Vào nội dung chính
VIỆT NAM - HOA KỲ

Lần đầu tiên hải quân Mỹ-Việt cùng diễn tập ở Biển Đông

Dù chỉ diễn ra trên một quy mô nhỏ, lại không được hai bên chính thức quảng bá rộng rãi, nhưng các chuyến ghé thăm Việt Nam của chiến hạm Mỹ kèm theo các hoạt động "tập huấn phi tác chiến" và ‘’giao lưu’’ của hải quân hai nước đã thu hút mối quan tâm của dư luận quốc tế. Một số nhà phân tích đánh giá là các hoạt động tập huấn phi tác chiến kể trên đồng nghĩa với một cuộc diễn tập hải quân chung.

Tàu khu trục USS John S. McCain (US Navy)
Tàu khu trục USS John S. McCain (US Navy)
Quảng cáo

Nhiều hãng truyền thông đã không ngần ngại nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên mà Hải quân Mỹ-Việt cùng tiến hành một cuộc diễn tập hỗn hợp, trong bối cảnh tình hình quan hệ với Bắc Kinh đang căng thẳng trên vấn đề Biển Đông.

Theo hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, sự kiện hàng không mẫu hạm nguyên tử Mỹ USS Washington ghé Việt Nam hôm mồng 8 tháng 8, rồi hai hôm sau, đến lượt khu trục hạm USS John S McCain cập bến cảng Đà Nẵng, tất cả những sự kiện đó đều nằm trong khuôn khổ các hoạt động bình thường nhằm kỷ niệm 15 năm ngày hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.

Kể từ hôm nay, và cho đến ngày 14/08, thủy thủ đoàn trên tàu John Mc Cain sẽ tiến hành nhiều hoạt động cùng với phía Việt Nam. Trong bản tin công bố ngày 08/08/2010 nói về các chuyến thăm này, bộ tư lệnh Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ xác định là chương trình chủ yếu xoay quanh các hoạt động huấn luyện phi tác chiến như kiểm soát thiệt hại, tìm kiếm cứu nạn, trao đổi kỹ năng như nấu bếp hay bảo trì thiết bị. Bên cạnh đó, sẽ có các hoạt động giao lưu nhằm xây dựng tình hữu nghị hai bên như chữa răng và y tế dân sự, thi đấu thể thao giữa hải quân hai nước.

Tham gia vào các hoạt động mà phía Mỹ gọi là ‘’trao đổi’’ này, theo Đệ Thất Hạm Đội, có khu trục hạm USS John McCain ở Đà Nẵng, cũng như ban chỉ huy của Lực lương Đặc nhiệm 73 (Task Force 73). Trong lúc có ba chiến hạm khác túc trực ngoài khơi như các khu trục hạm USS Curtis Wilbur, USS Chung-Hoon và USS McCampbell.

Giới quan sát đặc biệt ghi nhận là các cuộc tập huấn Mỹ Việt, với sự có mặt của nhiều chiến hạm Mỹ, lại diễn ra ngay tại vùng biển Đông vào lúc căng thẳng tái xuất hiện trong hồ sơ Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà diễn biễn mới nhất là tranh cãi Việt Trung liên quan đến việc Bắc Kinh cho thăm dò địa chấn và xây cất thêm tại vùng quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.

Ngoài ra còn có tranh cãi nảy sinh gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hilaray Clinton, hạ tuần tháng bẩy vừa qua, xác định rõ quan điểm của Mỹ tại Biển Đông. Trong bài phỏng vấn dành cho hãng tin Pháp AFP vào hôm qua, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Úc, đã nêu bật bối  cảnh này khi cho rằng "quan hệ Mỹ-Trung vào lúc này rõ ràng là căng thẳng hơn cách đây một năm và đã lan qua vùng Biển Đông"". Đối với giáo sư Thayer : "Hoa Kỳ đã phô trương sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, và Việt Nam đã để yên cho sự kiện đó phát huy ý nghĩa".

Theo giới quan sát, dù cuộc thao diễn hải quân Mỹ Việt đang diễn ra đã được dự trù từ lâu, nhưng vào thời điểm "cơm không lành canh không ngọt" giữa Hoa Kỳ, Việt Nam với Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không hài lòng, nhất là khi Hoa Kỳ ồ ạt đưa chiến hạm vào vùng Biển Đông, được Trung Quốc coi là ao nhà của họ.

Tuy nhiên, Hoa kỳ cần phải chứng tỏ quyết tâm bảo vệ quyền tự do thông thương trong khu vực, mà không chỉ có Mỹ, mà nhiều Đông Nam Á khác cũng mong muốn.

Chỉ huy trưởng hàng không mẫu hạm USS George Washington, hôm chủ nhật 08/08 đã xác đinh rằng vùng Biển Đông không thuộc và chưa thuộc sở hữu của riêng nước nào. "Trung Quốc có quyền hoạt động trong vùng này, và Hoa Kỳ cũng thế, cũng như tất cả các nước khác trên thế giới".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.