Vào nội dung chính
TỘI PHẠM - CHÂU Á

Bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc : Thêm một báo động

Hãng thông tấn AFP, ngày 25/06/2014 có bài tố cáo tệ nạn buôn phụ nữ vùng biên giới phía bắc Việt Nam sang Trung Quốc, một thực trạng nhiều năm nay liên tục được báo chí và giới bảo vệ nhân quyền báo động. Đường biên giới dài hơn 1.300 km giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, là nơi hoành hành của các đường dây « buôn người ». Nạn buôn người qua biên giới dường như vượt khỏi khả năng kiểm soát của chính quyền Việt Nam, dù trong thời gian gần đây thực trạng nhức nhối này được chú ý nhiều hơn.

DR
Quảng cáo

Theo một con số thống kê của chính quyền Việt Nam, được Unicef dẫn lại, trong 10 năm gần đây, có đến 22.000 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các đường dây « buôn người » sang Trung Quốc, do bị lừa đảo hay cưỡng ép, để ép buộc làm vợ, đưa vào nhà chứa hay vì các mục tiêu khác. Một bộ phận lớn nạn nhân là người các dân tộc thiểu số. Một nghiên cứu năm 2011 của Child Exploitation and Online Protection Center, phối hợp với đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho thấy, trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2009, tới 60% số người bị bán ra nước ngoài là sang Trung Quốc. Báo cáo về thực trạng buôn người 2014 mới công bố của chính phủ Hoa Kỳ, ghi nhận những nỗ lực đáng kể của Việt Nam, nhưng tiếp tục khẳng định hiện tượng "Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán sang các nước ở châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục – đặc biệt là Trung Quốc, Cam-pu-chia, Malaysia, và Nga".

Nhiều nhà quan sát cho rằng khó biết được chính xác con số thực tế phụ nữ bị đưa bất hợp pháp sang Trung Quốc là bao nhiêu, vì tại nhiều vùng nghèo khó, xa xôi, nhiều trường hợp bị bắt cóc hay bị lừa sang Trung Quốc không được ghi nhận.

Theo giới chuyên gia và hoạt động nhân quyền, không chỉ Việt Nam, mà các phụ nữ Lào, Cam Bốt, Miến Điện hay Bắc Triều Tiên cũng là các nạn nhân của những đường dây buôn người đưa sang Trung Quốc, quốc gia đang ở trong tình trạng mất cân bằng dân số nghiêm trọng. Chính sách ép buộc mỗi gia đình chỉ được có một con và hủ tục trọng nam khinh nữ, khiến hàng triệu đàn ông Trung Quốc hiện nay không tìm được vợ, là hai trong số những nguyên nhân chính của tệ nạn này.

Ông Michael Brosowki, người sáng lập và chủ tịch Quỹ trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children's Fondation), một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam, các phụ nữ Việt Nam thường bị bán sang Trung Quốc để làm vợ hay vào các động mại dâm, với khoản tiền lên tới 5.000 euro. Kể từ năm 2007, Hiệp hội Rồng Xanh đã giải cứu 71 phụ nữ, là nạn nhân « buôn người ». Một nỗ lực lớn nhưng ắt hẳn còn rất nhỏ so với số lượng nạn nhân.

Trong một thời gian dài, nạn buôn phụ nữ và trẻ em sang Trung Quốc không được chú ý thích đáng tại Việt Nam, trong khi đó, theo ông Phil Robertson, Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Human Rights Watch : “Chính quyền Trung Quốc đã dìm vấn đề này trong im lặng”. Theo ghi nhận của một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, chính quyền Trung Quốc rất ít hợp tác trong việc hỗ trợ tìm kiếm những người « bị bán » sang Trung Quốc.

Nghèo đói, bần cùng và sự lừa dối của người thân

Những lời kể của các nạn nhân được giải cứu trở về Việt Nam cho thấy, phụ nữ đặc biệt tại các vùng hẻo lánh thường là nạn nhân của các đường dây đưa người qua biên giới, bởi họ « thiếu thông tin » về hiểm họa đáng sợ này. Theo các nhà hoạt động xã hội, những kẻ mang lại tai họa cho các thiếu nữ rất thường khi là thân nhân hay bạn bè của chính nạn nhân.

AFP đã tiếp xúc với một số nạn nhân, trong đó có Kiab, một thiếu nữ H’mông, người vừa trở về Việt Nam, sau khi trải qua một tháng tại nhà « chồng », cho biết chính người anh trai đã lừa cô sang Trung Quốc để bán.

Hiện tại, rất nhiều gia đình các khu vực miền núi phía bắc Việt Nam nơm nớp sống trong nỗi lo sợ con gái, cháu gái trong gia đình bị bắt sang Trung Quốc.

Theo AFP, chính quyền Việt Nam cho biết đã tiến hành nhiều chương trình giáo dục tại các vùng nông thôn gần biên giới, để cảnh giác các em gái không nên tin vào những người lạ. Nhiều nhà hoạt động xã hội chống nạn buôn người tại Việt Nam ghi nhận, trong hiện tại, cảnh sát và chính quyền Việt Nam đã nhìn nhận « một cách rất nghiêm túc » về vấn đề này.

Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lào Cai, cho biết cuộc sống bần cùng, tình trạng thiếu đói là hoàn cảnh của hơn mười em gái các dân tộc thiểu số, vừa được giải cứu từ Trung Quốc, hiện đang được chăm sóc tại một trung tâm hỗ trợ của tỉnh. 

Một số nhóm xã hội chống nạn buôn người tại Việt Nam cho rằng, thật khó mà báo động được các thiếu nữ về các nguy cơ rình rập họ, khi như chính thân nhân và bạn bè lại thường là những kẻ cố tình « bán » đứng con em mình hay tiếp tay cho các đường dây buôn người. Nhiều người cho rằng cần có các trừng phạt nặng hơn đối với thủ phạm các đường dây buôn người, thậm chí cần truy tố và xét xử ngay tại địa phương, để nâng cao ý thức của cộng đồng.

Nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em  rất trầm trọng tại Việt Nam, nhất là sang Trung Quốc, cần đến những phối hợp từ nhiều phía để có thể được ngăn chặn và đẩy lùi, đặc biệt những nỗ lực để nhận thức sâu hơn, chính xác hơn và đầy đủ hơn về thực trạng này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.