Vào nội dung chính
NÔNG NGHIỆP

Mô hình sản xuất nông nghiêp toàn cầu đang hụt hơi

Kế hoạch kinh tế của Thủ tướng Pháp Manuel Valls đuợc Quốc hội thông qua, bầu cử Quốc hội tại Irak trong không khí bạo động, Ukraina : Đây là những hồ sơ được báo chí Pháp theo dõi và bình luận dông dài hôm nay 30/04/2014. Nhưng đáng chú ý có lẽ là bài trên báo Le Monde, về lương thực, sản xuất nông nghiệp. Bài báo trích thành tựa đánh giá của Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về quyền được có lương thực Olivier De Shutter : "Mô hình nông nghiệp toàn cầu đang hụt hơi". 

Một  cánh đồng lúa mì ở Texas, Hoa Kỳ.
Một cánh đồng lúa mì ở Texas, Hoa Kỳ. Getty Images/DHuss
Quảng cáo

Để nuôi sống hàng tỷ con người trên trái đất, phát triển nông nghiệp là điều tối cần thiết. Thế nhưng, theo ông Olivier De Schutter, nguyên Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền Lương thực, vấn đề đang đặt ra hiện nay là chúng ta phải nhanh chóng tìm ra một phương thức sản xuất nông nghiêp mới.

Theo ghi nhận của Le Monde, hôm nay là ngày luật gia người Bỉ Olivier De Schutter chính thức rời khỏi chức vụ sau 6 năm làm việc trong tư cách Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền Lương thực, tức là quyền của mỗi người được tiếp cận với thức ăn, nước uống. Trong nhiệm kỳ của mình, ông De Schutter đã chứng kiến nào là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về giá lương thực, nào là cuộc tranh luận chưa dứt về nhiên liệu sinh học, nào là tính trạng các nước có tiền nhưng thiếu đất đi "chiếm hữu đất đai" canh tác tại các nước đang phát triển, có đất nhưng thiếu tiền...

Mô hình sản xuất chạy theo năng suất đã lỗi thời

Qua những trải nghiệm đó, nguyên Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đã cho rằng mô hình nông - công nghiệp hiện hành đã lỗi thời và giải pháp cho những thách thức lương thực hiện nay sẽ không đến từ các Nhà nước mà đến từ các công dân.

 

Trả lời báo Le Monde, ông De Schutter trước hết ghi nhận bước tiến trong nhận thức của các nước về việc cần phải thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp để bảo đảm quyền được cung cấp lương thực của mọi người, một sự đồng thuận trong nhận thức mà ông cho là "không thể tưởng tượng ra" chỉ cách đây sáu năm thôi.

Ông De Schutter trước hết cho rằng thế giới ngày nay đã thấy rằng cần phải giúp đõ từng nước để họ tự nuôi dân, chứ vấn đề lương thực không thể dựa vào việc tập trung sản xuất tại các khu vực canh tác hiệu quả nhất, viện trợ lương thực và thương mại quốc tế.

 Điểm thứ hai là nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của vấn đề dinh dưỡng, một chủ đề hầu như đã bị lơ là từ ba mươi năm nay.

Và thứ ba, theo ông De Schutter, là nhận thức rõ ràng hơn về sự hụt hơi của mô hình nông nghiệp hiện hữu, dựa trên thâm canh (dùng phân bón và thuốc trừ sâu) và lệ thuộc ngày càng nhiều vào việc công nghiệp hóa nông nghiệp.

Đối với ông De Schutter, ngày nay, rất nhiều người đã thấy là cần phải thay đổi hướng đi, để tiến tới một mô hình gọi là nông nghiệp-sinh thái (agroecologie). Vấn đề khó khăn tuy nhiên lại là làm sao đi được từ nhận thức đến hành động cụ thể.

Bốn trở ngại cần phải dỡ bỏ

Theo chuyên gia De Schutter, hiện nay có bốn chướng ngại vật đang cản đường tiến tới một nền sản xuất nông nghiêp-sinh thái.

Đầu tiên hết là cản lực công nghệ học vì quá trình hiện đại hóa nông nghiệp trên thế giới cho đến giờ chỉ được thực hiện theo một mô hình năng suất trên hết.

