Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Việt Nam: Nếu giới trung lưu nỗ lực, tất cả trẻ em có sách đọc

Đăng ngày:

Đầu tháng 9/2016, giải thưởng chống mù chữ và thất học của UNESCO vinh danh phong trào Sách Hóa Nông Thôn Việt Nam, giúp hàng trăm nghìn trẻ em và cha mẹ được đọc sách thường xuyên, nhờ hàng nghìn tủ sách ngay tại lớp học, tại cộng đồng. Ai sẽ là người góp sức quyết định để toàn bộ hơn 10 triệu trẻ em ở nông thôn được đọc sách? Nguyễn Quang Thạch tin tưởng : Nếu một bộ phận giới trung lưu thức tỉnh và hành động, giấc mơ tưởng như viển vông này sẽ rất nhanh chóng trở thành hiện thực.

Ông Nguyễn Quang Thạch (góc trên bên trái) trong một lần đưa sách đến với học sinh nông thôn. Ảnh chụp tại trường phổ thông An Lạc, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Ông Nguyễn Quang Thạch (góc trên bên trái) trong một lần đưa sách đến với học sinh nông thôn. Ảnh chụp tại trường phổ thông An Lạc, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ảnh : Facebook Nguyễn Quang Thạch
Quảng cáo

Diễn ra trong bối cảnh « suy thoái đạo đức » trong xã hội được coi là hết sức trầm trọng, với tình trạng bạo lực, phạm pháp lan tràn, kể cả trong học đường, người dân thấp cổ bé họng bị chà đạp, phong trào đưa sách đến với nông thôn - do Nguyễn Quang Thạch khởi xướng - mang lại một niềm hy vọng lớn cho một sự vực dậy của lòng nhân ái, của khát vọng học hỏi để vươn lên (xem thêm : "Để trẻ em thiếu sách là tạo tội ác cho xã hội", báo Lao động). Dưới đây là phần trích đoạn cuộc phỏng vấn của RFI với ông Nguyễn Quang Thạch tại Paris.

Đổ lỗi toàn bộ cho chính quyền không làm đất nước tiến bộ

(…) Tôi kỳ vọng, qua việc nhận giải thưởng này, người Việt Nam trong nước và nước ngoài, và những người nông dân ở các tỉnh khác sẽ học tinh thần của nông dân tỉnh Thái Bình, Nam Định, học tinh thần cấp tiến của những người Việt trong và ngoài nước, để cho người dân có cơ hội tiếp cận sách ngang bằng các nước Pháp, Mỹ, Nhật, Israel, để tạo một nền tảng nhân văn và sáng tạo cho quốc gia trong tương lai…

Khi nhận giải, niềm vui chỉ thoáng qua. Vì nỗi lo lắng cho xã hội, nỗi buồn vì hàng chục triệu đứa trẻ ở nông thôn chưa có sách đọc, vẫn là gánh nặng trên vai của tôi và của rất nhiều người có lương tâm với xã hội, với đất nước….

Trong sự phát triển của một quốc gia, chính quyền chỉ (có vai trò) một phần. Chính quyền chỉ chiếm khoảng 5% dân số. Để tạo dựng các giá trị xã hội rộng lớn, thì toàn xã hội phải chung tay. Chúng ta thường nói về xã hội dân sự, nhưng giờ đây, toàn hệ thống Nhà nước đã rộng mở để tạo ra hệ thống thư viện, nhưng số lượng người tham gia vẫn chưa nhiều (bộ trưởng Giáo Dục nhiệm kỳ trước đã thừa nhận yếu kém của hệ thống thư viện và nhận lỗi trước báo chí, đồng thời chỉ đạo nhân viên cấp dưới ra chính sách nhân rộng tủ sách lớp học, câu lạc bộ khoa học trong trường học - theo Nguyễn Quang Thạch).

Nói sòng phẳng ra, cứ đổ lỗi cho chính quyền cả thì cũng bất ổn. Đành rằng chính quyền làm nhiều cái chưa được, làm kém. Nhưng tại sao để họ kém mãi, kém mãi tại vì khu vực xã hội không chịu đưa ra các ý tưởng, không chịu hành động để chính quyền tham chiếu, đúng không ?

