Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Châu Âu lo ngại « đồng tham chiến », Putin thủ lợi

Cuộc đấu tay đôi Trump-Biden được khẳng định sau ngày Super Tuesday ở Mỹ ; sau 5 tháng chiến tranh, Gaza rơi vào hỗn loạn ; hồ sơ Ukraina, Trung Quốc là các chủ đề được báo Pháp đề cập nhiều nhất hôm nay, 07/03/2024. Theo chuyên gia Jérémie Gallon trên Le Figaro, thay vì lo lắng về tư cách « đồng tham chiến », các nhà lãnh đạo châu Âu cần hiểu rằng chiến tranh Ukraina là cơ hội cuối cùng để chứng tỏ châu lục vẫn hùng mạnh.

Ảnh minh họa : Các binh sĩ Ukraina thuộc đơn vị phòng không của Lữ đoàn cơ giới số 93 ở mặt trận gần Bakhmut, Ukraina, ngày 06/03/2024.
Ảnh minh họa : Các binh sĩ Ukraina thuộc đơn vị phòng không của Lữ đoàn cơ giới số 93 ở mặt trận gần Bakhmut, Ukraina, ngày 06/03/2024. REUTERS - RFE/RL/Serhii Nuzhnenko
Quảng cáo

Cử tri của bà Haley được săn đón

Les Echos nhận thấy « Sau khi Nikki Haley rút lui, Donald Trump đứng trước thử thách tập hợp cánh hữu ». Tối thứ Ba, cựu tổng thống đã thắng tại 14/15 bang, chỉ để lại bang Vermont nhỏ bé cho đối thủ Haley. Giờ đây ông Trump phải cố gắng mở rộng các giới ủng hộ, ông kêu gọi đoàn kết trong đảng để đánh bại Joe Biden.

Đối với La Croix, việc tranh cử của Nikki Haley không phải là vô ích, vì đã chứng tỏ khoảng 20 % cử tri Cộng Hòa không muốn cựu tổng thống quay trở lại, và muốn hoặc bỏ phiếu trắng, thậm chí bầu cho ông Biden để cản đường ông Trump. Một nhà quan sát nhận xét, Nikki Haley có thể chứng tỏ mình đã sáng suốt khi báo trước thất bại của Donald Trump vào tháng 11, và có được một vai trò sau đó.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc hôm qua nhắc lại những chủ đề chính, như một cách nhắc nhở trọng lượng chính trị của bà trước Donald Trump : quản lý chặt tài chánh công, và nhất là ủng hộ Ukraina, Israel và Đài Loan. Những người Cộng Hòa ôn hòa mà Nikki Haley đại diện - nhất là phụ nữ ở ngoại ô - đang được cả hai ứng cử viên chiêu dụ. Những cử tri của bà « có chỗ đứng trong chiến dịch của tôi » - tổng thống Joe Biden khẳng định.

Tranh cử ở Mỹ không thể thiếu tài trợ

Các cuộc bầu cử sơ bộ còn tiếp tục cho đến tháng Sáu, nhưng chiến dịch tranh cử nay tập trung vào các bang « dao động » (swing states) là Pennsylvania, Wisconsin, Nevada, Bắc Carolina, Georgia, Arizona. Donald Trump cũng có thể rảnh tay chọn lựa phó tổng thống - bà Nikki Haley đã bị loại từ trước.

Về mặt tài chánh, bầu cử tổng thống Mỹ luôn thu hút các nhà tài trợ lớn. Những tên tuổi trong lãnh vực tài chánh, truyền thông, công nghệ, kỹ nghệ đều có mặt, đóng góp cho chiến dịch tranh cử của Cộng Hòa hay Dân Chủ, đôi khi cả hai. Trong cuộc đối đầu năm 2020 giữa Donald Trump và Joe Biden, 20 nhà tài trợ lớn nhất đã chi đến trên 2 tỉ đô la. Chuyên gia Marie-Christine Bonzom cho biết có ba lý do chính : quan điểm chính trị, hy vọng được tạo điều kiện cho một lãnh vực kinh tế, và chức vụ cho những người thân cận.

Sự đồng lõa giữa tiền bạc và chính trị khiến khoảng cách giữa giới tinh hoa và cử tri càng lớn, những cuộc mít-tinh ít dần. Năm 2012, cả Barack Obama và Mitt Romney đều nhìn nhận đã dành nhiều thời gian cho việc tiếp xúc những nhà tài trợ lớn thay vì gặp gỡ người dân Mỹ. Financial Times cho biết năm nay số nhà tài trợ ủng hộ Trump ít hơn hẳn so với 2020, trong khi cựu tổng thống rất cần tiền vì đang gặp nhiều rắc rối với tư pháp.