Cản lực thứ hai là mang tính chất kinh tế xã hội : Hiện nay, thị trường bị các tác nhân lớn chiếm lĩnh, cả về đầu vào (hạt giống, phân bón...) lẫn đầu ra tức là ngành công nghiệp chế biến sản xuất. Cơ hội dành cho các tác nhân nhỏ hơn để tiến hành cải cách do đó rất hạn chế.

Trở ngại thứ ba là văn hóa : Lối sống vội vã trong xã hội ngày nay đã làm cho con người phải lệ thuộc vào các loại thực phẩm được chế biến và nấu nướng dễ dàng.

Cuối cùng là trở ngại chính trị : Các chính phủ hiện rất nhạy cảm với lợi ích của các đại tập đoàn công nghiệp-thực phẩm, làm cho các tập đoàn này mặc nhiên có quyền phủ quyết trên tất cả các cố gắng thay đổi.

Cần phải phát huy nông nghiệp gia đình

Đối với ông De Schutter, ngày nay đã có một nhận thức rằng nông nghiệp gia đình có thể góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, quản lý hợp lý các hệ sinh thái hoặc bảo vệ tính đa dạng của sản xuất nông nghiệp và các hệ thống thực phẩm.

Tuy nhiên, chỉ có vài chính phủ có phương tiện tài chánh để phát huy nông nghiệp gia đình. Theo ông De Schutter, Brazil là một ví dụ hiếm hoi của một quốc gia hiểu được sự cần thiết phải tổ chức sự song song tồn tại giữa hai ngành nông nghiệp công nghiệp và gia đình, và có khả năng tài trợ cho chính sách của mình.

Cần phải dân chủ hóa các hệ thống lương thực thực phẩm :  người dân phải có một vị trí quan trọng trong việc ra quyết định

Trong bài phỏng vấn dành cho Le Monde, nguyên Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đặc trách Quyền Lương Thực đã thú nhận rằng nhận thức của ông cũng đã thay đổi sau 6 năm làm việc : "Tôi từng tin tưởng vào năng lực tối cao của Nhà nước, nhưng ngày nay tôi lại tin vào sức mạnh tối cao nền dân chủ".

Đối với ông De Schutter, mọi người không nên chờ đợi một cách thụ động sự giúp đỡ của các chính phủ. Lý do là các cản lực trói tay các chính phủ quá nhiều, các áp lực trên họ là điều hiển nhiên, trong lúc các tác nhân chống lại sự thay đổi lại quá mạnh.

Trong bối cảnh đó, ông De Schutter cho rằng tiến trình cải tạo các hệ thống lương thực sẽ bắt đầu từ các sáng kiến ​​địa phương. Tại những nơi từng được ông thăm viếng, ông đã chứng kiến cảnh những người dân không còn muốn tiếp tục bị coi là người tiêu dùng đơn thuần hay là cử tri tiềm tàng, mà lại muốn trở thành tác nhân thực sự của sự thay đổi, bằng cách phát minh ra các phương cách sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm hơn.

Vào cuối bài phỏng vấn, ông Olivier De Schutter đã chuyển đến các chính phủ trên thế giới một thông điệp đơn giản : Cần phải dân chủ hóa các hệ thống lương thực thực phẩm.

Điều đó, theo ông, có nghĩa là các Nhà nước phải thừa nhận rằng họ không nắm giữ tất cả các giải pháp cho vấn đề lương thực, mà phải cho người dân của họ một vị trí quan trọng trong việc ra quyết định.

"Ngày nay, tôi tin tưởng nhiều hơn vào một quá trình chuyển đổi do các sáng kiến ​​từ bên dưới quy định thay vì do các quy tắc áp đặt từ bên trên".

Quân báo Nga GRU tại miền Đông Ukraina

Về tình hình miền đông Ukraina, Le Figaro và Libération chú ý đến lực lượng thân Nga, "ngày càng tiến công thắng lợi" – như tít của Libération. Họ ngày càng kiểm soát thêm cơ sở chính quyền, hầu như không gặp một sự kháng cự mạnh mẽ nào.

