Vào nội dung chính
ĐÀI LOAN - TRUNG QUỐC

Nguyên trạng quan hệ Đài Loan -Trung Quốc bị đe dọa

Báo giới Pháp hôm nay 27/11/2012 tập trung vào tình hình trong nước với hai hồ sơ lớn - cuộc bầu cử chủ tịch đảng cánh hữu UMP dẫn đến chia rẽ trầm trọng trong đảng lớn này, và dự kiến quốc hữu hóa cơ sở Florange của tập đoàn luyện thép Acelor Mittal, mà chủ tịch người Ấn có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Pháp hôm nay. Riêng về thời sự Châu Á, báo La Croix chú ý đến quan hệ Trung Quốc - Đài Loan, với cái nhìn không mấy lạc quan trong hàng tựa : « Nguyên trạng quan hệ giữa Đài Loan và Bắc Kinh có nguy cơ không vững bền ».

Cuộc tập trận Hán Quang diễn ra tại phía bắc Đài Loan hôm 19/04/2012 nhằm thực tập bảo vệ thủ đô Đài Bắc trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Cuộc tập trận Hán Quang diễn ra tại phía bắc Đài Loan hôm 19/04/2012 nhằm thực tập bảo vệ thủ đô Đài Bắc trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. REUTERS/Pichi Chuang
Quảng cáo

La Croix ghi nhận là sau khi Tập Cận Bình được đề cử vào chiếc ghế Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng thống Đài Loan khẳng định là ông muốn tiếp tục chính sách xích lại gần nhau. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại muốn đi xa hơn nữa, điều mà dư luận Đài Loan không chấp nhận.

Tờ báo nhắc lại phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Đổng Quốc Du « Hy vọng ê kíp lãnh đạo mới ở Bắc Kinh ghi nhận hệ quả tích cực của công cuộc hợp tác và chính sách xích lại gần nhau hơn của Đài Loan từ 4 năm qua, và tiếp tục đường lối hợp tác trong hoà bình ». Theo La Croix, vị Thứ trưởng này không tỏ vẻ thật hài lòng, nhưng cũng không thật lo lắng.

Tuy vậy, theo tác giả báo, thế hệ "lãnh đạo thứ 5" lên cầm cương trong 10 năm tới đây tại Trung Quốc sẽ mang lại thay đổi trong quan hệ hai bên.

Bài báo nhắc lại chính sách của ông Mã Anh Cửu từ năm 2008 là xích lại gần Trung Quốc, nhưng không đặt ra vấn đề thống nhất, trong lúc đó là mục tiêu tối hậu của Bắc Kinh. Và ngay tuần qua, khi Trung Quốc kêu gọi đảo quốc xích lại gần hơn nữa với Hoa Lục thì Đài Loan đã chính thức khẳng định chính sách « 3 không » : không thống nhất, không độc lập, không sử dụng vũ lực.

Trong bối cảnh đặc biệt đó, được mệnh danh là « nguyên trạng - statu quo », các nhà quan sát Đài Loan tự hỏi là chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan trong những năm tới đây sẽ như thế nào.

Theo một số người như một giáo sư chính trị học thuộc đại học Đạm Giang (Tamkang) ở Đài Bắc, thì trong ngắn hạn sẽ không có gì thay đổi. Nhưng có 3 yếu tố cơ bản có thể dẫn đến chuyển biến trong quan hệ hai bên.

Điểm quan trọng nhất là chính sách của Mỹ ở Châu Á sau khi Tổng thống Obama tái đắc cử, sẽ đương nhiên ảnh hưởng đến chính sách của Đài Loan và Trung Quốc đối với nhau.

Yếu tố thứ hai là ông Tập Cận Bình, trên mặt đối nội, sẽ phải bảo đảm ổn định kinh tế và xã hội, tạo lại sự tin tưởng đối với đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thứ ba là các cuộc bầu cử ở Đài Loan - bầu cử Quốc hội năm 2014 và Tổng thống năm 2016 – sẽ giúp đo lường mức tín nhiệm của người dân đối với đảng cầm quyền và ông Mã Anh Cửu.

La Croix nhìn thấy là chưa bao giờ uy tín ông Mã Anh Cửu xuống thấp như hiện nay : chỉ được 13% tín nhiệm, và ông bị chống đối ngay trong đảng của mình.

Chính sách xích lại gần Trung Quốc của ông đã không mang lại kết quả kinh tế mong muốn, như ông từng thông báo, và tăng trưởng Đài Loan chỉ đạt 2%. Một chủ trương xích lại gần Trung Quốc hơn nữa sẽ không được người dân tán đồng. Dư luận Đài Loan đang lo ngại bị người Trung Quốc "xâm chiếm" qua du lịch và hoạt động kinh tế.

Đối với La Croix, trong bối cảnh này thì ông Mã Anh Cửu gặp khó khăn trong lúc Bắc Kinh sẽ gia tăng sức ép đòi một cuộc « xích lại gần nhau trên mặt chính trị sau kinh tế, với mục tiêu đi đến thống nhất, có lẽ dựa trên khái niệm một ‘đất nước, hai chế độ’, như từng áp dụng với Hồng Kông ».

