Vào nội dung chính
PHÁP-VĂN HÓA

Pháp tôn vinh Jack Kerouac, cánh chim đầu đàn Thế hệ Beat

Một bộ phim của đạo diễn Brazil Walter Salles trình chiếu tại Liên Hoan Điện ảnh Cannes, một cuộc triển lãm chưa từng thấy tại Paris, nhiều tác phẩm được tái bản hay xuất bản lần đầu… Đúng 90 năm sau khi ông ra đời, nhà văn Mỹ quá cố Jack Kerouac, thường được xem thủ lãnh của nhóm văn sĩ Thế hệ Beat (Beat Generation) cách nay hơn nửa thế kỷ tại Hoa Kỳ, đã được nước Pháp, vốn cũng là quê cha đất tổ của ông, hết sức trân trọng.

Bản thảo đầu tiên của On the Road là một cuộn giấy hơn 36 mét.
Bản thảo đầu tiên của On the Road là một cuộn giấy hơn 36 mét. REUTERS/Charles Platiau
Quảng cáo

Jack Kerouac, tên thực là Jean-Louis Kerouac, hay còn gọi là "Ti-Jean", sinh ra ở thị trấn Lowell, tiểu bang Massachusetts, miền đông bắc nước Mỹ, ngày 22/03/1922. Đấy cũng là nơi ông được chôn cất sau khi qua đời tại St Petersburg , bang Florida, ngày 21/10/1969, khi mới 47 tuổi.

Vào lúc cuối đời, Jack Kerouac sống ẩn dật, không một đồng xu dính túi, nhưng với một kho bản thảo mà sau đó được ước tính trị giá hơn 10 triệu euro...

Các tác phẩm của Jack Kerouac – mà nổi tiếng nhất là tiểu thuyết "On the Road – Trên những nẻo đường" - đã đặt nền móng cho cả một trào lưu văn hóa có thể gọi là phản kháng, sẽ tràn ngập nước Mỹ và lan tỏa ra nhiều nước khác trong thập niên 1950, 1960.

Gốc tích Pháp của nhà văn Mỹ

Điều đáng chú ý là cha mẹ Kerouac là người gốc vùng Bretagne, miền tây nước Pháp, đã qua Canada định cư. Họ Kerouac mang âm hưởng phương ngữ vùng Bretagne, và bản thân Jack Kerouac, cho đến 6 tuổi, chỉ nói tiếng Joual, một loại tiếng Pháp sử dụng tại vùng Québec Canada.

Gốc tích Pháp là một trong những yếu tố luôn luôn ám ảnh Jack Kerouac. Vào năm 1965, ông đã ghé thăm quê quán gia đình tại thị xã Lanmeur, tỉnh Finistère, vùng Bretagne, với ước mong tìm lại được gốc gác của mình nhưng vô hiệu. Phải chờ đến cuối thập niên 2000, nhờ nhà nghiên cứu gia phả Patricia Dagier, người ta mới xác định được ông tổ của Jack Kerouac là Urbain-François Le Bihan Kervoac. Từ “Kervoac” trong phương ngữ vùng Bretagne được phát âm là “Kerouac”. Nhưng đối với Jack Kerouac thì đã quá muộn.

Bản thảo đầu tiên của On the Road : một cuộn giấy hơn 36 mét

Nhân năm “sinh nhật” thứ 90 này của Jack Kerouac, người Pháp lần đầu tiên được chiêm ngưỡng bản thảo tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn : “Trên những nẻo đường / On the Road”, được đánh giá là tuyên ngôn của Beat Generation. Bản thảo đánh máy này rất độc đáo vì là một cuộn giấy dài 36,50 mét, do chính tác giả dán và ghép lại. Tuy nhiên, tại cuộc triển lãm này, giới hâm mộ chỉ có thể xem 9 mét đầu tiên mà thôi.

Bản gốc nói trên được trưng bày ở Viện Bảo tàng Văn Học và Bản thảo (Musée des Lettres et Manuscrits) Paris, từ ngày 16/05 đến 19/08/2012. Tư liệu quý giá này hiện là sở hữu của người Mỹ Jim Irsay, chủ nhân đội bóng Colts của thành phố Indianapolis, đã mua được trong một cuộc đấu giá của Christie’s vào năm 2001 với giá 2,5 triệu đô la.

