Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Một sự mở cửa nửa vời

Về đề tài chính trị, tờ phụ san Địa – Chính trị của báo Le Monde số ra chủ nhật-thứ hai (25-26/03) quan tâm đến tình hình bầu cử bổ sung tại Miến Điện, diễn ra vào ngày 01/04 sắp đến. Với bài viết đề « Miến Điện : Một sự mở cửa nửa vời », báo Le Monde sơ kết lại bối cảnh dẫn đến quyết định mở cửa chính trị của chế độ từng bị xem là độc tài quân sự.

Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi được một em bé tặng hoa khi bà đến phi trường Yangon ngày 25/03/2012.
Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi được một em bé tặng hoa khi bà đến phi trường Yangon ngày 25/03/2012. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Bài viết xoáy quanh bốn vấn đề chính. Thứ nhất, tình hình chính trị của đất nước. Bài báo cho biết, cuộc tuyển cử bán phần lần này sẽ bầu lại 48 trong tổng số 664 ghế, cho Nghị viện và Hội đồng các vùng, nhằm thay thế các Nghị sĩ được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính phủ.

Le Monde cho rằng, được thua của bầu cử lần này mang một tầm vóc rất quan trọng. Sau một thời gian dài bị chính quyền Miến Điện quản thúc tại gia (từ năm 1989 đến 2010), đây là lần đầu tiên bà Aung San Suu Kyi quay lại tham gia tranh cử. Xin nhắc lại là lãnh tụ phe đối lập và giải Nobel Hòa bình, bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi tẩy chay đợt tổng tuyển cử vào tháng 11/2010. Kết quả là, bầu cử đã diễn ra trong gian lận, đảng Đoàn kết và Phát triển Liên Bang (USDP) do quân đội thành lập đã chiếm đến 76% ghế tại cả hai viện còn đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thì bị giải thể.

Theo bài báo, mùa hè năm 2011 đã đánh dấu một sự nới lỏng về mặt chính trị, kể từ sau cuộc đảo chính năm 1962. Tổng thống Thein Sein đã bất ngờ gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát nước ngoài và các nhà lãnh đạo phương Tây. Ông liên tục đưa ra nhiều tín hiệu cho thấy thiện chí thực hiện cải cách.

Bản thân bà Aung San Suu Kyi đã từng đến gặp tổng thống Thein Sein và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác của chế độ. Tuy nhiên, bài báo cũng cho biết, dù bà Aung San Suu Kyi tỏ ra tin tưởng vào những lời hứa của chế độ, nhưng Le Monde cũng nhấn mạnh rằng đảng USDP của các cựu tướng lãnh vẫn chiếm đa số ghế tại Nghị viện (25% ở mỗi viện).

Liệu có mở cửa chính trị thực thụ hay không ?

Từ bối cảnh này, Le Monde đặt câu hỏi thứ hai « liệu có phải mở cửa chính trị thật sự hay không ? ». Đối với phương Tây, bầu cử lần này là một phép thử quan trọng. Trong khi nhiều nhà quan sát theo dõi sát tiến trình bầu cử, thì có nhiều dấu hiệu đáng ngại xuất hiện : phe đối lập của bà Aung San Suu Kyi gần đây tố cáo có nhiều hiện tượng bất thường trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng USDP như ép người dân phải đi dự mit-tinh hay danh sách cử tri giả mạo v.v…

Nhưng theo Le Monde, mở cửa chính trị là có phần nào thật. Từ việc tập đoàn quân sự tự giải thể, sự ra đi của viên tổng tư lệnh Than Shwe, cho đến việc tổng thống mới là ông Thein Sein liên tục đưa ra những thông báo cải cách. Kế đến là ban hành đạo luật về thành lập công đoàn tự do, luật biểu tình, giảm nhẹ các biện pháp kiểm duyệt, trả tự do cho các tù nhân chính trị, và kể cả việc cho ngưng dự án xây đập thủy điện, một công trình do Trung Quốc đảm nhiệm gây nhiều phản ứng trong nước.

Le Monde ghi nhận nhịp độ của các thông báo đưa ra được nhiều đến mức gây bàng hoàng cho giới quan sát. Dù rằng phần đông những ý định này vẫn còn phải được chứng minh bằng thực tế.

Tuy nhiên, bài báo cũng lưu ý rằng, một điều khoản trong Hiến pháp 2008 quy định rõ trong trường hợp có khủng hoảng, Tổng tham mưu trưởng vẫn có quyền lên nắm quyền.

Vấn đề thứ ba chính là việc giải quyết tranh chấp với các bộ tộc thiểu số. Theo thống kê thì các bộ tộc thiểu số chiếm đến 30% dân số Miến Điện. Một báo cáo của Tổ chức Nhân quyền (Human Rights Watch) công bố hôm 20 tháng ba vừa qua lên án quân đội Miến Điện có hành vi « cưỡng hiếp và tra tấn » các thường dân tại bang Kachin, ở phía Bắc Miến Điện. Le Monde cho biết, sau 15 năm đình chiến, các cuộc giao đấu lại xảy ra giữa quân đội chính phủ và quân đội độc lập Kachin (KIA) kể từ mùa xuân năm 2011.

