Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Mikhail Gorbachev : Phương Tây ngưỡng mộ, người Nga oán giận

Sự kiện chính của các báo Pháp ra sáng 01/09/2022 là Mikhaiil Gorbachev, lãnh đạo cuối cùng của Liên Bang Xô Viết, qua đời ở tuổi 91. Hình ảnh ông Gorbachev của những năm cuối thập kỷ 1980 xuất hiện trên trang nhất của hầu hết các tờ báo lớn cùng nhiều trang bài về một nhân vật lịch sử mà trong một thời gian không dài đã có ảnh hưởng lớn đến cục diện thế giới trong thế kỷ 20. Di sản chính trị của ông vẫn còn gây nhiều nhiều tranh cãi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến viếng cố tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbatchev tại Bệnh viện Trung ương, tại Matxcơva, Nga, ngày 01/09/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến viếng cố tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbatchev tại Bệnh viện Trung ương, tại Matxcơva, Nga, ngày 01/09/2022. AP
Quảng cáo

Nhật báo Le Monde có bài « Di sản trái ngược của Gorbachev » ghi nhận những đánh giá khác nhau về nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Xô Viết. Tờ báo trích dẫn những lời ca tụng của các lãnh đạo phương Tây đánh giá ông là nhân vật của « hòa bình » đã làm « thay đổi dòng chảy lịch sử », người « mở ra con đường tự do cho châu Âu »

Trong khi đó thì tại quê hương ông, việc định công luận tội Gorbachev vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Không ít người căm ghét ông, cho rằng chính ông là người đã phá vỡ Liên bang Xô Viết hùng cường, mà sau này tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đó là « tai họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20 ». Cho dù Mikhail Gorbachev đã nhiều lần nhắc lại rằng ông chưa bao giờ có ý muốn phá vỡ Liên Xô.

Các báo đều có chung ghi nhận, dù gì thì chỉ trong chưa đầy 7 năm lãnh đạo một cường quốc đứng đầu khối Xã hội chủ nghĩa, Mikhail Gorbachev đã làm được rất nhiều việc cho đất nước của ông, tạo được một bầu không khi dân chủ, tự do trong một xã hội Cộng sản với những cải cách mạnh mẽ và nhất là đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây kéo dài gần nửa thế kỷ.

Trong bài xã luận mang tiêu đề « hai di sản để lại của Mikhail Gorbachev », Le Monde nhận định : « Với phương Tây, tên ông đồng nghĩa với kết thúc chiến tranh lạnh, với đất nước mình, ông là kẻ phá hoại sự vĩ đại của nước Nga » và dường như giờ đây, ông Vladimir Putin đang cố gắng phục thù.

Trong bài xã luận mang tiêu đề « Ý nghĩa của lịch sử », Le Figaro ghi nhận : « Có những trường hợp người ta chôn người quá cố cùng với những trách cứ. Việc này không xảy ra với Mikhail Gorbachev, người được phương Tây ca ngợi là con người của hòa bình, ở nước Nga lại bị khinh ghét như là kẻ đào mồ chôn đế chế Liên Xô ». Tờ báo nhấn mạnh, từ hơn hai mươi năm nay, Vladimir Putin đã tiến hành sửa chữa sai lầm đó. Đó là một cuộc lội ngược dòng lịch sử. Bài học cũng có giá trị với Tập Cận Bình rằng không nên minh bạch (Glasnost) quá sớm với người Trung Quốc. Các cường quốc đang trên đường đối đầu trực tiếp với nhau. Đó chính là di sản Gorbachev để lại.

Sự khác biệt giữa Gorbachev và Putin

Nhật báo Công Giáo La Croix nêu sự khác biệt khá thú vị giữa Gorbachev, người khởi xướng perestroika và Putin, người bảo vệ « sự vĩ đại Nga ».

Xã luận tờ báo ghi nhận : « Năm 1989, Gorbachev muốn giúp chế độ biến chuyển tốt lên để ngăn chặn tắm máu ở châu Âu khi bức tường Berlin sụp đổ. Hơn ba mươi năm sau, Vladimir Putin thì ngược lại đã không ngần ngại tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc giữa lòng châu Âu, nhân danh nước Nga ».

Trong một khía cạnh khác nhật báo Les Echos có bài viết nghi nhận « tại Nga, Mikhail Gorbachev để lại kỷ niệm của một lãnh đạo bị ghét bỏ ». Tờ báo cho thấy, cha đẻ của công cuộc cải tổ perestroika nổi tiếng được đa số người dân Nga coi là phải chịu trách nhiệm đã làm tan vỡ một siêu cường và thời kỳ hậu Cộng sản kiệt quệ kinh tế. Tờ báo khẳng định, hiện tại ở Nga, có bao nhiêu người căm ghét Gorbachev thì có bấy nhiêu người yêu quý Putin. Sau hơn 30 năm Liên Xô sụp đổ, với đại đa số người dân Nga, vị lãnh đạo Xô Viết cuối cùng này là biểu tượng cho những năm tháng khủng hoảng kinh tế, rối loạn xã hội và mất ảnh hưởng trên trường quốc tế. Trái lại lãnh đạo hiện nay ở Kremlin trong suy nghĩ của người dân là hiện thân cho sự ổn định tìm được lại của đất nước Nga.

