Vào nội dung chính
VENEZUELA

Di sản Chavez: Nghèo đói giảm bớt, nhưng kinh tế suy yếu

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, qua đời vào tối muộn ngày thứ Ba, theo giờ nước Pháp, cách đây một hôm. Hầu hết các nhật báo Pháp hôm nay dành trang nhất và nhiều trang trong phác họa lại hành trạng và tính cách của nhân vật nổi tiếng này, phản ứng của xã hội Venezuela và quốc tế, và đặc biệt là cung cấp những tổng kết về thời kỳ Chavez nắm quyền.

Người dân ủng hộ ông Hugo Chavez đứng xếp hàng để vào viếng linh cữu (REUTERS)
Người dân ủng hộ ông Hugo Chavez đứng xếp hàng để vào viếng linh cữu (REUTERS)
Quảng cáo

« Hậu Chavez » là tựa đề trang nhất của Le Monde. Dưới hàng tít : « Được lòng dân, có dầu mỏ, nhưng tương lai nào cho Venezuela ? », xã luận Le Monde nhận xét : « Tổng thống Chavez đã để lại một quốc gia yếu đi về mặt kinh tế. Trong 14 năm, ông đã đẩy lùi nạn nghèo đói, nhưng ông đã không biết cách sử dụng lợi thế của tài nguyên dầu mỏ để tạo ra một mô hình phát triển bền vững và riêng biệt. Nhà lãnh đạo được lòng dân ra đi, vấn đề khả năng sống còn của học thuyết Chavez sẽ nhanh chóng được đặt ra. Sẽ là như vậy tại Venezuela, cũng như tại khu vực Mỹ Latinh và trên thế giới ».

Theo Le Monde, « nếu như Chavez biết cách truyền cảm hứng cho các lực lượng cánh tả Mỹ Latinh, thì ông đã không làm được gì đáng kể cho việc hội nhập khu vực. Và nếu như các khiêu khích của ông chống lại các thế lực hùng mạnh trên hành tinh khiến nhiều lãnh đạo và dân chúng các nước nghèo sung sướng, thì thái độ này lại bị lu mờ bởi sự ủng hộ, mà Chavez không ngừng dành cho một số nhà độc tài không thể chấp nhận được, từ Kadhafi ở Libya đến Assad ở Syria, cũng như Ahmadinejad ở Iran.

Đây cũng chính là một phần của học thuyết chính trị của ông Chavez ». Tác động gây chia rẽ khu vực châu Mỹ Latinh của ông Chavez được Le Monde giới thiệu rõ qua bài phân tích « Ý thức hệ của ông Chavez sẽ phải vượt qua thách thức do sự biến mất của người sáng lập », với nhận định « bất chấp các diễn văn về sự thống nhất châu Mỹ Latinh, chủ thuyết Chavez làm hủy hoại sự hội nhập khu vực, với việc chuyển khu vực này thành không gian cho một cuộc chơi mang tính ý thức hệ ».

Xã luận Libération, với hàng tựa « Huyết quản » (Veines), cũng đưa ra những nhận định cùng hướng : « Chavez đã có các phương tiện để thực hiện mục tiêu. Với trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới, nhà nước Venezuela của Chavez đã phân phối lại các khoản lời từ vàng đen cho những người nghèo nhất, qua các chương trình phúc lợi, đặc biệt trong y tế và giáo dục. (…) Tuy nhiên, chính sách từ thiện nhà nước hết sức tốn kém này đã không thực sự tạo ra được việc làm. » Libération kết luận : « Thách thức đối với người kế tục của ‘‘Tổng thống’’ – đặc biệt nếu như đó là một người cùng cánh – là phải thoát khỏi những lời hùng biện, thường là rỗng tuếch của ‘‘Comandante’’ (tức « Viên tư lệnh » trong tiếng Tây Ban Nha) và đoàn kết được những người tin tưởng vào ‘‘thiên đường’’ của Chavez, cũng như những người không tin ông. »

Trong hồ sơ về sự ra đi của tổng thống Chavez trên Le Figaro có bài : « 15 năm làm biến đổi sâu sắc Venezuela ». Le Figaro ghi nhận công lao của ông Chavez trong việc cải thiện đời sống của những người nghèo, nhưng đồng thời làm suy yếu trầm trọng nền kinh tế Venezuela. Từ nhiều năm nay, các doanh nhân lên án sự không an toàn về mặt pháp lý tại Venezuela, với các quyết định quốc hữu hóa tùy hứng trong nhiều lĩnh vực thương mại, công nghiệp và nông nghiệp. Và Venezuela tiếp tục phụ thuộc ngày càng nặng hơn vào dầu mỏ, trái ngược với tuyên bố của ông Chavez khi mới lên nắm quyền năm 1998. Việc hạ giá đồng bolivar đến 30% một cách thiếu chuẩn bị, cách đây một tháng, gây cho Venezuela nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc thiếu hàng nhập khẩu.

