Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Bình Nhưỡng : Những ngày mai đổi thay

Nằm trong số 150 phóng viên nước ngoài được chính quyền Bắc Triều Tiên mời đến quan sát vụ phóng tên lửa, được thực hiện vào hồi trung tuần tháng 4 này, Philippe Pons, thông tín viên tờ báo Le Monde đã có dịp được tham quan thủ đô Bình Nhưỡng. Qua bài viết « Bình Nhưỡng, những ngày sau đó đổi thay » đăng trên tuần san Le Monde tuần này, tác giả mô tả tỉ mỉ về thành phố và cuộc sống tại thủ đô của quốc gia khép kín nhất hành tinh. 

Đêm hội pháo hoa kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành ngày  16/04/2012.
Đêm hội pháo hoa kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành ngày 16/04/2012. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Thất bại của vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hôm 13/04 vừa qua vẫn không làm mất đi không khí lễ hội tại Bình Nhưỡng. Đối với chế độ, thất bại lần này chính là « chiếc chìa khóa của sự thành công trong tương lai ».

Từ nhiều tháng nay, Bình Nhưỡng đã rộn rịp cho công tác chuẩn bị lễ hội. Scasc mặt tiền sảnh được sơn phết lại, làm mới lại các con đường, mở nhiều cửa hàng và hiệu ăn mới, trùng tu các khu vui chơi giải trí, diễn kịch và chiếu bóng v.v… Có thể nói là Bình Nhưỡng một lần nữa lại thay da đổi thịt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh « Người cha của dân tộc » Kim Nhật Thành và lễ đăng quang của cháu ông là Kim Jong-un.

Lễ hội diễn ra chính thức vào ngày 15/04 tại quảng trường Kim Nhật Thành. Mở đầu là màn duyệt binh và kết thúc bằng một vũ hội với sự tham gia của hàng ngàn diễn viên múa. Tuy vậy quang cảnh lễ hội đã để lại cho các phóng viên nước ngoài những cảm nhận mâu thuẫn khó tả. Một mặt họ thán phục tài nghệ biên đạo múa của các nhà tổ chức. Mặt khác, họ cảm thấy bối rối trước một nghi lễ quá tốn kém tại một đất nước mà một bộ phận dân chúng còn đang trong tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng.

Hơn nữa, những hình ảnh về một thành phố yên bình và lễ hội lại không giống như những hình ảnh mà người ta thường gán cho về nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên : Một chế độ độc tài, gia đình trị từ hơn nửa thế kỷ nay, các vụ thử tên lửa, chương trình hạt nhân và các vụ đàn áp thô bạo.

Theo các tổ chức nhân quyền thế giới, thì tại Triều Tiên hiện nay có khoảng 150 ngàn tù nhân bị giam giữ trong những các trại lao động với điều kiện sống « vô nhân đạo ».

Thế nhưng theo tác giả, vẻ hào nhoáng bên ngoài của Bình Nhưỡng vẫn không thể che giấu được sự thật. Bởi vì, ngay tại thủ đô, vẫn còn nhiều khu phố mà các con đường vẫn chưa được trải nhựa và nhiều khu nhà hư nát, khác xa với một Bình Nhưỡng bảnh bao đang được phô bày.

Một Bình Nhưỡng đang thay đổi

Dù vậy, tác giả cũng nhận thấy rằng Bình Nhưỡng cũng đã có sự thay đổi. Hình ảnh các con đường đầy xe ô-tô lưu thông, các cửa hiệu bán các sản phẩm nhập khẩu, nhiều nhà cao tầng chọc trời lấp lánh ánh đèn như những cây thông Noel. Thế nên, thành phố vẫn không cho thấy cảm giác đấy là thủ đô của một quốc gia đang hấp hối. Các cuộc tiếp xúc với người dân bản xứ tuy hiếm hoi nhưng cũng cho thấy họ là những người hiếu khách.

