Vào nội dung chính
OLYMPIC 2012

Olympic Luân Đôn : Vụ bê bối môn cầu lông gây phẫn nộ dư luận

Vụ bê bối về thái độ thi đấu của các vận động viên cầu lông tại Thế vận hội Luân Đôn hôm qua đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận người hâm mộ thể thao ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt là châu Á, nơi cầu lông là một môn rất phổ biến và ưa chuộng. Chưa đầy một tuần nhưng đã có không ít sự cố xảy ra trên đấu trường Olympic.

Trọng tài cảnh cáo hai đội Trung Quốc (phải) và Hàn Quốc không hết mình thi đấu (REUTERS)
Trọng tài cảnh cáo hai đội Trung Quốc (phải) và Hàn Quốc không hết mình thi đấu (REUTERS)
Quảng cáo

07:41

Thông tín viên Lê Hải từ Luân Đôn

Mặc dù án kỷ luật truất quyền thi đấu đã được đưa ra với 8 vận động viên liên quan, Liên đoàn cầu lông quốc tế cũng đã lên tiếng xin lỗi và nữ vô địch thế giới người Trung Quốc Ư Dương tuyên bố từ giã môn cầu lông, nhưng hôm nay, trên các diễn đàn internet ở những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia, hàng triệu người đã viết lời chỉ trích thậm tệ nhắm vào các vận động viên chơi xấu.

Tại Anh Quốc, dư luận thể thao còn đi xa hơn gọi đây là bê bối của cả ngành cầu lông đã tồn tại từ nhiều năm qua. Nhiều tiếng nói còn đề nghị xem lại khả năng đưa môn thi đấu này ra khỏi chương trình thi đấu của Thế vận hội mùa hè. Từ Luân Đôn thông tín viên Lê Hải cho biết thêm chi tiết :

Làn sóng phẫn nộ trước cách chơi phi thể thao

Vụ tai tiếng trong giải cầu lông Olympics tiếp tục nóng lên với lời tuyên bố giải nghệ của vận động viên Ư Dương của đội tuyển Trung Quốc sau án kỷ luật quốc gia buộc phải xin lỗi trước công chúng, tiếp nối quyết định của hiệp hội cầu lông thế giới loại cả 8 vận động viên có liên quan ra khỏi giải Olympics năm nay. Vụ việc nổ ra trong 2 trận đấu vòng loại của giải đôi nữ cầu lông.

Hai vận động viên Trung Quốc đã nắm chắc chiếc vé vào vòng trong giải thích rằng họ muốn giữ sức nên thi đấu kém phong độ, liên tục đánh hỏng. Trọng tài thì cho rằng họ cố tình đánh thua để khỏi phải gặp đồng hương khi xếp bảng vòng trong, và khán giả trên sân cũng nghĩ như vậy cho nên la ó phản đối. Suy nghĩ phản thể thao này không chỉ lan truyền từ cặp đôi nữ Trung Quốc sang hai đối thủ người Hàn Quốc mà còn lây sang cả một trận đấu khác giữa một đôi nữ Hàn Quốc và đôi nữ Indonesia.

Hiệp hội cầu lông thế giới ngay lập tức đã họp hội đồng kỷ luật và ra quyết định loại tất cả 8 vận động viên này ra khỏi giải. Đó sẽ là bài học nghiêm khắc về thái độ thi đấu cho tất cả các vận động viên đang tiếp tục thi đấu tại Olympics Luân Đôn 2012. Và mặc dù hiệp hội cầu lông quốc tế đã xin lỗi, nhưng báo chí vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về tương lai của môn thể thao này trong danh sách thi đấu của giải Olympics 2016 ở Rio de Janeiro của Brazil hay không.

