Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Nỗi khó khăn của các hiệu sách Pháp ở nước ngoài

Trên thế giới, hiện có khoảng 250 cửa hiệu chuyên bán sách Pháp, theo số liệu gần đây nhất của Hiệp hội quốc tế các Chủ hiệu sách tiếng Pháp (AILF). Theo tuần báo l'Express, trên số 250 nhà sách này, có khá nhiều đang gặp khó khăn tài chính và có nguy cơ phải đóng cửa. Với mô hình hoạt động của một công ty cỡ nhỏ, những hiệu sách Pháp này khó thể chống chọi lại sự cạnh tranh của các dịch vụ bán sách trực tuyến.

Ảnh minh họa: Một hiệu sách ở Hồng Kông ngày 15/10/2021.
Ảnh minh họa: Một hiệu sách ở Hồng Kông ngày 15/10/2021. AFP - ISAAC LAWRENCE
Quảng cáo

Các cửa hiệu chuyên bán sách Pháp ở nước ngoài đôi khi có những tên gọi khá ngộ nghĩnh nên thơ. Chẳng hạn như Le pigeonnier (Chuồng bồ câu) ở Đài Loan, Colibri (Chim ruồi) ở Budapest, nhà sách Nam Phong trên đường Bùi Viện ở Sài Gòn. Ngoài ra, còn có Albertine tại New York hay Le temps retrouvé (Thời gian được tìm lại) ở Amsterdam… Tên của hai hiệu sách này tựa như một cái nháy mắt với nhan đề tác phẩm ''Đi tìm thời gian đã mất'' của văn hào Proust ….. Điểm chung của các hiệu sách này là tất cả đều là thành viên của Hiệp hội quốc tế các Chủ hiệu sách tiếng Pháp (Association Internationale de Libraires Francophones / AILF). 

Được thành lập vào tháng 03/2002 dưới sự hỗ trợ của cơ quan chuyên ngành xuất bản France Édition trong khuôn khổ Tuần lễ khối Pháp ngữ, hiệp hội AILF có mục tiêu hỗ trợ các hiệu sách Pháp, đồng thời tạo cơ hội đối thoại giữa các hiệu bán sách và giới xuất bản, phân phối. Giữa các hiệu sách Pháp với nhau, đó cũng là dịp tạo mối quan hệ để trao đổi về kinh nghiệm tổ chức và quản lý. 

Theo tuần báo L'Express, cách đây hai thập niên, khi hiệp hội được khai sinh, có khoảng 40 hiệu bán sách Pháp đại diện cho 30 quốc gia trên thế giới. Ngày nay, hiệp hội AILF quy tụ gần 250 thành viên, đến từ 60 quốc gia. Các chủ hiệu sách có cùng một mong muốn : ngoài việc bán sách đơn thuần họ còn tổ chức một số sự kiện hầu phát triển hoặc duy trì ngôn ngữ và văn hóa Pháp. 

Các hiệu sách Pháp ở nước ngoài phấn đấu để tồn tại 

Vấn đề hiện nay theo báo L'Express là ngay tại Pháp, các cửa hiệu bán sách đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng, nhất là các hiệu sách nhỏ hoạt động độc lập, chứ không thuộc vào hệ thống phân phối của một tập đoàn xuất bản. Còn trong trường hợp các hiệu sách Pháp ở nước ngoài, 250 nhà sách này còn gặp nhiều khó khăn hơn. Mô hình kinh tế của các hiệu sách nhỏ vốn đã không vững chãi, nay trong thời buổi lạm phát, cước phí vận chuyển tăng vọt ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng. Các yếu tố này tác động mạnh đến lượng khách hàng, khiến cho tương lai của các hiệu sách càng thêm bấp bênh.

Mặc dù có sự giúp đỡ của bộ Văn hóa Pháp thông qua Trung tâm Sách Quốc gia (Centre National du Livre CNL), nhưng sau nhiều năm hoạt động khó khăn, có khá nhiều chủ hiệu sách Pháp ở nước ngoài buộc phải đóng cửa, không đủ sức vực dậy sau hai năm rưỡi đại dịch. Đó là trường hợp của nhà sách Omeisha ở thủ đô Tokyo, đã đóng cửa trong năm 2022, sau hơn 75 năm hoạt động.

Chủ hiệu sách là bà M. Okuyama, buộc phải về hưu vào năm 70 tuổi. Bà không tìm được người thay thế, chịu mua lại hiệu sách gia đình có từ năm 1947 tại Tokyo. Thuộc vào hàng nhà sách Pháp lâu đời nhất ở Nhật Bản, Omeisha do thân phụ bà Okuyama thành lập ban đầu ở quận Yotsuya. Hiệu sách này đã cung cấp sách vở cho cộng đồng Pháp kiều, cũng như các học sinh Nhật theo học trường Pháp tại Tokyo trong vòng 75 năm liền. 

Nhưng rốt cuộc, doanh thu hiệu sách gia đình Omeisha đã không ngừng đi xuống do nhiều yếu tố gộp lại : số lượng người học tiếng Pháp ở Nhật sụt giảm, sự cạnh tranh dữ dội của các dịch vụ bán hàng trực tuyến, chế độ làm việc và học hành từ xa trong mùa dịch Covid, khiến cho nhiều học sinh dần dần ít còn lui tới các cơ sở giảng dạy. Các hiệu sách Pháp như Omeisha hay Rive Gauche đều lần lượt ngưng hoạt động.