Phương Tây chần chừ, Putin được lợi

Liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraina, chuyên gia địa chính trị Jérémie Gallon trên Le Figaro nhắc nhở « Matxcơva đã tiến hành cuộc chiến tranh đa diện chống lại toàn bộ các nước châu Âu ». Theo ông, thay vì lo lắng về tư cách « đồng tham chiến », các nhà lãnh đạo cần hiểu rằng chiến tranh Ukraina là cơ hội cuối cùng để chứng tỏ châu Âu vẫn hùng mạnh.

« Một cuộc xung đột tại một nước xa xôi giữa những người mà chúng ta chẳng biết gì cả ». Câu nói của thủ tướng Anh Neville Chamberlain năm 1938 khi Đức quốc xã chiếm một phần Tiệp Khắc, đang được nhiều chính khách cả Âu lẫn Mỹ cố gắng sử dụng để biện minh cho việc từ chối ủng hộ thêm cho Kiev. Mỗi ngày, tiếng nói của họ càng mạnh mẽ và nhiều ảnh hưởng hơn. Khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron không loại trừ khả năng gởi quân sang Ukraina, ông bị tấn công từ mọi phía. Ngay tại Pháp, phe cực tả lẫn cực hữu đều đả kích, như Jean-Luc Mélenchon gọi đó là « một sự điên rồ vô trách nhiệm ». Nhiều người kêu gọi đàm phán lập tức giữa Kiev và Matxcơva.

Nhưng phải chăng « sự điên rồ vô trách nhiệm » chính là cứ nhất định làm ngơ không muốn thấy rằng chế độ Putin được nuôi dưỡng bởi sự yếu đuối và hèn nhát của các đối thủ ? Chính sự chần chừ, dao động của phương Tây đã tăng sức mạnh cho Kremlin, để cho quân của Putin hàng ngày phạm những tội ác chiến tranh. Hai năm sau cuộc xâm lăng, đã đến lúc nhìn nhận thực tế đáng buồn : viện trợ quân sự cho Ukraina quá chậm, quá ít và thiếu phù hợp với nhu cầu của những chiến binh trên mặt trận. Thất bại của cuộc phản công của Kiev là hậu quả.

Thủ tướng Scholz và những người núp sau lý lẽ không muốn trở thành đồng tham chiến, đã mù quáng trước một Matxcơva hàng ngày vẫn tấn công châu Âu trên nhiều phương diện. Nhất là châu Âu từ nay phải chuẩn bị đơn độc đối phó với mối đe dọa Nga. Để cung cấp đạn dược, hệ thống hỏa tiễn địa-không và các vũ khí cần thiết cho sự sống còn của Kiev, chọn lựa duy nhất là tái tổ chức, tăng cường kỹ nghệ quốc phòng châu Âu. Theo Le Figaro, chi tiêu quốc phòng từng nước cần được tăng lên, không phải để làm Donald Trump hài lòng, mà để tạo dựng lại uy tín trên trường quốc tế. Nếu không nắm được vận mệnh mình trong tay và bảo đảm cho chiến thắng của Ukraina cũng như an ninh châu lục, châu Âu sẽ đứng bên lề lịch sử và chỉ là món đồ chơi của những thế lực thù địch.

Thái độ của Đức khiến đồng minh bất mãn

Cũng về vấn đề này, Le Monde mô tả : Bốn sĩ quan cao cấp phương Tây trong đó có hai vị tướng, bàn về việc giao một loại vũ khí có giá trị chiến lược cao, trong một cuộc chiến do một cường quốc nguyên tử tiến hành. Cuộc đối thoại hết sức nhạy cảm này lại diễn ra trên một nền tảng không được bảo mật. Kẻ thù ghi âm lại và công khai trên mạng.

Đó không phải là cảnh trong một bộ phim trinh thám, mà lại là thực tế trong những ngày gần đây, và Đức là nước bị sập bẫy của Nga. Một thực tế đáng buồn, vì trong số tất cả các đồng minh của Ukraina, Đức chính là nơi mà chiến tranh tâm lý gây tác hại nhiều nhất. Berlin dường như đã quên mất phương pháp của Stasi được Matxcơva áp dụng. Những nghi ngại ở Đức không phải là bí mật đối với Vladimir Putin, từng là sĩ quan KGB phục vụ tại Berlin 5 năm, nói thạo tiếng Đức.

Sự bất cẩn của các sĩ quan Đức khiến các đồng minh lo ngại, thêm vào đó thủ tướng Olaf Scholz còn tiết lộ sự hiện diện tại Ukraina của các nhân viên quân sự Pháp và Anh, để hỗ trợ kỹ thuật về việc sử dụng các hỏa tiễn tầm xa đã cung cấp cho Kiev. Cả hai xì-căng-đan này cho thấy Đức gần như không muốn nhìn thấy một cuộc chiến thực thụ, trong khi ở phía đối diện, Nga là quốc gia khởi chiến và luôn lăm le gây chiến. « Sức bật chiến lược » mà ông Olaf Scholz hứa hẹn trước đây, rốt cuộc đang diễn ra với các nước Baltic, Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Cộng Hòa Sec.

