Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH - LỊCH SỬ

Liên hoan Venise cũng bị tai tiếng như Berlin

Sau liên hoan Berlin trong tuần qua, nay đến lượt liên hoan phim Venise cũng vướng phải tai tiếng liên quan tới quá khứ của nhà sáng lập. Theo tờ báo có uy tín của Ý Corriere della Sera (13/02), ban tổ chức liên hoan Venise nên chăng noi gương Berlin bằng cách rút lui giải thưởng mang tên nhà sáng lập Giuseppe Volpi.

Liên hoan phim Venise lần thứ 77 sẽ diễn từ 02/09 đến 20/09/2020
Liên hoan phim Venise lần thứ 77 sẽ diễn từ 02/09 đến 20/09/2020 Reuters/Benoit Tessier
Quảng cáo

Được thành lập vào năm 1932, liên hoan điện ảnh quốc tế Venise đã chính thức đặt tên của nhà sáng lập Giuseppe Volpi cho giải diễn xuất từ lúc ông còn sống. Trong vòng 70 năm qua, giải Volpi được trao tặng cho các diễn viên xuất sắc nhất, nữ cũng như nam. Tuy nhiên, sau khi tuần báo Die Zeit vào đầu tháng Hai năm 2020 đã làm chấn động dư luận nước Đức qua việc tiết lộ nhà sáng lập Alfred Bauer từng là viên chức trong bộ máy tuyên truyền của‘‘Đức Quốc xã’’, giờ đây đến phiên ông Giuseppe Volpi cũng lọt vào tầm ngắm của giới báo chí Ý.

Quan chức cao cấp thời Mussolini

Nhật báo Corriere della Sera cũng đã tiến hành một cuộc điều tra về ông Giuseppe Volpi di Misurata và những kết quả đầu tiên cho thấy quá khứ nhập nhằng phức tạp của nhân vật này, cũng như mối liên hệ chặt chẻ giữa ông Volpi với chính quyền phát xít Ý, vào thời Mussolini nắm quyền và quan trọng hơn nữa là trong giai đoạn Đệ nhị Thế chiến khi nước Ý trở thành đồng minh của Đức Quốc xã, kể từ năm 1938 đến năm 1945.

Sinh trưởng tại Venise, Giuseppe Volpi (1877-1947) từng được vua Vittorio Emanuele III phong làm bá tước Misurata. Ngoài đời, ông là một doanh nhân tài ba kiêm chính trị gia, làm giàu nhờ đầu tư vào ngành điện lực. Ông đã nhiều lần nắm giữ các chức vụ quan trọng ban đầu là thống đốc vùng thuộc địa Tripolitania từ năm 1922 đến 1925, rồi sau đó là Bộ trưởng Tài chính thời Mussolini từ năm 1925 đến 1928.

Vào năm 1934, ông được bầu làm chủ tịch Liên đoàn các công ty kỹ nghệ Ý (Confindustria) và trong vai trò này, ông cũng trở thành chủ tịch của liên hoan Biennale de Venise, cứ hai năm tổ chức một lần (trong giai đoạn từ năm 1934 đến 1943). Chính ông là người đã sáng lập Liên hoan điện ảnh quốc tế Venise, quảng bá nền điện ảnh Ý với khán giả nước ngoài. Cũng từ đó Venise được xem là festival lâu đời nhất trong số ba liên hoan phim có uy tín nhất thế giới.

Luật chủng tộc thời phát xít

Theo tờ báo Corriere della Sera, vào năm 1938, ông Giuseppe Volpi đã tích cực tham gia vào phiên họp của Hội đồng chính phủ để soạn thảo ‘‘Luật chủng tộc’’ (Leggi Razziali) mà chính quyền phát xít Ý thời bấy giờ muốn áp dụng đối với cộng đồng người Do Thái tại Ý. Luật chủng tộc được thông qua sau cuộc họp trong đêm 06/10 rạng sáng 07/10 năm 1938. Bộ luật này sau đó đã mở ra phong trào tịch thu tài sản cũng như các đợt bố ráp người Do Thái để rồi đày họ sang các trại tập trung Đức Quốc xã, trong đó có trại Auschwitz kể từ năm 1941 trở đi.

Tờ báo Corriere della Sera trích dẫn biên bản cuộc họp Hội đồng chính phủ thời ấy, nay được cất giữ trong Cục văn thư và Lưu trữ Quốc gia, cho biết nếu như ba quan chức là De Bono, Federzoni, và Balbo ngay từ đầu đã bỏ phiếu chống lại bộ luật này, thì ông Giuseppe Volpi lại hoàn toàn ủng hộ. Một trong những kết quả đầu tiên có thể thấy ngay là sau khi bộ luật được thông qua, ông Giuseppe Volpi được bổ nhiệm làm giám đốc công ty bảo hiểm Generali, lên thay thế nhân vật nổi tiếng là ông Edgardo Morpurgo, buộc phải từ chức do gia đình ông là người Do Thái.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập trại tập trung Auschwitz (tháng Tư năm 1940), nước Ý cũng đã từng nhìn lại những trang lịch sử đen tối qua cuộc triển lãm với chuyên đề "1938, năm chối bỏ nhân loại". Cuộc triển lãm này chủ yếu nói về sự hình thành và nhữxg hệ quả của Luật chủng tộc trong thời kỳ phát xít, được tổ chức tại Phòng lễ tân của điện Quirinal, tức là phủ Tổng thống Ý. Và dĩ nhiên là không thể chối bỏ trách nhiệm của các quan chức từng thông qua bộ luật này.

Venise định làm gì với trường hợp Volpi

Cho dù kể từ năm 1943 trở đi, ông Giuseppe Volpi thay đổi hẳn lập trường, không còn đứng về phe ủng hộ nước Ý tham chiến bên cạnh đồng minh Đức Quốc xã. Ông Giuseppe Volpi lúc bấy giờ bắt đầu tài trợ lực lượng kháng chiến Ý. Một phần lấy công chuộc tội, một phần vì lý do sức khỏe (ông lâm bệnh nặng, rồi qua đời cuối năm 1947 ở tuổi 70), cho nên ông Volpi tuy có bị đưa ra xét xử sau thời chiến, nhưng cuối cùng ông vẫn được hưởng lệnh ân xá trước khi ông từ trần.

Liên hoan Venise sẽ diễn ra vào đầu tháng 9 năm 2020. Hiện giờ ban tổ chức vẫn chưa có phản ứng chính thức, khác với trường hợp của liên hoan phim Berlin. Ban tổ chức liên hoan Venise vẫn giữ im lặng, cho dù đã có nhiều tiếng nói đề nghị thay thế giải Volpi bằng một giải thưởng điện ảnh khác dành cho các diễn viên.

Về phần các thành viên trong gia đình của Bá tước Giuseppe Volpi di Misurata, cho dù dòng họ này có giàu sang cách mấy, nhưng vì những hành động sai lầm trong quá khứ, thanh danh của gia đình Volpi vẫn còn một vết bẩn mà dường như liều thuốc tẩy của thời gian vẫn chưa làm sạch nổi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.