Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Các viện bảo tàng Thụy Điển thiếu hụt nguồn tài chính

Trên khắp lãnh thổ Thụy Điển, các viện bảo tàng đang gặp nhiều khó khăn tài chính do hai yếu tố : tiền thuê nhà tăng mạnh, chi phí hoạt động ngày càng cao, trong khi nguồn tài trợ của nhà nước lại giảm liên tục. Sau đại dịch Covid-19, Bộ Văn hóa Thụy Điển cũng đã ngưng toàn bộ các khoản ''trợ cấp đặc biệt'', khiến cho các bảo tàng nói riêng, cơ sở văn hóa nói chung càng thêm lao đao.

Ảnh minh họa: Một phòng trưng bày trong Viện Bảo Tàng Quốc Gia Thụy Điển ở Stockholm (Thụy Điển), ngày 18/03/2020
Ảnh minh họa: Một phòng trưng bày trong Viện Bảo Tàng Quốc Gia Thụy Điển ở Stockholm (Thụy Điển), ngày 18/03/2020 AP - Ali Lorestani
Quảng cáo

Theo phụ trang văn hóa báo Le Monde (21/09/2023), những du khách nào đang có kế hoạch đi tham quan Stockholm có thể yên tâm. Viện bảo tàng hàng hải Vasa vẫn duy trì cuộc triển lãm đồ sộ tại thủ đô Thụy Điển. Bảo tàng lịch sử này mang tên chiến hạm từng bị chìm ở cảng thành phố Stockholm, vào đầu thế kỷ XVII. Còn đối với những ai yêu chuộng dòng văn hóa đại chúng, họ có thể đi xem Viện bảo tàng Abba. Nằm ngay bên cạnh bảo tàng Viking trong cùng khu vực với công viên giải trí Gröna Lund, bảo tàng Abba đưa khách tham quan vào một hành trình xuyên thời gian, lung linh tiếng nhạc lấp lánh hào quang của một trong những ban nhạc lừng danh nhất thế giới, đưa Thụy Điển lên hàng cường quốc nhạc pop khi giành chiến thắng đầu tiên nhân cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision, vào năm 1974. 

Thế nhưng, theo báo Le Monde, ngoài hai trường hợp này ra, không khí tại các viện bảo tàng khác của Thụy Điển lại khá ''ảm đạm''. Chẳng hạn như tại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (NaturHistorika Riksmuseet) ở phía bắc Stockholm. Hồi trung tuần tháng 08/2023, một mảnh trần nhà nặng gần 300 kí lô đã đột ngột rơi xuống sàn nhà. Tuy không có ai đã bị thương trong tai nạn này, nhưng theo kết quả điều tra, độ an toàn của khách tham quan không còn được đảm bảo. Do vậy, ban điều hành đã quyết định đóng cửa viện bảo tàng cho tới khi cơ sở này được trùng tu xong. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Stockholm từng được thành lập vào năm 1739, mở cửa lần đầu tiên tiếp đón công chúng vào tham quan năm 1786. Toàn bộ sưu tập của bảo tàng đã được dời về Frescati (phía bắc Stockholm) từ năm 1916. Công việc sửa chửa đã trở nên cấp bách do tình trạng xuống cấp, tuy vậy, kế hoạch trùng tu lại nhiều lần bị trì hoãn, vì lý do thiếu hụt tài chính. Nhưng càng lùi lại, chi phí bảo tồn sau đó lại càng cao hơn. 

Thụy Điển: Tỷ lệ lạm phát lên tới hơn 9% trong mùa hè 2023 

Một trường hợp đáng quan tâm khác, theo báo Le Monde, là National Museum còn được gọi là Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, tương đương với National Gallery của Anh hay bảo tàng Louvre của Pháp. Được khánh thành vào năm 1792, nhờ nhiều nhà tài trợ danh tiếng, trong đó có Quốc vương Thụy Điển Gustav Đệ Tam, Bảo tàng Quốc gia lưu trữ một bộ sưu tập khổng lồ với hơn nửa triệu bức vẽ (trong đó có các trường phái hôi họa Pháp từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX) cũng như hàng loạt tác phẩm nghệ thuật khác từ đồ sứ, trang sức, các bức tượng chạm trổ điêu khắc cho đến các tác phẩm đương đại hơn, kể cả mỹ thuật và thiết kế …

Để hạn chế chi phí hoạt động, viện bảo tàng này buộc phải đóng cửa thêm một ngày. Kể từ đầu năm 2023, Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển chỉ mở cửa 5 ngày thay vì 6 ngày trong tuần (đóng cửa thứ Hai và thứ Ba). Theo cựu giám đốc điều hành Susanna Pettersson, ngân quỹ bảo tàng giờ đây đã trống rỗng. Sau đợt trùng tu nâng cấp từ năm 2013 đến năm 2018, với chi phí lên đến 110 triệu euro (1,3 tỷ krona), Bảo tàng Quốc gia không còn cách nào khác là phải ''thắt lưng buộc bụng''. 

