Vào nội dung chính
PHÁP

Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật hưu trí gây nhiều tranh cãi

Tại Pháp, Thượng viện đã biểu quyết dự luật mới về hưu trí một kế hoạch gây ra một phong trào biểu tình và đình công từ công nhân đến học sinh trong nhiều tuần qua. Dự luật kéo dài thời gian làm việc từ 60 lên thành 62 tuổi đã được thông qua sau gần 150 giờ tranh luận với 177 phiếu thuận và 153 phiếu chống.

Quảng cáo

Chính phủ Pháp thở phào nhẹ nhõm trong khi đối lập và giới công đoàn tiếp tục kêu gọi phản đối trong khi chờ đợi thời điểm then chốt, bầu cử Tổng thống năm 2012. Tổng thống Pháp muốn dự luật này phải được lập pháp thông qua trước Lễ Chư Thánh 2 tháng 11, tức là tuần lể nghỉ ngơi của học sinh sinh viên. Do vậy sau khi được Quốc hội biểu quyết, dự luật cũng đã được thông qua tại Thượng viện nơi mà cánh hữu chiếm đa số, vào chiều hôm qua với 177 phiếu thuận và 153 phiếu chống.

Sự kiện nổi bật trong giờ biểu quyết là không có sự tham dự của thượng nghị sĩ Gerard Larcher, Chủ tịch Thượng viện. Theo giới phân tích, áp lực của Điện Elysée quá mạnh đến mức gây phản cảm ngay trong hàng ngũ nghị sĩ thuộc phe đa số. Phía đối lập, trong suốt ngày hôm qua, đã không ngừng tố cáo sức ép của Tổng thống. Theo luật mới này, còn chờ đưa trở lại Quốc hội biểu quyết lần sau cùng vào thứ tư tuần tới, tuổi tối thiểu được về hưu kéo dài thêm hai năm từ 60 lên 62. Còn tuổi để được hưởng hưu bổng toàn phần cũng tăng từ 65 lên 67

Theo chính phủ, thì các biện pháp mới này rất cần kíp để bảo vệ chế độ hưu trí hiện nay tại Pháp được xem là tốt hạng nhì thế giới chỉ kém các nước Bắc Âu và được hạng tỷ người ước mơ. Nhưng chế độ lý tưởng này đang bị thâm thủng và cần thêm 44 tỷ euro vào năm 2018.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sử dụng hồ sơ hưu bổng như là chương trình cải cách quan trọng nhất của nhiệm kỳ sẽ kết thúc trong 18 tháng tới. Sau khi luật cải cách tuổi về hưu thông qua, ông sẽ công bố thành phần nội các mới để chuẩn bị chinh phục lại công luận và cử tri cho bầu cử năm 2012.

Hệ quả là mức giới hạn hợp pháp 60 tuổi về hưu, một trong những cải cách xã hội ghi "dấu ấn" của cánh tả với thời kỳ Tổng thống Mitterrand bị sang trang. Thượng nghị sĩ Pierre Mauroy, nguyên là thủ tướng đầu tiên của cánh tả khi giành được chính quyền năm 1981, và cũng là cha đẻ của luật cải cách hưu bổng với tuổi về hưu 60 kêu gọi "lời phán quyết của Đại pháp đình nhân dân" vào những lần bầu cử sắp tới.

Đương kim Thư ký thứ nhất của đảng Xã hội , bà Martin Aubry lên án Tổng thống "chà đạp dân chủ, từ chối đàm phán với công đoàn, không lắng nghe tiếng nói của nhân dân" và thái độ này "sẽ để lại dấu tích". Nói cánh khác, phong trào chống luật hưu trí mới không đầu hàng trước chuyện đã rồi và hẹn năm 2012 để "đáp trả".

Về phía chính phủ , bộ trưởng lao động Eric Woerth, tác giả luật cải cách nhận định rằng một ngày nào đó các đối thủ hôm nay sẽ cám ơn ông. Chính phủ Pháp kỳ vọng là phong trào phản kháng sẽ hạ nhiệt qua 10 ngày nghỉ lễ. Nhưng kết quả thăm dò ý kiến của viện Ifop cho thấy đa số dân chúng, 63%, ủng hộ phong trào đình công phản đối. Và trong bối cảnh căng thẳng này các nghiệp đoàn công nhân và sinh viên sẽ tiếp tục xuống đường không chờ đến năm 2012.

Một phần tư trạm xăng trên toàn quốc vẫn chưa có nhiên liệu, hệ thống chuyên chở công cộng vẫn còn bị rối loạn tuy đã giảm nhiều trong khi chờ đợi hai ngày tranh đấu được thông báo vào hai ngày 26 tháng 10 và 6 tháng 11. Ngày thứ ba tới, mặc dù nghỉ lễ, Hội Liên hiệp Sinh viên Unef kêu gọi sinh viên và giới trẻ xuống đường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.