Vào nội dung chính
LÀO

Rừng Lào, nạn nhân của doanh nghiệp Việt và quân đội Lào

Mặc dù có luật cấm, nhưng Lào tiếp tục xuất khẩu gỗ sang Việt Nam với sự đồng lõa của chính quyền địa phương và quân đội Lào. Quốc gia nhỏ bé của Đông Nam Á đang đứng đầu trong việc phá rừng trong khu vực, vào lúc rừng nguyên sinh bị đe dọa tuyệt gốc. Đó là nội dung bài phóng sự của Le Monde trong số báo ngày 03/01/2014.

Muang Sing : Ngoài việc đốn cây để trồng trọt, rừng nguyên sinh ở Lào còn có nguy cơ biến mất do nạn phá rừng (@tripsand.co)
Muang Sing : Ngoài việc đốn cây để trồng trọt, rừng nguyên sinh ở Lào còn có nguy cơ biến mất do nạn phá rừng (@tripsand.co)
Quảng cáo

Dưới bức ảnh một khu rừng hoang nay chỉ còn trơ trụi những thân gỗ lớn nằm chờ được đưa lên xe tải, Le Monde ghi chú : Gần Hongsa, tây bắc Lào. Trong vòng 60 năm, diện tích rừng của Lào giảm gần phân nửa theo thống kê năm 2010. Phóng sự do nhà báo Bruno Philip thực hiện vào một ngày mưa cuối năm ngoái đến tận tỉnh Attapeu, hạ Lào, một trong những nơi mà gỗ bị đốn nhiều nhất, khiến các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhiều lần báo động và tố cáo bàn tay của doanh nghiệp Việt Nam.

Chế độ trấn áp quyền tự do ngôn luận được thể hiện rõ tại nơi này. Từ các nhà hoạt động thiện nguyện, chuyên gia và cư dân địa phương đều xin được giấu tên khi đề cập đến vấn đề « nhạy cảm ». Nhưng theo Le Monde, sự thật là sự thật : Hàng ngày, từng đoàn xe tải mang bảng số Việt Nam chở đầy thân cây lớn theo quốc lộ 18 của Lào chạy về biên giới Việt Nam. Vào thập niên 1940, thời Pháp bảo hộ, rừng già của Lào chiếm 70% diện tích lãnh thổ đến bây giờ chỉ còn 41% và tệ hơn nữa rừng già chỉ còn không tới 3% diện tích nước Lào. Thủ phạm phá rừng là các công ty khai thác gỗ do quân đội Lào kiểm soát bên này biên giới và quân đội Việt Nam ở bên kia biên giới.

Chính phủ Lào cũng ra luật bảo vệ rừng, cấm xuất khẩu gỗ vào năm … 2004 và ban hành biện pháp « định mức » (quota). Tuy nhiên, theo bản báo cáo chi tiết của tổ chức phi chính phủ Cơ quan Thanh tra Môi trường (Environmental Investigation Agency) trên thực tế, vẫn có ba công ty khai thác gỗ của Lào được cấp giấy phép trong điều kiện đáng ngờ, tiếp tục bán gỗ cho Việt Nam mỗi năm khoảng 250.000 mét khối, cao hơn định mức cho phép. Nhờ vào đường dây buôn lậu hợp pháp này mà Việt Nam có thể xuất khẩu thành phẩm chế biến từ gỗ mang lại một lượng ngoại tệ đáng kể 3,4 tỷ đô la (số liệu năm 2010).

Điều nghịch lý là chính quyền Việt Nam kiểm soát khai thác rừng từ năm 1997 nhưng kỹ nghệ gỗ Việt Nam lại dựa lên 80% gỗ nhập khẩu. Theo bản tin của Asia Times, một trong những nhân vật có thế lực trong đường dây phá rừng ở Lào là tướng Cheng Sayavong, từng đứng đầu « Công ty bảo vệ miền núi ».

Ngày 14/10/2013, chỉ trong ba tiếng đồng hồ, phóng viên báo Le Monde đã đếm được hơn 15 xe tải, trong cơn mưa tầm tã, nặng nhọc chở đầy những thân cây khổng lồ đi xuyên qua khu vực được xem là đã bị « Việt Nam hóa » với những hàng quán do người Việt làm chủ, đi về hướng đồn biên giới Bo Y. Một chủ đồn điền cà phê người Lào than thở : Các công ty Việt Nam không ngừng khai thác rừng Lào. Họ nói là có giấy phép nhưng thường xuyên vượt quá quota cho phép. Tất cả mọi việc đều được dàn xếp với Tỉnh trưởng.

Nhân chứng này nhận định nạn nhân chính trong tệ nạn này là dân tộc thiểu số. Lấy lý do « bảo vệ rừng » chính quyền địa phương Lào làm khó dễ các bộ lạc không cho họ canh tác theo lối cổ truyền đốt rừng làm rẫy.