Ngay trước khi rời ghế giám đốc vào đầu tháng 06/2023, bà Susanna Pettersson đã đăng một bức thư ngỏ dài trên mạng của Bảo tàng Quốc gia. Trong bức thư này, bà cho biết mức trợ cấp của nhà nước không còn đủ để trang trải các ''chi phí cố định'' và hầu như tất cả các hoạt động như triển lãm, chương trình giáo dục và hội thảo chuyên đề chỉ có thể diễn ra, nhờ nguồn tài trợ tư nhân. Để duy trì sự tồn tại của viện bảo tàng, ban điều hành buộc phải sa thải nhân viên, đóng cửa một số văn phòng nhân sự, giảm bớt số lượng triển lãm thường niên và dĩ nhiên đóng cửa thêm một ngày trong tuần. Nhưng dường như các biện pháp này vẫn chưa đủ để chấn chỉnh cơ cấu. Một cơ sở văn hoá quan trọng như Bảo tàng Quốc gia cần đươc nhà nước trợ giúp ở mức 40 triệu euro mỗi năm. Không có tài trợ này, viện bảo tàng sẽ lâm vào cảnh bị thâm hụt ''triền miên''. 

Tại Thụy Điển, giới truyền thông báo chí gọi đó là cuộc ''khủng hoảng của các viện bảo tàng''. Tình trạng này không chỉ giới hạn ở thủ đô Stockholm mà còn lan rộng sang các cơ sở văn hóa trên khắp đất nước. Báo Le Monde trích dẫn ông Gunnar Ardelius, tổng thư ký Hiệp hội các Bảo tàng Thụy Điển cho biết hầu như toàn bộ các bảo tàng lớn nhỏ đều đang gặp khó khăn. Một nghịch lý vì các bảo tàng Thụy Điển là những cơ sở có chất lượng, quan trọng về mặt đời sống văn hóa, theo khảo sát hàng năm của trường Đại học danh tiếng Göteborg. 

Khủng hoảng do thiếu đầu tư và kế hoạch dài hạn 

Chuyện trần nhà Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Stockholm bị nứt vỡ khiến cho nhiều tờ báo Thụy Điển đăng tải nhiều lời phê bình gay gắt. Từ tờ báo Dagens Nyheter cho tới phụ trang cuối tuần của tờ Svenska Dagbladet, các ngòi bút phê bình đều đánh giá rằng cuộc ''khủng hoảng của các viện bảo tàng'' là một nỗi xấu hổ đối với Thụy Điển, khó thể nào xem mảng văn hóa là một thế mạnh quốc gia. Hầu hết các lời phê bình chỉ trích đều nhắm vào Cơ quan Quản lý Tài sản Nhà nước Thụy Điển gọi tắt là SFV (Statens FastighetsVerk). Cơ quan chính phủ này hiện quản lý gần 6 triệu rưỡi hécta đất đai cũng như khoảng 4.000 tòa nhà và cơ sở hành chính công cộng, kể cả các lâu đài, các bộ, đại học, sứ quán, bảo tàng … tương đương với 1/7 diện tích lãnh thổ Thụy Điển. Cơ quan Statens FastighetsVerk (SFV) có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản (cả nhà lẫn đất) mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Thế nhưng,  theo báo Le Monde, hơn bao giờ hết cơ quan SFV bị công luận chỉ trích vì giá nhà cho thuê ngày càng trở nên đắt đỏ, chủ yếu cũng vì lãi suất ngân hàng tăng mạnh, trong khi tỷ lệ lạm phát tại Thụy Điển đạt mức cao ngất ngưỡng là 9,3% trong mùa hè năm nay. Trước tình trạng này, vào ngày 08/09/2023 vừa qua, bộ trưởng Tài chính Niklas Wykman và bộ trưởng Văn hóa Parisa Liljestrand cùng thông báo rằng các bộ sẽ thẩm định lại khung giá tiền thuê nhà. 

Theo tổng thư ký Hiệp hội các Bảo tàng Thụy Điển Gunnar Ardelius, đây là một bước khởi đầu tốt, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn giải quyết dứt điểm vấn đề. Khủng hoảng hiện thời, theo ông là kết quả của nhiều thập niên thiếu quản lý, bỏ bê các viện bảo tàng. Các đảng phái Thụy Điển khi giành được đa số để lên nắm quyền, lại thiếu tầm nhìn xa cũng như quyết tâm chính trị, điều này ngăn cản việc đề xuất các kế hoạch dài hạn nhằm phát triển các cơ sở văn hóa. Bên cạnh đó, ngân sách dành cho các hoạt động văn hóa cũng không ngừng bị cắt xén : riêng trong năm 2023, ngân sách này đã giảm tới 11%. 

Không phải chỉ có các viện bảo tàng mới bị tăng tiền thuê nhà. Tại Stockholm, dàn nhạc giao hưởng BlasarSymfonikerna đã buộc phải dời cơ sở hoạt động từ trung tâm thủ đô ra ngoài vùng ngoại ô Nacka. Tiền thuê nhà của dàn nhạc giao hưởng này đã tăng rất mạnh. Nếu không dời nhà, ban nhạc sẽ phải trả 547.000 euro mỗi năm (6 triệu rưỡi krona) thay vì 336.600 euro (4 triệu krona). Điều đó có nghĩa là tiền nhà đã tăng hơn 65% chỉ trong một năm. Về phía Viện Phim ảnh Thụy Điển (FilmInstitutet), viện này đã quyết định kiện SFV ra tòa, sau khi Cơ quan Quản lý Tài sản Nhà nước đòi tăng tiền thuê nhà hơn gấp 5 lần, so vói giá thuê năm trước. Viện phim ảnh Thụy Điển được xây dựng vào năm 1963 trên một khu đất thuộc vào diện tài sản quốc gia. Theo giới chuyên gia, dù rằng tỷ lệ lạm phát đang tăng mạnh, nhưng thật phi lý khi SFV đòi tăng tiền nhà đến gấp 5 lần. Trong bối cảnh hiện thời, tăng giá gấp đôi có vẻ hợp lý hơn. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.