Về diện mạo của thủ đô, tác giả cũng cho biết là đã có nhiều biến đổi. Không giống như Bắc Kinh vẫn còn lưu giữ vết tích trước Các mạng hay như Hà Nội, dấu vết của thời thuộc địa cũ, Bình Nhưỡng giống như một thành phố không ký ức. Bị tàn phá thành tro bụi trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, thành phố được xây dựng để vinh danh chiến công của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).

Điểm chú ý là tại Bình Nhưỡng, người tham quan nhận thấy đâu đâu cũng có hình bóng của Kim Nhật Thành cứ như là ông chính là chân lý cho lẽ sống. Khắp nơi đều có tượng, chân dung, hay chữ viết được khắc trên các tấm bia đá. Kim Nhật Thành đã đề cao hệ tư tưởng Juche. Nghĩa là « con người là chủ thể của mọi thứ và quyết định mọi thứ ».

Thủ đô Bình Nhưỡng được biến đổi theo nhịp sống của Kim Nhật Thành. Cứ mỗi 10 năm, vào dịp sinh nhật của ông, thủ đô lại được sắp xếp mới lại. Tuy nhiên, chỉ cần rời khỏi trung tâm thủ đô thì ánh sáng đô thị cũng lịm tắt từ từ.

Những chuyển đổi của thủ đô Bắc Hàn phản ảnh cho thấy tiến bộ chậm chạp của xã hội. Trong vòng mấy năm gần đây, tại Bình Nhưỡng và trong một chừng mực nào đó, tại các thành phố tỉnh lớn, bắt đầu xuất hiện một tầng lớp xã hội mới  như tiểu thương, môi giới, các nhà bán sĩ và chủ doanh nghiệp hoạt động bên lề pháp luật. Đây là kết quả của việc hủy bỏ chế độ bao cấp, gây ra nạn đói vào những năm 1990 làm thiệt mạng từ 600 ngàn đến 1 triệu người. Sự kiện này dẫn đến hình thành một nền kinh tế song song. Ban đầu để tồn tại, dần dần sau đó trở kinh tế thị trường theo kiểu lái thương.

Tại thủ đô, nền văn hóa tiêu thụ bắt đầu phôi thai với ra đời nhiều cửa hiệu hàng cao cấp, nhiều khu chợ lớn và nhiều cửa hàng cung cấp các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài phố, phụ nữ bắt đầu trang phục như các bà tại Tokyo hay Thượng Hải. Dù rằng vẫn còn rất đơn giản, nhưng vẫn không kém phần điệu đàng. Theo tác giả, việc ngày càng có nhiều xe ô tô hiệu nổi tiếng, các cửa hàng, ki-ốt chứng tỏ có sự niến chuyển trong cách sống.

Thế nhưng, theo nhận xét của tác giả, cái nền kinh tế thị trường như vậy ở Bắc Triều Tiên hiện nay chỉ cho phép nuôi sống được khoảng 2/3 dân số. Số còn lại vẫn phải phụ thuộc vào chế độ bao cấp và chịu tác động của nạn khan hiếm lương thực nhiều nhất. Nền kinh tế này còn gây ra nhiều xáo trộn xã hội sâu sắc, nhất là nó còn đào sâu thêm khoảng cách xã hội giữa những người được tận hưởng và những người chỉ nhận được miếng vụn.

 

Bachar, đồng minh của Nga, Trung Quốc và Iran

Liên quan đến thời sự Trung Đông, tuần san L’Express quan tâm đến hồ sơ Syria. Trong bài viết đề tựa «Bachar người bạn của họ », tuần báo giải thích rằng Nga, Trung Quốc và Iran vẫn tiếp tục hỗ trợ chế độ độc tài tại Damas và cản trở mọi nỗ lực thật sự của Liên Hiệp Quốc theo cách riêng của mình. Bài báo nhận định rằng, đây lại là một sự ủng hộ có nhiều rủi ro.