Thực ra thì cũng còn một ít người Lào dám nói. Điển hình là một viên chức kiểm lâm tiết lộ tên tuổi một số thủ phạm. Nhưng tất cả đều là quan chức có thế lực. Nhà báo khi đặt câu hỏi thì họ chối biến, ai dám làm gì họ ?

Còn chính quyền trung ương ? Ngày 23/12/2013, Thủ tướng Thongsing Thamavong đến tận Attapeu xem xét tình hình. Theo nhật báo Anh ngữ Vientiane Times thuật lại thì Thủ tướng Lào đã khiển trách chính quyền địa phương như sau : « Chính quyền địa phương phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của chúng ta. Nếu cây rừng của chúng ta bị chặt đốn thì có thể nói rằng chúng ta yêu nước hay không ? »

Thủ tướng Lào cũng gián tiếp chỉ trích quân đội dính líu trong nạn phá rừng khi tuyên bố rằng « ông Tỉnh trưởng có than phiền là lực lượng an ninh không sốt sắng thanh tra hoạt động khai thác gỗ. Khi tài nguyên của chúng ta mất hết thì chúng ta còn gì ? »

Phóng viên Le Monde đặt nghi vấn : Không rõ tuyên bố này của Thủ tướng Lào ghi dấu một bước ngoặt hay chỉ nhằm xoa dịu phản ứng quốc tế ? Tại vì người bạn duy nhất của rừng Lào là các quốc gia Tây phương. Từ tháng 3/2013, Liên Hiệp Châu Âu ra lệnh cho các công ty nhập khẩu sản phẩm làm từ gỗ phải chứng minh tính chất hợp pháp của hàng hóa nhập cảng.

Kinh tế thế giới sẽ phất lên trong năm 2014 ?

Theo nhật báo kinh tế Les Echos, Hoa Kỳ đã thắng trận chiến vực dậy kinh tế. Nếu có « giải thưởng Oscar kinh tế » thì với tỷ lệ tăng trưởng 3% trong năm 2013, ngành công nghiệp Mỹ xứng đáng được giải thưởng này.

Các công ty Mỹ đã ồ ạt tuyển dụng nhân viên giúp cho tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 7%. Mặc dù xung khắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại nghị viện về ngân sách và trần nợ gây khó khăn cho chính phủ Obama, nhưng Hoa Kỳ vẫn giảm được mức thâm thủng ngân sách đến 38% trong năm qua. Trong khi đó thì Nhật Bản tại Châu Á và khối các nước Châu Âu sử dụng đồng euro cũng thoát được khó khăn, nhưng không bằng Hoa Kỳ đã lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế thế giới, theo nhận định của Les Echos.

Nhật báo Le Monde cho rằng Châu Âu đứng trước ba thách thức lớn : Di dân nhập cư, khủng hoảng tài chính trong một số thành viên và nhất là quan hệ căng thẳng với Nga. Nhưng vào năm 2014, Châu Âu có quyền hy vọng vì sau nhiều lần thất vọng, lần này tăng trưởng kinh tế đã nằm trong tầm tay của Liên Hiệp Châu Âu. Từ Ai Len, Bồ Đào Nha cho đến Hy Lạp, sau nhiều năm khủng hoảng bắt đầu đón năm mới với niềm hy vọng pha lẫn hồi hộp.

Giới lãnh đạo chính trị Châu Âu cũng rút ra được hai bài học từ sai lầm trong thời gian qua : Cung cách đương đầu với nước Nga của Vladimir Putin một cách « ngây thơ » trong hồ sơ Ukraina sẽ không tái diễn nữa, trong tương lai Bruxelles sẽ « trang bị vũ khí » tốt hơn, khôn khéo hơn. Còn các thành viên nghèo, gặp khó khăn từ nay sẽ không bị « la rầy » như Hy Lạp đã nếm mùi cay đắng.

Giới lãnh đạo trong Liên Hiệp Châu Âu đã nhận thức những lời tuyên bố theo kiểu đe dọa đã tác động tai hại đến thị trường tài chính như thế nào trong thời gian Hy Lạp bị đe dọa khánh tận. Từ nay, những lời đe dọa bỏ rơi được thay thế bằng thông điệp khuyến khích, cỗ vũ tinh thần.Vừa qua, Bộ trưởng Tài chính của nước Đức, một trong hai đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố « không bỏ rơi Hy Lạp ». Ủy viên Châu Âu đặc trách kinh tế Olli Rehn thì cam kết với Bồ Đào Nha là Bruxelles sẽ giữ lời hứa.

Nhưng theo Le Monde, hứa thôi không đủ, Châu Âu cần phải có hành động cụ thể. Nhật báo độc lập ghi nhận là Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngay sau khi thành lập xong chính phủ liên hiệp tả hữu tại Berlin đã tuyên bố sẽ « tăng cường Liên Hiệp Châu Âu chính trị ».