Tuy nhiên La Croix có vẻ yên tâm, kết luận là Đài Loan còn rất xa tình hình đó. Tờ báo trích lời nhà bình luận tờ nhật báo Taipei Times, được đánh giá là ôn hòa, ngày 17/11, cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng vẫn có thể tiếp tục nói đến việc cải thiện quan hệ. Nhưng hai ông Mã Anh Cửu và Tập Cận Bình, phải nhớ rằng bên này eo biển, tức là Đài Loan, cử tri có tiếng nói và họ đã nói rõ là là họ muốn duy trì nguyên trạng, chứ không muốn bị xiềng xích. Đài Loan là một chế độ dân chủ.

La Croix cũng trích lời cố vấn của Tổng thống Mã Anh Cữu, Stephen Chen, khẳng định là với chế độ cộng sản thì không thể nào có thống nhất. Và giữa Trung Quốc và Đài Loan, theo ông, sẽ không có thay đổi gì quan trọng.

Bi quan cho khí hậu hành tinh

Sự kiện thế giới được hầu như các báo quan tâm là Hội nghị quốc tế về khí hậu mở ra hôm qua, 26/11, tại Doha (Qatar). Nhận định các báo không mấy gì lạc quan, như Le Monde trên trang Hành tinh, nêu bật trong hàng tựa : « Đàm phán về khí hậu đi từng bước nhỏ trên nền mức thải khí CO2 đạt kỷ lục ».

Tờ báo nhìn thấy là có cái gì đấy mỉa mai khi hội nghị được tổ chức tại Doha, thủ đô của Qatar, một nước với 60 tấn khí thải CO2 đã chiếm kỷ lục về lượng khí thải hàng năm theo đầu người.

Le Monde nhắc lại sự kiện là chỉ cách đây mấy ngày thôi, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giơí đã lên tiếng báo động, nhưng tỏ ý tin tưởng rằng "ngày hội lớn" này sẽ mang lại một thoả thuận gì đó. Đối với tờ báo Pháp, hy vọng đó quả là điều không tưởng. Le Figaro đưa tin ở trang Khoa học, cũng nhìn thấy là hy vọng thúc đẩy được đàm phán về thay đổi khí hậu không nhiều lắm.

Libération, dù dành nguyên hai trang cho mục Trái đất, nhưng cũng có vẻ chán nản vì theo tờ báo, 195 quốc gia họp lại tại Qatar chưa bao giờ chia rẽ như thế, trong lúc mà tình hình rất cấp bách.

Tờ báo phỏng vấn một kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới, Stéphane Hallegatte, vẽ ra viễn ảnh đáng sợ là với xu hướng hiện nay, thì nhiệt độ sẽ tăng 4 độ C trong vòng một thế kỷ, chứ không thể kềm hãm ở mức tăng 2 độ, mức tối đa có thể chịu đựng được. Đấy là báo cáo mà Ngân hàng Thế giới công bố hôm 19/11 vừa qua.

Nếu Ngân hàng Thế giới quan tâm đến vấn đề khí hậu hâm nóng này, theo nhà kinh tế nói trên, đó là vì Ngân hàng đang tự hỏi là với mức nhiệt độ tăng cao như thế thì làm cách nào chống lại nạn nghèo đói để thúc đẩy phát triển. Những nước chiụ hậu quả nặng nề nhất dĩ nhiên là những nước nghèo, mà bản thân lại không phải là thủ phạm chính gây tai họa.

Mối đe dọa nghiêm trọng nhất và được theo dõi hiện nay là việc nước biển dâng cao, đe dọa hàng trăm triệu người. Kế hoạch xây dựng các thành phố ven biển như thế nào, đó là vấn đề lớn tại các nước nghèo, nếu không biết được diễn tiến ra sao. Các quyết định trong tương lai về hạ tầng cơ sở, đô thị hóa, cũng như mô hình phát triển nông nghiệp, biết bao vấn đề đặt ra và làm thế nào để không ảnh hưởng đến mục tiêu giới hạn khí thải và thích nghi với thay đổi khí hậu, nhất là đối với các nuớc nghèo.

Ngân hàng Thế giới, theo ông Halegatte, giúp các quốc gia chuẩn bị đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu này. Theo nhà kinh tế, nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch rẻ để tạo công việc làm và các nước nghèo lại dựa trên phương thức đó để phát triển thì khó mà đạt kết quả. Cho nên phải ngưng việc bỏ ra cả nghìn tỉ đô la vào loại nhiên liệu hóa thạch.

Pháp : Khủng hoảng tiếp diễn trên thượng tầng đảng UMP

Về thời sự nước Pháp như nói trên, chủ đề tiếp tục nổi cộm là cuộc bầu chủ tịch đảng UMP đang gây nên tình trạng chia rẽ trầm trọng. Nếu Le Monde tự hỏi là liệu cựu Tổng thống Sarkozy có thể cứu vãn đươc đảng này hay không, thì Le Figaro nhìn thấy một cuộc chiến tranh "đào hào đắp lũy" giữa hai ông Fillon và Copé, tựa đầu trang nhất.

