Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Giai thoại chưa kể về rượu mùi Grand-Marnier

Sau sâm banh và bánh khúc gỗ mùa Giáng Sinh, rượu táo và bánh vua nhân ngày lễ Hiển Linh, nay đến lượt bánh crêpe và rượu mùi hương cam Grand Marnier. Theo báo Le Figaro, đây là hai biểu tượng không thể thiếu trong ngày lễ ''Chandeleur'' (Candlemas trong tiếng Anh) được ấn định hàng năm vào ngày 02/02 dương lịch.

crêpe suzette, crêpe flambée au Grand Marnier
Ảnh minh họa : Bánh crêpe đốt rượu mùi Grand Marnier © Flickr/stu_spivack
Quảng cáo

Còn được gọi là ''Fête des Chandelles'' (Lễ thắp nến), Chandeleur là một ngày lễ tôn giáo ở Pháp, được tổ chức hàng năm 40 ngày sau Giáng Sinh, nhân ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa hài đồng trong Đền Thánh. Tên gọi Chandeleur bắt nguồn từ các ngọn nến được sử dụng trong ngày lễ Chandeleur. Đúng vào ngày này, các nhà thờ làm lễ ban phước các ngọn nến, rồi đem thắp sáng trong thánh đường, thay thế cho đèn đuốc bình thường. Các gia đình theo đạo có thể xin rước một cây nến về nhà để tận hưởng phúc lành.

Nhân dịp này, nhiều gia đình quây quần lại với nhau, cùng làm bánh crêpe để ăn mừng. Truyền thống làm bánh crêpe cũng là một cách để chúc cho nhau một đời sống ấm no, sung túc. Phong tục khuấy bột mì làm bánh crêpe trong tuần lễ đầu tháng Hai hàng năm, tồn tại cho đến ngày nay, phổ biến trong xã hội, nhất là trong các gia đình có con nhỏ, dù nhà có theo đạo hay không.

Món bánh ''Crêpe Suzette'' nổi tiếng nhờ Grand Marnier  

Theo báo Le Figaro, bánh crêpe dĩ nhiên có thể ăn kèm với đường, với mứt trái cây, với nhân chuối hay táo, với caramel hoặc chocolat, nhưng ẩm thực Pháp nâng cao hơn một chút cách dùng món này khi cho ra đời công thức ''crêpe flambée'' tức là bánh crêpe trộn với môt chút bơ rắc đường rồi đem đốt với Grand Marnier, loại rượu mùi hương cam có nguồn gốc từ Pháp được cả thế giới biết đến. Kỹ thuật chế biến tinh tế này tạo thêm nhiều hương vị đậm đà thơm ngát cho món ăn, mà vẫn không hề có mùi rượu, do cách dùng ngọn lửa ''flambé'' làm bay hết độ cồn.

Ngược dòng thời gian trở về cuối thế kỷ XIX, rượu mùi Grand Marnier ra đời vào những năm 1890 tại Neauphle le Château, một ngôi làng hiền hòa với chưa đầy 1.000 cư dân ở vùng Yvelines, nằm cách thủ đô Paris chưa đầy 50 km, theo cách chế biến của ông Louis-Alexandre Marnier Lapostole (1837-1930) xuất thân từ một gia đình buôn rượu giàu có. Trong số các loại rượu mùi nổi tiếng của làng ẩm thực, từng có các các loại rượu hương cam như Curaçao và Cointreau, ra đời vào những năm 1850.

Nhà chế biến Marnier Lapostole đã muốn tạo một loại rượu cao cấp thượng hạng bằng cách ngâm trong thùng gỗ nhiều vỏ cam đắng với loại rượu mạnh Cognac, thay vì ngâm vỏ cam trong rượu trắng đơn thuần, có độ cồn cao nhưng lại không mùi. Có thể nói Grand Marnier là sự kết hợp hài hòa giữa hai đặc sản địa phương, rượu mạnh Cognac làm từ trái táo và vỏ cam đắng vùng Caribê. Sự dung hòa này đã cho ra đời loại rượu mùi có màu vàng óng của hổ phách, phảng phất một chút vị đắng của vỏ cam, vị ngọt của mật ong và mùi thơm của hạnh nhân. Do vậy, Grand Marnier thường nổi tiếng là có hương vị độc đáo phức hợp hơn so với các loại rượu mùi hương cam khác, mà thuật ngữ chuyên ngành pha chế cocktail thường gọi là ''Triple Sec''.

