Vào nội dung chính
VĂN HÓA - NHIẾP ẢNH

Nhiếp ảnh động vật hoang dã : Laurent Ballesta lại đoạt giải nhất 2023

Được thành lập tại vương quốc Anh vào năm 1965, giải thưởng ''Wildlife Photographer of the Year'' là một trong những cuộc thi có uy tín nhất trên thế giới với khoảng 50.000 thí sinh đến từ hơn 90 quốc gia. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Luân Đôn vừa khai mạc hôm 13/10 cuộc triển lãm các bức nhiếp ảnh từng được xướng tên trên bảng vàng năm nay. Một lần nữa, nhà nhiếp ảnh người Pháp Laurent Ballesta lại đoạt danh hiệu cao quý nhất năm 2023.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Laurent Ballesta. Ảnh ngày 28/06/2019 chụp tại thành phố Marseille.
Nhiếp ảnh gia người Pháp Laurent Ballesta. Ảnh ngày 28/06/2019 chụp tại thành phố Marseille. AFP/Boris Horvat
Quảng cáo

Theo báo Huffington Post, cuộc triển lãm do Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Luân Đôn (Natural History Museum London) tổ chức từ nay cho đến cuối tháng 06/2024, trưng bày 100 bức ảnh chụp được xem là quan trọng nhất trong cuộc thi năm nay. Trong số này, có 19 tác phẩm xuất sắc, nổi trội đã được trao tặng giải thưởng trong nhiều hạng mục khác nhau. Để thực hiện điều này, ban giám khảo quốc tế đã lược qua gần 50.000 bức ảnh chụp các loài động vật hoang dã, đến từ 95 quốc gia trên thế giới. 

Năm nay, danh hiệu ''Nhiếp ảnh gia tài ba nhất năm 2023'' lại về tay Laurent Ballesta, một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiên cứu về thủy sinh và hải dương học, tác giả của nhiều quyển sách chuyên về ảnh chụp dưới đáy nước. Anh từng hợp tác với nhiều tờ báo lớn có uy tín quóc tế như National Geographic, Paris Match, Daily Mail, Corriere Magazine… Đây là lần thứ nhì nhà nhiếp ảnh người Pháp (49 tuổi) đoạt giải thưởng cao qúy này trên lãnh vực nhiếp ảnh về động vật hoang dã cũng như về môi trường thiên nhiên. Lần trước là vào năm 2021 với bức ảnh chụp loài cá mú nâu chụp ở rặng san hô Fakarava, ở Polynesia thuộc Pháp. 

20 tác phẩm đoạt giải được chọn từ gần 50.000 bức ảnh chụp 

Lần này, Laurent Ballesta giành lấy giải nhất nhờ bức ảnh chụp loài sam biển (limule) đang di chuyển cùng với ba con cá vàng dưới đáy biển, khi anh lặn ở ngoài khơi đảo Pangatalan tại Philippines. Mặc dù được gọi trong tiếng Anh là ''horseshoe crab'' dịch sát nghĩa là ''cua móng ngựa'', nhưng loài sam biển thuộc họ ''limulidae'', gần với bọ cạp hơn là cua biển. 

Sam biển (có ba gai nhọn nằm ở vỏ trên) đã tồn tại trên trái đất hơn 100 triệu năm, nhưng loài động vật hoang dã này hiện đang bị đe dọa, một mặt do môi trường đại dương bị tàn phá, mặt khác loài sam biển cũng bị con người đánh bắt quá mức, để dùng như thức ăn hoặc lấy máu sam để sử dụng trong ngành dược phẩm. Trái với nhiều loài động vật khác, đặc điểm của sam biển là giống này không có máu màu đỏ (giàu chất sắt) mà lại có máu màu xanh dương (giàu chất đồng), do vậy thường được đùng để chế biến vắc xin. 

Theo đánh giá của ban giám khảo, việc quan sát con sam biển, một loài động vật cổ xưa, có nguy cơ tuyệt chủng, sinh sống trong môi trường tự nhiên của nó, tạo ra một vẻ đẹp kỳ lạ, khác thường. Chủ đề bức ảnh chụp cũng có ý nghĩa đối với ngành nghiên cứu y khoa, đồng thời quan trọng cho sức khỏe nói chung của con người. 

Loài sam biển tuy chưa đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nhưng hiện vẫn bị đe dọa do bị đánh bắt quá nhiều. Khi số lượng sam biển giảm đáng kể ở một số khu vực trên địa cầu, điều này cũng tác động dây chuyền đến các giống khác, chẳng hạn như một số loài rùa thường ăn sam, cũng sinh sản ít hơn, trước sự ''khan hiếm'' dần của giống sam biển. 

