Vào nội dung chính
VIỆT NAM

5 triệu đô la cho dự án tẩy khử chất độc màu cam ở Việt Nam

Ngày 28/6, tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP công bố dự án trị giá 5 triệu đô la nhằm tẩy khử chất độc màu cam, một sản phẩm hóa chất độc hại mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Reuters
Quảng cáo

Nguồn tài chính do UNDP và một tổ chức độc lập, Global Environment Facility cung cấp.

Dự án này tập trung vào khu vực sân bay Biên Hòa, gần thành phố Hồ Chí Minh. Theo Liên Hiệp Quốc, đây là nơi bị ô nhiễm nặng nề nhất. Ngoài ra, còn có hai khu sân bay khác do Mỹ xây dựng trước đây là Đà Nẵng và Phù Cát, ở miền trung, cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Chất độc màu cam, có chứa chất độc dioxine, là tên gọi thông thường của loại hóa chất khai quang, diệt cỏ, làm rụng lá cây. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng hàng chục triệu lít hóa chất này để phá hủy rừng nhằm phát hiện những nơi ẩn nấp của lực lượng cộng sản.

Theo các hiệp hội nạn nhân chất độc màu cam thì chất khai quang, diệt cỏ là nguyên nhân gây ra các loại ung thư, mù lòa, những loại bệnh về da liễu hoặc dị dạng. Hiện ở Việt Nam có từ 2 đến 4 triệu nạn nhân.

Theo thông báo của UNDP, « tại ba nơi chính, mức độ tập trung của chất dioxine cao hơn rất nhiều các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế cho phép » và nếu không tiến hành tẩy khử thì những cơ sở nói trên sẽ tiếp tục gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh và gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của dân cư sống và làm việc trong những vùng lân cận.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam sẽ chỉ đạo dự án này. Năm ngoái, một quan chức Việt Nam cho biết là chính quyền Hà Nội đã chi ra 5 triệu đô la để tẩy khử khu vực Biên Hòa. Tổng chí phí cho việc tẩy khử ba khu vực sân bay bị ô nhiễm có thể lên đến 60 triệu đô la.

Từ năm 2007, nghị viện Mỹ đã tài trợ 9 triệu đô la cho các chương trình y tế và giảm bớt tác hại của chất độc dioxine.

Tháng năm vừa qua, một quan chức Mỹ cho biết là Hoa Kỳ tập trung vào khu vực Đà Nẵng và việc tẩy khử chất độc sẽ được bắt đầu từ 2011.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.