Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH

Việt Nam tại Liên hoan phim châu Á Vesoul : Bộ phim tài liệu "Chợ Tình" của Philippe Rostan

Có hai bộ phim tài liệu nói về Việt Nam của đạo diễn Philippe Rostan được trình chiếu tại liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul 2012. « Chợ Tình » là một trong số tám bộ phim tài liệu tranh giải Xích lô vàng còn « Inconnu, présumé Français – Kẻ vô danh, được coi là người Pháp » ra mắt khán giả trong khuôn khổ chủ đề « Vết thương lịch sử »

Đạo diễn Philippe Rostan có hai dòng máu Pháp - Việt (DR)
Đạo diễn Philippe Rostan có hai dòng máu Pháp - Việt (DR)
Quảng cáo

Lần đầu tiên đến dự liên hoan phim châu Á Vesoul, đạo diễn mang hai dòng máu Pháp - Việt, Philippe Rostan giới thiệu hai bộ phim tài liệu là « Chợ Tình » và « Inconnu, présumé Français » vào ngày 15 và 16/02/2012 tại rạp Majestic. 

Sinh tại Việt Nam năm 1964 và định cư tại Pháp từ năm 1975, sự nghiệp điện ảnh của Philippe Rostan thường gắn liền với hình ảnh Việt Nam. Năm 1991, ông là trợ lý cho đạo diễn Pierre Schoendoerffer để thực hiện bộ phim « Điện biên Phủ ». Năm 1994, tên tuổi của ông xuất hiện bên cạnh Mathieu Kassovitz trong tác phẩm « Métisse – Con lai ». Một năm sau, Rostan bắt đầu thực hiện các phim ngắn như « Les Nems, moi non plus ». 

Trong vai trò một nhà viết kịch bản, một đạo diễn hay một nhà xuất bản phim, Philippes Rostan đã cống hiến nhiều tác bộ phim tài liệu xoay quanh chủ để chính là Việt Nam. Bên cạnh hai tác phẩm trình chiếu tại liên hoan Vesoul lần này, Rostan còn là tác giả của khoảng một chục bộ phim khác. Trong số đó phải kể đến « Le Lotus dans tous ses états - Hoa sen » (2011), « Les trois guerres de Madeleine Riffaud - Ba cuộc chiến của Madeleine Riffaud» (2010), « Chiếc Bánh Ít » (2001) hay « Cœur Coréen- Trái tim Hàn Quốc » (2002). 

Rostan từng đoạt giải thưởng của khán giả tại liên hoan phim của thành phố Tour năm 2010 với bộ phim nói về thân phận của những người con lai, bố Pháp, mẹ Việt : « Inconnu, présumé Français ». Nhưng có lẽ đến nay, được biết đến nhiều hơn hết là bộ phim tài liệu của Rostan nói về ba cuộc chiến mà nhà thơ, cũng là nhà báo và phóng viên chiến trường Madeleine Riffaud đã trải qua. 

Trước ống kính của đạo diễn Pháp -Việt, người từng là bạn của Paul Eluard hay Picasso, đã kể lại những kỷ niệm của bà về chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Algérie và chiến tranh Việt Nam. Những kỷ niệm của người phụ nữ can đảm này đã được Philippe Rostan minh họa bằng rất niều hình ảnh tư liệu quý giá. 

Trả lời phỏng vấn đài RFI, đạo diễn Rostan cho biết hoàn cảnh nào đưa chân ông đến với liên hoan phim châu Á Vesoul lần thứ 18 : 

"Năm 2011 tôi gửi phim đến ban tổ chức nhưng bị trả lời đã đá quá trễ. Năm ngoái tôi giới thiệu với ban tổ chức liên hoan Vesoul ba bộ phim tài liệu là « Le Petit Việt Nam- Việt Nam thu nhỏ », « Les trois Guerres de Madeleine Riffaud – Ba cuộc chiến của Madelein Riffaud » và « Inconnu, présumé Français- kẻ vô danh, được coi là người Pháp ». Sáng lập viên của Liên hoan, bà Martine Thérouanne rất tán đồng các bộ phim này và bà khuyến khích tôi trở lại cho mùa liên hoan năm nay.