Từ những tấm hình chụp chuyên nghiệp do nhu cầu công việc cho đến các bức ảnh nghiệp dư hay với mục đích đơn thuần thẩm mỹ, giải trí khi được thực hiện trong những giây phút nhàn rỗi, tính tổng cộng đã có đến 49.957 bức ảnh gửi về Luân Đôn để tham gia cuộc thi ''Wildlife Photographer of the Year'' của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Luân Đôn. Ban giám khảo quốc tế năm nay đã chọn trao giải cho khoảng 20 bức ảnh chọn lọc xuất sắc, theo 4 tiêu chí quan trọng, ngoài chủ đề và bố cục độc đáo, bức ảnh còn được đánh giá ở trình độ kỹ thuật công phu phức tạp và quan trọng hơn nữa là ý nghĩa mang tầm phổ quát của bức ảnh. 

Về điểm này, một trong những nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi nhất năm nay đoạt giải tài năng mới (ở hạng mục 11-14 tuổi) là cô bé người Ý Ekaterina Bee với bức ảnh chụp ''Out of the blue'' cho thấy một bầy cá heo đang vui đùa lướt sóng. Ekaterina đã chụp bức ảnh này nhân một chuyến đi du lịch đến bờ biển phía tây Scotland. Bố cục chặt chẽ hợp lý làm nổi bật các họa tiết trên mặt nước do bầy cá heo tạo ra khi chúng chuyển động. Đây là lần thứ nhì cô bé người Ý có mặt trên bảng vàng. Lần đầu tiên đoạt giải vào năm 2017, Ekaterina chỉ mới có 5 tuổi. Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, cô bé học hỏi rất nhiều nhờ quan sát cách làm việc của thân phụ cũng là một nhiếp ảnh gia. 

Trong số các hạng mục khác, giải đậm chất nghệ thuật nhất được trao cho cô Rachel Bigsby, nhà nhiếp ảnh người Anh, nhờ bức ảnh đen trắng ''The art of courtship'' (Nghệ thuật tán tỉnh) chụp một cặp chim biển đang quấn quýt bên nhau, bất kể vách đá có gập ghềnh cheo leo, bức ảnh được thực hiện trong khu bảo tồn thiên nhiên Noss, một hải đảo ở vùng Shetland. Hòn đảo nho nhỏ này là nơi sinh sống của một đàn chim biển, với hơn 22.000 con cứ mỗi năm quay về cùng một nơi để xây tổ, đẻ trứng. 

Triển lãm và sách in để thu hút sự quan tâm về môi trường 

Còn trong hạng mục sinh thái môi trường, giải thưởng đậm chất phóng sự nhất về tay nhà nhiếp ảnh người Tây Ban Nha Joan de la Malla với bức ảnh ''The Dead River'' (Dòng sông chết). Để thực hiện bức ảnh này tại thủ đô Indonesia, Joan phải trèo lên một chỗ cao, rồi phải kiên nhẫn chờ đợi vài ngày cho đến khi sương mù do độ ô nhiễm không khí ở Jakarta giảm xuống, để có thể chụp được một bức ảnh rõ nét nhìn từ trên cao về dòng sông Ciliwung chảy ngang thủ đô Indonesia. 

Dòng sông này là một trong những nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất thế giới vì các đống rác nhựa, nước thải sinh hoạt cũng như phân bón nông nghiệp đổ thẳng hàng ngày vào dòng sông. Bức ảnh chụp phong cảnh đẹp nhờ góc nhìn của nhà nhiếp ảnh người Tây Ban Nha, nhưng đồng thời từ trường hợp của Ciliwung, cũng đặt ra câu hỏi chung về tình trạng ô nhiễm sông ngòi trên toàn thế giới. 

Với hơn 15 quốc tịch trên vảng vàng năm nay, có thể xem cuộc thi nhiếp ảnh lần thứ 59 của Natural History Museum London rất đa dạng. Nước Pháp năm nay đã được các thành viên ban giám khảo đặc biệt chiếu cố, vì ngoài giải nhất vinh danh Laurent Ballesta, còn có hai giải thưởng quan trọng khác năm nay đã được trao cho hai nhiếp ảnh gia người Pháp khác là Hadrien Lalagüe và nhất là Luca Melcarne (hạng mục 18-26 tuổi). 

Cuộc triển lãm ''100 Bức ảnh chụp động vật hoang dã'' có giá trị, diễn ra tại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân Đôn từ ngày 13/10/2023 cho đến 30/06/2024. Danh sách đầy đủ các thí sinh đoạt giải cũng được tìm thấy trong quyển sách ''Wildlife Photographer of the Year 2023'' (Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã năm 2023 : những bức ảnh chụp đẹp nhất) do nhà xuất bản Biotope phát hành. Triển lãm và sách in đều có cùng mục đích : đánh động dư luận và thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề bảo vệ môi trường. Những người hâm mộ nào không có dịp ghé xem triển lãm ở thủ đô Luân Đôn có thể truy cập bộ sưu tập ảnh chụp này trên mạng, hay tìm mua tại các hiệu sách ở châu Âu. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.