Vào nội dung chính
PHÁP

Nhà kháng chiến Pháp Raymond Aubrac qua đời

Hôm nay 11/04/2012, điện tổng thống Élysée cũng như nhiều chính khách Pháp đã gửi tin chia buồn với gia đình ông Raymond Aubrac. Nổi tiếng là một lãnh đạo kháng chiến dưới thời Đức Quốc xã chiếm đóng nước Pháp, ông vừa qua đời tối hôm qua tại bệnh viện quân đội Val de Grace, hưởng thọ 97 tuổi.

Ông Raymond Aubrac tại Paris, ảnh chụp hồi đầu năm 2008 (REUTERS)
Ông Raymond Aubrac tại Paris, ảnh chụp hồi đầu năm 2008 (REUTERS)
Quảng cáo

Tên thật là Raymond Samuel, ông sinh ngày 31/7/1914 tại thành phố Vesoul. Tốt nghiệp trường kỹ sư cầu đường (Ponts et Chaussées), ông cùng với vợ là bà Lucie Aubrac tham gia phong trào kháng chiến chống Đức Quốc xã từ năm 1940, thành lập tổ chức mang tên Giải phóng miền Nam (Libération-Sud). Trong giai đoạn này, ông Raymond Aubrac từng đấu tranh bên cạnh anh hùng kháng chiến Jean Moulin (Sau khi bị bắt giữ, ông Jean Moulin qua đời vào năm 1943), tham gia vào phong trào Kháng chiến Thống nhất.

Bản thân ông Raymond Aubrac cũng từng bị bắt giam vào mùa hè năm 1942, nhưng hơn 16 tháng sau, vào tháng 10 năm 1943, ông được nhóm quân kháng chiến, do bà Lucie dẫn đầu, giải cứu nhân một chiến dịch tấn công đoàn xe chở tù binh. Giai thoại này từng được chuyển thể lên màn ảnh lớn trong bộ phim mang tựa đề Lucie Aubrac.

Sau Đệ nhị Thế chiến, ông Raymond Aubrac được bổ nhiệm vào bộ Tái Thiết làm Ủy viên chuyên trách vùng Bretagne, với mục tiêu là tháo gỡ các bom mìn còn lại sau xung đột. Vào cuối những năm 1950 ông nhận lời sang Maroc làm việc, khi nước này vừa tuyên bố độc lập. Từ năm 1964 trở đi, ông được cử sang Ý làm việc cho Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc.

Riêng trong quan hệ với Việt Nam, ông Raymond Aubrac gặp ông Hồ Chí Minh vào năm 1946, khi phái đoàn chính quyền miền Bắc sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau. Ông Hồ Chí Minh đã tá túc tại nhà riêng của hai vợ chồng Aubrac, tại Soisy sous Montmorency, vùng ngoại ô Paris. Trong thời gian này bà Lucie Aubrac sinh một đứa con gái mà bố đỡ đầu là ông Hồ Chí Minh.

Trong những năm sau đó, ông Raymond Aubrac vẫn duy trì mối liên hệ với Việt Nam. Từ chuyến đi miền Bắc Việt Nam vào năm 1967, khi mà giao tranh đang gia tăng cường độ, cho đến 12 cuộc tiếp xúc với ông Henry Kissinger trong giai đoạn 1968 - 1972, ông Raymond Aubrac đã tìm cách đóng góp để chấm dứt chiến tranh Việt-Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.