Cuộc triển lãm tại Paris cũng trưng bày các bản thảo tác phẩm của các nhà văn Pháp đã có ảnh hưởng đến Jack Kerouac, như Marcel Proust, Arthur Rimbaud hay Louis-Ferdinand Céline.

Bối cảnh sáng tác tập “Trên những nẻo đường” cũng rất đặc biệt. Trong vòng 3 tuần lễ, 02/04 đến 22/04/1951, Jack Kerouac đã xuất thần hoàn thành tiểu thuyết khoảng 125.000 từ, viết một cách liền lạc, không để lề, không phân chương, phân đoạn. Khi ấy thủ lãnh nhóm Beat Generation mới 29 tuổi.

Khi nói về tác phẩm đó vào tháng 5/1951, Kerouac cho biết : “Tôi viết quyển sách này dưới tác động của cà phê : 6000 từ mỗi ngày, 12.000 từ ngày đầu tiên và 15.000 ngày cuối cùng. Theo nhà văn, ông đã lồng giấy vào máy đánh chữ rồi gõ say sưa, để cuộn giấy trải dài trên sàn nhà, và “quả là nó (tác phẩm) không khác gì một con đường”.

"On the Road" chủ yếu là tiểu thuyết tự thuật, với nhiều chi tiết rất phóng túng, táo bạo, cho nên đã không được nhà xuất bản nào nhận phát hành. Phải chờ đến năm 1957 tiểu thuyết mới được nhà xuất bản Viking nhận in, nhưng với nhiều sửa đổi, bỏ đi những đoạn táo bạo nhất. Tác phẩm in ra dầy 370 trang. Ba năm sau, đến lượt Gallimard ở Pháp cho phát hành bản dịch tiếng Pháp của tác phẩm dưới tựa đề Sur la Route, nhưng đó cũng là bản bị kiểm duyệt.

Mãi cho đến năm ngoái, 2010, thì Gallimard mới quyết định xuất bản tiểu thuyết này một cách nguyên vẹn, đúng theo nguyên tác ban đầu. Tựa của ấn bản mới là : “Sur la route, le rouleau original (Trên các nẻo đường, cuộn giấy gốc)”.

"On the Road" đã đưa Jack Kerouac lên đỉnh cao của nền văn học Mỹ và tiếp tục mê hoặc độc giả, vì hơn 50 năm sau, theo hãng tin AFP, cùng với Kinh thánh, có lẽ đây là quyển bị ăn cắp nhiều nhất. Điều chắc chắn là "On the Road" là tiểu thuyết bị sao chép trái phép nhiều nhất.

Đạo diễn lừng danh Walter Salles và Francis Ford Coppola đưa On the Road lên màn bạc

Song song với cuộc triển lãm bản thảo tiểu thuyết "On the Road" tại Paris, ngày 23/05 tới đây, Liên Hoan Phim Cannes sẽ trình chiếu bộ phim cùng tên do đạo diễn tài danh người Mỹ Francis Ford Coppola sản xuất, và Walter Salles người Brazil dàn dựng theo tiểu thuyết của Jack Kerouac. Bộ phim dự tranh giải Cành Cọ vàng, cũng sẽ ra mắt khán giả trên toàn lãnh thổ Pháp cùng ngày.

Walter Salles và Francis Ford Coppola đã không ngần ngại đưa "Trên những nẻo đường lên màn bạc", trái với nam diễn viên nổi tiếng Marlon Brando, vào năm 1957, đã làm ngơ khi được Jack Kerouac đề nghị mua bản quyền để dựng tiểu thuyết này thành phim.

Jack Kerouac cũng được vinh danh trong các hiệu sách với một ấn bản đặc biệt của tạp chí Trois Couleurs, một ấn bản mới của tiểu thuyết "On the Road". Vở kịch ba hồi "Beat Generation" chưa bao giờ được trình diễn của Jack Kerouac cũng sẽ được cho ra mắt, cũng như các vở "And the Hippos Were Boiled in Their Tanks", viết chung với William S. Burroughs, hay "Visions of Cody".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.