Nhật báo độc lập Pháp có vẻ hoan nghênh sự thay đổi được đánh giá là đúng hướng này. Trong bài xã luận « Nắm lấy cơ hội làm dân Pháp và dân Châu Âu », Le Monde tóm lại nội dung thông điệp chúc Tết, thận trọng nhưng lạc quan, của Tổng thống Pháp François Hollande : Phải chấm dứt hiện tượng tự than thân trách phận mà hãy sáng suốt và hãnh diện mình là người Pháp và là công dân Châu Âu. Không gì tai hại bằng tự mình phá hại mình.

Tác giả bài xã luận nhận định đã đến lúc phải nắm lấy cơ hội để đi tới, biến thông điệp chính trị bằng hành động và dự án cụ thể. Tổng thống Pháp báo trước là ông sẽ cùng Thủ tướng Đức đưa ra « nhiều sáng kiến mới vào mùa xuân ».

Kinh tế Trung Quốc mất hào quang

Thị trường chứng khoán Thượng Hải bị mất giá đến 36% trong ba năm trở lại đây, tệ nhất ở Châu Á thể hiện tình trạng giới đầu tư mất tin tưởng vào kinh tế Trung Quốc. Để trắc nghiệm thị trường, Bắc Kinh bật đèn xanh cho 5 công ty công nghiệp nhẹ lên sàn giao dịch, một ở Thượng Hải và bốn công ty kia trên sàn Chinext, bắt chước theo Nasdaq của Hoa Kỳ.

Vấn đề ở đây là vào năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã cấp tốc đình chỉ cấp giấy phép niêm yết vì chỉ sau vài ngày giao dịch, trị giá cổ phiếu những công ty mới niêm yết bị rơi tự do không cách nào chặn lại. Một trong những nguyên nhân gây ra cơn bão chứng khoán này là « nạn tham ô và gian lận » làm cho công chúng nghi ngờ mức độ chính xác của các số liệu chính thức.

Cần sa được bán công khai tại hai tiểu bang Mỹ : nhất cử lưởng tiện

Thông tin cần sa được bán công khai tại hai tiểu bang Hoa Kỳ là Colorado (tây)và Washington (tây bắc) được báo chí Pháp loan tải rộng rãi và đặt câu hỏi : Liệu có tiến đến việc bãi bỏ luật cấm dùng cần sa hay không ?

Libération, cánh tả khai phóng trả lời : Colorado thu thêm tiền thuế, giảm bớt ngân sách và phần nào gánh nặng cho cảnh sát bài trừ ma túy và thứ ba cũng vì trên khắp địa cầu, chính sách bài trừ cần sa đã thất bại. Le Monde và Les Echos cùng nhận định : Nhất cử lưởng tiện cho Nhà nước.

Giới trẻ Châu Âu chiến đấu chống chế độ Bachar al-Assad

Libération cho biết tính từ đầu năm 2012 đến nay, từ 1500 đến 2000 công dân Liên Hiệp Châu Âu đang chiến đấu trong hàng ngũ lực lượng đối lập võ trang. Số liệu này do Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls xác nhận cách nay vài hôm cao gấp ba, gấp bốn lần thẩm định hồi tháng 6.

Tin tình báo của Pháp khá chi tiết, biết có bao nhiêu người (200) đang có mặt tại Syria, 20 người đã tử trận, số còn lại tham gia vào công tác yểm trợ hậu cần. Xâm nhập vào Syria rất dễ dàng vì Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mắt làm ngơ. Vấn đề làm Pháp lo ngại là khi những chiến binh này trở về, với kinh nghiệm chiến đấu với các tổ chức thánh chiến Hồi giáo, họ sẽ trở thành mối đe dọa cho an ninh quốc gia và cho cả Châu Âu.

Trong khi Pháp còn lo ngại thì Libération cho biết Anh Quốc đã có biện pháp cụ thể : Tước quốc tịch Anh của các công dân song tịch chiến đấu tại Syria. Luân Đôn không công bố con số công dân Anh chiến đấu tại Syria nhưng trong một phóng sự của đài truyền hình Sky News, nhiều chiến binh cho biết hàng trăm thanh niên như họ gia nhập lực lượng đối lập võ trang, không phải là Al Qaida, cũng không có ý định sau này trở về Anh gây khủng bố.

Pháp : Báo giấy lên giá để … canh tân báo mạng

Cầm trong tay các nhật báo Pháp hôm nay, độc giả sẽ cảm thấy nhẹ túi vì phải trả thêm tiền. Từ báo bình dân địa phương cho đến các nhật báo có tiếng tăm quốc tế đều tăng giá từ 5 đến 20 xu như Le Monde với giá mới tròn 2 euro, Le Figaro 1,8 euro, Libération 1,7 euro, l’Humanité 1,5 euro. Không hẹn mà nên, các tòa soạn đều ca bài « con cá sống vì nước », giải thích với độc giả vì nhu cầu « canh tân, cải tiến thông tin trên mạng và bảo đảm quân bình ngân sách của công ty » trong bối cảnh quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng, gây lỗ lã.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.