Bài bình luận trên tờ báo Guardian không chỉ mỉa mai gọi vụ việc này là Badmingtongate mà còn nói chính hiệp hội cầu lông là người đã gây ra vấn nạn thi đấu dàn xếp kiểu như vậy. Các tờ báo Mỹ thì còn nặng lời hơn, như tờ Los Angeles Times coi vụ này là cơn chấn động cho tất cả giới thể thao trên thế giới. Báo USA Today thì nói đây chỉ là tảng băng nổi của thái độ thi đấu không hết mình đang rất phổ biến ở rất nhiều nơi và trong các giải nhỏ. Điểm đáng chú ý là người ta không nhắc mấy đến yếu tố Trung Quốc hay châu Á trong vụ này mà đều nhìn vào vấn đề sâu rộng hơn là đạo đức trong thể thao.

Theo đánh giá của tờ Telegraph của Anh, thì thái độ thi đấu như vậy bị coi là xấu xa ngang với việc ăn tiền dàn xếp tỷ số. Tờ báo này còn lật lại lịch sử và chỉ ra những vụ việc nổi cộm trong vòng 10 năm qua, kể cả chỉ đạo của trưởng đoàn Trung Quốc ở Olympics Athens để tăng cơ hội đoạt huy chương vàng cho đoàn. Khi nhìn theo góc này thì có thể thấy rất rõ là năm ngoái các vận động viên Trung Quốc đã bỏ đến 20 trận khi gặp đồng hương, hoặc trắng trợn bỏ thi đấu hoặc xin thua giữa chừng. Tuy nhiên, kiểu thi đấu này hiện nay không chỉ tồn tại riêng trong đội tuyển Trung Quốc nhân danh tinh thần dân tộc, mà đang lan sang các đội tuyển khác khiến cho hiệp hội cầu lông phải đặt mục tiêu xử lý hàng đầu.

Nhiều rắc rối trong thi đấu xảy ra sau ít ngày thi đấu

Sau gần một tuần thi đấu, mùa giải thế vận hội năm nay không chỉ sôi động với các chiến thắng bất ngờ mà cả nhiều điều tai tiếng. Chỉ vì đồng hồ bỗng nhiên trục trặc và dừng lại một giây mà nữ kiếm thủ của Hàn Quốc đã bị mất chiến thắng vào tay đối thủ người Đức. Shin A Lam đã ngồi lỳ trên sàn đấu khóc ròng suốt một tiếng đồng hồ để khiếu kiện, nhưng cuối cùng cô bị bảo vệ lôi ra khỏi sân và mất cơ hội vào đấu chung kết.

Trong tinh thần kiệt quệ cô cũng nhanh chóng xuôi tay trong trận giành huy chương đồng. Hiệp hội đấu kiếm quốc tế sau đó có hành động sửa sai bằng quyết định sẽ trao tặng riêng cho cô một huy chương đặc biệt trong vài ngày tới như một lời xin lỗi.

Tổ trọng tài của môn quyền anh cũng đang bị chỉ trích mạnh. Và đặc biệt là môn thể dục dụng cụ năm nay ghi nhận một vụ chiến thắng bằng khiếu kiện. Đội tuyển nam tổng hợp của Ukraina mất huy chương đồng vì Nhật Bản khiếu kiện thành công, và ngay cả đội tuyển Anh đang vui mừng với vị trí số 2 đã phải ngậm ngùi nhận huy chương đồng vì Nhật Bản nhờ khiếu kiện mà được thêm nửa điểm quyết định.

hưng ban tổ chức Olympics London 2012 được đánh giá cao như qua việc tổ chức họp báo ủng hộ cho nữ vận động viên bơi lội trẻ tuổi người Trung Quốc, thần đồng 16 tuổi Ye Shiwen, bị dư luận đàm tiếu và nghi ngờ sử dụng dopping. Có lẽ vận động viên và khán giả sẽ rất nhớ khu hồ bơi này vì những kỳ tích của đội tuyển Trung Quốc và hàng loạt kỷ lục thế giới được lập ở đây, một điều lạ vì xưa nay trình độ Olympics thường kém hơn các cuộc đua khác.