Tại thủ đô Tokyo, nay chỉ còn tồn tại hiệu sách gần Viện Pháp-Nhật (được thành lập vào năm 1952) cũng như hiệu sách ''Maison Petit Renard'', nằm gần trường trung học Pháp ở Tokyo, chỉ vài phút đi bộ đến trung tâm thương mại Kitsunezuka, giữa hai khu phố Kita và Itabashi. Các hiệu sách này nằm ở trung tâm của khu vực từng được mệnh danh là "ngôi làng tiếng Pháp" kể từ những năm 1970, ngoài Viện Pháp-Nhật và trường trung học Pháp (Lycée français) tại Tokyo, còn có hai trường nổi tiếng của Nhật Bản hiện vẫn còn dạy tiếng Pháp từ bậc tiểu học. Đó là trường Gyôsei, dành cho các nam sinh và trường Shirayuri chuyên dạy cho nữ sinh. 

Sự cạnh tranh của các dịch vụ bán sách trên mạng 

Tương tự với trường hợp của Omeisha, nhiều hiệu sách Pháp khác ở nước ngoài cũng không thoát khỏi tác động kép : thiếu hụt tài chính thời hậu Covid và sự cạnh tranh của các dịch vụ bán sách trên mạng. Đó là trường hợp của hiệu sách Antoine ở thủ đô Beirut, buộc phải đóng cửa vào mùa hè năm ngoái. Nhà sách Pháp San José tại Costa Rica hay ''L’arbre du Voyageur'' (mang biểu tượng của Cây chuối rẻ quạt) hiệu sách Pháp nổi tiếng nhất Thượng Hải đều đã chính thức đóng cửa các đây hai năm trong thời đại dịch. Trường hợp gần đây nhất, hiệu sách Vice Versa, ở trung tâm phố cổ Jerusalem cũng vừa bị phá sản, sau gần 25 năm hoạt động. Chủ cửa hàng này không còn cho thuê để kinh doanh hiệu sách mà lại biến hợp đồng thành phòng triển lãm để bán tranh và tác phẩm điêu khắc.

Theo tuần báo L'Express, sự cạnh tranh gay gắt nhất đến từ phía mạng dịch vụ Lireka, một công ty khởi nghiệp được thành lập vào tháng 11/2021 chuyên bán trực tuyến các loại sách tiếng Pháp cho hơn hai triệu Pháp kiều sống ở nước ngoài, cũng như cho khoảng 230 triệu người nói tiếng Pháp trên thế giới. Trong thời gian đầu, mạng Lireka (sau khi mua lại hiệu sách Arthaud ở thành phố Grenoble) có mức giá thấp hơn Amazon một chút, thời hạn giao hàng xấp xỉ nhau nhưng quan trọng hơn cả, mạng này có dịch vụ giao hàng miễn phí. 

Với thời gian, theo báo L'Express, sau giai đoạn khuyến mại chào hàng ban đầu, giá sách trên mạng này đã dần ổn định trở lại và giờ đây không khác gì mấy so với Amazon, nhưng trong tâm trí khách hàng, Lireka đã xây dựng được hình ảnh của một dịch vụ có giá phải chăng, hấp dẫn ngay từ lúc đầu nhờ có giá mềm hơn so với các hiệu sách truyền thống. Trong bối cảnh đó, các hiệu sách gia đình, khi không nằm trong một hệ thống phân phối vững chắc, khó thể nào mà trụ lại được lâu.

Mặt khác, theo tuần báo L'Express, các trường dạy tiếng Pháp ở nước ngoài hay các viện văn hóa và ngôn ngữ Pháp cũng phần nào có ''trách nhiệm''. Các cơ sở giảng dạy thường được xem là những ''đối tác tự nhiên'' và đáng lẽ ra các trường này được khuyến khích đặt mua hàng tại các hiệu sách Pháp ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo báo L'Express, có một sự chênh lệch thực sự giữa nguyện vọng của bộ Ngoại giao Pháp và thực tế tại chỗ. Mỗi trường có quyền quyết định đặt mua sách ở bất kể nơi nào, với giá cả mà họ cho là hợp lý nhất. 

Từ Carnets d'Asie (Sổ tay châu Á) ở Bangkok cho đến La Page (Trang sách) ở Luân Đôn, từ Parenthèses (Dấu ngoặc đơn) ở Hồng Kông cho tới Vents du Sud (Gió phương Nam) ở Mauritanie, các hiệu sách Pháp thường được quản lý bởi những người có nhiệt huyết, đam mê. Trong một số trường hợp, như dòng họ Okuyama ở Tokyo, họ đã cống hiến cả cuộc đời cho các hiệu sách, để quảng bá với học sinh các loại sách giáo khoa, giới thiệu với độc giả các ấn phẩm tiếng Pháp. Vào lúc đa số các hiệu sách Pháp ở nước ngoài buộc phải tổ chức lại cơ cấu (như mô hình của hiệu sách trực tuyến Akaroa French Books tại Singapore), thế hệ trước chưa chắc gì sẽ truyền đạt được cho thế hệ thời nay nỗ lực phấn đấu, tinh thần chịu đựng nhẫn nại để có thể tồn tại lâu dài. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.