Le Figaro nêu bật nhân vật chỉ huy lực lượng ly khai ở Ukraina : Đại tá Nga Strelkov, mà trong một thời gian dài, cơ quan an ninh Ukraina chỉ có một chân dung vẽ mà thôi. Đại tá Strelkov thật ra thuộc cơ quan gọi tắt là GRU. Theo Le Figaro, đây là cơ quan bí mật nhất của Nga, bí mật hơn cả FSB –KGB cũ. Không lạ, vì GRU là cơ quan quân báo Nga.

Rốt cuộc viên đại tá kỳ bí này đã xuất hiện và trả lời báo chí cuối tuần qua ở Slaviansk, và ông đã tuyên bố lạnh lùng : "Không ai gây ra một cuộc chiến thế giới thứ 3 vì Slaviansk, vì Ukraina."

Le Figaro cho là đến giờ này, Nga vẫn phủ nhận các hoạt động của cơ quan GRU ở miền đông và nam Ukraina.

Châu Âu nhút nhát trong việc trừng phạt Nga

Ngoài ra Le Figaro, cũng như Le Monde và Les Echos rất chú ý đến các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây – phong tỏa tài sản, cấm thị thực nhập cảnh thêm một số người - mà như tựa của Le Monde nêu bật - "đang áp sát giới thân cận của Putin", nhắm vào những người, như le Figaro giải thích, "có vai trò trục tiếp trong những diễn biến ở Đông Ukraina, và trong đó, theo tờ báo, có hai lãnh đạo của GRU.

Les Echos nhìn trừng phạt của Châu Âu và chỉ trích rằng đấy chỉ là các biện pháp trừng phạt tối thiểu. Tờ báo tỏ vẻ bất bình, cho là Châu Âu chỉ trừng phạt một nhóm nhân vật thứ yếu.

Trong danh sách 15 người mà Bruxelles thông báo hôm qua, 29/04, có thể bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh châu Âu, tờ báo công nhận là có một vài nhân vật nặng ký : Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov, hay hai phó chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, tiếc là không có các lãnh đạo tập đoàn hay nhân vật chính trị có ảnh hưởng.

Nguyên nhân sự nhút nhát này của Châu Âu, theo Les Echos, là vì EU muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở Nga, nhất là khi Châu Âu còn lệ thuộc vào khí đốt của Nga.

Nhưng bên cạnh vấn đề khí đốt này, tờ báo còn nhìn thấy quyền lợi riêng từng nước, dẫn đến bất đồng trong việc trừng phạt Matxcơva : nếu các nước Baltic, Ba Lan, Thụy Điển, vốn rất nghi kỵ Nga, hay Pháp và Anh, sẵn sàng trừng phạt đích đáng Nga, thì ngược lại nước Đức lại là một đầu tàu thì không mấy sốt sắng, vì Đức là nước đầu tư chính vào Nga.

Một dấu hiệu khác cho thấy Châu Âu rất dè dặt là thông báo về các biện pháp trừng phạt mới, chỉ được đưa ra sau cuộc họp cấp đại sứ chứ không phải là cấp bộ trưởng ngoại giao.

Và Matxcơva, theo Les Echos, đã thấy rõ vấn đề cho nên đã không đe dọa trả đũa Châu Âu, mà chỉ đánh giá là các quốc gia Châu Âu ‘theo lệnh’của Mỹ. Ngược lại Nga nêu bật ý chí trả đũa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Merkel đi Mỹ trong bối cảnh hai bên có nhiều bất đồng

Cũng trên bình diện quan hệ, Les Echos chú ý đến chuyến đi Mỹ vào thứ Sáu tới đây của Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong bối cảnh quan hệ giũa hai đồng minh đã mất đi phần nào sự đằm thắm. Cho nên tờ báo đã chạy tựa ở trang quốc tế : "Merkel và Obama sẽ cố giải quyết các mối bất đồng".

Les Echos nhắc lại bối cảnh : Chuyến đi Washington của bà Merkel diễn ra sáu tháng sau khi bà phát hiện điện thoại di động của bà bị tình báo Mỹ nghe lén. Cho nên trong cuộc tiếp xúc với ông Onama, nếu Ukraina, và việc trừng phạt Nga là chủ đề trọng tâm, thì nổ lực chính của hai người là làm sao đưa quan hệ giữa hai nước đồng minh thân thiết này trở lại thắm thiết như xưa.

