Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - TRUNG QUỐC

Châu Âu không thể trông chờ vào Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng nợ công

Nhân chuyến viếng thăm Madrid, phó thủ tướng Lý Khắc Cường đã biểu lộ quyết tâm của Trung Quốc mua nợ công của Tây Ban Nha, sau khi đã hứa mua công trái của Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Nhưng theo các chuyên gia, hành động này thật ra nhằm phục vụ cho quyền lợi chiến lược và kinh tế của Trung Quốc, chứ không thể giúp giải quyết khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Thủ tướng Zapatero tiếp phó thủ tướng Lý Khắc Cường (©Reuters)
Thủ tướng Zapatero tiếp phó thủ tướng Lý Khắc Cường (©Reuters)
Quảng cáo

Sau kế hoạch của quốc tế trợ giúp Hy lạp và Ireland, Trung Quốc đã tỏ ý muốn giúp các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nhất bởi khủng hoảng nợ công. Đến cuối tháng 12, Bắc Kinh cho biêt « rất quan ngại » về khả năng của châu Âu vượt qua khủng hoảng nợ công, tuyên bố sẳn sàng đầu tư vào các kho dự trữ ngoại tệ của châu Âu. 

Cho tới nay, Bắc Kinh chưa bao giờ công bố tổng số tiền sẽ bỏ ra để mua các công trái của châu Âu, mà Ủy ban châu Âu cũng như các nước Liên hiệp châu Âu cũng chưa hề tiết lộ con số nào. Trong khi Hoa Kỳ thì thường xuyên công bố danh sách các nước chủ nợ, đứng đầu vẫn là Trung Quốc, hiện nắm trong tay hơn 900 tỷ công khố phiếu Mỹ. 

Theo các chuyên gia, quyết định của Bắc Kinh mua công trái của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể giúp giảm nhẹ phần nào những khó khăn của khu vực đồng euro. Thật ra, nợ của Tây Ban Nha vẫn thấp hơn mức bình quân của châu Âu, nhưng trong vòng một năm đã tăng vọt lên 16,3% GDP.

Theo nhận định của ông Mark Williams, thuộc công ty tư vấn Capital Economics, được hãng tin AFP trích dẫn, về ngắn hạn, Trung Quốc chỉ muốn chứng tỏ họ có khả năng cứu giúp châu Âu và điều này hỗ trợ phần nào cho thị trường. Nhưng theo ông Williams, « các vấn đề của châu Âu là mang tính cơ cấu rất sâu rộng và Trung Quốc không thể giúp gì được ». 

Hơn nữa, theo một nhà kinh tế thuộc ngân hàng Credit Suisse First Boston ở Hồng Kông, « khôi phục ổn định kinh tế châu Âu và đồng euro chính là nhằm phục vụ quyền lợi của Trung Quốc. Về mặt chiến lược, tăng cường quan hệ với châu Âu cũng rất quan trọng đối với Trung Quốc. » 

Một mặt cố gắng thể hiện hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm, nhưng mặt khác, Bắc Kinh phải tìm nơi sử dụng một phần kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ, mà tháng 9 vừa qua đã lên tới 2648 tỷ đôla, nhiều nhất thế giới. Kho dự trữ ngoại tệ này ngày càng phình ra và cứ mỗi đôla nhận vào, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại phải bơm khoản tiền tương đương bằng nhân dân tệ vào kinh tế, làm tăng thêm áp lực lạm phát. 

Việc mua nợ công châu Âu cũng sẽ không giúp giải quyết tình trạng mất cân đối trong trao đổi mậu dịch châu Âu-Trung Quốc, mà cho tới nay, phía châu Âu vẫn bị thâm thủng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.