Dù vậy, Le Monde cũng ghi nhận rằng từ nhiều tháng nay, chính quyền Miến Điện đã nỗ lực thương thuyết với đại diện các nhóm vũ trang thuộc các bộ tộc thiểu số. Nhất là với tộc người Karen, Shan, Mon và Kachin. Tuy nhiên, đàm phán với bộ tộc Kachin thất bại cũng chứng tỏ cho thấy là thỏa thuận ngưng chiến với các bộ tộc khác là rất bấp bênh.

Do đó, trong xu hướng bình định này, tranh luận sẽ phải xoay quanh vấn đề bản chất của hệ thống đất nước thời kỳ hậu độc tài. Hiện tại, do vẫn chưa có một lịch trình chung, đại diện các bộ tộc yêu cầu phải cho thực hiện chế độ liên bang thật sự. Nhưng theo nhận xét của Le Monde, chính quyền khó có thể mà chấp nhận việc giao quyền quá lớn cho các bang tộc người thiểu số. Do khó khăn bắt nguồn từ trong lịch sử : biên giới của quốc gia này chính là sự kế thừa từ thời thuộc địa Anh quốc.

Kinh tế cũng là một động cơ cho mở cửa chính trị

Sau cùng, kinh tế cũng là một động cơ cho việc mở cửa chính trị. 50 năm dưới sự cai trị độc tài đã tàn phá nền kinh tế đất nước, vì trước khi độc lập, Miến Điện là một trong những nước giàu có nhất của khu vực. Các cựu tướng lĩnh đang nắm quyền cũng nhận thấy rằng đã đến lúc phải cởi bỏ lớp quân phục và chấm dứt tình trạng cô lập ngoại giao.

Một kế hoạch tư hữu hóa nền kinh tế đã được thực hiện từ hồi mùa đông năm 2010. Nhưng nó chỉ mang lợi cho những người thân cận của giới tướng lãnh và vẫn chưa kết gắn được với nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế đất nước vẫn còn rất sơ khai. Thế nhưng, trao đổi thương mại thế giới đã đạt được 8,8 tỷ đô-la trong năm 2010-2011, trong khi đó, đầu tư nước ngoài vào cũng tăng lên gấp đôi trong cùng giai đoạn.

Cuối cùng, một trong những nguyên nhân cho việc mở cửa chính trị chính là ý muốn mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài. Cho đến giờ Miến Điện vẫn là mối quan hệ đơn phương với Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Miến Điện. Kết quả bầu cử minh bạch vào ngày 01/04 sắp đến có tính chất quyết định cho chính quyền nhằm thuyết phục Mỹ và Liên minh châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đang đè nặng lên Miến Điện. Vì vậy, chính quyền cần phải chứng tỏ rằng họ đang giữ lời hứa thực hiện dân chủ hóa đất nước.

Bắc Triều Tiên : Căng thẳng lại tăng lên về vấn đề hạt nhân

Cũng liên quan đến thời sự châu Á, chuyên mục quốc tế của báo Le Figaro cho biết « Căng thẳng lại tăng lên về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên ». Theo bài báo, tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng cảnh báo Bình Nhưỡng trong khi Hội nghị quốc tế về an ninh hạt nhân khai mạc tại Seoul.

Le Figaro cho rằng chuyến đi thăm khu vực phi quân sự nằm giữa biên giới hai miền Triều Tiên của ông Obama như nhằm tái khẳng định sự ủng hộ chắc chắn của Mỹ với đồng minh Hàn Quốc.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên lại bắt đầu khiêu khích cộng đồng quốc tế khi tuyên bố hôm 16/03 vừa qua sẽ cho phóng một tên lửa mang vệ tinh « với mục đích hòa bình » để mừng sinh nhật thứ 100 của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, người sáng lập nước Triều Tiên. Lời tuyên bố đưa ra ngay trước lúc Hội nghị quốc tế về an ninh hạt nhân khai mạc hôm nay, tại Seoul, Hàn Quốc.

Ngay lập tức, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên tiếng phản đối, xem đây là một hành động thử tên lửa đạn đạo tầm xa ngụy trang, ngang nhiên trước mặt Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Theo Le Figaro, vấn đề « tên lửa Bắc Triều Tiên » sẽ là chủ đề tranh luận chính cho 53 nước tham dự phiên họp về cuộc chiến chống khủng bố hạt nhân. Ông Obama sẽ đề nghị các đồng nhiệm Nga và Trung Quốc của mình, là ông Dmitri Medvedev và Hồ Cẩm Đào, gây áp lực lên nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un để Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình phóng vệ tinh.

Vừa qua, Mỹ đã cho dừng lại chương trình trợ cấp nhân đạo mà họ đã cam kết. Trước đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận này với Bắc Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng phải tạm dừng chương trình hạt nhân của mình. Hoa Kỳ cam kết là sẽ có « hành động mạnh hơn » nếu như Bình Nhưỡng không từ bỏ dự án của mình. Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Obama cảnh báo « sẽ là một sai lầm to lớn » nếu như Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục.