Và tất nhiên, cả khán giả Mỹ lẫn dân mê bơi trên thế giới đều sẽ không quên được từng chi tiết nhỏ mỗi khi quán quân Michael Phelps xuất hiện. Tổng thống Barrack Obama cũng phải lên trang mạng Twitter để gửi thông điệp đặc biệt chúc mừng người vận động viên đang giữ danh hiệu quán quân mọi thời đại sau khi anh lại thắng thêm huy chương thứ 19 và tiếp tục giành thêm giải thưởng cho màu cờ sắc áo mà anh tự hào là quốc gia hạng đầu thế giới.

Nước chủ nhà thỏa mãn với kết quả dù chậm chân

Nhìn sang đội chủ nhà thì khán giả bắt đầu hài lòng với huy chương vàng đầu tiên do đôi nữ Heather Stanning và Helen Glover giành được sau 2.000 mét chèo thuyền. Với một cường quốc thể thao như Anh quốc thì chuyện chậm có huy chương cũng khiến truyền thông quốc tế đặt câu hỏi và không ít bình luận viên có phần ngậm ngùi.

Tương tự vậy sau ngày thi đấu đầu tiên đội xe đạp đường trường của Anh không kiếm được giải gì dù mất nhiều công chuẩn bị, và bất ngờ ngày hôm sau nữ vận động viên xe đạp Lizzie Armistead lại đem về huy chương bạc trong một ngày mưa tầm tã. Dù sao thì giới chuyên môn cũng biết thực lực của đội nhà ra sao nên họ cũng không kỳ vọng nhiều như các phóng viên nước ngoài.

Ngay hôm khai mạc thủ tướng Anh David Cameron cũng nói là không kỳ vọng vào huy chương của đội tuyển bằng cơ hội phát triển kinh tế cho Luân Đôn. Tuy nhiên, đó chỉ là một cách nói ra vẻ lạnh lùng bên ngoài của người Anh, vì mấy ngày sau người ta đã thấy ông thủ tướng ngồi trên khán đài chăm chú theo dõi môn nhảy cầu đôi nam, nét mặt đăm chiêu khi thấy các vận động viên Đức quá chuẩn xác còn các ngôi sao trẻ của Trung Quốc quá điêu luyện.

Nếu quí vị theo dõi các trận đấu qua màn ảnh nhỏ sẽ luôn thấy những nhân vật nổi tiếng của nước Anh ngồi trên khán đài, một phần vì họ muốn quảng bá hình ảnh nước Anh, nhưng một phần cũng vì muốn đến tận nơi cổ vũ cho màu cờ sắc áo. Khán giả người Anh thì khỏi phải nói, cờ Anh áp đảo trên khán đài và cả bên ngoài nữa. Rất nhiều người đổ về các khu màn ảnh rộng ngoài trời để cùng xem thể thao.

Ngay cả thị trưởng London Boris Johnson khi mắc kẹt trên đu dây trong một sự kiện như vậy cũng không quên thể hiện tính hài hước và nhất là không thể nào rời mắt khỏi màn hình đang tường thuật cuộc đua thuyền. Ngay cả gia đình hoàng gia cũng không thể nào che giấu được cảm xúc khi cùng kéo nhau đến sân đua ngựa vượt rào để ủng hộ tiểu thư Zara Phillips, con gái của công chúa Anne, nữ kỵ sĩ cũng từng nổi tiếng với các giải đua ngựa Olympics và người chồng cũng là vận động viên đua ngựa sáng giá.

Huy chương bạc đồng đội trên vai cô do chính mẹ trao chắc chắn sẽ làm vui lòng bà ngoại là nữ hoàng, cũng giống như đã làm mãn nguyện có đến 20.000 khán giả người Anh trên sân, và cả triệu người Anh khác qua màn ảnh truyền hình hay trang nhất các báo. Nhìn chung, có thể thấy đến giờ phút này báo chí Anh quốc rất hài lòng với mùa giải năm nay, và ban tổ chức Olympics London 2012 mãn nguyện đạt mục tiêu khiêm tốn mà họ đã đề ra từ nhiều năm trước là động viên tinh thần thể thao cho một thế hệ trẻ người Anh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.