Tờ báo  phân tích : Về phía Đức, vụ xì căn đan theo dõi, nghe lén của cơ quan tình báo Mỹ NSA đã để lại dấu vết nghiêm trọng, người Đức không đùa với việc bảo vệ dữ liệu, việc theo dõi nghe lén, gợi lại cho họ các chế độ trước, Quốc xã và Cộng sản.

Bà Merkel cũng biết là bà sẽ không đạt được thỏa thuận "không theo dõi lẫn nhau" – như Anh và Úc đã đạt - nhưng ít ra bà sẽ đòi phía Mỹ xóa đi ‘hồ sơ’ của bà trong phần dữ liệu liên quan đến các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ.

Les Echos cho là trong chờ đợi thì bà Merkel sẽ bộc lộ thái độ bất bình bằng cách đến phát biểu, vào thứ Sáu, ở Phòng Thuơng mại, nơi ông Obama bị chống đối trên nhiều hồ sơ, như hồ sơ cải cách y tế hay lương tối thiểu. Ngược lại bà Merkel đã từ chối lời mời của một trung tâm tham vấn thân cận với đảng Dân Chủ.

Đấy là về phía Đức. còn phía Mỹ, thì Washington không vui trước việc Berlin muốn đặt trọng tâm chuyến đi của Thủ tướng Đức trên các vấn đề kinh tế, nhất là trên thỏa thuận đối tác kinh tế Mỹ Châu Âu TTIP.

Ngược lại trong bối cảnh khủng hoảng tại Ukraina hiện nay, Washington muốn Đức gánh vác một vai trò ngoại giao quan trọng hơn, muốn Đức trùng phạt mạnh mẽ hơn Matxcơva, nếu Nga gia tăng sức ép hay không giảm sức ép đối với Ukraina.

Có điểu theo Les Echos, yêu cầu đó không dễ gì được bà Merkel chấp nhận, vì dư luận Đức không thấy cần thiết là phải trừng phạt Nga nặng nề hơn. Theo một cuộc thăm dò mới đây thì một nửa (hơn 49%) người Đức muốn Berlin đóng vai trò trung gian giữa NATO, Liên Hiệp Châu Âu và Nga.

Tuy nhiên,  Les Echos nhận định là hai lãnh đạo Đức Mỹ không thể phơi bày bất đồng, cho nên Tổng thống Mỹ sẽ tiếp đón bà Markel một cách trịnh trọng, dành cho Thủ tướng Đức một cuộc gặp 4 tiếng đồng hồ, một cử chỉ thân thiện mà Berlin đánh giá cao.

Bộ trưởng Pháp đích thân ra tận sân bay đón du khách !

Về nước Pháp, La Croix hôm nay chú ý đến một sư kiện cho thấy Paris rất chú trọng đến du lịch, đó là Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazenave, thứ Hai, 28/04, vừa qua đã ra tận sân bay Roisy, Paris, để đón du khách !

‘ Bienvenue en France !’: Đây là, theo bài báo, những lời mà hai bộ trưởng đón chào các du khách đầu tiên trong ngày đến tù chuyến bay từ Bắc Kinh. Hai vị bộ trưởng đi thị sát phi trường quốc tế Pháp.

Trong quan điểm của Paris hiện nay, theo La Croix, cần phải có sự đón tiếp tốt ngay từ phi trường để thu hút du khách. Phi trường là cuộc tiếp xúc đầu tiên với đất nước mà người ta đến viếng.

Tờ báo trich lời ngoại trưởng Fabius, cũng đang đặc trách về du lịch, cho biết : "Có gần 100 triệu người đến và đi từ sân bay này hàng năm, và một phần không ít lần đầu tiên tiếp xúc với nước Pháp. Cho nên việc đón tiếp đàng hoàng rất là quan trọng."

Trong việc đón tiếp này các khâu từ bản hướng dẫn, thông tin cho hành khách, cho đến thời gian làm thủ tục hải quan, cửa khẩu, lấy hành lý, đều được xem xét tỉ mỉ. Ngoại trưởng Pháp còn muốn ấn định giá cả taxi để hành khách biết trước, tránh bị lạm dụng.

Ngành du lịch hiên nay, theo La Croix, tạo ra 7% công việc làm ở Pháp, cho nên mong muốn của Pháp là đưa du khách đến các vùng chứ không chỉ Paris

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.