Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Tu sĩ Miến Điện muốn hạn chế hôn nhân dị giáo

Trong bối cảnh quan hệ giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo tại Miến Điện càng ngày càng tồi tệ từ một năm nay, các chức sắc Phật giáo Miến Điện đã soạn thảo một dự luật bắt buộc đàn ông theo đạo Hồi phải cải đạo sang đạo Phật nếu muốn kết hôn với một phụ nữ Phật giáo. Dự luật này đã thu thập được 3 triệu chữ ký. La Croix đăng bài viết : "Tu sĩ Phật giáo muốn hạn chế hôn nhân dị giáo".

Hai vợ chồng Abdul Rahim và đứa con gái, cũng như nhiều người Rohingya phải lánh nạn sau các đợt bạo động - REUTERS
Hai vợ chồng Abdul Rahim và đứa con gái, cũng như nhiều người Rohingya phải lánh nạn sau các đợt bạo động - REUTERS
Quảng cáo

Tại Miến Điện, người theo đạo Phật chiếm đến 90% trên tổng số 54 triệu dân, đa số rất mộ đạo. Người theo đạo Thiên Chúa chiếm 6%, đa số là người Tin lành. Người Hồi giáo chỉ là thiểu số ở vùng Tây Bắc, đa số là tộc người thiểu số Rohingyas. Trên lý thuyết, Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, nhưng từ sau khi tập đoàn quân sự rời bỏ quyền hành vào năm 2011, càng ngày càng nổ ra nhiều hành vi bài Hồi giáo.

Báo La Croix miêu tả cảnh các tu sĩ Phật giáo đi vận động xin chữ ký ủng hộ dự luật tại thành phố Mandalay. Một sinh viên ký vào bảng kiến nghị nhận định : « Mục đích của đạo luật này là cho phép tôn giáo và dân tộc của chúng tôi không biến mất ». Một số khác thì thấy có trách nhiệm phải bảo vệ đạo Phật.

Nếu dự luật này được nhà nước thông qua thì luật sẽ buộc đàn ông theo đạo Hồi phải bỏ đạo để theo Phật giáo khi kết hôn với người nữ theo đạo Phật. Trong trường hợp đó, cô dâu phải được sự chấp thuận của gia đình và chính quyền mới được phép kết hôn. Ai phạm pháp sẽ bị đến 10 năm tù.

Dự luật này là do một nhóm tu sĩ Phật giáo cực đoan mang tên (9-6-9) đề xuất. Phong trào này còn kêu gọi tẩy chay các của hàng kinh doanh của người Hồi giáo. Một tu sĩ Phật giáo thuộc phong trào này cho rằng người Hồi giáo cố tình muốn cưới người Phật giáo để buộc họ cải đạo về sau chứ không phải là vì tình yêu.

Báo La Croix nhắc lại các vụ căng thẳng và bạo lực tôn giáo tại Miến Điện trong thời gian qua đã làm hơn 200 người chết. Dự luật này có nguy cơ làm bùng nổ tình hình vốn đã căng thẳng, nhất là khi chức sắc trong phong trào 9-6-9 không hề thông báo cho các giáo sĩ Hồi giáo về cuộc vận động lấy chữ ký của họ.

Cộng đồng người Hồi giáo thì cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội. Một chức sắc Hồi giáo tại Mandalay tâm sự : « Người Phật giáo xem chúng tôi như người đến từ nước khác ».

Cho đến nay, nhà đối lập Aung San Suu Kyi hiếm khi bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số Hồi giáo và bà thường tránh can dự vào việc này. Lần này, bà nhận xét dự luật này là « bất công » và trái với quyền con người. Giới tu sĩ Phật giáo đe dọa sẽ làm cho các đảng phái chính trị thua cuộc tại kỳ bầu cử 2015 nếu đảng nào không ủng hộ dự luật này.

Trung Quốc : đường dây buôn bán trẻ em

Vẫn liên quan đến châu Á, Le Figaro hôm nay đặc biệt quan tâm đến đường dây buôn bán trẻ em tại Trung Quốc. Tại nước này, trẻ em bị bắt cóc xảy ra rất thường xuyên và thậm chí bác sĩ còn bán cả trẻ sơ sinh.

