Vào nội dung chính
VIỆT NAM - VĂN HOÁ

UNESCO vinh danh ‘‘Sách Hóa Nông Thôn Việt Nam’’

Chiều ngày 08/09/2016, giải thưởng quốc tế Xóa Mù Chữ của UNESCO (International Literacy Prizes), mang tên vua Sejong, đã được trao cho ông Nguyễn Quang Thạch, 41 tuổi, người khởi xướng phong trào xây dựng văn hóa đọc sách tại các vùng nông thôn Việt Nam. Khởi sự từ năm 2007, phong trào nói trên đã giúp cho hơn 300.000 trẻ em tại 27 tỉnh Việt Nam được nghe và đọc sách thường xuyên.

Ông Nguyễn Quang Thạch giới thiệu chương trình "Sách Hóa Nông Thôn" tại UNESCO, Paris, ngày 08/09/2016.
Ông Nguyễn Quang Thạch giới thiệu chương trình "Sách Hóa Nông Thôn" tại UNESCO, Paris, ngày 08/09/2016. Ảnh : RFI
Quảng cáo

Với sự đóng góp của hơn 100.000 người trong và ngoài nước, phong trào do ông Nguyễn Quang Thạch thúc đẩy, với Trung Tâm Hỗ Trợ Tri Thức và Phát Triển Cộng Đồng làm nòng cốt, đã xây dựng được trên 10.000 tủ sách, tại các dòng họ, giáo xứ, các câu lạc bộ do phụ huynh quản lý, và đặc biệt là tại các lớp học. Năm 2015, bộ Giáo Dục Việt Nam chính thức công nhận phong trào, yêu cầu các sở giáo dục địa phương phổ biến rộng rãi mô hình Tủ sách Lớp học.

Giải thưởng Quốc tế Xóa Mù Chữ của UNESCO, mang tên vua Sejong (người có công phát triển hệ chữ cái abc Hangul của Hàn Quốc hồi thế kỷ XV), được trao cho các tổ chức có vai trò lớn trong sự phát triển của ngôn ngữ bản địa tại các nước đang phát triển. Xóa mù chữ và thất học là một trong các mục tiêu hàng đầu của Liên Hiệp Quốc.

Tại trụ sở UNESCO, Paris, sau buổi lễ trao giải, ông Nguyễn Quang Thạch cho RFI biết những cảm nghĩ của ông :

01:29

P.V. Ông Nguyễn Quang Thạch

Nguyễn Quang Thạch : « Tôi rất là vui, vì giải thưởng này đạt được do sự chung tay của nhiều người Việt ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt như những người nông dân tỉnh Thái Bình, đã chung tay tạo ra các tủ sách trong lớp học, các tủ sách dòng họ, giáo xứ, hậu phương chiến sĩ... (Tất cả các nỗ lực này) đã được thế giới thừa nhận.

Điều giá trị ở đây là : Những thứ mà người Việt làm được có thể chia sẻ cho nhiều quốc gia nghèo. Một người nông dân ở Ấn Độ hay Trung Quốc, ở Triều Tiên hay ở châu Phi, người ta có thể góp từ 2 đến 3 đô la/một năm để giúp cho con trẻ của mình được đọc sách, như những bạn bè đồng trang lứa ở đô thị, hay ở các nước phát triển.

Tôi mong rằng những người Việt ở trong nước và nước ngoài, cùng với hơn 10 triệu cha mẹ học sinh ở nông thôn, tạo dựng một hệ thống tủ sách đến từng lớp học, giúp cho 15 triệu trẻ em nông thôn Việt Nam được nghe sách, được đọc sách (chương trình ‘‘Sách Hóa Nông Thôn Việt Nam’’ kỳ vọng phát triển 300.000 tủ sách – người viết). Điều này đặt nền tảng cho giáo dục người lớn. Bởi vì chúng ta có 50 triệu người lớn ở nông thôn, thì phải thông qua việc đọc sách cho con trẻ mà người lớn được ảnh hưởng.

Tôi kỳ vọng rằng hiệu ứng ‘‘tác động ngược’’, đã được áp dụng trong nhiều năm qua (trong phong trào Sách Hóa Nông Thôn), sẽ được phát triển ở Việt Nam và sẽ được phát triển ở thế giới. Cụ thể là làm cho việc đọc sách và việc lĩnh hội tri thức ở trẻ em trở thành phương pháp giáo dục người lớn (tức phát triển việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời – người viết) ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.