Vào nội dung chính
LIÊN HOAN AVIGNON 2023

Liên hoan Avignon 2023 : Độc đáo, sáng tạo để thu hút khán giả

Năm 2023, Liên hoan sân khấu Avignon tròn 77 tuổi. Với khẩu hiệu « Avignon kết nối. Avignon sẽ tồn tại » (« Avignon réunira. Avignon existera »), tân giám đốc Tiago Rodrigues - đạo diễn người Bồ Đào Nha - ưu tiên thu hút khán giả trẻ, khán giả mới. Khán giả có thể xem 44 vở kịch được trình diễn từ ngày 05-25/07, trong đó có 33 tác phẩm mới. Bên cạnh những tên tuổi nổi tiếng, có đến ba phần tư nghệ sĩ lần đầu tiên được mời tham dự Liên hoan .

Logo quảng cáo Liên hoan sân khấu Avignon lần thứ 77, 05-25/07/2023.
Logo quảng cáo Liên hoan sân khấu Avignon lần thứ 77, 05-25/07/2023. © D.R.
Quảng cáo

Suốt tháng 7, thành phố Avignon biến thành một sân khấu lớn ngoài trời. Truyền thống này bắt đầu từ năm 1947, khi Jean Vilar, nghệ sĩ kịch, được mời biểu diễn một trong số những vở kịch của ông trong sân của Cung Giáo hoàng (Palais des Papes). Ông từ chối vì thấy sân quá rộng, nhưng sau đó đổi ý và biểu diễn ba vở kịch cổ điển và đương đại ở địa điểm đầy ý nghĩa này. Vào năm sau, « Tuần Nghệ thuật » trở thành Liên hoan sân khấu Avignon (Festival d’Avignon).

Theo nhật báo Pháp La Croix, có khoảng 120.000 vé được bán hàng năm, trong khuôn khổ biểu diễn « in ». Song song đó là sân khấu « off », miễn phí, được bắt đầu từ năm 1966. Ban đầu chỉ là các đoàn kịch địa phương đến biểu diễn, sau đó sân khấu ngoài trời không ngừng phát triển, với khoảng 1.500 buổi diễn do 1.200 đoàn kịch đảm nhiệm. Đối với họ, Festival d’Avignon cũng là cơ hội để được các nhà chuyên nghiệp (chiếm khoảng 12% lượng khách) « để mắt đến » và lọt vào chương trình mùa diễn của các nhà hát chuyên nghiệp.

Theo truyền thống, trước ngày khai mạc sân khấu « off » hàng năm, hàng nghìn nghệ sĩ mặc trang phục biểu diễn diễu hành từ cầu Saint-Bénézet, nổi tiếng trong bài hát Sur le pont d’Avignon, đến khu phố cổ. Thông thường sân khấu « off » kéo dài thêm một tuần so với sân khấu « in ». Mỗi góc phố, công viên, nhà xe, phòng lễ hội… ở Avignon đều biến thành sân khấu « off ». Năm 2023, có đến 39 điểm diễn « off ».

Kỷ lục của Festival d’Avignon là vở kịch dài 18 tiếng. Năm 2014, đạo diễn kịch Thomas Jolly, 32 tuổi, chuyển thể bộ ba tác phẩm Henry VI của đại văn hào Anh Shakespeare và lần đầu tiên diễn tại Pháp. Vở kịch bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 4 giờ sáng hôm sau, 17 nghệ sĩ thay nhau đóng khoảng 150 nhân vật trong vở kịch. Một năm sau, năm 2015, Thomas Jolly nhận được giải Molière đạo diễn xuất sắc nhất.

Mang sân khấu kịch đến giới trẻ

Ngay từ khi bắt đầu Liên hoan sân khấu Avigon, cũng như trong suốt 17 năm chủ trì sự kiện, Jean Vilar luôn ấp ủ ý tưởng phổ cập sân khấu kịch, tổ chức một ngày hội sân khấu lớn cho công chúng, bằng cách tiếp đón công chúng trẻ. Nhưng cho đến khi qua đời năm 1971, giấc mơ của ông vẫn chưa thành hiện thực.

Ở tuổi 77, Liên hoan Avignon tiếp tục mong muốn « trẻ hóa » khán giả. 5.000 thanh niên được mời làm khán giả năm 2023. Ông Tiago Rodrigues « đặc biệt chú ý đến họ vì họ ở độ tuổi hình thành những thói quen văn hóa ». Mục tiêu tiếp theo là thu hút khán giả mới và khiến họ trở lại vào năm sau. Giám đốc Tiago Rodrigues tỏ ra lạc quan vì « từ hơn 70 qua, liên hoan đã trở nên phổ cập hơn ». Trong tổng số 150.000 khán giả năm 2022 có khoảng 15% đến liên hoan lần đầu. « 15% không phải là không có ý nghĩa », theo ông Tiago Rodrigues và được chia thành ba độ tuổi : 1/3 dưới 30 tuổi, 1/3 từ 30-60 tuổi và 1/3 trên 60 tuổi.

Do đó, ngoài chất lượng của chương trình, ban tổ chức chú ý tạo thuận lợi cho du khách đến dự liên hoan lần đầu, ví dụ lập một địa chỉ thư điện tử « Lần đầu » để hướng dẫn xem các vở diễn tại Liên hoan, tặng sách hướng dẫn « Lần đầu » gồm những thông tin hữu ích, tuyển bốn người điều phối « Lần đầu »… Ngoài ra, trước tình trạng giá vé phương tiện giao thông (tầu hỏa, máy bay) và khách sạn tăng vọt, ban tổ chức mở bán vé xem kịch ngay từ đầu tháng Tư, sớm hơn hai tháng so với những mùa trước, để khán giả nước ngoài (chiếm khoảng 60% lượng khách) có thể lên kế hoạch du lịch.

Khán giả Pháp vẫn « mê » sân khấu

Theo kết quả nghiên cứu « Người Pháp và sân khấu » do Médiamétrie thực hiện và công bố cuối tháng 06/2023, khoảng 10,2 triệu (21%) người Pháp cho biết đã đến nhà hát trong 12 tháng vừa qua, giảm 3 triệu so với năm trước. Tuy nhiên, những người đã quen đến rạp thì họ lại đi xem nhạc, kịch thường xuyên hơn trước, trung bình khoảng 5,4 lẫn mỗi năm.

Trả lời đài RFI, bà Anne-Claire Gourbier, đại diện của Hội Hỗ trợ Sân khấu tư nhân (ASTP) - bên đặt hàng nghiên cứu trên - phân tích : « Có hai độ tuổi khán giả : một bên là thanh niên vẫn lui đến sân khấu kịch, người ở độ tuổi dưới 34 chiếm 37% lượng khán giả và bên kia là những khán giả truyền thống trên 50 tuổi, chiếm hơn 40%. Phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa đông hơn nam giới ».

Câu hỏi đặt ra là sân khấu có trụ lại được trong thời đại giải trí kỹ thuật số hay không. Bà Anne-Claire Gourbier tỏ ra lạc quan : « Điều tạo nên sức mạnh cho sân khấu hiện nay là khái niệm trải nghiệm. Tôi xin nhắc lại rằng vẫn có đến 64% người dân Pháp muốn đến nhà hát nhiều hơn, tăng 8% so với năm ngoái. Điều thu hút họ là được xem các diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng ngoài đời, có thể thảo luận về các chủ đề thực tế, được vào bên trong những nhà hát rực rỡ, chia sẻ với những người thân yêu, sống thời khắc có một không hai. Sân khấu có một sức mạnh mà màn ảnh không có ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.