 

Bài viết nhận định, rõ ràng là Syria đang bị cô lập chưa bao giờ hết. Nhưng nếu nói là đơn thương độc mã cũng không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, sau lưng của Damas còn có sự hỗ trợ của Bắc Kinh, Matx-cơ-va và Teheran. Vì sao ba nước này lại ủng hộ Bachar Al-assad đến cùng ?

Nga : Sự phục thù của các Nga Hoàng

Bài báo cho biết, Nga có hàng ngàn lý do để chăm lo cho đối tác của mình. Bởi vì, đây là quốc gia duy nhất mở cửa các bờ cảng tại Tartous cho các chiến hạm của Nga sau khi chế độ Xô viết sụp đổ. Ngoài ra, do Matx-cơ-va đã bị gạt ra khỏi thị trường vũ khí béo bở tại Libya, cho nên Syria mở cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga một thị trường tiêu thụ cũng béo bở tương tự như thế. Trong giai đoạn từ năm 2007 và 2011, Syria đã mua tổng cộng gần 4,5 tỷ euro vũ khí của Nga. Thế nhưng, chính quyền Bachar dường như đang khó khăn trong việc thanh toán nợ. Do đó, vào năm 2006, Kremlin đã xóa ¾ khoản nợ cho Syria, để đổi lại việc các chiến hạm của Nga được cập cảng Tartous và Lattaquié.

Mặt khác, Syria còn hơn là khách hàng của Nga. Bởi vì, Damas chính là chiếc chìa khóa mở cửa cho Matx-cơ-va được quay lại đấu trường Hồi giáo - Ả Rập.

 

Trung Quốc : sự tôn thờ chủ quyền quốc gia

Trong khi đó, Trung Quốc vân một mực tuân thủ nguyên tắc tối thượng « không can thiệp vào nội bộ nước khác ». Bởi vì, chính Bắc Kinh cũng phản đối bất kỳ ai tố cáo việc bóp nghẹt có phương pháp sự kháng cự của người Tây Tạng cũng như mọi sự ly khai.

Việc Damas vẫn tiếp tục thảm sát những người biểu tình gợi nhớ lại sự kiện Thiên An Môn (năm 1989). Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động cho Bắc Kinh, buộc nước này phải ủng hộ giải pháp do ông Annan đưa ra. Chính quyền Trung Quốc kêu gọi phải có cái nhìn « thực dụng » và khuyến khích cho việc tìm « một lối thoát chính trị » vốn không thể tìm thấy được.

 

Cuối cùng, đối với Iran, Syria là đồng minh lâu đời từ hơn 30 năm nay. Lý do chính của sự ủng hộ là kềm giữ kẻ thù chung Iraq và nhằm chống lại Israel, qua việc tài trợ vũ khí và tài chính cho dân quân tự vệ Hezbollah tại Liban. Do đó, nếu như chế độ Bachar Al-Assad, thuộc dòng alawit – một nhánh khác của dòng Si-ai, sụp đổ thì đấy sẽ là một thảm họa cho Iran.

Teheran gởi đến Damas nhân tài và vật lực kể cả tài trợ về tài chánh bằng đô-la. Thậm chí, quốc gia Hồi giáo này còn giúp Damas lẩn tránh lệnh cấm vận và các lệnh trừng phạt. Cũng giống như Matx-cơ-va, Teheran cũng muốn vận động hành lang một thỏa hiệp nhằm làm hoa mắt các nhà lãnh đạo phe Huynh đệ Hồi giáo Syria, đề nghị cùng điều hành đất nước nhưng vẫn giữ Bachar al-Assad trên ngai vàng.

 

Tây Ban Nha bên bờ vực khủng hoảng

« Tây Ban Nha bên bờ vực khủng hoảng » là chủ đề bài viết trên trang kinh tế do tuần san Le Nouvel Observateur đăng tải. Bài báo cho rằng bất chấp chính sách thắt lưng buộc bụng và các cải cách triệt để, Tây Ban Nha, vẫn bị đắm chìm trong suy thoái, đang vất vả giảm các khoản nợ và gây lo ngại cho thị trường tài chính.