Grand Marnier đổi chủ nhưng không ''đổi chất''

Theo báo Le Figaro, về mặt công thức, Grand Marnier là cùng một họ với Curaçao (1834) và Cointreau (1849), thế nhưng trong cách sử dụng, Grand Marnier lại nổi tiếng trong nhà bếp nhiều hơn là phía sau các quầy bar. Nói cách khác, Curaçao và Cointreau thường được dùng để làm cocktail, để tạo ra các loại rượu pha, trong khi Grand Marnier được khá nhiều đầu bếp trứ danh dùng để chế biến món ăn, kể cả món mặn cũng như món ngọt

Mặc dù đã nhiều lần di dời cơ sở sản xuất, nhưng trong vòng 140 năm qua công thức của rượu mùi Grand Marnier chưa bao giờ thay đổi. Ban đầu được thành lập ở vùng ngoại ô Paris, nhưng kể từ năm 2012, theo quy định mới của Liên hiệp châu Âu yêu cầu đóng cửa các nhà máy nằm quá gần các khu đô thị, cơ sở chế biến Grand Marnier đã được chuyển dời về thị trấn Cognac, ở vùng Charente. Vỏ cam đắng vẫn được nhập từ quần đảo Caribê, trước khi được đưa vào nồi đồng để chiết xuất tinh chất. Rượu hương cam sau đó được pha trộn với rượu Cognac rồi được đóng chai ở Gaillon.

Được phân phối trên toàn thế giới từ đầu thế kỷ XX, Grand Marnier trong những năm gần đây không còn là sản phẩm độc quyền của dòng họ Marnier-Lapostole. Vào năm 2016, công ty gia đình này đã bán lại thương hiệu Grand Marnier với giá 650 triệu euro cho tập đoàn Campari. Ngày nay, tập đoàn Ý nắm giữ độc quyền khai thác Grand Marnier bên cạnh nhiều thương hiệu trứ danh khác như Aperol (dùng để pha loại cocktail Spritz), rượu vodka hiệu Skyy, rượu whisky Glen Grant và nhất là thương hiệu cognac Courvoisier mà tập đoàn Campari vừa mua lại với giá 1,2 tỷ đô la (1,14 tỷ euro).

Cho dù có đổi chủ, nhưng cũng may là Grand Marnier không ''đổi chất''. Ngoài tài năng kết hợp hương cam đắng với Cognac, rượu mùi Grand Marnier còn nổi tiếng nhờ nhiều giai thoại ly kỳ. Rượu mùi Grand Marnier trở nên nổi tiếng phần lớn cũng nhờ vào nhà triệu phú Thụy Sĩ César Ritz và đầu bếp người Pháp Auguste Escoffier. Vào năm 1898, hai nhân vật này cùng thành lập khách sạn Ritz, được xem là khách sạn sang trọng nhất thế giới lúc bấy giờ, nơi lui tới của các ông hoàng bà chúa, giới thượng lưu quý tộc, cũng như các thần tượng sân khấu. Khi ra thực đơn, đầu bếp Pháp Auguste Escoffier (1846-1935) khẳng định chỉ nấu những món cầu kỳ với những thành phần ngon nhất. Trên thực đơn các món tráng miệng, có món bánh crêpe đốt rượu Grand Marnier thường gọi là ''Crêpe Suzette''.  

Escoffier : Từ vua bếp trở thành đầu bếp của vua

Giai thoại kể rằng, đầu bếp Auguste Escoffier tự tay nấu món này cho Thái tử xứ Wales (con của nữ hoàng Victoria) thời ấy, sau đó trở thành Vua Edward VII trị vì nước Anh. Tháp tùng nhà vua lúc bấy giờ là nữ diễn viên Suzanne Reichenberg, xuất thân từ đoàn kịch Pháp Comédie-Française. Cho dù Edward VII đã có vợ (nữ hoàng Alexandra Đan Mạch), nhưng nhà vua nổi tiếng là một người đào hoa có nhiều tình nhân xinh đẹp trẻ tuổi kể cả nữ diễn viên Suzanne Reichenberg hay phu nhân Alice Keppel.  

Theo gợi ý của nhà vua Edward VII, món bánh crêpe nướng rượu Grand Marnier được đặt tên thành ''Crêpe Suzette'', tức là cách gọi thân mật của cái tên Suzanne. Không phải ngẫu nhiên mà đầu bếp Auguste Escoffier lần đầu tiên đăng công thức chế biến món bánh crêpe này trong quyển sách hướng dẫn của mình vào năm 1903, tức sau ngày đăng quang của vua Edward VII (1902), cho dù một số nhà phê bình ẩm thực cho rằng ông không phải là người đầu tiên sáng chế ra món này. Dù gì đi nữa, cũng từ giai thoại này, Escoffier gầy dựng được uy tín của mình như một ''ông vua của giới đầu bếp, đầu bếp của các vì vua'' (roi des chefs, chef des rois).  

Còn giới thích đọc sách báo nói về chuyện ''thâm cung bí sử '' nhận ra rằng trong số các tình nhân của vua Edward VII, Lady Alice Keppel trước sau vẫn là nhân vật nổi tiếng nhất. Dù nhỏ hơn nhà vua gần 30 tuổi, nhưng Lady Alice luôn trung thành với Edward VII cho tới khi nhà vua băng hà vào năm 1910. Lady Alice còn lưu danh hậu thế sau này, vì là bà cố ngoại của Camilla Parker Bowles. Từ vị trí ''kẻ thứ ba'', bà Camilla đã chờ đợi hàng chục năm, mãi đến khi Charles III lên ngôi vua, Camilla đương nhiên trở thành hoàng hậu vương quốc Anh. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.