Vào nội dung chính
Ý - PHÁP - VĂN HÓA

Khoảnh khắc quyết định qua tài chụp ảnh của Cartier-Bresson

Phác họa lại chân dung của Henri Cartier-Bresson, một trong những nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất thế kỷ 20, đó là tham vọng của Viện bảo tàng Ý Palazzo Grassi thông qua một cuộc triển lãm lớn tại Venise từ đây cho đến tháng 03/2021. Lúc sinh tiền, Henri Cartier-Bresson là một trong 5 thành viên sáng lập hãng thông tấn nhiếp ảnh Magnum, nổi tiếng trên khắp thế giới. 

Triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia Pháp Henri Cartier-Bresson tại Viện Bảo tàng Ara Pacis, Roma, Ý, ngày 25/09/2014.
Triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia Pháp Henri Cartier-Bresson tại Viện Bảo tàng Ara Pacis, Roma, Ý, ngày 25/09/2014. AFP - GABRIEL BOUYS
Quảng cáo

Trong sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm, nghệ sĩ Pháp Henri Cartier-Bresson (1908-2004) đã để lại một di sản khá đồ sộ với hàng chục ngàn bức ảnh chụp. Do là nhiếp ảnh ‘‘phóng sự’’, cung cấp cho các tuần báo hay nguyệt san có uy tín quốc tế như Life, Stern, Epoca, Picture Post hay Paris Match, Henri Cartier-Bresson đã chu du bốn bể năm châu, để rồi đi vòng quanh thế giới từ lúc nào không hay. Tựa đề cuộc triển lãm là ‘‘Le Grand Jeu’’ hàm ý thế giới là một sân chơi khổng lồ, rộng lớn. Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại Palazzo Grassi đồng tổ chức cuộc triển lãm này với sự hợp tác của Thư viện Quốc gia Pháp và Quỹ Henri Cartier-Bresson. 

Từ vai trò ban đầu của một phóng viên nhiếp ảnh, ông đã nhanh chóng trở thành một nhân chứng lịch sử khi có mặt vào đúng thời điểm của nhiều sự kiện quan trọng chẳng hạn như tại Argentina, Mêhicô hay cuộc khủng hoảng tên lữa Cuba. Ồng cũng là một trong những nhà nhiếp ảnh Tây phương đầu tiên chụp hình phóng sự tại Liên Xô, thời hậu Staline. Một trong những phương trời xa, nhưng vẫn là nơi ông có quan hệ gần gũi gắn bó chính là châu Á, có lẽ cũng vì ông theo đạo Phật và vợ ông là người gốc Indonesia. Henri Cartier-Bresson từng đi công tác ở Java vào lúc Indonesia tuyên bố độc lập, ông đến Pakistan hay Miến Điện để chụp các nghi lễ tôn giáo, nếp sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số. 

Nhưng có hai loạt ảnh chụp đã giúp cho tên tuổi của Henri Cartier-Bresson vang lừng khắp thế giới chính là bộ ảnh sưu tầm về lễ quốc tang tại Ấn Độ sau vụ ám sát lãnh tụ Gandhi. Bộ ảnh chụp thứ nhì được dành cho Trung Quốc trong giai đoạn những năm 1948-1949, thời lực lượng Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch buộc phải rút lui trước đà tiến của quân đội Mao Trạch Đông. Lúc đầu, nhà nhiếp ảnh người Pháp chỉ dự tính làm phóng sự trong vòng hai tuần, rốt cuộc ông ở lại Trung Quốc trong hơn 10 tháng. Ông buộc phải rời Trung Quốc trước ngày tuyên bố độc lập, khi mà các phóng viên nước ngoài đều bị trục xuất.   