Navalny : « Những người khác sẽ thay thế tôi »

Cũng liên quan đến Nga, Libération dành trang bìa và bốn trang trong cho cuộc phỏng vấn Alexei Navalny, một tháng trước khi ông quay về nước và bị bắt. Cuộc đối thoại giữa nghị sĩ châu Âu Jacques Maire và thủ lãnh đối lập Nga, nhằm chuẩn bị báo cáo cho Hội Đồng Châu Âu về vụ đầu độc Navalny, sẽ được chiếu công khai trên kênh LCI và Libération trích đăng độc quyền.

Nghị sĩ Jacques Maire không ngờ một người vừa bị đầu độc suýt chết, một bệnh nhân vừa được xuất viện lại đầy quyết tâm, tự tin và dễ gây cảm tình đến thế. Alexei Navalny khẳng định « Nếu họ giết tôi sẽ chẳng thay đổi được gì, vì những người khác sẵn sàng thay thế tôi ». Lời tuyên bố như từ thế giới bên kia của nhà đối lập chủ chốt với Vladimir Putin chứng tỏ Navalny biết rõ nguy cơ bị sát hại khi về nước. Cuộc đối đầu giữa Navalny và ông chủ điện Kremlin là trận đấu giữa hai khối đá hoa cương, hai con người kiên quyết hạ gục nhau. Nhưng một bên dựa vào hệ thống công an và hoàn toàn phi đạo đức, còn bên kia là một người đơn độc, chỉ có niềm tin và lòng can đảm. Hồi kết đã được biết trước.

Câu chuyện của Alexei Navalny về quá trình bị theo dõi sát nút và đầu độc, thật khó thể tưởng tượng : Sau khi tuyên bố ra ứng cử tổng thống, Navalny bị cho vào danh sách đen, đi đâu cũng bị theo bén gót. Những mật vụ này kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thích hợp để ra tay ám hại. Việc chọn lựa chất độc Novitchok nhằm khủng bố tất cả những ai có ý định chống đối.

Tổng thống Nga rốt cuộc đã đạt được ý định bằng cách thức hèn hạ nhất, khi để cho Navalny bị tra tấn trong tù, thiếu vắng camera và nhân chứng. Nhưng cái chết này là vết đen muôn đời cho Putin. Ngôi mộ của Alexei Navalny tại một nghĩa trang ở Matxcơva mỗi ngày ngập trong một núi hoa, che kín cả cây thánh giá, cho thấy với cuộc tử đạo này, Navalny đã trở thành đối thủ vĩnh cửu của Putin.

Người vợ góa Yulia Navalnaia khẳng định sẽ kế tục cuộc chiến đấu của chồng, đã kêu gọi người dân Nga phản đối Kremlin bằng cách đến phòng phiếu vào đúng 12 giờ trưa ngày 17/03. Chiến dịch « Đúng ngọ chống Putin » cổ vũ « bầu cho bất kỳ ai, trừ Putin », « làm hư lá phiếu », « viết lên chữ ‘Navalny’ thật to », hoặc « chỉ đơn giản là đứng trước phòng phiếu rồi quay về ». Đối lập tin rằng nếu nhiều người đến cùng một lúc, tiếng nói chống độc tài sẽ vang xa hơn.

Cuộc ly dị giữa Trung Quốc với thị trường chứng khoán  

Le Figaro cho biết ngay sau bài diễn văn của thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hôm 05/03, thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã xuống dốc ngay. Năm 2024, những hứa hẹn của các nhà lãnh đạo đỏ không còn được tin tưởng, người chơi chứng khoán trong nước theo chân các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ rơi thị trường Hoa lục. Năm 2023, 68 tỉ đô la đã chạy ra nước ngoài, và đầu tư của các nước vào Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ 1993.

Cho dù GDP Trung Quốc cao gấp 5 lần Ấn Độ, vẫn còn nhiều cơ hội cho các thương hiệu, vì đây là quốc gia không thể bỏ qua trong chuỗi sản xuất. Nhưng Tập Cận Bình làm hỏng tất cả những ưu thế này, với xu hướng độc tài khắc nghiệt nhất kể từ thời Mao. Một nhà ngoại giao ở Hồng Kông nhận xét « Ý thức hệ đã chiến thắng sự thực dụng ». Cuộc họp báo bế mạc kỳ họp Quốc Hội của thủ tướng, vốn là truyền thống từ nhiều năm qua, lẽ ra sẽ là cơ hội để trấn an các nhà đầu tư, nhưng đã bị hủy bỏ, báo hiệu kỷ nguyên mới toàn trị của Tập Cận Bình. Ông Tập chỉ chăm chú vào an ninh nội bộ, đã trở thành người đào mồ chôn một Trung Quốc vốn giỏi kinh doanh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.