Báo Le Figaro thuật lại, cuối tuần vừa rồi, cảnh sát đã bắt giữ giám đốc và hai nhân viên khác tại một bệnh viện nhi khoa ở tỉnh Thiểm Tây, nơi đã xảy ra bắt cóc. Những người này bị cáo buộc đã bán đứa bé trai được sinh tại đây.

Vào ngày 16/07 vừa qua, bác sĩ khoa sản họ Zhang đã nói với cha mẹ đứa trẻ rằng con họ bị bệnh bẩm sinh cần được chăm sóc đặc biệt. Do quá đau khổ, đôi vợ chồng này đã tin tưởng và giao con cho bệnh viện chăm sóc theo lời khuyên bác sĩ. Trong đêm đó, bé trai được chuyển đi bằng xe đến tỉnh bên cạnh Hồ Nam và bị bán cho những người trung gian với giá 2 600 euro.

Cha của bé trai nghi ngờ có trò gian xảo trong vụ việc nên đã báo cảnh sát. Đứa trẻ được tìm thấy vào chủ nhật vừa rồi tại căn nhà của một người thợ nông trại. Ông này đã mua lại đứa bé với giá 7300 euro từ một nông dân khác. Đứa trẻ đã qua tay ba trung gian nên giá gần như đã tăng gấp ba. Sau khi xét nghiệm DNA, đứa bé đã được trao trả về gia đình.

Chính sách "một con" và tâm lý "trọng nam, khinh nữ" ở Trung Quốc là nguyên nhân khiến tình trạng bắt cóc trẻ em ở nước này gia tăng. Thứ hai vừa rồi, 7 cặp vợ chồng đã kiện bệnh viện nhi khoa và khẳng định con họ là nạn nhân của các vụ bắt cóc tương tự. Báo địa phương khẳng định đã có hàng chục trẻ sơ sinh bị bắt cóc từ 7 năm nay.

Vụ tai tiếng tại bệnh viện ở Thiểm Tây đã gây xôn xao dư luận trên mạng và nhiều lời công kích đã nhắm vào những người có dính líu đến vụ bắt cóc. Một cư dân mạng lên án bác sĩ thủ phạm là người thiếu nhân tính và phải kết án tử hình bà. Một giáo sư ở Bắc Kinh thì phát biểu : « Đó là dấu hiệu của sự suy đồi đạo đức đang diễn ra từ nhiều thế hệ nay. Người Trung Quốc giờ chẳng tin vào điều gì nữa, ngoài đồng tiền và quyền lực ».

Một người mua lại đứa trẻ ở Thiểm Tây giải thích động cơ là vì ông đã có 3 cô con gái và cần có một đứa con trai để nối dõi. Nếu không, ông sẽ bị mất mặt với xóm làng.

Con rắn mafia Nhật Bản mất đầu

Nhìn sang Nhật Bản, báo Libération hôm nay quan tâm đến thành phần mafia tại xứ hoa anh đào. Tờ báo cho biết, tổ chức mafia khét tiếng của Nhật là Yamaguchi-gumi đang khó khăn tuyển người gia nhập trong khi đó, ông trùm có tiếng của tổ chức này đang bị kiện ra tòa.

Báo Libération thuật lại vụ một bà chủ nhà hàng ở thành phố Nagoya đã đâm đơn kiện thủ lĩnh một băng đảng mafia lớn nhất Nhật Bản để đòi lại tiền bảo kê.

Bà đòi bồi thường 17,35 triệu yên (khoảng 133 000 euro). Đây là tiền mà bà đã phải trả cho tổ chức mafia này từ năm 1998 đến năm 2010 để được nhóm này bảo kê việc kinh doanh nhà hàng. Năm 2008, chủ nhà hàng muốn ngừng trả tiền bảo kê thì những tay mafia này dọa đốt tiệm của bà. Nhưng thay vì kiện các bộ hạ của băng đảng Yamaguchi, bà đã chọn lựa tấn công mạnh vào nhân vật đầu não của nhóm.

Luật sư của bà chủ nhà hàng này cho biết thân chủ của họ hoàn toàn có cơ sở pháp lý để kiện ông Shinoda nhờ một điều luật phòng chống tội phạm có tổ chức, được sửa đổi hồi năm 2008. Theo đó, những thủ lĩnh hay đại ca các băng đảng tội phạm phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà đàn em gây ra.