Giúp người khi mình chưa giàu

Tri thức là quan trọng. Muốn thay đổi quốc gia thì phải phát triển, nhân rộng tri thức, tạo ra một tâm thế là : Ai cũng cố gắng giúp cho những người kém hơn mình bằng mình, để họ vượt mình. Lúc ấy quốc gia mới có cơ hội để phát triển. Còn nếu cứ vị kỷ, thì xã hội không thể phát triển được.

Chúng ta luôn nói thua Nhật Bản, thua Hàn Quốc, nhưng liệu có bao nhiêu trong chúng ta có tâm thế hành động để vượt họ chưa ? Đó là câu hỏi rất lớn dành cho xã hội Việt Nam.

Có nhiều người chia sẻ việc tôi đi bộ đã đánh thức họ, khiến họ suy nghĩ phải làm gì cho ngôi làng của mình. Cho nên có những người lương chỉ năm, bảy triệu một tháng, nhưng sẵn sàng bỏ ra một triệu để đi làm tủ sách cho trẻ em nông thôn. Có những bạn tiểu thương đang vất vả nuôi con nhưng bạn ấy bảo, nếu mình không hành động, chờ đến khi giàu mới hành động thì... Bản thân tôi cũng thế.

19:39

Toàn bộ phần phỏng vấn ông Nguyễn Quang Thạch

Ngày trước tôi khi (suy nghĩ để) quyết định (lựa chọn) theo mô thức của ông nội tôi thời phong kiến là giàu rồi mới chia sẻ cho xóm làng của mình, hoặc là cuộc sống trung bình, như bà nội của tôi vào những năm khó khăn 1978, 1979. Bà sẵn sàng chia phần cơm của mình cho người khác. Tôi phải đấu tranh giữa hai hướng, theo ông nội hay bà nội. Cuối cùng vì khát khao muốn tạo dựng nên sự thay đổi trên quy mô quốc gia, để người Việt mình đi đâu cũng được tôn trọng, người Việt mình đi đâu cũng đóng góp cho nhân loại, nên tôi kiên trì hành động…

Người Việt Nam trong nước và nước ngoài hãy cố gắng, ba bốn người góp nhau lại mỗi người 30, 40 đô la, làm một tủ sách trong một lớp học ở nông thôn, dăm người trong một dòng họ góp 20, 30 đô la để làm một tủ sách trong dòng họ. Rồi các xứ Công Giáo cũng vậy, hãy biến nhà thờ thành trung tâm học tập, chia sẻ tri thức. Nhà chùa cũng vậy. Tôi kỳ vọng là nhà chùa vừa là nơi học Phật pháp, vừa là nơi học kiến thức phổ thông, để cho sự hiểu biết, thế giới quan, tầm nhìn của người Việt ra thế giới khác đi...

Tủ sách cho học sinh : Sợi dây nối người Việt với nhau

Tôi kỳ vọng trong tương lai 15 triệu trẻ em nông thôn sẽ học được tinh thần sáng tạo của người Do Thái, tinh thần bao dung trong đạo Phật, tinh thần bao dung, dấn thân hi sinh của những người theo đạo Thiên Chúa, của đức mẹ Theresa, của ngài Gandhi... Ở đất nước mình, có nhiều người đáng học, như anh hùng Trần Hưng Đạo, cụ Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh…

Mô hình tôi thiết kế rất giản đơn. Ai cũng làm được. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng, thông qua các nhà sách tôi giới thiệu, được giảm giá 30%-50% (ông Nguyễn Quang Thạch cũng cho biết thêm : mọi sáng kiến huy động nguồn sách đều rất đáng hoan nghênh, kể cả sách cũ, sách gia đình). Và để tăng hiệu quả tủ sách, chúng tôi đã làm việc khuyến khích học trò giới thiệu sách vào ngày đầu tuần, giao lưu sách giữa các thư viện... Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đọc sách trong nhà trường. 