Theo một nguồn tin quân sự Hàn Quốc, thì dường như lời đe dọa này không làm cho chế độ của Kim Jong Un e sợ, vì Bình Nhưỡng vừa cho hoàn thành xong tầng chính của tên lửa tại bệ phóng Dongchang-ri.

Về phần mình, Bình Nhưỡng đã lên tiếng thách thức các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị. Bắc Triều Tiên cấm các bên tham dự không được đề cập đến chương trình hạt nhân nếu không thì sẽ bị trả đũa. Mọi thông cáo đề cập đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ tương đương với một "lời tuyên chiến".

Ngay lập tức, tuyên bố này đã gây ra một chuỗi phản ứng dây chuyền tại châu Á. Nhật Bản sẽ cho triển khai các tàu khu trục có trang bị giàn pháo chống tên lửa. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak cũng thông báo cho biết có ý định mở rộng phạm vi hoạt động của các tên lửa để vượt quá giới hạn 300 km.

Trong khi đó, Trung Quốc cảm thấy bối rối trước hành động của người anh em cộng sản của mình. Bắc Kinh cũng không mấy hài lòng khi thấy các nước đồng minh của Mỹ tái trang bị vũ khí nên chỉ biết kêu gọi các bên « giữ bình tĩnh ».

Nhưng Le Figaro cũng nhận thấy rằng ảnh hưởng của Trung Quốc lên Bắc Triều Tiên cũng rất hạn chế. Bởi lẽ, theo như giải thích của một chuyên gia thuộc nhóm International Crisis Group, thì « đầu tiên hết, việc phóng tên lửa trả lời cho một mục tiêu chủ yếu về chính trị nội bộ nhằm củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un ».

Tại Iran, văn học đang có sự chuyển đổi

Trong lãnh vực văn hóa, báo Libération cho biết là « tại Iran, văn học đang có sự chuyển đổi ». Theo bài báo, công tác kiểm duyệt chú trọng đến việc truy tìm những từ ngữ bị cấm do Nhà nước hồi giáo quy định.

Liberation nhận xét, các tựa sách tại thư viện ngày càng nghèo nàn. Việc xuất bản hay dịch sách ngày càng chịu sự kiểm duyệt gắt gao từ Bộ định hướng Hồi giáo, một sở của Bộ Văn hóa Iran.

Bài báo cho biết tất cả những từ ngữ nào có liên quan đến ý nghĩa « tiêu thụ rượu », « tình yêu », « giới tính » hay « thân thể » đều nằm trong đối tượng bị kiểm duyệt.

Một nhà dịch thuật, cũng là người phụ trách việc sưu tầm các tác phẩm phim ảnh thuật lại cho Liberation biết trong các văn cảnh, những từ như « làm tình » bị thay thế bằng thuật ngữ « thảo luận », « tình dục » bằng « quan hệ bằng hữu », « cognac » hay « whisky » bằng « thức uống ». Cũng theo người này, danh sách các từ bị cấmngày càng dài thêm trong thời gian gần đây .

Libération cho biết, sự phát triển tin học đã tạo thuận lợi cho công tác kiểm duyệt, bởi vì các bản thảo gửi đến dưới dạng kỹ thuật số. Như vậy, các nhà kiểm duyệt sẽ càng dễ dàng dò tìm những từ cấm hơn. Một nhà văn Iran giải thích rằng « […] kiểm duyệt không hề được quy định bởi một đạo luật nào. Thậm chí, giấy phép xuất bản bị hủy cũng không hề được báo trước và không ai cho biết một lời giải thích nào ».

Theo Libération, trong con mắt các nhà cầm quyền, các câu chuyện có thể gây xáo động tư tưởng và làm suy yếu tín ngưỡng của người đọc. Cũng theo lời nhận định của vị nhà văn trên, « khuôn viên học đường ngày càng khép kín, người ta không còn có sự tiếp xúc với thế hệ mới ».

Libération còn cho biết, tình trạng khép kín còn xảy ra ở những lãnh vực khác. Vừa qua, chính quyền còn cho thực hiện cải cách ở các trường đại học qua việc Hồi giáo hóa lại các chương trình học trong các ngành báo chí, khoa học chính trị, văn học, tâm lý, luật, kinh tế, lịch sử và triết học. Điển hình là vụ sa thải giám đốc Học viện Triết học Iran, người cuối cùng theo xu hướng độc lập. Thay vào vị trí này là một vị quan chức tôn giáo, thân cận của lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei.

Trong khi đó, bản thân Giáo chủ Khameini cũng rất uyên thâm về thế giới sách. Thế nhưng, Libération cho rằng, dường như lãnh tụ Tối cao này có vẻ rất nhạy cảm với vai trò của khoa học nhân văn và văn học trong xã hội.

Tuy nhiên, điều quan tâm nhất chính là số phận của các nhà xuất bản tự do. Theo bài báo, một số nhà xuất bản đã nhận được lệnh phải đóng cửa. Một số khác thì không được nhận trợ cấp giấy, một đặc quyền dành cho những nhà xuất bản nào chịu hợp tác với Bộ định hướng Hồi giáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.