Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - NGUYÊN TỬ

Vũ khí hạt nhân : Mỹ-Hàn vạch kế hoạch đối phó với Bình Nhưỡng

Theo tin hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm nay, 08/09/2013, Seoul và Washington đã vạch ra một kế hoạch chung với những biện pháp cụ thể để đối phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Kế hoạch bao gồm các biện pháp từ chính trị, ngoại giao cho đến quân sự, và nêu rõ là Mỹ sẽ dùng ‘chiếc ô hạt nhân’ bảo vệ Hàn Quốc như thế nào trong trường hợp bị Bình Nhưỡng khiêu khích bằng nguyên tử.

Nguyên bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (trái) cam kết Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh Đông Bắc Á bằng ô hạt nhân đối mặt với các đe dọa nguyên tử của Bình Nhưỡng, Tokyo, cuối tháng 10/2009.
Nguyên bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (trái) cam kết Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh Đông Bắc Á bằng ô hạt nhân đối mặt với các đe dọa nguyên tử của Bình Nhưỡng, Tokyo, cuối tháng 10/2009. Reuters
Quảng cáo

Kế hoạch sẽ được lãnh đạo Quốc phòng hai bên ký kết vào đầu tháng 10 tới đây. Theo Yonhap, trích dẫn nguồn tin chính phủ Hàn Quốc, kế hoạch hỗn hợp này có thể được xem như một chương trình hành động và đưa ra một văn kiện chính thức, chi tiết hóa chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ. Điều này phản ánh thái độ cứng rắn của hai đồng minh trước mối đe dọa vũ khí hạt nhân đến từ Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, chi tiết cụ thể về những biện pháp phòng thủ, hay đáp trả chưa được tiết lộ.

Hiện nay, có gần 30.000 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và Washington đã luôn cam kết hỗ trợ cho người đồng minh Châu Á của mình. Kế hoạch mới nói trên mang thêm nhiều chi tiết và như thế là một lời cam kết bằng văn bản cho Hàn Quốc.

Bắc Triều Tiên đã nói rõ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng khẳng định vẫn sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Hoa Kỳ.

Hôm thứ Sáu, 06/09, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, Daniel Russel, đã phát biểu tại Seoul cho rằng chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên là một yếu tố gây bất ổn định trong khu vực.

Hãng Yonhap vào hôm nay, trích dẫn bài phỏng vấn ông Russel, theo đó Washinhgton sẽ không chấp nhận mở lại vòng đàm phán sáu bên, ngày nào mà Bình Nhưỡng không rõ ràng cho thấy muốn từ bỏ vũ khí nguyên tử.

Ông Russel còn cho là ông đang tìm kiếm những ‘dấu hiệu đáng tin’ từ phía Bình Nhưỡng là cuộc họp sáu bên, nếu được mở lại, sẽ nhanh chóng dẫn đến một lộ trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Theo ông Russel, đó là những tín hiệu mà Bình Nhưỡng cần đưa ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.