Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Pháp: Đạo diễn phim "Điện Biên Phủ" P.Schoendoerffer qua đời

Gia đình nhà văn, nhà làm phim tên tuổi của Pháp Pierre Schoendoerffer ra thông báo cho biết, ông đã qua đời sáng sớm ngày hôm nay, 14/03/2012, tại bệnh viện quân sự Percy, vùng Clamart, ngoại ô Paris, thọ 83 tuổi.

Pierre Schoendoerffer tại Liên hoan Điện ảnh Cannes, Pháp, ngày 17/05/2010
Pierre Schoendoerffer tại Liên hoan Điện ảnh Cannes, Pháp, ngày 17/05/2010 AFP PHOTO / MARTIN BUREAU
Quảng cáo

Sinh năm 1928 tại Chamalìères, miền trung nước Pháp, Schoendoerffer rất say mê đọc các tác phẩm của Josesp Kessel và Joseph Conrad. Khi 19 tuổi, ông làm thủy thủ trên một tàu buôn Thụy Điển và lênh đênh biển Baltic, biển Bắc trong vòng 18 tháng.

Năm 1952, Schoendoerffer gia nhập quân đội Pháp, làm việc trong bộ phận điện ảnh. Ông bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của mình với tư cách là người quay phim trên chiến trường Đông Dương.

Trong vòng 3 năm trời, ông đã chứng kiến và quay những thước phim về cuộc chiến tranh Pháp tại Việt Nam. Trong trận Điện Biên Phủ, ông bị bắt và làm tù binh trong vòng 4 tháng. Sau khi được thả, về Pháp, Pierre Schoendoerffer đã xuất ngũ để trở thành phóng viên nhiếp ảnh.

Năm 1958, Schoendoerffer làm bộ phim đầu tiên « La Passe du Diable ». Sau đó, ông đã làm một số phim truyện và tài liệu. Năm 1963, ông viết tiểu thuyết đầu tiên, « La Section 317è » - tạm dịch « Phân đội 317 » và được ông dựng thành phim năm 1965. Tác phẩm điện ảnh này là một trong những bằng chứng tuyệt vời nhất về cuộc chiến tranh Đông Dương. Năm 1967, bộ phim « La Section Anderson » - « Phân đội Anderson » của ông đã được giải Oscar phim tư liệu hay nhất.

Trong số những tác phẩm lớn của P.Schoendoerffer, có thể kể đến phim « Le Crabe Tambour » - 1977, « L’honneur d’un capitaine » - 1982 và « Điện Biên Phủ » - 1991.

Phim « Điện Biên Phủ » của P.Schoendoerffer là một bích họa toàn cảnh về một cuộc chiến tranh tàn khốc, lồng ghép những suy nghĩ về các hy sinh, tổn thất vô ích.

P. Schoendoerffer nhắc lại kỷ niệm làm phim « Điện Biên Phủ » :

« Đương nhiên, tôi đã nghĩ đến việc làm một bộ phim về Điện Biên Phủ, nhưng lúc đó, tôi cho rằng điện ảnh Pháp dường như không có quyết tâm và không có phương tiện để làm một bộ phim như vậy. Thế nhưng, vào năm 1988, Jacques Kirsner, nhà sản xuất, nói rằng ông sẽ làm bộ phim về Điện Biên Phủ, ông biết tôi cần những phương tiện gì, ví dụ cần phải tìm lại được những chiếc máy bay, các thiết bị quân sự thời đó và cần rất nhiều người tham gia nữa.

Thế rồi, trong lúc chuẩn bị dự án, thì phía Việt Nam cho biết là họ muốn bộ phim được quay tại Việt Nam. Đã có lúc tôi lưỡng lự, bởi vì tôi có những lý do không muốn làm việc ở đó. Thế nhưng, việc quay phim tại Việt Nam sẽ làm tăng thêm ý nghĩa của tác phẩm này. Và chúng tôi quay phim ở Bắc Kỳ, nơi mà chúng tôi rất yêu thích. Lúc đầu, cả hai bên đều rất chú ý, quan sát lẫn nhau, bởi vì phíá Việt Nam cũng có những lo ngại. Trong quá trình quay phim, hai bên từng bước cởi mở hơn, giống như một bông hoa từ từ nở rộ. Đó là một kinh nghiệm tương đối độc đáo ».

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã ca ngợi là các tác phẩm của Schoendoerffer cho thấy được vai trò của nghệ thuật và nghệ sĩ, giúp chúng ta hiểu được hơn Lịch sử và số phận từng cá nhân. Ứng viên tổng thống thuộc đảng Xã Hội François Hollande bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một nhà làm phim chiến tranh hiếm hoi của nước Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.