Đánh giá lại thời kỷ nắm quyền 15 năm vừa qua của ông Chavez, Les Echos có bài : « Chavez thu hẹp các bất bình đẳng, với cái giá là sự thất bại kinh tế ». Les Echos nhận định hết sức nghiêm khắc về những mặt trái của chế độ Chavez : « Chính quyền đã xài phí 1.000 tỷ đô la thu lợi từ dầu mỏ, một cách bất minh ». Tờ báo kinh tế chỉ ra vòng xoáy tiêu cực không lối thoát, mà chính quyền Chavez tự tạo ra với các quyết định trưng thu độc đoán trong nhiều ngành sản xuất và kinh doanh như ngành xi măng, luyện kim, thực phẩm, điện, truyền thông hay ngân hàng… Chính sách làm các nhà đầu tư bỏ chạy, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa – mà chính quyền đổ tội cho các nhà đầu cơ là thủ phạm – cuối cùng buộc chính quyền phải tiếp tục tiến hành các vụ trưng thu mới.

Tương lai của Venezuela sau cái chết của Hugo Chavez

Về tương lai của Venezuela sau cái chết của ông Chavez, Libération đặt câu hỏi trên trang nhất : “Venezuela mất người lãnh đạo có sức hấp dẫn phi thường (…). Liệu nhà nước xã hội chủ nghĩa này có thể tiếp tục tồn tại được không ? ». Trong hồ sơ của Libération về chủ đề này có bài phóng sự từ Caracas « Chávez vẫn sống, cuộc chiến tiếp tục ».

Bài báo ghi nhận những phản ứng hết sức khác nhau trong xã hội Venezuela trước sự kiện này. Hôm qua, « hàng chục nghìn người vô danh » đau xót đã tiễn đưa « con người đã trả lại cho họ nhân phẩm ». Ngày mai, tang lễ chính thức cử hành với sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, Libération ghi nhận phản ứng thận trọng của tầng lớp trung lưu, phố xá vắng người và các cửa hàng đều đóng cửa, thậm chí trong một số khu phố giầu có, còn có cả tiếng pháo nổ. Một thành viên đảng đối lập Primero Justicia lo ngại « một khoảng trống quyền lực ».

Xã luận Le Figrao - với hàng tựa « Cách mạng đã kết thúc » - khẳng định : « Ở châu Mỹ Latinh, ‘‘chủ nghĩa mỵ dân dầu lửa’’ đã mang lại một cơ hội sống thứ hai cho cuộc cách mạng, ra đời từ thời Chiến tranh lạnh. (…) cái chết của Hugo Chavez có thể sẽ khép lại hoàn toàn giai đoạn lịch sử này ».

Trong khi đó, đối với L’Humanité, Chavez là « El Libertador » (Người giải phóng trong tiếng Tây Ban Nha), như hàng tít chạy trên trang nhất bằng tiếng Tây Ban Nha. Tờ báo cộng sản khẳng định : « (…) cùng với Lula (cựu tổng thống Brazil), ông chính là người đã cho phép mở ra một hướng đi mới cho lục địa Mỹ Latinh, đem lại công lý cho những người chịu đựng những đau khổ trong chế độ thực dân trước đây, và các nền độc tài được đế quốc Hoa Kỳ hậu thuẫn ». L’Humanité dành số báo hôm nay cho lãnh đạo quá cố Venezuela.

Đối với tờ báo Công giáo La Croix, sự ra đi của ông Chavez mang đến nhiều câu hỏi…. Xã luận của La Croix bình luận : « Một giai đoạn bất ổn mở ra với đất nước của ông Chavez », với dự báo « Chính là không khí trong những tuần tới và sự trưởng thành của xã hội Venezuela sẽ cho phép đo lường được ảnh hưởng thực sự mà Hugo Chavez để lại ».

Chavez chuẩn bị kỹ người kế vị

Về người thay thế vào chức vị tổng thống, theo Le Figaro trong bài « Bầu cử sớm trong 30 ngày, một tương lai đầy triển vọng cho ‘‘người thừa kế’’ Nicolas Maduro », ông Chavez đã ý thức hơn ai hết về tình trạng sức khỏe của mình và đã bình tĩnh chuẩn bị người kế tục : ngoại trưởng Nicolas Maduro, một người thuộc cánh thân Cuba, được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng thống đầu tháng 12/2012.

Quân đội trong trung hạn được đánh giá là vẫn tiếp tục trung thành với chế độ Chavez. Trong khi đó, đối lập tỏ ra khó khẳng định vị thế, trong bối cảnh ông Chavez tiếp tục được thêm 10% dân chúng ủng hộ, theo một điều tra dư luận vào tháng 1/2013, cho dù ông không còn xuất hiện từ đầu tháng 12/2012.

Về người thừa kế ông Chavez, Le Monde có bài « Nicolas Maduro, người được vị Tư lệnh chỉ định », lược tả tính cách của phó tổng thống, có khả năng kế nhiệm. Mặc dù không có tài hùng biện của Chavez, theo nhận định của một nhà ngoại giao, ông Maduro có lập trường « rất tả », nhưng không phải là người bè phái, và điều đặc biệt là ông có khả năng lắng nghe, đối thoại và thương thuyết.