Nguyễn Quang Thạch mang sách đến với trẻ em nông thôn. Hình chụp tại tỉnh Ninh Thuận.
Nguyễn Quang Thạch mang sách đến với trẻ em nông thôn. Hình chụp tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh Facebook Nguyen Quang Thach

Mô hình tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh là tối ưu cho xã hội Việt Nam. Nó chỉ mất 50 đến 80 đô la. Người nông dân nghèo nào ở Việt Nam cũng có thể tham gia vào tiến trình. Hơn 100.000 cha mẹ là nông dân nghèo ở Thái Bình đã làm được chuyện ấy. Trên quy mô quốc gia, chắc chắn cũng làm được chuyện ấy.

Trong lúc xã hội đang có biến động như thế này, rất cần sợi dây ấy để người Việt trong nước và nước ngoài chung tay chia sẻ tri thức, đặc biệt cho con cái những người nông dân, công nhân họ còn thấy hy vọng vào xã hội, thấy con cái họ có sách để đọc. Như vậy giảm thiểu những lo lắng của họ trong một xã hội rất nhiều biến động như thế này.

Giới trung lưu không ý thức được vai trò, xã hội không thay đổi được

(Đưa khát vọng phổ biến tri thức đến những nước khác như Ấn Độ, châu Phi) đây là một trong những chiến lược của tôi. Tôi là người có năng lực chia sẻ ý tưởng của mình cho một số quốc gia đang phát triển, nơi hàng trăm triệu trẻ em thiếu sách. Đó là cách tôi muốn người Việt mình, tầng lớp trung lưu cấp tiến trong nước phải hành động vì sự phát triển của đất nước. Nếu ở một quốc gia, tầng lớp trung lưu không ý thức được vai trò của mình, thì đất nước không thể thay đổi được.

Tôi nghĩ cho đến nay, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, có của ăn của để, có thu nhập ổn định cũng có đến 5 triệu người. Tôi nghĩ rằng, trong số 5 triệu người, chỉ cần 500 nghìn người cấp tiến hành động, đưa sách về quê của họ, rồi góp tiền cho các quỹ dịch sách, để phổ biến kiến thức của Mỹ, Tây Âu vào nhận thức dân chúng. Bên cạnh việc phổ biến sách, cũng cần các quỹ để khuyến khích phong trào trẻ em đọc sách cho xóm làng, để trẻ em ngay từ cấp một, cấp hai đã trở thành người có trách nhiệm xã hội…

***

Cách nay hơn 20 năm, chàng thanh niên Nguyễn Quang Thạch nhen nhóm ước mơ sách hóa nông thôn Việt Nam, âm thầm chuẩn bị các phương tiện cho một dự án lâu dài (xem « Chương trình mời tham gia xây dựng 300.000 tủ sách nông thôn »). Cách nay 10 năm, « người phu sách » khởi sự chương trình với thí điểm một vài tủ sách tại các dòng họ. Với ý chí không gì lay chuyển, ước mơ mang sách đến cho trẻ em nông thôn của Thạch ngày càng thuyết phục được nhiều người đồng hành.

20 năm đã trôi qua, chàng thanh niên năm nào nay đã bước vào tuổi trung niên với nhiều bệnh tật trên mình, nhưng ông vẫn đi về phía trước. Con đường ông mở ra, như một phép lạ, được hàng trăm ngàn người trong và ngoài nước hưởng ứng. Con đường ấy là sự tiếp nối của khát vọng ngàn đời hướng đến văn minh, tiến bộ, con đường khai sáng đưa nhiều dân tộc, đưa nhân loại tiến lên. Những ai sẽ cùng đi với Thạch ? Liệu sẽ có đông đảo người « trung lưu » Việt Nam đồng hành với phong trào đưa sách đến với nông thôn ?

RFI xin cảm ơn ông Nguyễn Quang Thạch, em Uông Nhật Nam và cô giáo Dương Lệ Nga đã dành thời gian cho tạp chí.

10:11

Phần âm thanh Tạp chí giới thiệu "SÁCH HÓA NÔNG THÔN"

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.