Sinh thời nổi tiếng nhờ cái tài quan sát và khả năng phi thường để nắm bắt khoảnh khắc, Henri Cartier-Bresson đến cuối đời đã chọn ra 385 bức ảnh chụp ông yêu thích nhất. Những bức ảnh này nằm trong bộ sưu tập chính gốc của một bậc thầy ‘‘Master Collection’’. Ban giám đốc Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại đã đối chiếu nhãn quan của Henri Cartier-Bresson với góc nhìn của 5 nhân vật nổi tiếng : nhiếp ảnh gia người Mỹ Annie Leibovitz, đạo diễn người Đức Wim Wenders, nhà văn Tây Ban Nha Javier Cercas, Giám đốc Cục Nhiếp ảnh tại Thư viện Quốc gia Pháp Sylvie Aubenas và nhà sưu tầm François Pinault, vốn là chủ nhân của Palazzo Grassi. 

Theo đề nghị, các nhân vật nổi tiếng này lựa chọn mỗi người khoảng năm mươi tấm hình từ “Bộ sưu tập yêu chuộng nhất” của nhà nhiếp ảnh Henri Cartier-Bresson. Mỗi người một sở thích, nhưng thông qua sự lựa chọn ấy, 5 nhân vật nổi tiếng trong lãnh vực sở trường của họ có thể chia sẻ quan điểm cá nhân, và như vậy họ đem lại một tầm nhìn khác khi đối chiếu cọ xát các nhãn quan đa chiều, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau về công việc của nhà nhiếp ảnh Pháp.

Một trong những bức kiệt tác được kể tên nhiều lần chính là bức ảnh chụp mang tựa đề ‘‘Derrière la gare Saint-Lazare’’ (Phía sau nhà ga Saint-Lazare) mà ông Henri Cartier-Bresson đã thực hiện vào năm 1932. Tấm hình này sau khi được trưng bày tại Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại MoMA tại New York vào năm 1946 đã đạt mức kỷ lục 515.000 đô la nhân một cuộc bán đấu giá. 

Bức ảnh cho thấy tài nghệ nắm bắt khoảnh khắc của Henri Cartier-Bresson, ông không những chụp một người đàn ông đang lấy đà nhảy vọt trên sân sau của nhà ga bị ngập nước, mà ông còn chụp luôn cái bóng phản chiếu của người đàn ông này, khi mà vùng nước ngập trở thành một tấm gương. Bức ảnh không những sống động nhờ nội dung mà còn cực kỳ sắc sảo trong bố cục. Thời còn trẻ, trước khi trở thành một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, Henri Cartier-Bresson từng theo đuổi ngành hội họa và học vẽ với hai thầy là André Lhote (trường phái lập thể) và Jean Cottenet (xu hướng hàn lâm). Ngoài ra ông còn học thêm rất nhiều, kể cả việc tạo chiều sâu trong bức ảnh theo sự dìu dắt của đạo diễn Jean Renoir, con trai của danh họa Auguste Renoir.

Khi đặt ống kính chụp ảnh tựa như khung hình của một bức tranh, Henri Cartier-Bresson có cái tài tạo ra những bố cục với độ chính xác cao như thể trong mắt ông lúc nào cũng có một chiếc compa, đo lường khoảng cách giữa các chi tiết thoạt nhìn có vẻ tản mạn rời rạc, nhưng khi kết hợp lại làm nổi bật mối liên kết mạnh mẽ, giá trị của bức ảnh vì thế cũng lóe sáng hẳn lên. Khái niệm ‘‘khoảnh khắc quyết định’’ do ông đề xướng, sau đó trở thành nền tảng của làng nhiếp ảnh hiện đại.

Một bức ảnh có vẻ dễ chụp như vậy lại đòi hỏi nhiều năm tay nghề, trao dồi tinh luyện cách đặt góc nhìn, sự tập trung và óc quan sát. Ông quan niệm rằng ảnh chụp là bản vẽ chân thành nhất của khoảnh khắc, khi mà câu hỏi đòi hỏi ngay lập tức một câu trả lời. Lối chụp hình của ông vì thế không chỉ đơn thuần mang tính minh họa mà còn giúp cho các tấm hình đường phố, hay bức chụp cuộc sống có giá trị như tranh vẽ. Có lẽ cũng vì Henri Cartier-Bresson đã nâng cái động tác đơn giản bấm máy chụp hình lên hàng nghệ thuật cao quý, mà sinh thời ông đã được nhiều người kính phục nể trọng, để rồi mệnh danh ông là ‘‘Con mắt của Thế kỷ’’.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.