 

Tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng lên. Không những thế, tỷ lệ này còn cao hơn cả những nước khác trong khu vực đồng euro, kể cả Hy Lạp. Con số trung bình là 23% và tỷ lệ này nhân đôi lên ở giới trẻ, đến mức mà nhiều người trẻ tuổi có bằng cấp phải dùng đến con đường tỵ nạn.

Le Nouvel Obs cho biết số lượng người xin việc càng cao bao nhiêu, thì áp lực hạ thấp lương càng cao bấy nhiêu. Dĩ nhiên, việc này chắc chắn sẽ làm tăng thêm khả năng cạnh tranh. Xuất khẩu của quốc gia này tăng đến mức xuất khẩu của Đức. Tuy nhiên, mức tăng này cũng chưa đủ để phục hồi lại tăng trưởng. Và nếu kinh tế không hồi phục lại được thì khó có thể giảm được nợ nhanh chóng.

Để thoát ra khỏi khủng hoảng, chính quyền Mariano Rajoy vừa qua đã công bố một bản ngân sách mới cực kỳ thắt chặt. Về mặt chính quyền, Madrid cắt bỏ các bộ Văn hóa, Môi trường và Nghiên cứu. Song song đó, tại các vùng tự trị, chính phủ đề nghị phân chia lại quyền kiểm soát. Theo đó, chính phủ phụ trách các mảng giáo dục, y tế và tư pháp, còn thị trưởng các vùng sẽ giám sát các hoạt động giao thông và công ích xã hội. Theo tính toán, kế hoạch sẽ giúp chính phủ tiết kiệm được khoảng 48 tỷ euro.

Về phần này, phe chủ nghĩa dân tộc xứ Basques và Catalan đòi hỏi chính quyền phải trao thêm « chủ quyền » để chống chọi với khủng hoảng. Tuy nhiên, chủ đề này chính quyền Madrid đã từ chối mở tranh luận. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều người Tây Ban Nha thất nghiệp tiếp tục bị trục xuất ra khỏi nhà do không trả nổi tiền nhà. Hội « những người nổi giận » tố cáo sự độc tài của thị trường địa ốc, nền dân chủ tham nhũng. Theo tổ chức này, bùng nổ bong bóng địa ốc năm 2008 « đã làm cho hơn 400 ngàn gia đình mất chỗ ở tại Tây Ban Nha ».

Khủng hoảng địa ốc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình mà còn để lại nhiều mối nguy cao cho Bankia, một ngân hàng được thành lập từ sự xác nhập 5 quỹ tiết kiệm, chuyên kinh doanh trong lãnh vực xây dựng và địa ốc. Hiện tại, ngân hàng này sở hữu hơn 6 tỷ euro từ các hoạt động địa ốc và đất đai, mà giá trị của chúng đã rớt xuống thê thảm với khủng hoảng. Liệu ngân hàng này có thể nào thực hiện được 5 tỷ euro dự phòng bổ sung theo như biện pháp cải cách cuối cùng vừa đưa ra hay không, vào lúc mà các khoản nợ đáng ngờ chiếm đến 14,5 tỷ euro, mất khả năng chi trả cao và lợi nhuận tụt giảm mạnh ?

Cuối cùng, bài viết cũng đưa ra một tia hy vọng cho nền kinh tế Tây Ban Nha. Xuất khẩu có xu hướng tăng lên. Theo giới chủ, « các cải cách do chính phủ đề ra, trong ngắn hạn sẽ quyết định cho việc khôi phục lại nền kinh tế ». Nhưng với hai điều kiện : « chính sách khắc khổ trong chi tiêu phải được bù đắp bằng các biện pháp kích thích tiêu dùng và đầu tư. Và điều chính yếu là ngân hàng tìm lại được đúng chức năng của mình :cho vay tiền. Chính phủ cần phải quan tâm đến các điều này ! »

Về phần cải cách việc làm, theo đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc sa thải hay hạ lương trong trường hợp hoạt động bị giảm sút, thì giới chủ đánh giá là « can đảm và cải tiến ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.