Theo Les Echos, uy tín của ông Putin lên cao ở Nga phần nào có thể lý giải được bằng chính sự mất uy tín của Gorbachev, rồi sau đó là Boris Eltsin. Người Nga không thực sự có trải nghiệm dân chủ, giờ vẫn so sánh nước Nga ngày nay với đoạn cuối hỗn loạn của Liên Xô, rồi đến thời kỳ kiệt quệ hậu chế độ Cộng sản.

Bài học cho Trung Quốc

Vẫn xung quanh chủ đề về Gorbachev, nhật báo Libération có bài : « Với đảng Cộng sản Trung Quốc, một cảnh cáo và tấm gương xấu ». Theo Libération, quá trình dân chủ hóa và tự do hóa chính trị do Mikhail Gorbachev tiến hành, kéo theo Liên Xô sụp đổ đã được Bắc Kinh nhìn nhận như là tấm gương xấu không nên noi theo để bảo đảm sụ tồn vong của chế độ.

Tờ báo ghi nhận : « Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng độc quyền trị vì một đế chế đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, đa tôn giáo, giờ đây tin tưởng rằng để bảo đảm sự tồn vong, đảng không được chấp nhận bất kỳ phê phán nào, phải đề bẹp mọi sự kháng cự của dân chúng bên ngoài quyền lực tuyệt đối của mình ». Đó có thể là dân Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ hay người Hồng Kông. Trong bối cảnh Đại hội đảng giữa tháng 10 tới, hơn bao giờ hết cần phải bêu xấu vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô này, chứ không thể ca tụng được. Gorbachev phải là sự cảnh cáo đối với tất cả những người ở Trung Quốc có ý định cải cách chính trị.

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị khai mạc

Liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde đề cập đến sự kiện đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 16/10 tới, với bài « Tập Cận Bình sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ 3 ».

Theo Le Monde, kỳ đại hội này sẽ có rất nhiều sự thay đổi. Nhưng thay đổi gì thì sẽ vẫn cho một kết quả chung thấy trước là ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo Nhà nước, đảng và quân đội. « Ông Tập Cận Bình sẽ lại là lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới, đứng đầu một tổ chức chính trị quyền lực nhất thế giới và chỉ huy một quân đội có ngân sách hàng năm lên tới hơn 200 tỷ đô la », Le Monde nhấn mạnh.

Theo các phân tích của giới quan sát chính trị Trung Quốc, với việc sửa đổi Hiến pháp, ông Tập cận Bình sẽ lãnh đạo Trung Quốc suốt đời, nếu có sự thay đổi nào ở kỳ Đại hội này thì đó là những thay đổi sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo cấp dưới. Tất cả những việc này đã diễn ra trong hậu trường từ nhiều tháng qua.

Le Monde ghi nhận, theo giới quan sát, kết quả nhiệm kỳ vừa qua của ông Tập Cận Bình không thể nói là tích cực được. Tăng trưởng kinh tế giảm liên tiếp nhiều năm, chính sách Zero Covid thất bại, dự án « Con đường tơ lụa mới » bị sa lầy, ngoại giao thì bị phần lớn các nước trên thế giới nhìn nhận là hung hăng, chính sách đàn áp ở Tân Cương cũng như ở Hồng Kông bị dư luận phương Tây lên án dữ dội. Giới quan sát nhận thấy Tập Cận Bình là « một nhà tư tưởng làm cô lập Trung Quốc với phần còn lại của thế giới ».

Đảng lo dân nghèo đi ?

Trong một bài viết cùng chủ đề, Le Monde ghi nhận một thực tế là gần đến ngày diễn ra Đại hội Đảng, hiện tại chế độ Trung Quốc đang lo ngại những căng thẳng xã hội bùng lên do những bê bối trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản gần đây, do kinh tế giảm tốc. Từ lâu nay tăng trưởng kinh tế đã giúp Trung Quốc che lấp được nhiều vấn đề xã hội, nhưng giờ đây kinh tế Trung Quốc không còn có thể tăng trưởng mạnh như trước nữa.

Tờ báo nhận thấy, cách đây 30 thập kỷ, năm 1992, để dân chúng quên đi vụ đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã hô hào người dân quay lưng lại với chủ nghĩa Mao với khẩu hiệu « làm giầu là vinh quang ». Nhưng sau ba thập kỷ phát triển kinh tế ngoạn mục, những người kế tục Đặng Tiểu Bình đang phải đối mặt với thách thức mới mang tính sống còn cho đảng Cộng sản : Làm sao tránh để tầng lớp trung lưu ra đời từ những năm tháng vẻ vang vừa qua không bị nghèo đi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.