Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Việt Nam-Trung Quốc nhất trí xây dựng “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Hà Nội vào hôm nay, 13/12/2023, kết thúc chuyến công du hai ngày. Trong một bản tuyên bố chung, hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng xây dựng một cộng đồng chung mà cách gọi theo phía Việt Nam là “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”, khác với từ ngữ của phía Trung Quốc là “Cộng Đồng Chung Vận Mệnh”.

Vietnam's Prime Minister Pham Minh Chinh, right, and the China's President Xi Jinping wave to media members as they pose for a photo during a meeting at the government office in Hanoi, Vietnam, Wednes
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) tại văn phòng chính phủ Việt Nam ở Hà Nội, ngày 13/12/2023. AP - Nhac Nguyen
Quảng cáo

Trong bản tuyên bố chung tổng kết chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc được báo chí Việt Nam công bố hôm nay, hai bên đã nhất trí “tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối Tác Hợp Tác Chiến Lược Toàn Diện Việt Nam-Trung Quốc”, đồng thời ''xây dựng Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”.

Về cộng đồng chung mà hai bên đồng ý hướng tới, trong lúc phía Việt Nam gọi đó là “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”, thì theo các bản tin trên Tân Hoa Xã, từ ngữ phía Trung Quốc dùng là “Trung Việt Mệnh Vận Cộng Đồng Thể”, tức là “Cộng Đồng Chung Vận Mệnh”.

Theo nhận định của hãng tin Mỹ AP, đây là một nhượng bộ ngoại giao từ phía Việt Nam, vốn cho đến gần đây vẫn tránh dùng khái niệm đó. Tuy nhiên lần này, Hà Nội đã đồng ý nhằm xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản lên hàng “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện”.

AP trích lời một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng nhượng bộ trên ngôn từ của Hà Nội “không có nghĩa là Việt Nam ủng hộ các sáng kiến chính trị do Trung Quốc lãnh đạo, mà là một hành động phòng ngừa tế nhị, đặc biệt sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật gần đây.” Theo chuyên gia này, đây là “một động thái được chờ đợi trong bối cảnh ông Tập Cận Bình đã đích thân đến Hà Nội.”

Theo ghi nhận của các nhà quan sát, khi chấp nhận cùng với Trung Quốc xây dựng một "Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai", Việt Nam đã nối gót một số quốc gia Đông Nam Á khác như Lào, Cam Bốt, Miến Điện, hay Thái Lan, Indonesia.

Nhân chuyến công du Việt Nam, lãnh đạo Trung Quốc cũng không quên nhắc nhở Việt Nam về quan hệ với Mỹ. Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu vào hôm nay tại Hà Nội, ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cần phải phản đối mọi “nỗ lực gây rối ở Châu Á-Thái Bình Dương”. Ông Tập không nhắc đến nước nào, nhưng trong thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục tố cáo Mỹ là “kẻ gây rối tại vùng châu Á” và không mấy thiện cảm với việc Mỹ mở rộng ảnh hưởng qua Việt Nam.

Trong chuyến đi của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hơn 30 thỏa thuận, trong đó có kế hoạch phát triển các tuyến đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay trong lãnh vực viễn thông. Tuy nhiên, theo Reuters, không có thỏa thuận nào được công bố về đất hiếm, mặc dù ông Tập Cận Bình từng kêu gọi hợp tác rộng rãi hơn về các khoáng sản trọng yếu. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.