Lần này tôi đến Vesoul tranh tài với bộ phim tài liệu mới nhất của mình là « Chợ tình » và tôi cũng sẽ giới thiệu đến khán giả « Inconnu, présumé Français » đã hoàn tất vào năm 2009 trong khuôn khổ chuyên đề « Vết thương lịch sử » liên hoan điện ảnh châu Á lần thứ 18". 

RFI : Gần đây đài truyền hình France Ô có chiếu bộ phim tài liệu « Chợ Tình » và khán giả đã có dịp khám phá những hình ảnh rất thơ mộng của miền núi Sapa. Ông đã thực hiện bộ phim này trong những điều kiện nào ? 

"Tôi đã đến sát biên giới miền Bắc Việt Nam với Trung Quốc để thực hiện phim tài liệu « Chợ tình ». Những cộng đồng người thiểu số ở đây còn giữ được truyền thống của mình, từ y phục đến văn hóa. Người dân tộc thiểu số ở đây đã chấp nhận tôi và họ chia sẻ với tôi về một đề tài thường được giữ kín trong lòng"

RFI : Người xem đôi khi quên hẳn đây là một bộ phim tài liệu. Phải chăng đây là « dấu ấn » của Philippe Rostan ? 

"Tôi đến với nghệ thuật thứ bảy, để đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tại Việt Nam tôi không gặp trở ngại nào cả. Đúng là mọi thủ tục không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng trước đây tôi đã từng thực hiện phim tài liệu nói về ba cuộc chiến mà nhà báo, phóng viên chiến trường, và cũng là một nhà thơ, bà Madeleine Riffaud đã trải qua. Việt Nam dành nhiều ưu ái cho bà và khi đến Việt Nam để thực hiện cuộn phim về một phần cuộc đời bà Riffaud, tôi không hề gặp phải một khó khăn nào đáng kể. Các nhân chứng và những người từng liên lạc với bà đã dễ dàng bày tỏ tâm sự trước ống kính. Làm phim về họ không có gì trở ngại.

Trong khi đó thực hiện phim tài liệu về đề tài « Chợ tình », phức tạp hơn nhiều ! Khi chúng ta đề cập đến chủ đề như là lòng chung thủy, tình yêu, thực khó mà có thể thuyết phục được mọi người chia sẻ tâm tư. Tuần lễ đầu tôi cảm thấy khó khăn, tương tự như khi khởi động quay các bộ phim khác vậy. Nhưng sau đó thì mọi việc cũng được ổn thỏa. Tôi nhận thấy người dân tộc thiểu số ở đây thật là trong trắng. Họ rất gần gũi với thiên nhiên, họ tôn trọng môi trường … Đây là một đề tài hết sức thời sự". 

RFI : Tại Vesoul lần này, bên cạnh bộ phim « Chợ Tình » tham dự cuộc tranh tài và được trình chiếu vào ngày 15/02/12 thì khán giả còn được xem lại một bộ phim tài liệu khác đã từng được giới thiệu tới công chúng là « Inconnu, présumé Français » xin ông cho biết thêm về bộ phim này ? 

« Inconnu, présumé Français – kẻ vô danh được coi là người Pháp » là một bộ phim rất quan trọng đối với cá nhân tôi. Tôi muốn nói về chủ đề con lai, như là trường hợp của bản thân tôi. Tất cả xuất phát từ khi tôi biết được là có những người anh chị em, con dì, con già  với tôi bị bỏ rơi, tương tự như số phận của hơn 4 500 đứa trẻ khác, chúng đã bị bỏ rơi trong các trại mồ côi. Tôi làm phim về đề tài này, để câu chuyện về những người con của chiến tranh ấy không bị chìm vào quên lãng ». 

RFI : Thành thật cảm ơn đạo diễn Philippe Rostan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.