Các tổ chức mafia không bị cấm tại Nhật Bản nhưng hoạt động của họ ngày càng bị kiểm soát gắt gao. Ở tuổi 71, ông trùm của tổ chức Yamaguchi-gumi bị bỏ tù nhiều lần. Ông đã bị giam trong vòng 20 năm vì đã ám sát đối thủ của mình. Ngày nay, tổ chức mafia này đang gặp khủng hoảng.

Theo cảnh sát Nhật Bản, ông Shinoda đứng đầu một trong những băng đảng mafia lớn nhất Nhật Bản, với 27700 thành viên trên toàn quốc. Tuy nhiên, số lượng thành viên Yamaguchi-gumi giảm liên tục trong những năm gần đây. Riêng trong năm 2012, tổ chức Yamaguchi-gumi đã mất 3300 thành viên. Các hình xăm quái dị và hình phạt chặt ngón tay là những dấu hiệu đặc trưng của băng đảng Yamaguchi-gumi.

Thế hệ trước ngày càng già đi trong khi việc tuyển dụng ‘‘người mới’’ không phải là dễ dàng. Chẳng những thế, các băng đảng mafia Nhật còn gặp phải sự cạnh tranh của các tổ chức mafia Trung Quốc và Hàn Quốc. Tổ chức mafia mạnh nhất tại xứ hoa anh đào, đã cho ra đời một tờ báo vào ngày 5/07 mang tên « Yamaguchi-gumi Shinpo – Báo của Yamaguchi ».

Tổng thống Iran sẵn sàng đối thoại về vấn đề hạt nhân

Kết thúc mục điểm báo là việc tổng thống Rohani của Iran muốn đàm phán về vấn đề hạt nhân. Đây cũng là đề tài được nhiều nhật báo quan tâm. Báo Le Figaro chạy tựa : « Hạt nhân : tổng thống Iran đề nghị thương lượng ». Báo Les Echos đăng tít : « Tân tổng thống Iran sẵn sàng đối thoại ». Còn L’Humanité nhận định : Ông Rohani muốn sớm bàn luận về vấn đề hạt nhân.

Theo báo Les Echos, nhân lần họp báo đầu tiên với cương vị tổng thống, ông Rohani sẵn sàng tiến hành « những thương lượng nghiêm túc và không mất thời gian » với các thế lực phương Tây để giỡ bỏ hình phạt của các nước phương Tây đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Iran.

Trị giá đồng tiền Iran tuột dốc. Lệnh cấm vận của phương Tây khiến cho Iran bị thất thu do phải giảm 2/3 lượng dầu hỏa xuất khẩu sang nước ngoài.

Để phương Tây xóa bỏ lệnh cấm vận, tổng thống Rohani cam kết chương trình làm giàu uranium, « quyền lợi không thể chối cãi được » của Iran chỉ được dùng để sản xuất điện. Trong khi đó, phương Tây lo ngại chương trình này sẽ được dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử, đi ngược lại với hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân mà Téhéran đã ký kết. Từ đó, có nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Tổng thống Rohani đã chỉ trích các lãnh đạo Mỹ đã « hiểu sai » Iran. Ông còn đả kích đạo luật được thông qua vào thứ năm rồi nhằm siết chặt hơn nữa hình phạt của Mỹ dành cho Iran để xuất khẩu Iran rơi xuống mức zéro trong một năm tới. Báo Les Echos đặt câu hỏi : liệu tân tổng thống Iran có đủ khả năng thuyết phục phương Tây giỡ bỏ trừng phạt ?

Israël gọi tổng thống Rohani là « sói đội lốp cừu ». Tổng thống Rohani cho biết không có chuyện hủy bỏ chương trình làm giàu uranium như Israël và phương Tây đề nghị. Điều này gây nghi ngờ rằng Iran muốn sản xuất vũ khí nguyên tử dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân dân sự. Tờ báo nhận định, việc Iran có quyết định rút lui hay không khỏi vũ khí hạt nhân không phụ thuộc vào tổng thống Rohani mà phụ thuộc vào giáo chủ tối cao Ali Khamenei.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.