, với bản năng cũng như nhạc cảm. Nhưng đằng sau cái năng khiếu trời ban ấy, còn có thêm bao công sức luyện tập, cái tính chuyên nghiệp ấy biến Caruso thành một nghệ sĩ, ít ai sánh bằng trong lịch sử âm nhạc. Trên mọi phương diện, ông đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Hơn 2.000 hiện vật cho bảo tàng Caruso

Tất nhiên, nơi Caruso, mọi thứ đã được nghiên cứu kỹ càng. Nhờ vào các cố vấn, trong đó có nhà lý luận người Mỹ gốc Áo, Edward Bernays (người khai sinh ngành quan hệ công chúng), Caruso biết gầy dựng uy tín và hình ảnh của mình, thậm chí viết lại trong tiểu sử một số giai đoạn thời thơ ấu, cũng như tô điểm thêm, nếu không nói là thổi phồng, với giới báo chí truyền thông về những giai thoại gắn liền với niềm đam mê đầu đời của ông, nhờ mồ hôi nước mắt mà trở thành giọng ca số 1.

Trong cách sử dụng các phương tiện truyền thông (kể cả nhiếp ảnh báo chí) đầu thế kỷ XX, Caruso là tiền thân của một ''ngôi sao nhạc pop'' tạo ra mô hình cho các thần tượng khác đi sau. Enrico Caruso trở thành đại sứ của ngành công nghiệp thu thanh đĩa hát, vào lúc ngành này chỉ mới bắt đầu phát triển. Vào năm 1902, chỉ cần vài phút ghi âm trong căn phòng của một khách sạn, Caruso đã đưa vào lịch sử loại máy nghe nhạc gramophone (thời bấy giờ với đĩa hát bằng sắt, bằng sáp rồi sau đó mới làm bằng nhựa 78 vòng).

Riêng về Viện bảo tàng Quốc gia Caruso, theo đề xuất của bộ Văn Hóa Ý, phòng triển lãm thường trực ''La Sala Dorica'' nằm giữa lòng cung điện hoàng gia Palazzo Reale của Napoli. Trước đây, đã từng có một bảo tàng Caruso trưng bày các bộ sưu tập tư nhân. Bảo tàng này nằm trong Villa Bellosguardo, ở ngoại ô thành phố Florence (Firenze), biệt thự này còn được gọi là ''Villa Caruso'', được danh ca tenor người Ý mua lại vào năm 1906, do ông thích khung cảnh thơ mộng yên bình của miền Lastra a Signa, thuộc vùng Toscane (Tuscany). Biệt thự này có một công viên rộng lớn, do linh mục Alessandro Pucci thành lập vào thế kỷ XVI. Khi mua lại căn biệt thự này, Caruso đã nhờ kiến trúc sư Sabatini trùng tu thành một công trình kiến trúc hài hòa, vườn cây xanh được trang trí với nhiều pho tượng cổ của nhà điêu khắc Giuseppe Santelli.

Còn Bảo tàng ở Napoli nhắm vào việc mở rộng tiếp đón khách tham quan quốc tế. Đây sẽ là Bảo tàng đầu tiên với tầm cỡ quốc gia nhận được sự hợp tác của nhiều cơ quan văn hóa có uy tín như trung tâm San Carlo ở Napoli, nhà hát La Scala ở Milano, Metropolitan Opera của thành phố New York. Cuộc triễn lãm thường trực sẽ giới thiệu nhiều máy gramophone, các đĩa hát đủ loại, trang phục sân khấu, áp phích hay hình bìa quảng cáo, ảnh chụp cũng như các bản phác thảo … Trong số những sản phẩm hiếm thấy hơn, có các hộp đựng thuốc lá, các chai dầu ô liu có gắn hình Caruso, khai thác tên của danh ca tenor như một thương hiệu. Viện bảo tàng còn gắn nhiều thiết bị công nghệ cao, kể cả phim ảnh, video ba chiều và hàng loạt máy tính bảng, cũng như màn ảnh phẳng cho phép khách tham quan truy cập hơn 20.000 tài liệu lưu trữ, tất cả nhằm mục đích đưa Caruso vào kỷ nguyên hiện đại, công nghệ số tân kỳ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.