Tờ báo nhắc lại là hiện nay có nhiều tiếng nói muốn tổ chức lại cuộc bỏ phiếu. Ở trang trong tờ báo tóm gọn tình hình với ba cụm từ : "Copé ngồi vào ghế, Fillon phản đối, cuộc chiến tiếp tục". Le Monde nhận xét là ông Copé, chủ tịch được tuyên bố, đã không một chút nghi ngờ gì cả về chiến thắng của mình, nhưng sẽ phải sửa lại hình ảnh của ông. Vì như nhận định của báo Le Monde, ông Fillon vốn bị xem là "nạn nhân", đã được nhiều cảm tình hơn nơi dân chúng.

Pháp : Bộ trưởng Montebourg đọ sức với chàng khổng lồ Ấn Độ Mittal

Lời đe dọa ngày hôm qua của Arnaud Montebourg, Bộ trưởng Pháp đặc trách Phục hồi Sản xuất, muốn quốc hữu hóa cơ sở Florange tại Pháp của tập đoàn gang thép Ấn Độ ArcelorMittal, lẽ dĩ nhiên đã được báo giới Pháp hôm nay bàn luận sôi nổi.

Đối với nhật báo cánh hữu Le Figaro, luôn phê phán các chủ trương của chính phủ cánh tả đương quyền, thì vị bộ trưởng này hơi bốc đồng. Tờ báo châm biếm : « Giới đầu tư vào Pháp cần phải biết : Bộ Phục hồi Sản xuất cũng là bộ phục hồi công lý, chuyên ban phát điểm tốt và điểm xấu, hào phóng cung cấp tư vấn về chiến lược, khen ngợi hoặc khiển trách những người đang bắt tay vào việc. »

Một cách nghiêm túc hơn, Le Figaro nhận định : « Giữa một cái rừng nơi mà ai muốn làm gì thì làm, và một chủ nghĩa chỉ huy cực kỳ cứng rắn, muốn khống chế cả việc quản lý doanh nghiệp, cần phải khẩn cấp tìm ra một giải pháp trung dung. Đó là những gì mà ban giám đốc tập đoàn Mittal sẽ cố gắng giải thích cho ông François Hollande hiểu được, với hy vọng là Tổng thống Pháp giảm bớt các động thái quá nhiệt tình của vị Bộ trưởng nóng vội của ông. »

Thật vậy, vào hôm nay, Tổng thống Pháp Hollande tiếp ông Lakshmi Mittal, chủ nhân tập đoàn thép tại điện Elysée. Câu hỏi đặt ra là liệu Nhà nước Pháp sẽ thực hiện lời đe dọa quốc hữu hóa được Bộ trưởng Montebourg đưa ra hay không ?

Trên vấn đề này, nhật báo cánh tả Libération cho rằng đây là điều rất có thể xẩy ra : « Trong cuộc đọ sức, điện Elysée có vẻ cương quyết nêu bật mối đe dọa. Phủ Tổng thống Pháp đã bắn tin là mục đích duy nhất là làm sao cứu được cơ sở công nghiệp Florange và bảo vệ công ăn việc làm tại đấy. Vì vậy, nếu cần phải tạm thời quốc hữu hóa cơ sở đó để sau đó bán lại cho một người khác, thì đó là một hướng được xem xét. »

Tuy nhiên, Libération rất hoài nghi phương pháp này : « Không dễ gì tháo gỡ công cuộc toàn cầu hóa như một chiếc áo đan « made in France ». Cuộc đọ sức và quyết tâm tạo ra một thế cân bằng quyền lực thực thụ rất đáng hoan nghênh ». Thế nhưng, theo Libération, điều quan trọng nhất là cần phải có một chính sách công nghiệp không phô trương ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông.

Nhật báo độc lập Le Monde cũng có phần hoài nghi, nhưng quan tâm nhiều đến tác động chính trị của lời đe dọa quốc hữu hóa cơ sở Florange : « Sẽ rất sai lầm khi coi thường các tuyên bố huênh hoang của Bộ trưởng bộ Phục hồi Sản xuất Arnaud Montebourg với lý do là đó chỉ nhằm mục tiêu chính trị đối nội. Lời lẽ của ông đang được chăm chú lắng nghe ở khắp mọi nơi bên ngoài biên giới của chúng ta. »

Theo Le Monde : « Lời lẽ của ông Montebourg đang gây lo sợ nơi các nhà đầu tư Anglo-Saxon và làm người Đức quan ngại, kể cả trong đảng Dân chủ Xã hội Đức, vốn không hiểu được làm làm sao một Bộ trưởng có thể gièm pha các công ty tại chính đất nước của mình. (...) Ông Montebourg có thể hy vọng lôi kéo quần chúng lao động đã bỏ rơi đảng Xã hội trong nhiều năm qua..., nhưng nỗi thất vọng có nguy cơ lớn mạnh thêm, và phản ứng ngược lại có thể dữ dội không kém phản ứng đối với những lời hứa bị nuốt trôi của Nicolas Sarkozy. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.