Bầu Giáo hoàng : Căng thẳng giữa phe Tòa thánh và các hồng y Mỹ - Đức

Cũng một cuộc quá độ quyền lực khác, nhưng không có người qua đời, đó là cuộc bầu chức giáo hoàng mới tại Vatican. Le Figaro chạy trên trang nhất hàng tựa : « Kế thừa Benedicto 16 : căng thẳng dâng lên tại Vatican ». Theo Le Figaro, nhóm cầm quyền tại Tòa thánh muốn quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra nhanh chóng và muốn « kiểm soát » việc thừa kế, trong khi đó, các hồng y Mỹ và Đức, đằng sau là nhiều người Ý, thì muốn Giáo hội có một dàn lãnh đạo mới. « Đối thoại căng thẳng giữa các hồng y » và « Phe Ý chống lại ‘‘người ngoại quốc’’ » là tựa đề hai bài viết trong hồ sơ này.

Quá trình chuẩn bị Mật nghị hồng y để bầu giáo hoàng mới diễn ra với nhiều kịch tính. Một cuộc họp báo của các hồng y bị hủy bỏ vào phút cuối vì tin tức rò rỉ, theo giải thích của một người phụ trách tổ chức. 113 hồng y đã có mặt, chỉ còn vắng hai người là đức ông Phạm Minh Mẫn (Việt Nam) và một hồng y Ba Lan. Hôm nay, các hồng y sẽ phải quyết định ngày khai mạc hội nghị bầu giáo hoàng.

Bộ đường sắt : Một trong các đối tượng đầu tiên của cải cách thời Tập Cận Bình

Nhìn sang Châu Á, Le Monde chú ý đến một dự án cải cách của ê kíp cầm quyền mới tại Trung Quốc qua bài : « Tại Trung Quốc, chính quyền mới công khai ý định cải cách ngành đường sắt ». Mục tiêu của cải cách là phân nhỏ cơ quan quản lý đường sắt đầy quyền lực và sau đó hợp nhất vào một siêu bộ quản lý ngành vận tải nói chung. Nội dung chính của cải cách bộ Đường sắt là tách cơ quan quản lý ra khỏi các hoạt động kinh doanh.

Bên lề Quốc hội Trung Quốc đang họp, bộ trưởng Đường sắt hé mở một chút thông tin về cuộc cải cách và bày tỏ thái độ ủng hộ, tuy nhiên, việc ông Sheng Guangzu (Thịnh Quang Tổ) từ chối khẳng định ông sẽ là viên bộ trưởng cuối cùng khiến dư luận nghi ngờ viễn cảnh cải cách. Theo Le Monde, có khả năng cuộc cải cách sẽ bị nhiều tập đoàn quyền lợi, hay « các nhóm lợi ích » theo một cách gọi thời thượng tại Trung Quốc, chống lại. Vào năm 2003 và 2008, cựu bộ trưởng Đường sắt Liu Zhijun (Lưu Chí Quân) đã từng ngăn cản được hai dự án cải cách ngành đường sắt Trung Quốc.

Điều tra lớn về những nguy cơ gây các bệnh tuổi già : 600.000 người Pháp tham gia

Về y tế, theo Le Monde trong bài « Nước Pháp tiến hành một cuộc điều tra y học cộng đồng chưa từng có », cho biết khoảng 200.000 người tình nguyện đại diện cho các thành phần dân cư nước Pháp sẽ tham gia vào cuộc điều tra. Mục tiêu của cuộc điều tra dài hơi, không giới hạn về thời gian này, do Viện Inserm tiến hành, là xác định những yếu tố rủi ro làm gia tăng các bệnh tật liên quan đến sự lão hóa như bệnh mất trí nhớ…

Bên cạnh 200.000 người tình nguyện, tuổi từ 18 đến 69, nhà dịch tễ học Marie Zins cho biết sẽ tập hợp hồ sơ của 400.000 người khác, dựa trên nguyên lý ngẫu nhiên, để khắc phục tính chất chủ quan do việc 200.000 người kể trên tham gia vào nghiên cứu này một cách tình nguyện.

Cứ năm năm một lần, những người tham gia thực nghiệm sẽ được làm một đợt khám nghiệm toàn diện. Các trắc nghiệm có mục tiêu đo lường sự biến đổi của các chức năng nhận thức, trí nhớ…, xác định sớm nhất có thể các dấu hiệu giảm sút trí tuệ, để hiểu rõ hơn quá trình bệnh tật gắn liền với lão hóa.

Mục tiêu của cuộc điều tra không chỉ là để cho thấy rõ ảnh hưởng của các bất bình đẳng kinh tế xã hội, hay các nguy cơ gắn liền với môi trường lao động, ô nhiễm không khí… mà còn các yếu tố rủi ro khác tạo thuận lợi cho các căn bệnh của tuổi tác, như Alzheimer, tiểu đường hay ung thư…

Chi phí cho 8 năm đầu tiên của chương trình nghiên cứu là 158 triệu euro, do CNAM chi trả, chủ yếu thông qua các dịch vụ khám bệnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.